3. Thăm thú đền, chùa Quảng Ninh
Vân Đồn xưa là đảo lớn cách đất liền Cửa Ông chỉ 1km, giao thông với đất liền qua phà. Nay đã nối liền cầu. Thị trấn phát triển, phố xá nối dài cả chục km, có cảng cá. Sáng dậy sớm đi dạo vịnh Bái Tử Long. Trời se lạnh. Cả đòan tập trung ăn sáng tại quán có cháo hào, cháo tôm. Quả là đặc sản lạ dưng mà ngon. (Chứ không phải “Đêm qua anh nghỉ Vân Đồn/ Sáng mời ăn phở thịt lợn nhà em!”).
Cụ Tích dẫn đòan tới đền Cô, nơi thờ 1 danh tướng nữ đời Trần. Đền rất thiêng, nhìn vùng đất nó phát (cây cối um tùm xanh tươi) là thấy âm dương quy tụ. Nhưng đền mới tu bổ nên hiện ra nhiều đường nét kiến trúc mới. Từng đòan xe chở khách hành hương về đây. Không xa cổng có giếng Cô, nguồn từ trong lòng đất dường như vô tận, mát lạnh. Chính quyền lập tức xây rào, bán nuớc với giá 2000đ/chai. Bà con xếp hàng vào mua nước, ngửa cổ mà uống, lại còn lau mặt và mang về mong chữa hết bệnh nan y.
Sau đó ra Cửa Ông thăm đền thờ cụ Trần Quốc Tảng, con trai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Truyền rằng ông có ý thức làm phản muốn lật đổ vua nên bị cha đày ra trấn ải biên thùy. Ông trấn an bờ cõi, xây dựng vùng địa đầu trở nên sầm uất. Dân chúng tôn thờ, xây đền thờ và gọi là Cửa Ông. Ngay công viên có tuợng cụ cao to, trông giống Trần Hưng Đạo. Năm nào dân chúng, nhất là cánh làm ăn, hay đến đây xin lộc. Đền có sân rộng, xây cả bia liệt sĩ và không ai dám lấn chiếm. (Chắc sợ?). Khi chờ cụ Tích viết sớ, anh em tôi ăn xòai và trứng luộc chấm muối mà nhớ ngày xưa ngồi quán bà Bệt (Vĩnh Yên) ăn chuối lạc cùng anh Ba Hưng rồi trộm trứng nhét vào ống tay áo, khi đi bộ theo đường muơng về doanh trại mới bóc ra ăn. (Ngày xưa ăn trứng là tiêu chuẩn "tiểu táo"!)... Trong đền chật cứng, dâng lễ và sớ rồi cũng chỉ có thể đứng xa mà vái vọng. Xong, chúng tôi xuống thăm đền Thánh Mẫu.
Trưa, nghỉ ăn cơm ở Hạ Long. Tổng quản thông báo ăn ở đây đắt hơn cả trên Yên Tử. Mỗi đĩa cộng thêm những 5 khìn. (Thế mới thấy ăn bên Hồng Gai, gần nhà nghỉ của cô bạn GM, quá “hạt dẻ”! Nói vậy GM về rút kinh nghiệm không dân Trỗi không đi nghỉ là mất nguồn thu!). Ăn xong ra uống ca phê và tán dóc bên bờ biển.
Trên đường về tạt qua thị trấn Đông Triều viếng chùa Quỳnh Lâm. Chùa cách ngã ba hơn chục km, xe cộ tấp nập về dự lễ hội. Phía ngòai là đồi thông và hồ sen. Từ xa thấy dân chúng vào chùa đông như kiến. Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng cũng đã 700 năm, do Thiền sư Pháp Loa, kế tục sự nghiệp tu hành của Sư tổ Trần Nhân Tông, trụ trì. (Còn Thiền sư Huyền Quang trụ trì ở Côn Sơn). Gần đây quanh chùa phát lộ nhiều di chỉ gốm, lò nung và con đường dẫn lát gạch nung dẫn vào cổng chùa cách đây 700 năm. Chùa Quỳnh Lâm đang ngổn ngang xây dựng. Đặc biệt có vườn đào lớn với đủ lọai đào thắm, đào phai… đang nở rộ. Khi chúng tôi vãn cảnh chùa thì cụ Tích đàm đạo với sư trụ trì.
Chi phí cho chuyến đi: về tài chính, ngòai 4 khách VIP miễn thu, với lối sinh họat “hà chung” (Tổng quản “lê văn…”) thì mỗi vị “lục tốn” 680 khìn/2 ngày. Nghe nhà báo Hữu Việt bình: cũng không tăng là bao nhiêu so với 580 khìn/người của 2006. Xin báo để các bác biết mà “niệu cơm gắp mắm nếu máu du xuân”.
Ngày xuân, theo chân cụ Thiên Tích đi khắp nơi và học được bao điều bổ ích.
1 nhận xét:
Như em, mơ một lần tới Yên tử, mà rõ mảnh đất này là quê hương em, mà em đã biết nó ở chỗ mô đâu. Xem ảnh đọc bài, nghe lời góp của các bác có điều kiện mục kích. Vừa là thưởng ngoạn, vừa là hiểu biết thêm, vừa có kinh nghiệm để nếu có một lần nào đó về "kinh đô" phât giáo này, em biết chọn thời gian cho thích hợp, khỏi bỡ ngỡ lúng túng, khỏi bị lừa gạt, khỏi phải cơm tù ngủ bụi.... Cảm ơn các bác.
Đăng nhận xét