Ngày 25/11/2008, Hội KH Lịch sử VN và gia đình tặng tượng đồng Lão tướng Trần Tử Bình cho trường Sĩ quan Lục quân 1, đơn vị kế thừa truyền thống của trường Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946 mà ông là Chính trị uỷ viên đầu tiên. Ngoài gia đình, nhà trường còn mời các lão tướng là cựu học viên khoá đầu tiên của Võ bị: Triệu Huy Hùng, Nguyễn Văn Bồng, Đỗ Đức, Đỗ Hạp, Nguyễn Minh Long cùng anh Dương Trung Quốc và nhiều bạn bè thân hữu.
7g rời Hà Nội, với tốc độ vừa phải thì 8g15 đã tới cổng. Đoàn xe được tiêu binh hướng dẫn vào Nhà truyền thống, nơi đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử, văn hoá quốc gia. Trung tướng Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Khánh và Thiếu tướng Chính uỷ Nguyễn Văn Việt cùng Ban giám hiệu ra đón và rước tuợng vào vị trí. Đại tá Hoàng Minh Châu, con cụ Hoàng Minh Thảo, em trai Hoàng Quang Minh k3, mới lên làm Hiệu phó vội vã ra "Chào các anh Trỗi!". Thật là vui vì đây còn là cuộc hội ngộ của con cái các lão tướng đợt đầu tiên và của lính Trỗi.
Quang Bắc k5 thay mặt cho gia đình cụ Lê Quang Đạo người cùng hoạt động trong Xứ uỷ Bắc kỳ với cụ Bình và từng được tham gia huấn luyện lớp quân sự thời kì bí mật do cụ Hoàng Quốc Việt và cụ Bình là giáo viên. Cụ Đạo có 1 kỉ niệm đặc biệt với cụ Bình về cặp kính loạn thị: Ngày đi học không đọc được sách nhưng không hiểu bị bệnh gì về mắt. Khoảng 1943, được cụ Bình cho cặp kính loạn thị cướp được của nhà giàu (phân phối lại!), khi đeo vào thì thấy mắt sáng ra. Tiếc là cặp kính này bị mất khi bị mật thám Pháp truy đuổi khỏi Hà Nội. Rồi tháng 7/1945 trên đường đi công tác, nhờ tinh thần cảnh giác và kỉ luật cao của “ông anh” mà “chú em” thoát chết. (Đêm ấy ông Bình thức dậy sớm, giục phải rời nhà trọ (ngay cửa ga Hàng Cỏ) khi trời còn tối đất. Chỉ vài tiếng sau máy bay Mỹ ném bom đúng vào nhà trọ ấy).
Hoàng Quốc Hùng k5 thay mặt cho Lão tướng Hoàng Văn Thái, cựu học viên quân sự Liễu Châu 1941-42, nguyên Hiệu trưởng trường Quân chính Kháng Nhật (5/1945), người bàn giao công tác đào tạo cán bộ cho cụ Bình và cụ Trương Văn Lĩnh sau 2/9/1945. Sau này 2 gia đình còn là hàng xóm thân thiết thời kì ở Hoàng Diệu và 2 cụ bà rất thân nhau.
Tạ Quang Vinh k3 đảm đương nhiệm vụ nặng nề hơn, thay mặt Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu người được Bác Hồ giao nhiệm vụ đặt phụ nữ Thủ đô làm lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với Nước, Hiếu với Dân” tặng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng khóa 1 (26/5/1946) tại chính thị xã Sơn Tây này; đồng thời anh thay mặt vị Hiệu trưởng đầu tiên - cụ Hoàng Đạo Thuý, nguyên Hội trưởng Hướng đạo sinh VN, người bạn thân nhất của cụ Bình, cũng chính là ông ngoại thân yêu. (Vinh còn mang theo bản chụp bút tích của cụ Thuý ghi lại trong những ngày gian khổ nhưng rất vẻ vang này).
Chú em út Đào Đức Thanh k7 đại diện cho Đại tá Đào Chính Nam, nguyên học sinh Hoàng Phố 1926 cùng Lê Hồng Phong, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Phùng Chí Kiên…. Ông là Hiệu phó nhà trường từ 1950-60.
Sau phần đọc tiểu sử của Chủ nhiệm Chính trị, đại diện gia đình lên phát biểu rồi tặng 2 bộ sách quý về cụ cho nhà trường. Thủ tục trao tượng cho nhà trường của Hội KH Lịch sử và gia đình đựơc thực hiện: hình ảnh cụ hiện lên sau khi tấm vải đỏ đựoc kéo xuống, rồi tới thủ tục thắp hương và mặc niệm vị Chính uỷ đầu tiên.
Anh Dương Trung Quốc thay mặt Hội hứa sẽ kết hợp với nhà trường đưa tượng của các đồng chí lãnh đạo đầu tiên Hoàng Văn Thái, Hoàng Đạo Thuý về Nhà truyền thống.
Sau phần Thiếu tướng Chính uỷ Việt phát biểu là bài đít-cua của Trung tướng Đỗ Đức, thay mặt khóa 1 Võ bị. Những kỉ niệm về thầy Bình và thầy Thuý được trân trọng nhắc lại. Có 1 điều khá thú vị là 2 trong 4 đảng viên đầu tiên đuợc kết nạp ở Võ bị đầu 1946 (Hòang Xuân Tuỳ, Phạm Ngũ Kiên, Triệu Huy Hùng và Nguyễn Văn Bồng) cũng có mặt. Và cũng chính 2 cụ Triệu Huy Hùng (chồng cô Lan dạy Trung văn) và Nguyễn Văn Bồng lại giới thiệu kết nạp Hiệu truởng Thuý vào Đảng. Quả là tư liệu quý cho thế hệ sau!
Buổi trưa, quan khách được mời “bữa cơm lính” cùng Ban giám hiệu và cán bộ nhà trường.
Cho đến hôm nay sau 63 năm thành lập, nhà trường đã đào tạo hơn 10 vạn cán bộ cho quân đội. (Thời gian 10 năm đầu mới chỉ là 1 vạn). Lưu lượng học viên trung bình hàng năm là 7000, có 2 hệ đại học và cao đẳng. Về cơ sở vật chất thì tuyệt vời! (Mạnh hơn nhiều so với Học vịên KTQS của tôi).
Một kỉ niệm khó quên!
----------
Ảnh tư lịêu:
- A1: Toàn cảnh hội trường.
- A2: Lễ trao tặng.
- A3: Lão tướng khóa 1, 3 Võ bị.
- A4: Gia đình bên tượng cụ.
- A5: Ban giám hiệu và khách. (Châu, em Hoàng Quang Minh, đứng ở bìa trái).
3 nhận xét:
Chuyện vui do cụ Đổ Đức kể: trong 1 đám ma đồng đội khi giói thiệu trưởng đoàn BLL k1 Võ bị vì không biết nên ban tổ chức đã đọc: "Trung tướng Đỗ Đức Nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN...".
Sai ở đâu, chắc anh em biết cả?
Tại lớp huấn luyện quân sự thời kì bí mật ở Ninh Bình, anh Đạo còn trẻ lắm, mới ngoài 20, cứ cười bò ra khi giơ súng lên tập ngắm. Anh bị 2 thầy phê bình. Mà súng có ra súng, chỉ là cành cây khô. Còn khi đứng nghiêm thì hô "Lập chính!". Quần ta buộc túm ống cho nó ra vẻ quân sự.
Những ngày gian khó đẹp thế đấy!
Tuong cu TRAN TU BINH dep lam ! Chuc mung gia dinh TKQ! NT Quynhon
Đăng nhận xét