P6. Chuyến nhảy dù thất bại
(hay: Trời to bằng miệng giếng).
.
Từ chuyến nhảy dù thứ hai trở đi, cảm giác hụt hẫng đối với chúng tôi đã giảm đi nhiều. Tôi đã thực sự tự tin khi rời cửa máy bay, khi rơi tự do (chứ không “tỏ ra tự tin” như lần thứ nhất), nhưng có lẽ mãi mãi tôi không chế ngự được cảm giác ơn ớn khi rời cửa máy bay, nó “bạo lực” quá. Tuy nhiên, chúng tôi được một tay người Pháp – từng nhảy dù 1.500 lần với cả trăm lần xếp hình trên không – an ủi rằng “nhảy dù là môn thể thao cảm giác mạnh, vì thế nó cho anh cảm giác mạnh, cho dù anh nhảy lần thứ 1.500”.
.
Sau lễ trao chứng chỉ vận động viên nghiệp dư, khóa 1 giải thể, ai về nhà nấy tiếp tục công việc “đời thường”. Nhưng nỗi “khát khao bầu trời” chưa dứt, anh em lại tìm đến nhau để nói những chuyện mà chỉ người “trong ngành” mới cảm nhận được. Rồi thì, chờ bên Không quân tổ chức nhảy dù thì lâu quá, anh em rủ tôi đi chơi Dù lượn (Paragliding), xem như “nghề tay trái”. Đại để nhảy dù thì anh từ trên trời rơi xuống đất, còn dù lượn thì anh từ dưới đất (chính xác là từ sườn núi) bay lên trời. Nhảy dù thì rơi rồi mới được mở dù, dù lượn thì phải mở dù xong xuôi mới bay được lên. Môn này thì “bạo lực”, dứt khoát, mạnh mẽ, môn kia thì cẩn trọng, từ tốn, nhẹ nhàng (ngoại trừ dân dù lượn “biểu diễn”, các pilot có đẳng cấp, coi tính mạng nhẹ tựa lông hồng).
.
Vào cuối năm 2007, trước hôm Câu lạc bộ tiếp tục tổ chức nhảy dù (chừng chục ngày), hội dù lượn rủ tôi ra Phan thiết “bay chia tay” với một chàng trong hội (anh ta “chuyển vùng”). “Chiểu theo” nguyên tắc quân đội “dưỡng quân trước khi vào chiến dịch”, lẽ ra không nên đi, nhưng chia tay với đồng đội là cần thiết nên tụi tôi đã đi. Hôm đó, trong lúc bay lượn trên không thì đầu óc tôi cứ lơ mơ “ôn lại” kĩ thuật dù tròn. Đáp xuống, leo núi, cất cánh lần thứ hai vẫn hơi lơ mơ. Chừng mười mấy phút, nghe chừng không vui, tôi cho dù hạ xuống. Khi còn cách đất chừng bốn, năm mét, thay vì cứ việc ngồi yên (tốc độ xuống của dù lượn chỉ 1 m/s, rất êm ả), không biết ma quỷ nào xui khiến, tôi kéo hai dây lái xuống, kéo hết cỡ (một thao tác của dù tròn và bị cấm bên dù lượn). Thế là dù gập cánh, lực nâng bằng không và cứ thế … rơi. Giá chỉ có vậy thì dùng chân tiếp đất cũng không tới nỗi nào, nào ngờ gió tạt dù về phía sau lưng làm tôi bị rơi ngửa, chân cao hơn đầu: Đầu tiên lưng trái chạm đất, tới vai trái, qua đầu và lộn lại nằm úp sấp, còng queo (theo anh em thuật lại). Đau như … trời giáng. “May” cái ghế dù lượn có tấm dựa lưng nên cũng … “êm”. Tôi lò mò về nhà với cái lưng cứng đơ cùng nụ cười gượng gạo. Ngồi … đau, nằm … đau, thở hơi mạnh … đau, ăn cơm chưa hết chén đã thấy “dội”, suốt ngày lử khử lừ khừ. Vợ tôi than … trời, lôi tôi đi bệnh viện khám không thiếu “khoa mục” nào. Bác sỹ nói chỉ bị “phần cơ”. Mất cả chục ngày xoa bóp rượu ngâm hạt gấc pha đều với “mười hai điều chỉnh huấn” của bà xã, mới thấy đỡ.
Tới ngày nhảy dù, tôi và cái lưng đau cùng tới Câu lạc bộ trong vai trò cổ động viên “cấp cao”, muốn làm gì tùy thích, trừ nhảy dù. Chuyến nhảy dù lần thứ sáu của tôi thế là thất bại, đành chờ kế hoạch năm tới.
.
Một vận động viên dù đẳng cấp quốc tế nói “phần thưởng lớn nhất dành cho người chơi dù là gì? – kể cả khi anh trở thành vô địch quốc tế, bởi phần lớn những người khác không biết dù là cái (thứ) gì. Khi anh nằm xuống, chỉ còn vài người nhớ tới anh, không phải vì anh giỏi môn dù, mà chỉ vì họ là bạn, là người thân của anh. Phần thưởng lớn nhất dành cho anh là thoả mãn đam mê. Anh là huyền thoại trong chính sự suy nghĩ của mình”. Xin mượn lời anh ta để kết thúc bài viết.
.
Ảnh 1: Chết rồi, hai chiếc dù này bị xẹp? Không phải, mà nó đang mở.
Ảnh 2: Dù lượn – thiết bị bay không động cơ.
Ảnh 3: Dù lượn là một dạng “du lịch ba lô”, nó không chỉ bao gồm leo núi và bay lượn.
Thứ Tư, tháng 1 09, 2008
Nhảy dù, không phải chuyện đùa
Gửi bởi HCQuang lúc Thứ Tư, tháng 1 09, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
37 nhận xét:
Báo cáo các anh.
Dân nhậu, khi đã sừng sừng thì thích nói, khi nói bị ngắt lời thì lại nói tiếp, ai không nghe mặc lòng, miễn là mình được nói. Tôi kể chuyện đang "dở miệng", nay xin cứ nói tiếp.
Vả lại, đã được đ/c Phó trưởng ban biên tập bật đèn xanh rồi, kể tiếp (chút đỉnh) không bị phạm quy.
Mua vui cũng được một vài trống canh.
HCQuang
Bác Quang ơi! cứ nhảy dù xong mà lại nhậu như ảnh 3 thì có lẽ máy bay quá trọng tải và lúc rơi thì nhanh lắm. Lê Thanh chỉ thích như ảnh 3 thôi còn như 2 ảnh trên thì sợ lắm. Bác Quang thông cảm Lê Thanh thấy cuộc sống này còn nhiều niềm vui lắm ạ.
Riêng chuyện anh Chí kể được nhiều như thế này cũng bõ công bỏ ra để nhảy.
Anh em ta "đạo" một ít điều trong này, ra chỗ vắng kể cho người ta nghe, uy tín chắc lên kha khá.
Cậu LêThanh này không hiểu anh Chí rồi. Chính cái lúc đang lơ lửng dưới dù là lúc có "nhiều niềm vui lắm". Còn lúc nhậu là để quên đi thời gian chờ đợi thôi.
Vận động viên dù HCQ trong ảnh 3 trông “phom” rất “dây”. Nên khi nhảy lỡ dù có mở chậm thì “No vấn đề”. Hình thể này “khá” là phù hợp với VĐV nhảy dù.
Cảm ơn anh Chí,lần này không phổ biến tài liệu nữa.Bài ngắn vừa phải, không như những bài trước, đọc nổ cả đom đóm, còn nín thở nữa chứ.Phải nín hở vì chờ xem bài học sắp kết thúc chưa.Thế mới thấy anhh Chí đươc quá ưu ái,TM cho ra lò móm RTC thì bị ngay một "bè lũ" đòi căt, đòi chia...
Xem ra cái sự nhảy dù và lượn lờ của anh Chí sắp đến hồi kết.Anh bị "cấp trên" cắt bay ,lượn ( chỉ còn nhảy thôi). Chính vì vậy anh phải hồi tưởng, phải hồi kí để nhớ cái thời oanh liệt.Ấy thế mà ta cũng đã là trưởng lão trong cái nghề bay lượn rồi.Oách!
DS
Bãi biển trong hình 2 thuộc khu vực Hòn Hồng - Phan thiết. Hồi xưa bãi này là nơi tắm tiên của lũ Tây dương. Bờ biển cong cong hình chữ U, kín đáo, vắng tanh (xe hơi không ra tới bờ biển được), không có ai khác ngoài đàn bò. Một vài năm gần đây, đám dù lượn tới bay nhởn. Bay cao 300m, ngay điểm cất cánh cũng đã ở độ cao 100m rồi, nỏ thấy chi mô, nói thật đấy, dưng mà mấy em Tây dương ngại (không biết nó ngại chuyện chi) nên đã bỏ làng đi biệt xứ. Và bờ biển trở nên trong sạch, phù hợp với truyền thống văn hóa VN.
HCQuang
Ảnh 3: Bên cạnh lại có một "em áo đỏ", chứng tỏ "yêu anh Chí".
GM.
Thật ra nhẩy dù và ăn nhậu thì cũng ko khác nhau là mấy. Một đằng thì bay lượn trên trời tìm cảm giác "sướng" rồi xuống đất. Một bên thì từ dưới đất tìm cảm giác "sướng" rồi "bay lượn" lên trời! Cũng vậy thôi.
HMK6
Cháu chỉ thích tụ bạ với mấy thằng Bợm rồi nói Nhảm hoặc tán hươu tán vượn với mấy người đẹp, chả giống cái môn Dù lượn vớ lượn vẩn của bác Q: mỗi ông bay 1 góc, đek có chuỵn trò gì sất, có "Hàng Nude" ở dưới cũng như không
Nhưg xem bài xong cháu đã tìm được điểm Chung: Họ là nhữg người kcần Nổi Tiếng, cứ làm cái mình Thích, miễn là thấy Sướng-cái Máu này cháu cũng có tí ti :-)
Bác Chí nhà ta tạm stop chuyến bay thứ 6 bằng những "chập mạch" trong 1 khỏanh khắc. Suýt toi đi những ước mơ! Về có làm mâm cỗ và thắp hương cảm ơn Giời không? Tuổi này mà tai nạn, nhất là phần trục sống, là "ban-căng" lắm!!! Mà đúng là "cà cuống chết đến..." vẫn mong chờ chuyến bay liều mạng cho năm tới?
Tưởng lan man dài dòng mất tết của anh em, hóa ra càng viết càng ngắn và càng hay ra. Bố tiên sư cái anh viết lách!!!
Phải phong cho Quang là hoà thượng thôi ( hoà thượng thích đủ thứ ấy mà ). Ở tuổi này mà còn thích bay nhảy và tìm cảm giác mạnh thật là mạnh mẽ, nghe đâu Q còn muốn lướt sóng nữa mới thoả. Hôm trước ngồi nhậu, anh em khoá 3 đề nghị Q tường thuật lại các chuyến nhảy dù của mình để anh em thưởng thức và Q đã giữ lời hứa, cám ơn nhiều. Chuyện này có thể đưa vào kỷ lục Guinet của Trỗi rồi.
Bác Chí ơi hết chưa?Cho chúng em còn làm việc khác.Đọc chuyện của bác hồi hộp quá!Bọn em chỉ thích đi biển thôi, dù có say sóng dưng mà an toàn hơn.Vợ bác dũng cảm thật đấy!Bác chỉ "nghịch"thôi.
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trăng như mây
"Liều mạng" như Chí Quang đây
Nhẩy bằng "dù ảo" có ngày gẫy lưng.
GM.
cuối cùng thì bác Chí cũng viết hết được cái bài nhảy dù của bác, tôi phải khen bác là bác cực lạc quan đấy, ở cái tuổi trời thì ngày càng xa hơn, đất càng gần hơn mà bác vẫn lúc thì lơ lửng giữa trời và đất, lúc thì lặn dưới nứơc quả là không ai theo kịp. Cám ơn bác đã chuyền cho ae lòng tự tin vào bản thân mình và sự lạc quan trong cuộc sống.
VTM
Lần theo danh sách K4, gọi điện cho HCQ. Đang đưa vợ đi đâu đó bằng xe máy nên khó nghe.
"Alô" GM đây! Nhận được tin nhắn của HCQ thông báo kiểm tra số điện thoại. Soẹt, thế là kết nối.
Vừa đi ăn cơm về, nhà ăn sĩ quan thôi, không phải nhà hàng đâu, chợt nghĩ ra câu kết "Bút Tre" thế này:
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
"Liều mạng" như Chí Quang đây
Nhẩy bằng "dù ảo" có ngày gẫy lưng.
Comment ca ngợi tưng bừng
Xin hỏi anh Chí đã dừng hay "con"? (continue).
GM.
Chào KT (tóc bạc da mồi).
Hôm đó các đ/c K3 phỏng vấn hơi kĩ, mỗi vị hỏi dưới 1 góc độ, mà tôi lại chưa có sẵn "tham luận", thành thử cũng ngọng.
HCQuang
Chào đ/c GiangMù.
Còn chứ, cái lưng đã khỏi 90% rồi (cũng có thể 95%). T7, CN này tôi sẽ làm 1 chuyến dù lượn, có 1 đại tá đi giám sát (đ/c Dũng Gỗ K3). Tháng 4/2008 tụi Không quân tổ chức nhảy dù, tôi sẽ đăng kí, nhảy 2 chuyến thôi, chứ nhảy nhiều nguy hiểm lắm. Chắc chắn lúc đó cái lưng không tỳ vết (100%). Hi vọng được Không quân cho lên cấp (chuyển từ dù trắng sang dù màu - đẳng cấp cao hơn).
Nhảy dù an toàn lắm, xacsuat một phần vạn, an toàn hơn chạy xe gắn máy, hơn cả xe hơi.
HCQuang
Chào Đạt bột.
Thực ra anh rất nể chú. Hồi xưa chú lặn vo gỡ dây cáp cuốn vào chân vịt tàu Viễn dương, nghe mà ớn lạnh xương sống, chuyện anh có chi (nói thật đấy, không nịnh chú đâu).
Chú nói đúng, bà xã anh dũng cảm, dũng cảm thực sự, anh chỉ là thằng ngịch ngợm, phá phách thôi: Lần nào anh nhảy dù là y như rằng tối hôm trước bà xã anh mất ngủ, sáng hôm sau cứ chập choạng tới khi có cú điện thoại "anh nhảy dù thành công rồi".
À quên, kí tên: HCQuang
Đạt bột là lính Hải quân mà, chuyện đó quá dễ. Tôi có lần đi chữa tầu cánh ngầm cho Hải quân ở bán đảo Sơn Trà cũng phải lặn vo xuống xem nó thế nào, vì đưa lên đốc nổi thì chi phí đắt lắm (1Tr. VNĐ/ngày - tính theo thời giá năm 1990), không chịu được, đành phải liều thôi.
Nói như HCQ, nhẩy dù thì an toàn thật, nhưng lỡ khi đang ở trên không mà muốn "mường tè" thì làm thế nào?
GM.
Hy vọng bạn sẽ được thăng lên đến "thất đẳng dù mầu".
GM.
GM chả biết kĩ thuật hàng không rồi. Đi vào WC trên máy bay dân dụng, khi giật nước thấy nước xả vào thì ít mà nó hút mạnh lắm. Nghĩ bụng "khiếp, WC trên máy bay cũng phải có máy hút, hiện đại quá". Đến khi đi tầu hoả, thấy đường tầu qua cái lỗ mới nghĩ ra chắc các loại tầu đều thế cả???
Anh Chí có muốn thì tranh thủ còn ở trên cao, cứ hành sự thôi. Chỉ cần chú ý không tương vào ... loa của ông chỉ huy đứng dưới là được!
Khi đang nhảy dù thì c. thót lên tận cổ, làm sao mà tè được.
Xacsuat mất an toàn là 1/100.000 phải không, tức là cứ 100.000 lượt nhảy dù sẽ có 1 lần bị tai nạn đúng chưa. VN đã có 99.999 lượt nhảy dù an toàn rồi, tới phiên HCQ là thứ 100.000.
Lặn vo.
Chân vịt nằm khuất trong 1 khuôn viên ba bề kín mít, Hà bám dày đặc hõm tàu, sắc như dao, sóng biển dập dềnh lên xuống, lỡ đáy tàu nó dập xuống 1 phát. Thế mà các bố lặn vo, kinh thật.
Còn nếu cho tôi đeo bình khí nén, áo quần mặc chồng 2 bộ, giày mũ găng tay, chân nhái đầy đủ, mà bắt chui vào nớ thì ... ngợp quá.
GM và anh em Đạt bột siêu thật.
HCQuang
Chí Cu lại sai rồi. Chân vịt mà ba bề kín mít thì lấy nước ở đâu mà đẩy ra. Tầu thuỷ thì cũng gần giống cái vỏ lãi đi về nhà ông Ba Tây thôi.
Nhưng mà dù sao thì GM và ĐB cũng giỏi.
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng mông trắng như mây...
chứ???
Trần Tiên Sinh ơi! thơ thẩn sao lại lẩn thẩn thế? Trần Tiên Sinh đứng ở vị trí nào để có cảm hứng làm ra hai câu thơ trên?
HThành chẳng iết gì về sông biến mà cứ phát ngôn. Với chân vịt của xuồng ghe, 6 mặt không gian (tương ứng với 6 tấm quan tài), không tính phần đuôi vỏ lải là vách. Tàu biển chân vịt nằm lùi vào phía trong, 3 mặt bị vách che kín (chưa tính vách đuôi), chui vào kinh lắm, như vào cái quan tài.
Nghe cho rõ đây, tôi lặn biển, xuống 15m họat động trong vòng 50phút (có bình khí nén) mà bị tụi nó coi như đồ bỏ (dân nghệp dư hạnh bét phải xuống tối thiểu 18m hoạt động trong vòng không dưới 40 phút), thế mà không dám mon men tới vách tàu. Cỡ chú HT đi lặn biển, xuống 5m nước là được huy chương vàng rồi. Trật tự, nghe Đạt bột, GM.
HCQuang
Ô,ô, vội quá, viết sai, xin sửa:
HT chẳng biết... chân vịt của xuống ghe thì 6 bề đều là không gian, còn tàu biển thì chân vịt...
HCQuang
HT chỉ biết lặn xuống đáy giếng công binh Hưng Hoá mò gầu thôi.
Còn cái chân vịt tầu thuỷ thì cần gì phải lặn, cứ xem cái nào sắp hạ thuỷ thì biết thôi mà.
Để các anh hiểu thêm về tàu.Tàu chiến đấu khác với tàu chở hàng,tàu chiến có tốc độ cao ,nên chân vịt xiên xuống đáy tàu ,không có vật cản trừ bánh lái,nên rất dễ bị vướng lưới hoặc dây.Trước đây trong chiến tranh,du kích cũng dùng dây bẫy tàu địch như thế.Sau này đi tàu hàng em cũng phải xuống cạo hà ở chân vịt tàu khi bị nó bám quá nhiều do neo , đậu lâu ở nước ngoài.Mà hà bám vô chân vịt, hoặc đáy vỏ tàu thì làm cho tàu giảm tốc độ,hao dầu và chạy nặng lắm!Kiếm 1 hòn đảo tránh sóng,thả thang dây leo xuống,cầm 1 con dao dùng để cạo ,bám chặt chân vịt không cho sóng đánh,ở ngoài biển lặn khó hơn trong sông vì nước mặn luôn có xu hướng đẩy lên.Biển lạ ớn lắm ,không biết có cá mạâp không?Nhưng mình không làm thì ai làm?
Tôi chỉ sửa chữa cánh ngầm. Cánh ngầm nằm phía mũi tầu tạo lực nâng như cánh máy bay để nâng thân tầu lên khỏi mặt nước, chỉ còn chân vịt và đuôi tầu tiếp xúc với nước, giảm ma sát để tầu có thể đạt đến tốc độ 40 mile/h.
Chân vịt có nhiều loại. Đối với xuồng ghe nhỏ chỉ có một chân vịt, loại tầu lớn thì phải có 2 chân vịt trở lên. Vì theo định luật 3 của Newton, nếu có 1 chân vịt thì phản lực sẽ quay tầu theo chiều ngược lại , lúc đó lái sẽ rất nặng, vì vậy phải có chân vịt thứ hai quay ngược chiều để triệt tiêu phản lực. Cũng như trực thăng vậy, phải có cánh quạt phía đuôi để thân máy bay không bị xoay tròn. Bình thường thì dù là tầu lớn hay nhỏ, chân vịt luôn nằm trước bánh lái và không có gì che chắn cả. Có thể Đạt bột đã lặn xuống loại tầu này. Đúng như HCQ nói, có một loại chân vịt nằm trong "quan tài". Để tăng hiệu quả (tập trung dòng) đẩy, người ta đưa chân vịt vào một khoang kín hình quan tài nhưng có một mặt (đối diện với mũi tầu) hở và có nhiều cánh lái giống như cửa sổ xếp. Ngoài ra, kết cấu này còn có ưu điểm làm giảm tiếng ồn của chân vịt, tránh bị ra đa thuỷ âm của đối phương phát hiện, đặc biệt là đối với tầu ngầm. Còn một loại nữa không có chân vịt và không có bánh lái mà dùng luồng phụt để tạo lực đẩy và hướng loa phụt theo các góc khác nhau để lái tầu.
HCQ kể chuyện nhẩy dù "không chuyên", tôi cũng kể chuyện chân vịt "không chuyên", lằng nhằng dây điện quá, các bác thông cảm.
GM.
À, thế là CQ bảo dưỡng chân vịt xe bọc thép, cái loại đặt trong ống để tạo luồng phụt ấy. Giống như nài ngựa, loại ống này cần người ốm (gầy) mới chui vào bảo quản được!!! Anh Tư của TM cũng bảo quản ống phụt máy bay Mig-21 đấy. (Sắp có người nói chuyện chân vịt máy bay)
Xem aGM nói mới biết lâu nay "chửi" oan mấy cái phim Mỹ "bốc phét" vì thấy chân vịt tàu trong phim này thì nằm ngoài, trong phim khác lại nằm trong, cứ nghĩ đạo diễn "bênh" nhân vật tạo khó cho thằng này, gây dễ cho thằng khác. Đúng là tụi Mỹ, lắm trò quái đản làm mình rối tung. Nhưng nay đã mở rộng tầm mắt đủ để giảng giải cho mấy đứa "ghét oan" ĐQ Mỹ !
HMK6
To Đạt bột:
Chân vịt tầu chiến thường chúc xuống một góc so với mặt phẳng ngang. Khi chân vịt quay sẽ tạo ra lực xiên. Lực này được phân thành hai lực thành phần: phần nằm ngàng đẩy tầu đi, phần thẳng đứng nâng mũi tầu lên để giảm phần thân tầu tiếp xúc với nước, vì thế mà tầu mới phóng nhanh được, đặc biệt là tầu tên lửa và tầu phóng lôi. Theo lý thuyết thì dù động cơ tầu có khoẻ đến đâu thì tốc độ tôí đa của tầu cũng không vượt quá 30 hải lý/h. Để vượt ngưỡng này phải làm tầu cánh ngầm. Ngày nay còn một loại kết cấu tầu cao tốc nữa gọi là tầu hai thân. Bề mặt boong tầu vẫn như cũ, nhưng thay vì thân liền một khối, người ta làm thành hai phần như cổng chào để giảm tiết diện cản.
Nhờ có chuyến nhẩy dù trên trời của HCQ mà mấy tên dưới biển mới có điều kiện giãi bầy tâm sự.
GM.
Hôm T7 và CN (12/01, 13/01), tụi tôi đã thực hiện hành vi chơi dù lượn với sự "giám sát" của đại tá NguyễnHữuDũng K3.
Do thời tiết không thật phù hợp nên thời gian trên không hơi ít, nhưng đã để lại ấn tượng tốt cho "giám sát viên". Riêng tôi, vì đi bay phục hồi nên chỉ leo núi có 2 lần, bay đúng 3 lượt với thời gian ngắn. Kết quả phục hồi tốt.
Kính.
Đăng nhận xét