Đúng là xung quanh chuyện cuốn “Nhật ký trong tù” có rất nhiều vấn đề “tế nhị” (không kể các chuyện do tụi phản động hoặc vô học dựng ra). Tôi chỉ xin kể lại đây chuyện của chính tôi được nghe :
Vốn là hè năm 1970, sau khi rời trường Trỗi, tôi được ông bà già tôi dắt vào thăm nhà sàn Bác Hồ. Khi đó, mọi thứ vẫn gần như còn y nguyên giống như lúc Bác mới ra đi, ví dụ như : lịch trong khu nhà Bác (nhà sàn, nhà hầm, nhà bên kia hồ - nơi mà theo sử sách nói là của tay thợ điện ở khi còn thời Pháp) vẫn được thay / bóc đều đặn hàng ngày, chiếc đồng hồ ở đầu giường Bác vẫn chạy đều đúng giờ (nên nhớ đồng hồ hồi đó phải lên giây hàng ngày mới hoạt động), hàng ngày hoa lan mới vẫn được thay trong phòng Bác,…. Chú Vũ Kỳ vẫn lo lắng cho khu nhà như khi xưa, chú đi cùng ông bà già tôi và nói : Bác vẫn còn, không có gì thay đổi cả.
Chú Vũ Kỳ, chắc ai cũng biết, là thư ký Bác suốt từ ngay sau khi nước VNDCCH ra đời cho tới lúc Bác mất. Do vậy, về “lý thuyết”, người hiểu cuộc đời riêng tư của Bác không ai bằng chú Vũ Kỳ - 24 năm làm thư ký riêng của Bác (Tôi vô cùng xin lỗi và xin thắp nén nhang mong chú xá tội nếu như có gì “phạm thượng” tại đây. Chú là người có quan hệ thân thiết với gia đình tôi và là cũng phụ huynh trường Trỗi).
Chuyến viếng thăm có rất nhiều những chi tiết lớn và nhỏ làm tôi không thể quên được cho tới nay. Đơn giản vì đó là lần đầu tiên kể từ khi có chút đỉnh hiểu biết (nhờ đã qua trường Trỗi ?), tôi được vào thăm nơi Bác sống và làm việc, còn trước đó thì quá nhỏ để quan tâm. Chú Vũ Kỳ đã nói rất nhiều, rất nhiều chuyện (mà đôi khi tôi thấy ông già tôi phải có những hành động giống như ngăn lại – Tất nhiên chỉ là cảm nhận của riệng tôi). Từ những chuyện như nơi họp BCT, xây nhà sàn… như nhiều báo chí đã đăng nghe tới thuộc lòng đến những chuyện mà tôi lần đầu tiên được nghe. Chú đưa ra một bài báo lúc bấy giờ đăng ca ngợi tính tiết kiệm của Bác tới mức Bác không dùng quạt máy, thậm chí cái quạt giấy cũ của Bác bị gẫy cán cũng được buộc lại bằng mấy sợ lạt (!). Chú cực kỳ tức giận vì cho là bêu xấu chú không chăm sóc Bác cận thận…. Mà thực chất Bác rất thích sử dụng cái quạt làm từ một cái lá cọ được tự tay Bác chọn và tỉa cắt rất điệu nghệ đúng phong cách một ông đồ nho sống trong căn nhà sàn thoáng mát xung quanh có cây cối, bãi cỏ, ao cá, chim hót… chớ đâu cần quạt trần, máy lạnh… (đúng là “…đời thanh bạch, chẳng vàng son”). Rồi nhiều chuyện, nhiều nữa, trong đó có chuyện về cuốn “Nhật ký trong tù” (mà tôi đã kể trong nhận xét của bài “CHUYỆN MINH KÍNH VỚI : NHẬT KÍ TRONG TÙ” tại Bờ lốc Bán trời K3) như sau :
Khi 1 số người có ý định gom thơ của Bác lại làm cuốn NKTT, chú có báo cáo với Bác và có ý xin Bác các bài Bác có. Bác nói : còn nhiều việc khác cần làm hơn và không đưa chú cái gì cả. Sau khi gom hết bài, chuẩn bị xuất bản, chú trình Bác xem. Bác cầm và để đấy, không trả lời (việc ít có - vì Bác bao giờ cũng có hồi âm rõ ràng). Chú không dám hỏi. Sau đó NXB cứ xuất bản như ta đã thấy và có gửi biếu Bác. Bác cũng không nói gì (không biết là có xem không?).
Nhưng ngày nay xuất hiện rất nhiều “khảo dị” về chuyện này, trong số đó có chuyện được kể lại là được nghe chú Vũ Kỳ nói (nhưng không giống như tôi đã được trực tiếp nghe! Hay là … sau này chú “nhớ thêm”? – Xin miễn bình luận). Lại có chuyện kể được nghe chính Bác nói (?) …. Tôi được biết, vào tháng 10/2003, một cuốn sách có lẽ tên là “Ngục trung nhật ký” đã được xuất bản bao gồm tất cả các bài thơ này bằng tiếng Tàu dưới dạng bản photo các tờ “nguyên gốc” của Bác (đáng tiếc tôi không có và chưa được thấy, mà có thấy cũng không đọc được tiếng Tàu !). Xin đăng ở đây trang bìa mà tôi tìm được trên mạng (được nói là từ cuốn đó trích ra (?). Có nhiều lời bình phẩm kèm theo mà tôi không muốn đăng tại đây vì không có cơ sở tin cậy. Xin AE hết sức chú ý nếu “chẳng may” tìm thấy!).
Chuyện này đúng ra không nên kể, nhưng tôi vẫn kể, có lẽ là vì “tính Trỗi” nó vậy. Thôi thì, …. cũng đành chịu thôi!
TB. Hồi nhỏ, lúc học ở nước ngoài, nhiều khi ngồi buồn ,nhớ nhà, nhớ bạn bè, tôi cũng có làm mấy bài thơ “con cóc” và viết vào 1 cuốn sổ cho riêng mình. Trong cuốn số đó, tôi cũng đã chép lại hoặc nhớ và ghi lại (có khi cũng “chế” thêm chút đỉnh theo ý mình) các bài thơ của người khác (nhiều khi cũng chẳng nhớ là ai sáng tác) mà mình cảm thấy hay và “tức cảnh” ngay ở thời điểm đó. Vì chỉ cho riêng mình, nên thấy cũng không quan trọng. Đến nay mở cuốn số đó ra xem lại, nhiều khi chính mình cũng bị lẫn lộn “thơ người, thơ ta”. Nói “trèo” một chút : may mà mình không trở thành lãnh tụ!
2 nhận xét:
Anh Chí bé,Quyển Ngục trung nhật kí,mà anh nói đó hồi bé cũng có thấy, nhưng không biết cụ thể,sau này là Nhật kí trong tù thì hiểu người ta dịch cho nó Việt Nam thôi.Anh nói đến mình còn lẫn nữa là,thì đúng rồi anh đăng góp trên Bantroi k4 lại nói là k3. Thế này thì cánh ta sắp cãi nhau dài dài rồi, nguy.
DS
Đọc bài, tưởng là "chí lớn", đến cuối mới biết là "chí bé".
Đăng nhận xét