Thứ Tư, tháng 11 12, 2008

Cá Đầm Vạc, căn cứ Chợ Xanh... của lính Trỗi

Mình mình thì chẳng nhớ được bao nhiêu nhưng có thêm bạn cũ là lại có thêm nhiều chuyện xưa được nhắc lại. Anh Ngân từ Berlin sau khi lên Blog Bantroi đọc “Những ngày chập chững vào kinh tế thị trường” đã gợi ý cho tôi viết tiếp.

Vụ chén cá tươi Đầm Vạc
Anh Ngân và tôi chơi với 1 chú em là công an thị xã Vĩnh Yên, tên là Hòa. Hòa quý anh em Trỗi rồi nhanh chóng quen với lối sống và phong cách của lính Trỗi. Một lần hắn khoe: “Trại cá giống Đầm Vạc có cái TV đen trắng Berin, chả hiểu sao tối om. Các bác ra “chiến đấu”, có khi có cửa. Mà chí ít cũng là bữa rượu thịnh soạn với cá tươi ở đầm mới đánh lên”. Nghe cũng hấp dẫn, tôi và anh Ngân sắp xếp đi.
Đầm Vạc là tên 1 đầm rất lớn nằm ngay sát thị xã. Từ trên đồi Thị uỷ nhìn xuống thấy nước mặt đầm rộng mênh mông. Vượt qua đầm sang các xã thuộc huyện Bình Xuyên phía bờ sông Hồng phải đi bằng đò. Ngày chiến tranh đi sơ tán ở Đại Tự vẫn đi, về trường theo con đường này.
Đã có kinh nghiệm mấy lần trước khi chưa sửa đã nhậu, sợ hỏng việc, lần này anh em tôi phóng xe ra từ 4g chiều. “Văn phòng” trại cá nằm trên đồi, nhìn ra bờ đầm. Vừa đến nơi chả nước nôi gì, lật ngay máy ra khám. Bác Ngân thì điếu đóm vì nghề chính lại là “vũ khí đạn”. Tháo đầu bọp dí ra thành máy không thấy có cao áp. Sợ nhất là toi biến áp cao áp vì mất công tháo ra, đi cuốn rồi lại quay lại lắp, tốn thời gian. Sau vài cú đo điện áp ở tầng khuếch đại công súât thì tìm ra 1 con điện trở bị cháy. Thay thế và xoẹt… ánh sáng bừng lên. Thêm vài cú chỉnh cho màn hình vuông vức là xong. Sướng quá, thầm nghĩ có quyền nhậu tới khuya!
Cá mè hoa tươi rói vừa được kéo lên, cho ngay vào nồi hấp. Gà đồi thì bị cắt tiết từ chiều. Rượu nút lá chuối để sẵn góc nhà những 3-4 lọ. Nhìn mà sợ. Khi ngồi lên mâm cũng là lúc có chương trình Thời sự của VTV: “Đây là…”. Lão trưởng trại cá run run nâng ly rượu rồi đằng hắng giọng:
• Hôm nay may có 2 bác ở Đại học quân sự, lại là bạn chú Hòa, ra sửa cho cái máy. Thật tình anh em tôi xa vợ xa con, trông cá ngoài này chỉ trông ngóng tin tức qua nó. TV chết cũng đã dăm tuần rồi. Nay nhờ 2 bác mà máy đã sửa tốt… Thôi thì xin có chén rượu quê cảm ơn các bác!
Nghe mà hởi lòng hởi dạ. Rồi nâng lên hạ xuống. Cá tuơi rói, ngon như chưa bao giờ được xơi, thơm phưng phức. Sướng nhất có lẽ là Hoà, hắn phổng mũi vì có các ông anh tài ba. Đêm ấy trời nóng, đến ngọn gió từ hồ lên cũng chả có. Anh em cởi trần trùng trục mà nhậu. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng… mặc! Nhậu tới hết giờ TV vẫn chưa xong. Cuối cùng có nồi cháo cá nóng hổi. Phải 11g hơn mới rời trại cá. Khi qua ga Vĩnh Yên còn cố tạt vào quán nước em Ninh tán dóc cho hả rượu. Chả nhớ tới mấy giờ mới về. Loạng choạng dắt xe qua cổng thấy mấy chú vệ binh dạ ran.
Chú em Hòa được việc nhưng cũng liều. Có đêm dám ra đường cái quan chấn lột mũ cối của dân qua đường nên bị ký luật. Bọn tôi phải “chạy” các cửa để cứu. Cuối những năm 1980, chú cũng kiếm cửa đi xuất khẩu sang Tiệp. Từ đây chúng tôi bặt tin. Chả hiểu giờ thằng em sống chết ra sao?

Căn cứ Chợ Xanh - đồn Mang Cá của lính Trỗi
Anh giai Ngân có cậu em trai tên là Bắc làm ở Viện Bảo hộ lao động. Bắc được phân căn hộ tầng trệt ở Chợ Xanh, từ khu Cao-Xà-Lá rẽ vào. Căn hộ có cửa sổ mở ra 1 khoảnh vườn có cây ổi, lối vào từ phía sau nhà. Ngày đó là quá xa nên hắn ngại đi về. Nhà chỉ mở cửa khi anh Ngân về HN và được dùng làm nơi bọn tôi tụ bạ. Có cái hay là ở đó thì nhà ai biết nhà ấy, chả dòm ngó lung tung. Đúng là về đây rất tự do, không bị nhiễu.
“Đồn Mang Cá” có nhiều kỷ niệm. Lần thì cánh học ở đoàn 871 chúng tôi (Quang "xèng", Quốc, Thắng...) tổ chức liên hoan trước khi chia tay nhau. Lần tổ chức mừng sinh nhật cho anh Mạnh Hưng từ Sài Gòn ra. Năm đó anh giai Hưng mới vừa 35! Chả có gì ngoài chuối, lạc, chai rượu cùng gói kẹo lạc. Anh em đứa thì cưỡi Honda 81, đứa phóng PC ghẻ, anh Mạnh Thanh thì đi Brigeston “đểu” xuống tận Chợ Xanh xa xôi. Chú Thắng còn rủ thêm được mấy đứa bạn trong tổ văn nghệ cùng nhà máy xuống góp vui. Uống và tán dóc. Chỉ tiếc mấy đứa bạn Thắng hơi lạ nên không hòa đồng. Lỡ mất việc.
Một lần thấy anh giai lên phố với 2 mắt sưng húp, thỉnh thoảng lấy khăn chấm chấm đuôi mắt. Hỏi ra mới biết ông Tiến Long đi làm xong thường về đây nghỉ trưa nhưng lười dọn dẹp, lau chùi. Chả hiểu lần đó thả cái quái gì vào lu nước, gây nhiễm bẩn, hay dùng cái khăn mặt xong không giặt cứ thế phơi lên dây làm anh giai không biết rửa mặt, tắm gội làm toét cả mắt. Cụ Nam Cao mà sống lại thì tha hồ có mẫu mà đối chứng(!).

Lại chuyện chú Thắng “khổ”
Phải nói chú em được khối việc. Lần đó là Espana 1982. Đêm 14/6 khai mạc nhưng có nhiều trận. Vì có trận của đội tuyển Brasil với đội tuyển Liên xô, đội mà chúng tôi yêu quý, nên tôi chở cái TV Sonny 12” (của khách đang gửi sửa) xuống “căn cứ Chợ Xanh”. Hai anh em ra mua thêm mấy chai bia Trúc Bạch về tự thưởng. Hiệp 1 Liên xô đá quá hay, gỡ hòa 1-1. Sang hiệp 2, Brasil ép liên tục nhưng không chọc phá nổi hàng phòng ngự của đối phương. Chỉ còn 5’ nữa là kết thúc. Vậy mà Brasil chọc thủng lưới Liên xô. Đúng lúc ấy quá bực, anh giai vung tay chửi thề, và… văng mẹ cái đồng hồ Titony xuống đất. Xoảng! Cúi xuống nhặt lên thì cái mặt đã bung đâu mất, (thế mới biết mặt Titony không phải làm bằng kim cương như quảng cáo!), kim giây vẫn chạy tắc tắc.
Sáng ra về 99. Biết chuyện, chú Thắng bảo: “Có là cái đ. gì. Đưa đây em đưa cho mấy ông thợ sửa đồng hồ quen ở phố Huế làm lại cho. Không phải mất tiền vì họ nhờ em suốt ấy mà!”. Vậy là ngay buổi chiều anh giai có đồng hồ đeo tay.
Sau này, truớc khi sang Đức, chú còn lọ mọ chạy báo kết quả xổ số. Ngày ấy chưa có điện thoại di động, ngay điện thoại bàn cũng là đồ quý hiếm. Cánh báo kết quả xổ số toàn chạy bằng xe máy, phục vụ cho các điểm ghi đề. Một điểm báo kết quả quay xổ số ngày ấy ở tận Kim Mã. Thằng em cứ trực bên ngoài, có kết quả thì phi về. Nhưng liều là ở chỗ thỉnh thoảng bọn chúng lại “mắc-kê” nhau báo về “kết quả đểu”. Chúng đã tăm tia xem chủ đề “thầu giầu” ghi số nào rồi “máy nhau” sửa theo. Đến giờ báo kết quả, các chủ đề chờ sẵn ở bàn thư kí đề, nếu thắng thì lĩnh tiền, thua thì nộp ngay tiền cho thư kí đề. Vụ này lừa được khối thằng, các chú chắc cũng được "ăn chia" nhưng sau đó thì lộ ngay. Thật là liều!
Thấy làm thế là lừa đảo, nguy hiểm đến tính mạng, phải khuyên mãi chú mới bỏ nghề và chuyển sang chạy thịt lợn từ ngoại thành về.
Chú em Thắng cũng có 1 thời anh hùng ra phết!!!
----------
Chú thích từ lóng theo đề nghị của Chí Quang:
- "Thầu giầu": giàu có, lắm tiền.
- "Mắc-kê": từ động từ tiếng Anh "make", thống nhất làm bậy.
- "Ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà"!

7 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chao ôi Đầm Vạc ,ôi Đầm Vạc!
Mộc mạc tên nghe đến nao lòng.
Còn giữ cho ta và cho bạn
Một thời chung học với nhau không?
" Khi ta đến đất là nơi ta ở,
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn".
Cám ơn nhà thơ đã giúp ta thổ lộ,
Về những diều ta nghiệm như Thơ

Nặc danh nói...

Nạn nhân thứ nhất của Tiến Long là anh giai Ngân. Còn nạn nhân thứ hai là Quang "xèng".

Nặc danh nói...

Các bạn ĐHQS và Trường Bé-Hai hãy vào web này http://vietnamnet.vn/bandocviet/2008/11/812227/
không thể tin được Vĩnh Yên trên đồi lại có thể ngập như thế.
TM

Nặc danh nói...

KQuốc ơi, "đồn Mang cá" là nghĩa ra răng, "mắc kê", "thàu giàu" là chi?
Ông xài thuật ngữ "địa phương nhỏ" thành thử khó theo dõi.
HCQuang

Nặc danh nói...

OK.
Và như vậy, "đồn mang cá" là thuật ngữ chỉ mọi địa điểm ngoại trừ nhà mình.
HCQuang

Nặc danh nói...

Bác Chí tự hỏi, tự trả lời, đúng hay không? mặc kệ.
VTM

TranKienQuoc nói...

Nhà cho lính Trôi cơ nhỡ hoặc cố tình cơ nhỡ lưu trú. Ở đó sướng hơn!