Thứ Hai, tháng 11 03, 2008

Nhân mưa bão, rách việc... nhớ lại ngày chập chững vào cơ chế thị trường

Từ những chiếc máy dệt kim tự động
Đầu những năm 1980, nền kinh tế nước ta như hụt hẫng. Hết chiến tranh, hết viện trợ. Trước nay quen sống trong cơ chế bao cấp nay mất đi bầu sữa để bú. Đói, khổ. Ai cũng cố loay hoay tự lo cho cuộc sống của mình, của vợ con. Những ngày đó, tôi là giáo viên Đại học KTQS. Cánh lính kỹ thuật quá “đói” cũng phải tìm cách “bò”. Vậy là anh em tôi mò đến các cơ sở kinh tế để đánh “pắc” (cách gọi của bọn lính đánh thuê Pắc Chung-hy thời chống Mỹ). Khi thì “di vu” lắp cho trại lợn giống hệ thống truyền thanh, khi thì trang bị cho trại gà phòng văn hóa với loa đài, am-ply, TV… trả lại là ít “hàng đối lưu” hay thịt lợn, thịt gà vào dịp Tết.
Năm 1982, biết Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (cũng là cơ quan của vợ Quý Tôn Gia) mới trang bị hệ thống dệt kim tự động điều khiển tốc độ của CHDC Đức nhưng hay hỏng vặt. Vậy là tôi cùng anh Đoàn Nam được cử về “điều nghiên”.
Điều khiển quay cho dàn máy với hàng trăm đầu kim dệt là động cơ 1 chiều công suất lớn 1,5KW. Nhưng điều khiển tốc độ cho động cơ là bộ khuếch đại vi sai. Chốt là ở đây. Với kiến thức tự động ít ỏi, tụi tôi liều mình vào nghiên cứu. Nhà trường cho ké 1 phòng ở trạm khách 21 Phan Bội Châu (sau đó thì dời về trên nóc biệt thự số 3 ngõ Phan Chu Trinh). Thiết bị không có gì ngoài chiếc đồng hồ vạn năng kế Trung Quốc cùng mỏ hàn, thiếc và dăm điện trở, tụ điện vớ vẩn. Mọi thứ phải nhặt nhạnh từ chợ Giời. Kệ! Miễn là được về Hà Nội.
Quân số gồm 3 người: anh Nam, tôi và Trần Ngọc Chiểu. Cứ thế lang thang. Linh kiện thu gom ngoài chợ, thitistor điều khiển thì nhờ thằng em đang lao động bên Nga gửi về, gia công mạch in 2 mặt thì thuê Viện Kỹ thuật Bộ Công an (họ mạnh dạn mua sắm thiết bị từ ngày ấy). Và những bảng khuếch đại vi sai điều khiển tốc độ máy dệt đầu tiên xuất chuồng, được mang xuống chạy thử. Cũng điều chỉnh được tốc độ nhưng chưa “nuột”. (Có lẽ vì mình không phải dân tự động?). Phải dần dần mới tìm ra quy luật. Chuyện “công” là vậy nhưng khi đi thực tế tôi gặp chuyện hay hơn…

Kết thân chú Thắng “khổ”
Nay chú đỡ khổ hơn nhiều và đang sống gần các anh Quang “xèng”, Quý “xồm”, Võ Hùng … ở Leipzig, CHLB Đức. Nhưng ngày đó…
Thắng là dân bảo trì hệ thống máy dệt. Nhà có 2 mẹ con cùng làm tại đây. Anh trai đi bộ đội bị thương, về nhà. Gia đình sống trong khu tập thể của nhà máy sát hồ và đền Hai Bà Trưng. Thấy anh em chúng tôi đưa máy móc vào đo đạc, cậu tò mò quan sát rồi hỏi thăm. Lần sau xuống, cậu vui vẻ mời tôi đi uống nước rồi xin phép theo ông anh làm đệ tử. Tôi vốn rộng rãi nên OK liền.
Sau này mới hay, dân Dệt kim sống ngay sát chợ Giời nên rất thạo buôn bán. Nhà nào cũng có nghề phụ may gia công nên hiểu biết về máy may rất khá. Ngay cổng khu tập thể là chợ máy may. Nào là Singer, nào là Con bướm Tàu, hay máy khâu Nga, Tiệp… Máy nào tiền ấy.
Ngày ấy công chức nói chung đó, nhà nào cũng cố sắm 1 máy để về may vá nhỏ hay may gia công, kiếm thêm tiền cơm cháo. Có cầu là có cung. Lập tức xuất hiện “di vu” chạy cò cho những ai có nhu cầu mua máy, mà “cò” chính là anh em công nhân Dệt kim sau 8 giờ vàng ngọc. Chú Thắng em tôi cũng là 1 trong những “con cò”. Hắn chạy khắp nơi bằng xe đạp (mãi sau này chuyển sang chạy thịt lợn từ ngoại ô về nội thành mới kiếm cái mô-bi-let ghẻ). Nhưng cò để bán được 1 quả máy đúng là “1 công nghệ” đặc biệt.
Thứ nhất, phải có máy, nghĩa là phải có tiền, có vốn. Mà công nhân thì lấy đâu ra nhiều, tháng nào xài nhẵn túi tháng ấy. Thế là phải kiếm người có tiền để “kêu gọi đầu tư”. Nhưng để họ đầu tư thì phải được họ tin. Thắng rủ chị Hà (vợ anh Chiến), Hoà (vợ Nghị “phệ”) làm đối tác cùng làm ăn (chia 50/50), có tôi bảo lãnh. Vậy là phát hiện được con máy nào là chú em cò kè, mặc cả, chê ỏng chê eo cho đến khi chốt giá thì mời chủ đầu tư đến “xúc”.
Thứ hai, phải có đỉêm bán đẹp. Chú Thắng thấy nhà 99 là địa điểm đẹp, nhà cán bộ, lịch sự, khách đến mua hàng “hòn mê” ngay.
Thứ ba “mông má”. Hắn có tay nghề nên máy có xọc xạch chút chút cũng chêm đệm thành máy “gin”. Rồi đánh bóng, bôi nước hoa cho giống máy mới “phá thùng”.
Thứ tư: Sau khi máy chạy tốt thì các chủ đầu tư phải tập theo "kịch bản" của Thắng: chồng chị làm ở bộ này, viện kia… mới đi công tác ở Mát về… có mua con máy… nay cần tiền cho cháu ăn nên mới bán, chứ chị chưa muốn… Hơn nữa trong quá trình cò kè mà nghe chú "bơm" thêm thì thôi rồi!
Cứ khuân máy về hôm này thì 2-3 hôm sau đã “lùa” đi. Thậm chí chưa kịp hưởng lợi tức con cũ đã đầu tư mua ngay con mới. Chính chú em là thầy dẫn tôi vào cơ chế thị trường. Quả thật không quen chuyện ấy, cứ lo lo, nhưng sau không thấy ai khiếu kiện thì an tâm. Vả lại Thắng nhận nếu có gì thì em chịu.

Sửa chữa máy điện tử kiếm tiền
Thực ra cho tới trước khi chơi với Thắng, tôi toàn đi “chữa không công” cho bạn bè, người quen mà không biết lấy tiền. Chủ nhà quý, “trả ơn” bằng tí mồi - con gà, con cá - cùng chai R là xong. Có hôm chưa làm gì thì chủ đã mời lên mâm. Nhậu xong thì say, lăn quay ra ngủ. Chỉ còn 30’ nữa là hết chương trình TV chiều chủ nhật mới bị đánh thức. Ơn Giời, chỉ ngoáy vài phát là màn hình bừng lên, tiếng rõ như đứng nói bên cạnh. Vui mà lại được khen là mát tay(!).
Biết tôi có nghề sửa chữa, vậy là chú em quảng cáo rồi rủ đi “đánh” các loại máy từ TV, tủ lạnh, đến dàn am-ply… của khu tập thể, rồi đạp xe lên cả trên Hàng Ngang, Hàng Đào. Hồi mới ra trường từng cắp tráp theo anh Khôi “điếc” rồi mày mò nghiên cứu, rồi làm mà tôi có tay nghề kha khá. Bộ cơ công của tôi không thiếu thứ gì, sơ đồ máy có đủ loại. (Sau này bỏ nghề đã tặng lại cho em chú Vinh “tỉa” Hải quan Hà Nội).
Những năm 1980 loạt máy sau 1975 từ trong Nam mang ra cũ dần. Đèn hình CRT già đi và thấy hình mờ, có bóng. Nghe đồn trong giới làm ăn, anh em tìm ra “công nghệ rửa đèn hình”, vậy là tôi mày mò (vì ai cũng giữ bí kíp, sợ mất mánh) rồi thử nghiệm. Cứ tháo nắp máy, dùng ngay cao áp 15-20kV của máy phóng vào katod đèn hình. (Tất nhiên khi đó phải tách hết các mạch nguồn cấp cho đèn hình). Phóng vài chục giây rồi lắp lại chạy thử. Nếu katod chưa bị oxy hoá nhiều thì hình sáng hẳn lên. Như có phép mầu! Vậy là có tiền.

Thị trường mở kèm theo... "cháo đa"?
Vậy mà có lần Thắng rủ tôi lên rửa katod cho TV của 1 nhà giàu buôn bán quần áo trên Hàng Đào. Xem qua máy thấy đèn hình đã quá già, tôi lắc đầu nhưng Thắng ghé tai: “Cứ sửa bỏ mẹ nó đi! Ông này giàu lắm, chém được”. “Bậy! Làm không được, họ chửi chết!”. “Không sao, cứ làm đi ông anh! Họ mê tín anh mà”. Tôi cố làm vài lần cũng chỉ thấy hình mờ mờ. Nghe Thắng, tôi mồi thêm lần cuối với cường độ mạnh hơn, lâu ơn. Ai ngờ khi bật lên thì màn hình tắt ngóm. Đứt mẹ nó katod rồi, tôi nghĩ thầm rồi quay sang Thắng: “Tiêu rồi!”. Vậy mà mặt thằng em tỉnh bơ: “Anh cứ đóng máy lại!” rồi quay sang ông chủ “Ông thợ phải đi mua thêm linh kiện để sửa, bác cứ yên tâm!”.
Sau đó 2 anh em lặn không sủi bọt. Nghĩ lại mới thấy liều. Cũng may mà không gặp lại chủ!

Thằng em thì lúc nào cũng rất tự hào vì có mấy "ông anh trên phố" (vì nhà chú ở khu Hai Bà thì bị coi là "quê"!), rồi qua tôi thì chú lại chơi với nhiều anh em Trỗi (chú bảo: Các bác Trỗi chả được cái gì, chỉ được cái hay!). Còn với tôi ngày đầu chập chững vào cơ chế thị trường đã gặp được những người hay như thế!

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đọc bài của đ/c KQ tôi rất thích. Trừ những bài chính luận đầy ắp giữ kiện và sắc sảo còn những bài ở các thể loại khác bao giờ người đọc cũng nhận ra những nét duyên, hóm hỉnh và hài hước dù thể loại nào khi đọc xong bao giờ cũng đọng lại cho người đọc một điều gì đó. một nỗi đau, một niềm vui hay tiếc nuối, sự ngờ nghệch hay nỗi xót xa ... không "đao búa" nó cứ nhẹ nhàng len lõi trong suy tư trong tiếng cười buột phát ... đọc ta không thấy mệt mỏi.
Cùng tin bài của các đ/c khác dưới sự điều hành của TQ, người tổng chỉ huy. Hai năm qua
trang BT làm được rất nhiều, là kênh thông tin bổ ích và lý thú. Giờ đây nó không thể thiếu trong đời sống tinh thần của chúng ta. Cảm ơn và chúc mừng các đ/c.

Nặc danh nói...

Em va gia dinh van khoe. Em da doc bai tren Ban Troi. Vui qua anh nhi,
lam em nho toi Anh chi em trong nha 99. Chuc Anh Chi cung moi nguoi trong nha moi su tot dep!
Chao than ai!
Em Thang