Mọi năm, BLL k5 ở HN đều được mời tới dự đám giỗ Doanh tại nhà riêng ở khu tập thể Viện 108. Đợt này đang ở HN tôi xin đi cùng. Từng đến dự đám giỗ của nhiều LS Trỗi nhưng đây là lần đầu đến thắp hương cho Doanh. Bạn hy sinh ngày 16/9/1972, vào đúng ngày thứ 81 (ngày cuối cùng) của chiến dịch giữ Thành cổ Quảng Trị. Theo lịch âm thì ngày mai (9 tháng 8 ta) mới là ngày giỗ nhưng mẹ Doanh cho làm hôm nay để con cháu về đông đủ. Vậy bạn đi đã 36 năm, ngày ấy mới vừa 19 tuổi! (Ảnh bạn trên ban thờ phía trong, ở ngoài là chú em).
Dịp kỷ niệm 40 năm Trường Trỗi, tôi ra dự có gặp mẹ Doanh “mán”, mẹ Cường “mèo” và chụp tặng 2 mẹ tấm ảnh trước sân khấu. Đã 3 năm rồi, bà không thay đổi và vẫn nhận ra tôi. Bạn bè Doanh ngồi kín phòng khách, cánh Trỗi k5 có Lê Bình, Vinh “sái”, Tuấn Kiệt, Công Chính, Dũng “ba loe” và em Ninh k9, sau có thêm Lê Minh cùng bạn chiến đấu F325 của Doanh ở Quảng Trị là Tường “cận” (dân Đại học Xây dựng), Minh... Báo tin cho Thiện Nhân thì biết bạn đang đi ngoại tỉnh nhưng cũng nối được máy cho bạn nói chuyện với mẹ. Bà rất cảm động. Chúng tôi thắp hương cho Doanh nhưng không quên đặt lên ban thờ ly rượu pha mật gấu của chú em Minh (bác sĩ thú y) kính biếu tối qua khi biết hôm nay có giỗ bạn.
Khi trò chuyện mới biết bố mẹ Doanh cũng là dân Lục quân hồi ở Vân Nam, cô chú biết cha mẹ tôi. Anh cả của Doanh là bạn với Trung Việt k3, đến hôm nay anh mới biết Việt đã mất. Khi mới vào thấy Tường quen quen, hỏi ra là dân ngõ Tức Mạc “gần nhà ga, xa trường học” như tôi. Lê Minh đến sau thì ngạc nhiên vì sao Từơng lại quen gia đình? Thật ra vì cùng làm việc với em gái Doanh nên mới tìm được gia đình đồng đội; từ đó Tường kéo 1 lô bạn của Doanh về mỗi lần giỗ bạn. Thế mới biết HN quá nhỏ! Lần này còn thiếu Dũng (giáo viên Bách khoa) và Toàn (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hưng Yên) - những đồng đội chứng kiến sự hy sinh của Doanh.
Râm ran chuyện chiến đấu, nhất là “Mùa hè đỏ lửa 1972”… Lê Bình có gặp Doanh 1 lần khi đi lấy gạo, cũng vội vội vàng vàng. Còn Tường “cận” kể lại: Lúc vượt sông Thạch Hãn vào Thành, Doanh có mang theo mấy hộp sữa. Đói quá, mấy tên lấy thông nòng AK để khui hộp (chả hiểu sao không dùng lê?). Sữa đặc nên hôm sau cả bọn đau bụng đi ngoài. Trải qua tám chục ngày bom đạn ác liệt, mỗi ngày quân số hy sinh lên đến cả đại đội. Cứ tối tối lại đổi quân ở bờ sông Thạch Hãn mà cánh rút ra lần nào cũng ít hơn cánh vào Thành. Đến ngày cuối cùng được lệnh rút, chẳng kịp thu vén, anh em từng tốp lao ra phía bờ sông. Chẳng còn nhớ là mấy giờ nhưng đã muộn lắm. Trời tối đen. Trong nhóm cùng Phú và Toàn, Doanh chạy trước. Vừa đến bờ sông thì bất ngờ pháo từ hạm đội bắn dập xuống. Phú và Toàn chúi xuống rồi chạy ngược về hầm. Lửa đạn ác liệt. Chờ cho pháo chuyển làn, 2 thằng chạy vội lại bờ sông, í ới gọi tìm Doanh mà không thấy trả lời. Ranh giới giữa sự sống và cái chết gần nhau gang tấc, không còn thời gian để tìm bạn, 2 thằng phải bơi vội sang sông...
Tường là tay nhớ nhiều, cho đến giờ vẫn nhớ như in có bạn sinh viên Kiến trúc sau chiến dịch đã lấy ghi sân bay bằng inox làm 1 bức phù điêu với chủ đề “Lửa cháy Thành cổ”. Trung tâm là hình ảnh 3 chiến sĩ máu me bê bết - người thì đầu quấn băng, người đang phải treo cánh tay đầy băng vì trúng đạn, người đang chống nạng nhưng nét mặt họ vẫn sát khí, tay nắm chắc AK, tựa vai nhau, dựa lưng vào bờ tường Thành cổ (còn rõ từng viên gạch). Quân địch vây quanh đang tiến lại gần nhưng họ sẵn sàng chống trả. Phía sau bờ tường bừng lên những ngọn lửa…
Sau nhiều lần kì công tìm kiếm, không còn hy vọng tìm được hài cốt Doanh, mẹ đã lấy bọc đất đúng ở bờ sông nơi bạn hy sinh về, nói là hài cốt con rồi làm thủ tục với Thương binh – Xã hội đưa vào NTLS phường Đình Công. Hôm làm lễ đón Doanh, mẹ lấy cái áo bông Trỗi hoá cho bạn. Tuấn Kiệt vừa đốt vừa kể lại ở trường 2 thằng đã mặc chung cái áo này.
Gần tan tiệc, Sĩ Bắc mới đến nhưng cũng kịp thắp hương cho bạn. Chia tay, mẹ hứa sẽ tìm lại bức ảnh có Doanh, Lê Minh và đồng đội cùng thư từ của bạn gửi về từ chiến trường.
Một ngày chủ nhật đầy ý nghĩa! Tường nói: Ngày mai là ngày nhiều bạn hy sinh…
(Dũng “ba loe” làm phó nháy nhưng không biết gửi Email nên anh em chờ xem ảnh sau vậy!).
Sau khi thu nhập thông tin chính xác hơn, tôi đã bổ sung và sửa lại. Mong anh em thông cảm! -
TKQ
Trong ảnh cuối, Lê Minh là bạn đứng ngay sau mẹ và Vinh "sái".
Chủ Nhật, tháng 9 07, 2008
Lần đầu dự đám giỗ LS Trịnh Thúc Doanh
Gửi bởi TranKienQuoc lúc Chủ Nhật, tháng 9 07, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
4 nhận xét:
Đúng là Hà nội bé thật. Tôi có hai người bạn khá thân thiết là lính ở chiến trường Quảng trị 1972.Họ có một người bạn thân là anh Lê Minh K5. Một trong hai người bạn vừa cho xuất bản cuốn sách "Nhật ký viết lại" viết về những ngày mà anh KQ nhắc tới ở đây. Trong cuốn sách có ảnh họ chụp chung với anh Lê Minh. Tôi có lấy một cuốn đưa KV.K7 và HB đọc. Hôm nay tôi và HB vừa bảo nhau là sẽ xin dịa chỉ anh Lê Minh, vậy mà đã thấy anh KQ nhắc tới. Thiêng thật
EGK9
@EGk9: Anh Lê Minh học cùng lớp 4A Lý Thường Kiệt 1 ở đường Ngyễn Thái Học với anh. Cô My là chủ nhiệm. Nay anh Minh dạy ở ĐH Giao thông. Có lẽ đến chục năm mới gặp lại.
Cuộc đời lính, nhất là lính chiến, thật hay! Nó sẽ là đề tài vô tận!
@A.KQ : Em đã đọc " Nhật ký viết lại" của bạn anh Lê Minh, một lính trinh sát của f325( do EGK9 tặng). Chuyện rất lính và hay, em rất muốn có ngày gặp anh Lê Minh để hàn huyên.Cùng lính Trị Thiên mà,anh giúp nhé.
KV.K7
Úi! Quên, cảm ơn EGK9 về những cuốn sách.
So easy! Quá dễ!
Cứ gọi anh Lê Minh: 0912084891.
Đăng nhận xét