Thứ Hai, tháng 11 03, 2008

"Ốm"

Nhớ hồi ở Trỗi, thỉnh thoảng tôi cũng ốm và nghỉ học. Ốm thật thì quá chán rồi, khỏi phải nói cũng biết. Nhưng giả vờ thì thích lắm !

Trước hết là sáng ra, nhất là mùa đông ở Quế Lâm không phải dậy tập thể dục chỉ cần thều thào : Tao ốm ! Thế là cuộn chăn ngủ tít, nghe văng vẳng tiếng hô “1 – 2 – 3 – 4 !” ngoài sân của tụi bạn trong tiếng gió rét buốt (phải tưởng tượng ra một chút) thì mới thấy hết giá trị của cái việc được nằm lại trong chăn ấm ! Rồi lại ngủ tiếp cho tới khi tất cả đã lên lớp mình mới từ từ dậy đi đánh răng rửa mặt một mình không phải chen lấn giành giật nước nóng với ai. Sướng thật ! Nhưng vì “xuất đầu lộ diện”, nên lúc này phải luôn luôn giữ bộ mặt nhăn nhó đau khổ cho giống ốm, nếu lỡ mấy “gián điệp” nhìn thấy báo thầy thì “toi”. Sau đó quay về giường lục tìm trong đồ tụi bạn cố kiếm lấy được 1 cuốn truyện, nằm dài ra mà nghiền ngẫm.

Một bữa, tôi “ốm” đúng ngay ngày kiểm tra nội vụ toàn Đại đội. Ôi, chẳng ra cái giống gì. Mình phải gấp màn lại rồi nằm trùm chăn kín mít tỏ ra rất mệt mỏi rồi trở thành vật “triển lãm sống” cho nguyên đoàn kiểm tra cả chục người từ các thầy cho tới bọn đại diện các trung đội lượn ra, lượn vô. Ai cũng hỏi : Đứa nào vậy ? Ốm à ? Ốm sao vậy ?.... Đủ thứ linh tinh làm tôi cứ phải rên hừ hừ tới phát mệt cả người, chẳng “chơi” được gì. Chán muốn chết !

Khoảng vào cuối tiết thứ nhất, chú Quân y sẽ đến xem ai có ốm không. Lúc này là “gay cấn” nhất. Ăn nói loạng quạng là “chết ngay”. Nhưng theo kinh nghiệm bản thân lúc bấy giờ, cứ bệnh đau bụng hay nhức đầu là “chắc ăn như bắp”. Không biết đến giờ các bác sĩ Trỗi có biết không, chớ hồi đó, mấy chú y tá Đại đôi là “chịu chết”. 2 cái bệnh này chẳng thấy cái gì, nhất nhất đều phải nghe theo mình khai : Đau quá … cháu đau chỗ này … chỗ này nữa … chỗ này thì ít thôi … còn ở đây thì không ạ … Cứ như vậy mà chỉ tứa lung tung - Dạ lâu lâu đau nhói lên, rồi lại từ từ hết – Đó là câu thòng “bào hiểm” không thể quên để lỡ ai nhìn thấy mình đang cười toét vì chuyện gì đó hay đang chạy đi chơi ngòai đường.

Có một lần vì thấy cứ “đau bụng” quanh quanh hoài (hết bên trái rồi sang bên phải) tới mức chú Quân y cũng thuộc lòng, nên tôi chỉ ngay vào giữa rốn : Cháu đau chỗ này ! Chú im lặng không nói gì rồi sau đó chẳng cho tôi cái thuốc gì cả. Có lẽ chú biết (?). Tôi hoảng quá, vội “khỏi” ngay và tự giác cắp sách lên lớp vào giờ tiếp theo một cách nghiêm chỉnh chưa từng thấy. Nhưng cũng được bù lại vào giờ điểm danh Trung đội hôm đó tôi được biểu dương tinh thần ham học khắc phục bệnh tật (!)

Bệnh đau bụng thì thích hơn vì không cần phải làm bộ mặt nhăn nhó mà nhiều khi dễ quên lắm và nếu có chạy ra ngoài thì cũng có lý do chính đáng để bào chữa “Đi cầu”. Nhưng ốm nhiều quá mà cứ đau bụng hoài thì lâu lâu cũng phải “đổi bài” sang đau đầu cho nó có vẻ thật chớ. “Bệnh” này thì không được phép cười nên hơi chán …

Sau khi chú Quân y khám bệnh và cho thuốc xong thì còn được đăng ký ăn trưa suất ốm. Thích nhất hồi ở Quế Lâm là được chọn ăn mỳ hoặc cháo. Cả 2 thứ đều được nấu với thịt bằm và hành. Một suất được hẳn một cái thau to ăn mệt nghỉ. Tôi thường chọn món mỳ, nhưng thỉnh thoảng cũng đổi món cháo cho lạ miệng. Còn về Hưng Hóa thì chỉ có mỗi món cháo với một tí thịt, không hành, không gì hết, nhưng như thế cũng đã là “đặc sản” của thời bấy giờ rồi. Quan trọng nhất là tự do ăn tới hết (mà phần ốm bao giờ cũng nhiều hơn bình thường) chẳng phải tranh giành với ai. Sướng !

Hôm nào mà có hai ba đứa cùng “ốm” thì vui phải biết. Nằm tán dóc cho tới khi chú Quân y cho thuốc xong là có quyền cùng nhau “đi dạo” quanh trường cho tới trước giờ cơm trưa mới về. Mà phải về đúng giờ để khỏi lộ, nhưng căn bản nhất là để “thưởng thức” món “cháo ốm”, không thì tụi khác sẽ “ăn giùm” ngay… Tôi nhớ hồi học lớp 8 ở Hưng Hóa, mấy thằng “ốm” ham vui, đi chơi về trễ quá, mất phần “cháo ốm” rồi mà còn bị thầy Khoát bắt ngồi làm kiểm điểm tới hết “ốm” cả mấy tháng liền !

Nói chung “ốm” chỉ kéo dài tới khoảng giữa buổi chiều là phải “khỏi”, thì tới giờ Thể thao mới chạy chơi được, nếu không, phải nằm dài vào giờ này thì có nước “tự tử mà chết”. Đã vậy tranh thủ ngay sau khi “khỏi” là “bay” ra giếng trước lo tắm giặt thoải mái không phải tranh giành gầu múc nước.

Tóm lại “ốm” cũng không phải là dễ nhỉ !

14 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chuyện tại một lớp mầm:
- Cô giáo : Đố các em đôi mắt dùng để làm gì?
- Trò : Dạ, đễ nhìn chim, ngắm hoa ạ.
- Thế đôi tai? Cô hỏi.
- Để nghe lời mẹ ru , để nghe tiếng cô hát v....v...
Tiếp đến là cái chân , cái tay..lũ trẻ đều giài thích công dụng rõ ràng .Bỗng cô đố tiếp: thế còn cái rốn, cái rốn để làm gì? Bọn trẻ tắc tị. Bỗng một cái tay rụt rè giơ lên: "Thưa cô, em biết, cái rốn bạn Hà mèo dùng để xức dầu khi đau bụng ạ"!
TM

Nặc danh nói...

Người Việt mình có nhiều cách "ốm giả" lắm. Nhớ hồi còn Đông Âu cũ, công nhân xuất khẩu lao động muốn ốm chỉ cần tăng nhiệt độ là được nghỉ hợp pháp. Vì bên đó nếu ai có nhiệt độ >36 độ là coi như "ốm". Có nhiều cách để "ốm". Nào là uống Cocacola pha muối cũng tăng nhiệt độ, Hơ áo len vào lò sưới thật nóng, chịu khó mặc trong áo lông đến bệnh xá đo nhiệt độ, thế là "ốm. Lại có một cách khác, đổ nước nóng hơn 40 độ vào lọ Penixilin mang đến bệnh xá, lúc đo nhiệt độ thì kẹp lọ vào nách và đưa kẹp nhiệt độ vào. Cái khó của cách này là phải tính đụng thời gian để rút kẹp nhiệt độ ra, nếu lâu quá, nhiệt độ lên đến 38 hoặc 39 độ thì chỉ còn cách là bị đưa vào bệnh xá....
GM.

LêThanh nói...

@bác TM: thế bác có học lớp "mầm" với Hà mèo ko mà "chua" nhau thế?
@tại sao bác GM lại có nhiều "kinh nghiệm ốm " thế?

dathb136 nói...

Hồi ở Hải quân,đang mùa lao động xây dựng doanh trại.Bạn tôi giả ốm để trốn đi rừng.Đến lúc y sĩ quân y đi khám,kẹp nhiệt độ.Cậu khg biết cách nào để tăng nhiệt độ?Sẵn trong hầm(Lúc đó chúng tôi phải ở tạm trong hầm chứa lôi)có mấy ngọn đèn dầu,cậu bèn hơ lên đó.Không ngờ nóng quá,kẹp nhiệt độ làm bằng thủy tinh nỗ vỡ toang.Thế là bị lộ.Cu cậu bị đền,trừ mấy tháng phụ cấp mới hết.

Nặc danh nói...

Nhớ đến 2 ông Quân y : Sulpha Nhâm và Polyvita Toan. Ông nào chuyên trị thuốc đó.
dachoaK7

Nặc danh nói...

Mấy ông quân y dư biết bệnh của các em rồi. Không cho thuốc thì hơi phiền vì như vậy là không quan tâm chăm sóc "bệnh nhân", mà cho thì biết cho thuốc gì bây giờ, vì chúng chỉ là "nhân bệnh".
HCQuang

Nặc danh nói...

Kinh nghiệm đo nhiệt độ các pố phức tạp quá. Bài của tui, chà dầu nhiệt kế vào quần hay vạt áo, Nhìn chung ở đâu cũng vậy, khi đo nhiệt độ thường là ngồi. Có vài nơi chơi cái bài đút cửa hậu..., thì hơi khó khăn. Nhưng nói chung y tá khi đưa cho bệnh nhân nhiệt kế rồi, thì thường là việc khác, ko để ý tới. Cứ thế mà phát huy thủ đoạn.

4 SG

Nặc danh nói...

Không ốm vào ngày kiểm tra nội vụ tòan đại đội, ngày có xôi sáng.

VNQ nói...

Đến ngày bữa sáng là xôi chè, trung đội trưởng không cần đôn đốc dậy, hôm đó tinh thần tự giác của lính Trỗi rất "cao".

Nặc danh nói...

Đấy là chước"mưu hèn kế bẩn".Đừng giận,hồi xưa tụi này cũng diễn hoài,mà thành công mỹ mãn.

Nặc danh nói...

Hồi ở Trung hà, còn có võ ăn quả trẩu nướng, đảm bảo một lúc sau nôn thốc nôn tháo, mặt tái mét.Y chang ốm thật. Khỏi mất công giả vờ. Nôn hết là lại như bình thường.

Nặc danh nói...

Tôi còn nhớ ở Hưng Hóa. Ông bạn Đặng Bình của tôi (giờ hắn là PTĐ ngân hàng quốc gia) bị hắc lào ở hai bên "chỗ hiểm". Chả biết nghe ai, hay là do bọn tôi xúi. Hắn lấy nhựa cây xương rồng bôi vào. Khỏi chả thấy đâu mà chỗ ấy sưng vù lên, đau không đi được. Bọn tôi phải khênh hắn lên xe bò rồi đẩy xuống trạm xá.

Nặc danh nói...

Tiếp lời bác GM. Hồi bên tây, đã ốm là đo nhiệt độ, không có nhiệt độ thì coi như bài vờ ốm hỏng ăn. Nếu nằm viện hoặc "bệnh xá" là phải "lấy tiết" để thử, mà lấy nhiều, cũng tiếc và hãi. Tôi nghe chuyện có một em lao động xuất khẩu giả vờ ốm luộc sẵn quả trứng thủ túi , khi đo nhiệt độ mới rút quả trứng ra kẹp vào nách. Do luộc vội trứng chưa chín, vỡ toác ra nhòe nhoẹt trong nách, hỏng ăn.dđk6

Nặc danh nói...

Công nhận bác HM nhớ và viết đúng về một trong nhiều kỷ niệm tuổi thơ của chúng ta; nay con tôi, con anh làm sao diễn cảnh cha chúng từng làm được !
Cảm ơn nhà bác đã gợi lại một kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ "con" - nay sắp già mà không nhắc - chắc quên hẳn mất...