Thứ Ba, tháng 9 02, 2008

Ai gọi Bác Hồ là “anh” ?

Chỉ có 2 người gọi Bác Hồ là “anh” và đều là phụ huynh của trường Trỗi, đó là :

Người thứ 1 là bác Nguyễn Khánh Toàn vốn đã cùng học với Bác từ hồi Đại học Phương Đông khi còn là Nguyễn Ái Quốc và từ đó cho tới trước khi Bác mất, ông vẫn luôn luôn gọi Bác là “anh” xưng " tôi".

Người thứ 2 là bác 10 Trí gọi Bác là “anh” và xưng “em”. Xin xem bức thơ ông gởi Bác vào năm 1949 như sau :

“Bức tâm thư kính gửi anh Hồ Chí Minh.
Thằng em của anh là Mười Trí gửi thư này chúc anh khỏe mạnh... Thằng Bảy Viễn đã đầu Tây rồi, thằng em của anh rất lấy làm buồn vì không ngăn cản được nó. Nhưng thằng em của anh xin hứa chắc với anh là thằng em của anh sẽ tiếp tục kháng chiến cho tới thắng lợi cuối cùng.
Dân giang hồ một khi đã theo cách mạng là nhất định sẽ đi tới cùng, không bao giờ sanh nhị tâm.
Ký tên: Huỳnh Văn Trí
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 304.”
Lá thư được đóng dấu đỏ chói.

7 nhận xét:

dathb136 nói...

Đọc thư bác 10 thật xúc động,mộc mạc, chân chất biết bao!Cám ơn Hà mèo.

Nặc danh nói...

Bác 10 là một nhân vật kiệt xuất của đất Nam bộ hồi 9 năm và trước 9 năm.

Nặc danh nói...

Chuyện bác Mười ly kì, hấp dẫn, tiểu thuyết Kim Dung chả là cái đinh gì. Nói về bác thì phải xin nghỉ phép.
Phụ huynh mình, nhiều cụ có chiến tích ly kì, ví dụ bác Lê Quảng Ba (ba đ/c Chiến thộn) thu phục trùm phỉ Tàu (Quách tiên sinh) bằng cuộc đấu súng, "đã" hơn những chuyện Miền Viễn Tây.
HCQuang

Nặc danh nói...

@HCQ: có phải Chuyện về hai “tướng Việt Minh” thi uống rượu, bắn súng với trùm phỉ ?

TranKienQuoc nói...

Tuần trước Hải "tám" và Bùi Việt Sơn k8 xuống thăm Nguyễn Khánh Tần có nối máy cho tôi nói chuyện.

Nặc danh nói...

Chào đ/c "nặc danh". Tôi chưa xem chuyện 2 tướng VM thi uống rượu bắn súng với trùm phỉ, nên không rõ có phải là chuyện dực trên tài liệu về bác Lê Quảng Ba không;
Nhưng tôi đã được xem hồi kí của bác. Cái đoạn gặp trùm phỉ thật li kì, hào hùng. Theo tôi nhớ thì trong hồi kí (không phải cái vụ gặp trùm phỉ), bác không kể về chuyện bác đi chân trần lên 1 cái thang tre nhưng gióng ngang của nó (chỗ đặt bàn chân) là những thanh kiếm đặt ngửa. Lưỡi kiếm sắc như nước. Chả hiểu sao bác không đứt chân. Nghe mà hãi.
HCQuang

TranKienQuoc nói...

CHUYỆN TƯỚNG HOÀNG SÂM DIỆT PHỈ

Tướng Hoàng Sâm sinh năm 1915 tại Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Năm 12 tuổi, ông được chọn sang Thái Lan học tập rồi trở thành liên lạc cho Cụ Hồ. Năm 1940, ông còn được cử đi học ở một trường quân sự do Tàu Tưởng tổ chức. Ngày 8/2/1941, Hoàng Sâm cùng các đ/c Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp… bảo vệ Bác từ Trung Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng). Cuối năm ấy, đội du kích đầu tiên được thành lập gồm 12 chiến sĩ do đ/c Lê Thiết Hùng là đội trưởng, Lê Quảng Ba làm chính trị viên và Hoàng Sâm là đội phó.
Lợi dụng điều kiện xã hội và địa lí hiểm trở, nhiều toán phủ đã nổi lên cướp bóc, giết chóc, gây khó khăn cho bà con dân tộc vùng biên giới Việt-Trung. Nếu không dẹp được nạn phỉ sẽ khó động viên bà con ủng hộ cách mạng.
Những trùm phỉ như anh em Voòng A Sáng, Voòng A Sính, Châu Slam Tha (Châu “ba mắt”), Lỳ Síu… sống anh hùng hảo hán nhưng rất kính nể những người can đảm, tài ba. Hoàng Sâm còn có tên là Trần Sơn Hùng, nổi tiếng gan dạ, đánh đông dẹp bắc, bắn súng bằng cả 2 tay “bách phát bách trúng”, phi ngựa như kị sĩ, nói tiếng Quảng như thổ dân. Bọn phỉ nghe danh rất nể và muốn đọ tài. Một lần, Lỳ Síu kéo quân đến cửa hang Pắc Bó đòi gặp Trần Tiên sinh. Vừa thấy ông bước ra 2 tay khoanh trước ngực, súng pặc-khoọc đeo lệch vai, dao quắm giắt bên hông, hắn vội cúi đầu chào:
- Chào cán bộ! Xin mời cán bộ uống rượu đến say rồi ta thi bắn súng!
Quả như lời đồn, dù đã ngấm hơi men, Trần “đại ca” không cần ngắm, cứ nâng súng lên vẩy đâu trúng đó. Lý Síu từ đó khuất phục.
Nắm được đặc điểm trùm phỉ gốc Hoa rất trọng đồng hương, đồng họ, đồng môn… nên Hoàng Sâm đã thân chinh cưỡi ngựa vào tận sào huyết của phỉ Voòng A Sáng. Nghe danh từ lâu nay mới hội ngộ, lại thấy ông “đồng họ” (Hoàng theo tiếng Quảng là Voòng, Hoàng Sâm là Voòng Sám) nên trùm phỉ quý trọng mở tiệc chiêu đãi. Trong bữa tiệc, Voòng A Sáng mời ông uống rượu nhắm với “não hầu” (óc khỉ) và đề nghị kết nghĩa huynh đệ.
Nhờ hành động kiên quyết và khôn khéo đã hạn chế được sự phá phách, cướp bóc của bọn phỉ, gây được uy tín trong nhân dân nên số hội viên Cứu quốc theo Việt Minh ngày càng đông.
Kiến Quốc, bài đã đăng trên "Trường VHQĐ NVT"