Lính Trỗi nhiều người theo binh nghiệp, nhiều người là kĩ sư, bác sĩ nhưng có những người say mê gần như cả đời với công việc rất giản dị mà rất có ích cho đời.
Chiều chiều phóng xe qua cổng 38 Trần Phú thấy bạn Hiếu “điếc” k4 đánh kéo lách cách "làm đẹp" cho đời. Đã mấy hôm rớt chìa khóa xe máy, không chạy được. Sáng nay chợt nhớ tới Trần Quang làm nghề sửa khóa, tôi phóng đến bạn.
Hai anh em Trần Vinh, Trần Quang cùng học k5 từ ngày ở Đại Từ. Sau đi lính, giải ngũ rồi cùng làm nghề này đã mấy chục năm, nuôi vợ, nuôi con, đủ sống. “Cửa hàng” của Quang là 1 hòm gỗ, đặt dưới gốc bằng lăng đầu đường Vũ Lợi, cắt Lê Duẩn. Trên mặt hòm đặt 1 máy mài vạn năng mini, có gá 1 khung treo phôi chìa khóa các loại. Sáng nay trời mưa nên hắn căng cái ô lơ lửng che mưa. Vừa thấy tôi dừng xe, đang ngồi trên chiếc ghế nhựa dã chiến hắn đã nhoẻn miệng cười:
- Lại hỏng khóa hả?
-Ừ, rơi mẹ nó cái chìa vì mòn hết cả răng. Nghe Xuyên giới thiệu nên phóng ra đây.
Chả nói nhiều, hắn ra tay liền. “Cứ mở được cổ là mở được điện, phải không?”. “Ừ!”. Thế là hắn nhét phôi vào ổ khóa cổ. Lắc lắc vài cái lấy dấu, giũa, mài… “Xong khóa cổ! Còn khóa điện nữa”. Thử, mài, giũa. “Xong!”. Sau đó hắn lấy chìa đã làm kẹp ê-tô vào máy mài rồi gá phôi mới thực hiện “mài chép hình”. Vậy là có 2 chìa mới.
- Này thế Trần Vinh giờ ở đâu?
- Anh em từng giúp hắn máy nén khí và đồ nghề rửa xe máy nhưng không làm nữa vì không có đất rộng. Nay cũng làm nghề này dưới Bưởi.
- Thế các ông học nghề ở đâu?
- Học lỏm thôi. Phố Vũ Lợi có nghề này từ thời Pháp. Đi lính về không có việc làm cứ lân la ra hóng hớt rồi nhìn ngừơi ta làm mà học. Rồi sắm kìm, giũa, đồ nghề, rồi hành nghề. Cũng sống được, rồi cưới vợ, sinh con, rồi bằng nghề này cho chúng ăn học nên người.
- Thôi, tôi vội phải đi. Hẹn lúc khác! Tiền nong thế nào?
- Tiền nong gì!
- Không được, cậu sống bằng nghề này mà.
- Thôi thì 10 nghìn.
- Ai lại thế?
(Quả thật khi hắn làm tôi phải giả tảng quay đi rồi bất ngờ chụp không flash từ xa. Chỉ sợ bạn biết lại cho là bêu xấu. Nhưng thật ra bạn của chúng ta đã biết sống như cha ông đã dạy “Nhất nghệ tinh…”. Chả có nghề nào đáng hổ thẹn cả, miễn có ích cho đời!).
4 nhận xét:
Không có nghề gì xấu,miễn là chính đáng,nuôi được bản thân và gia đình!Chính các anh tự tin nên mới hành nghề gần nhà để phục trước hết là bạn bè,người thân!
Bài viết của bác KQ cho thấy bạn bè chúng ta trên mọi nẻo đường mưu sinh chẳng nề hà một công việc gì miễn là lương thiện giúp ích cho đời và nuôi sống gia đình. Tôi đã có thời gian định mở quán cháo lòng bình dân cạnh bến xe để kiếm sống. Rồi sau lại tính chuyển qua chạy xe ôm (gần nhà có mấy em ca ve, chiều ba rưỡi, bốn giờ đi, mười một mười hai giờ đêm về) để chở mối. Mối này ngon ổn định nhưng cũng rủi ro. Được thời gian sang cho xe khác bỏ nghề vì vợ không chịu được cảnh "con gái hơ hớ cứ ôm rịt lấy eo". "Thôi về đói em chịu chứ nhìn thế kia chịu không được!!!!"
Tôi vẫn nhớ Trần Vinh và Trần Quang thỉnh thoảng ra hà Nội gặp anh em vẫn hỏi thăm.Đấy cuộc sống giống như Quốc nói thật tuyệt vời.Chỉ có điều không gặp lại ( có phải Vinh méo không Quốc?)Qua Quốc gởi lời thăm Sĩ Bắc lần trước ra dành một buổi cả vợ chồng mình đi tìm Bắc mà không gặp.không hiểu 12 Lý Nam Đế Bắc đã xây nhà chưa?
PHÚC CHIẾN VŨNG TÀU
Vinh "méo" đấy!
Còn Sĩ Bắc đã lấy vợ 2, vẫn nhiệt tình với Trỗi. Hiện ở tận đường Phạm Văn Đồng, trên đường đi sân bay.
KQ
Đăng nhận xét