Ngày làm việc đầu năm 2008, tại văn phòngg mở mail thì được thư Chí Thọ. Hắn nhắn: nhờ gửi bài này lên blog k4-k5. Nghe mà sướng vì lính k3 lại "hòn mê" blog k4-k5. Xin đăng tòan văn.
Gửi Thanh “rắn”
Tôi vừa đi chơi lêu têu cả tuần về thì Kiến Quốc gọi điện đến :
- Anh “lặn” đâu mà “sâu” thế?!... Đã xem các bài du hành ký Quế Lâm của anh em chưa? Sau chuyến đi ai cũng “lên tay”…
Tôi bật máy. Vui thật! Các blogger đều viết hăng say. Lại còn tranh ảnh tràn ngập nữa… Có bạn gọi điện cho tôi :
- Trước đây đọc bài “Trở lại Quế Lâm” của ông, tôi cứ bần thần trước câu: "… Rồi tôi cũng đã thực hiện xong ước nguyện trở về Quế lâm. Chỉ một mình tôi trở về giữa chiều lộng nắng. Tất cả đều đã đổi thay, trừ dãy Triều Dương và dòng Ly Giang xanh ngắt”. Nó như chào mời, lại như thầm… oán trách(?). Lần này tụi tôi đi… cả bầy, làm “náo loạn” Quế Lâm. Ấy là hắn “nói kháy” tôi vì cái chuyện mười mấy năm trước (khi “chiến cuộc” mới vừa tạm lắng) đã một mình đi sang đó, ngó nghiêng xuôi ngược như tên… gián điệp, khiến bên Bạn cũng phải “nâng cao cảnh giác” cử người lò dò đi theo “giúp đỡ” suốt chặng đường dài.
Blog K4 viết hay. Rất ấn tượng. Đa chiều và sinh động. Ấm cúng mà vui tươi (Blog K3 chắc còn hay hơn, nhưng hiềm nỗi toàn bằng chữ… “Cămpuchia”, đánh vần hoài “hổng” được!).
Hơi bất ngờ khi gặp bài của Thanh “rắn” gửi tôi… Cảm động quá! Bạn bè xa nhau đã 40 năm mà vẫn còn nhớ, thật quý! Tôi quen Thanh “rắn” (K4) qua Đăng Việt (K3). Hắn lại còn nhắc đến một “bài thơ” xa lắc của tôi (?) và đòi tôi phải “chuộc” lại nữa… Nghĩ mãi mới lờ mờ nhớ ra rằng: Có lẽ (có lẽ thôi nhé) tôi đã viết ra nó thật… Viết trong một “hoàn cảnh” cùng vài bạn nữa (cũng lười học như mình) trốn ra Quế Lâm xem các phe phái “Hồng vệ binh”… choảng nhau. Chứng kiến cảnh binh đao xào xáo ấy; nghĩ tới cha mẹ, bà con mình đang gian khổ chiến đấu ở quê nhà; rồi lại thấy bức tượng “lãnh tụ vĩ đại” đang giơ tay mỉm cười giữa Thất Tinh Nham… mình đâm “tức cảnh” mà hóa… giận chăng(?). Giờ đây chẳng biết có nên gọi nó là … thơ hay không nữa(?). Nhưng có lẽ cái tình thì cũng là… dễ thương. (Nếu có bạn nào “lỡ đọc” thì xin hãy cho qua). Mong rằng Thanh “rắn” đừng “đăng quang” nó lên làm gì. Cứ coi như chỉ có anh em mình biết với nhau thôi. Mai mốt vô đây, tớ sẽ xin “chuộc” lại hậu hĩ. (Cứ liên hệ qua Kiến Quốc, nhà “bạn Trỗi” nào hắn cũng biết!).
Viết tới đây tôi lại bỗng nhớ ra rằng “trong lịch sử” tôi cũng đã từng bị một bạn khác bắt phải “chuộc thơ” (mà lần ấy thì coi bộ có phần “nguy” hơn!). Tiện đây xin kể dông dài một chút cho vui, ai xem thì xem (blog mà!). Bản thân tôi đã tự nghiệm ra rằng: Mình cũng có thể là một “nhà” nào đó (mà quan trọng nhất là “có nhà” để ở) nhưng chắc không thể là nhà… thơ! (Nhà thơ có nhiều “tố chất”… siêu việt lắm, mình “hổng” theo được). Nhưng tệ cái rằng thỉnh thoảng cũng có làm… thơ (nếu coi đó là thơ!). Nhưng tính tôi lại cẩu thả, viết xong là quăng đâu đó, chẳng đoái đến nữa. Bữa nọ gặp lại Trung Việt (K3). (Anh bạn tài hoa này đã “ra đi” mấy năm nay rồi, cầu mong cho hắn luôn thanh thản chốn vĩnh hằng!). Hắn giơ ra một tờ giấy cũ mèm dứ dứ “dọa” tôi:
- Bài thơ này mà lọt vào tay “bà xã” ông thì cũng có hơi… phiền đấy! Liệu mà “lo lót” cho… êm “cái vụ này” đi!
Tôi hơi… hoang mang, không biết sao thơ… thẩn của mình lại lọt vào tay hắn(?). Đó là bài “Không đề” theo thể 6 chữ gắt nhịp, viết cách đó những hơn… 20 năm. (Sau này ai đã đặt cho là “Tiếng người không nói”, nghe… “sến” lắm!). Trung Việt đọc oang oang cái đọan cuối khá… lâm li :
… Ta đi hút đường Hưng Đạo
Ngoảnh lại vẫn thấy người nhìn
Chợt hiểu điều người muốn nói
Sau đôi mắt sáng im lìm
Nhìn nhau đắm đuối, lâu thế, đến “hút” cả con đường dài nhất của Hà Nội. Hẳn nhiên phải có… vấn đề rồi! Tuy nhiên, tôi đã thở phào, vì hắn chỉ đưa ra cái “đuôi” mà dấu đi cái “đầu”. Bài thơ có ba khổ, mà ngay khổ đầu đã rất rõ ràng minh bạch :
Ngôi nhà thân yêu của ta
Ta đã bao lần trở lại
Ta đã bao lần ra đi…
Nó được viết trong “12 ngày đêm B52” ở Hà nội. Là khi tôi tranh thủ tạt qua nhà, chứng kiến cảnh Khâm Thiên, Bạch Mai tan hoang, Đại sứ quán Pháp (chỉ cách nhà tôi vài chục mét) sụp đổ… Nhớ đến câu nói của Bác Hồ: "Hà Nội, Hải Phòng… có thể bị tàn phá, nhưng nhân dân ta quyết không sợ!...". Bi tráng quá! Tôi linh cảm như đây là lần cuối còn nhìn thấy Hà Nội, nhìn thấy ngôi nhà thân yêu của mình… Đạp xe lầm lũi trong đêm ngược hướng sông Hồng (vì cầu Long Biên đã bị đánh sập) về lại đơn vị, bài thơ đã dần định hình…
Nó không đăng ở đâu cả, nên được coi như vẫn “để ngỏ”. Vài năm sau tôi đi Trường Sa, dạt vào Song Tử giữa mùa dông bão. Cảm khái trước cái gian truân gan góc của nơi chân trời góc biển ấy, tôi đã “bổ sung” thêm một đoạn nữa vào “Không đề” :
… Ta băng ra vùng biển lớn
Nước trời ngờm ngợp long đong
Chong chong đêm trường Song Tử
Bồi hồi manh áo tả tơi…
Vô cùng gian khổ, người ơi!
Mà không cầu xin chi cả
Can trường và chỉ… yêu thôi!
Đã “không cầu xin chi cả” mà lại còn nèo thêm “chỉ… yêu thôi!” thì quá lắm(!). “Ta – Người” ở đây có thể là ai đó, mà cũng có thể là tâm trạng lính biển với đất liền… Ấy thế mà Trung Việt còn định “dọa” tôi. (Bây giờ thì Song Tử đã “đỡ lắm rồi” ít nhất thì cũng có căn nhà để ở, có rau để ăn…).
Có ai đó đã viết rằng :
Thơ là rượu của thế gian
Phải đâu nước lã rót tràn mời nhau
Cho đời nhớ được một câu
Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành
Thơ tôi thuộc loại … xoàng. Thế mà 40 năm rồi Thanh “rắn” vẫn còn nhớ được. Điều đó hẳn vì tình nghĩa bạn bè, chứ không phải vì thơ… thẩn. Cảm động là vậy! (Thời buổi này mấy ai còn ngó đến… thơ). Vậy thì, cứ y theo lời hẹn: Ngày “tái ngộ” nào đó, tôi xin “chuộc lại bản quyền” chu đáo.Chứ đưa lên blog cái tâm trạng chàng trai 17 tuổi cách đây gần nửa thế kỷ hẳn sẽ bị mấy ông bà già “u-ơ” 60 “thời @” cười cho. Đưa lên là khỏi “chuộc” luôn./.
Tháng 12/2007
7 nhận xét:
Chào ChíThọ.
Xưa nay Cángkiền tiên sinh chỉ góp chút đỉnh vô blog Trỗi ở "khoa mục" góp ý, nghĩ mà nản cho giới sỹ phu Bắc hà (tạm trú đất phương nam). Nay tiên sinh có bài, âu cũng là thể hiện "thiện chí". Cảm kích, cảm kích.
Hôm ghé Y trung (Quế lâm), tôi chiếu ống kính lên Tu sơn, chợt nhớ 1 câu của "ai đó":
...Ngày ấy, khi nhảy nhót rên đầu tượng Tu sơn, ta không thật để ý gì về thời gian. Ta vẫn nghĩ rằng: ta luôn rất trẻ, tượng Tu sơn thì rất già. Còn bây giờ: ta đã sắp già, mà tượng Tu sơn thì vẫn còn trẻ mãi...
Đúng quá.
Xin họa với tiên sinh 1 câu (của người ta):
Túc tích sầu thân bất đắc lão,
Như kim hận tác bạch đầu ông!
(Ngày trước sợ mình không phải lão,
Bây giờ lên lão lại âu sầu).
Chúc tiên sinh tân niên tân giai lão (nói chữ, không biết trúng trật ra sao).
Lên blog đọc tâm trạng của "chàng trai 17 tuổi cách đây gần nửa thế kỷ" , " mấy ông già u-ơ 60 thời @" cười nhưng trong bụng lại tiếc thầm sao bạn vẫn giữ được nét trẻ trung thế và sao trí nhớ của bạn tốt thế.
Cảm kích vì cuối cùng thì Thanh rắn cũng nhận được trả lời, vào ngày đầu năm, thế mới oách chứ. (Cứ tưởng là mất hút mất rồi)
HThành lo với cái lo của Tổng quản: có bài viết cần sự huởng ứng của bạn đọc mà lại mất hút. Nhưng riêng anh Trần Chí nhà ta thì ông biết đấy mọi việc phải suy tư, nhào nặn, kĩ từng cho chữ. Và cuối cùng vào đúng ngày đầu năm đã có bài chát chúa!!!
Trong bài của anh Chí Thọ có nhắc đến anh Trung Việt K3, làm em nhớ lại a Trung Việt là một người rất giỏi về lập trình điều khiển hệ thống, vì có một dự án của Hải quân mà em được tham gia, thấy a Trung Việt là một người rất say mê công việc, rất giỏi về chuyên môn, khiêm tốn và dễ gần. Rất tiếc anh ra đi sớm trong lúc khả năng chuyên môn đang được phát huy cao độ và có rất nhiều kinh nghiệm trong điều khiển. Trân trọng tưởng nhớ đến a Trung Việt !
@Vinhnq: Đúng,con người anh Trung Việt là vậy, thông minh, dí dỏm, hay viết. Nếu còn sống chắc chắn sẽ là 1 trong những blogger tích cực.
@CQuang: Ngày cùng học Vô tuyến k5, cánh "dân cùng làng" Trần Hưng Đạo có Chí Thọ, Kiến Quốc, Bồ Vinh, Thanh Đuờng. CQuang đuợc "ăn theo" vì Thiền Quang chỉ xa Trần Hưng Đạo có 1km. Nay làng ta có Bồ Vinh đã đi xa. Năm mới lại nhớ đến bạn cùng làng!
"Làng" Trần Hưng Đạo còn có 5 anh em nhà Vân Hùng.
Xin 1 phút tưởng nhớ tới Bồ Vinh, dân cùng làng.
HCQuang
Đăng nhận xét