Chủ Nhật, tháng 3 16, 2008

Theo cụ Thiên Tích du xuân (kỳ 2)

2. Hành hương tới Yên Tử cội nguồn Phật giáo VN

Phải xin phép Chủ tịch Văn Hùng nghỉ không đi đá ở Bắc Ninh tuần này để tháp tùng cụ Thiên Tích đi Yên Tử. Cũng là dịp tranh thủ xin các cụ phù hộ cho đội đọat giải. (Đúng là nhờ các cụ phù hộ mà chiều thứ bảy, 15/3, đội Lão tướng CAHN đã thắng Bia Việt Hà 3-2 sau 90' thi đấu căng thẳng, sém thua vì đội bạn quá trẻ và khỏe).

Sáng 7/3, không theo đường Bắc Ninh mà xe theo đường 5 rồi rẽ ở Hải Dương đi Sao Đỏ. Đi được vài chục cây, nhà báo Hữu Việt đã “khởi động” chương trình văn nghệ mừng 8/3. Chơi với anh em nhưng chưa hát bậy trước họ bao giờ, hơi ngại, vậy mà các chú em cứ “bầu giục” và sau khi tu vài ngụm bia “lau đầu từ” rồi xin ý kiến cụ Tích thì được gật đầu. Vậy là hát, hò hết “Đi theo lối nhỏ” lại “Qua hàng thịt chó...” v.v… Chị em "vui như Liên Xô"!

Vui tán dóc và hò hát nên lóang cái xe đã rẽ vào ngã ba vào Yên Tử nơi có đền Trình (mới xây!). Từ đây vào chân Yên Tử còn khoảng 14 km và phải qua 9 con suối (nhưng đã có cầu!). Con đèo vắt qua núi được đầu tư mở rộng và nâng cấp. Đây là nguồn thu lớn nên UBND tỉnh Quảng Ninh không tiếc đầu tư. Qua Trúc Lâm Thiền Viện (theo cụ Tích đây không phải nơi cụ Trần Nhân Tông tu hành ngày xưa) xe cắt chân núi tới bãi xe Yên Tử. Có đến cả nghìn ôtô các lọai (chưa kể xe máy). Cuối bến thấy có bảng lớn “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”. Khách thập phương không mấy ai theo đường bộ mà chen chân xếp hàng đi cáp treo. Nhà ga được xây theo kiểu kiến trúc chùa triền. Đòan người chậm chạp nhích từng tí, may mà có đòan Quan họ Bắc Ninh về diễn làm bà con đỡ mệt. Có giấy “chen ngang” nhưng đòan quá đông (31 vị) nên chỉ được giải quyết cho 4 người vào cáp lên Hoa Yên trước (trong đó có cụ Tích). Cánh văn nghệ đã mở trộm can R của cụ Tích tu trước, lấy giọng hát khi chờ cáp. Dân chúng được nghe hát cứ thắc mắc: Các bác là văn công tỉnh nào? Chờ suốt 2 tiếng mà ngồi cáp không đến 10’. 12g30’ lên đến Hoa Yên.

Ngôi chùa này là nơi vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sau 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông đã xuống tóc đi tu, trao quyền lại cho con trai là Trần Anh Tông (1287). Cụ là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm và trở thành Phật tổ đạo Phật của nước ta. Trước khu mộ táng các sư trụ trì là tháp xá lợi của cụ Trần Nhân Tông. Cây đại 700 tuổi chênh vênh trên sườn núi. Cụ Tích lên trước đã đàm đạo với sư trụ trì và viết sớ cầu an cho cả đòan. Tốp lên trước chuẩn bị mâm lễ, khi mọi người lên chỉ thắp hương rồi xuống quán ăn cơm. Khi mở can R thuốc, cụ Tích phát hiện “có kẻ đã uống”. Hữu Việt nhanh miệng xin lỗi đã thử uống xem có an tòan mới dám mời thày(!). Cụ vuốt râu cười khà khà rồi nâng ly. Hầu cụ tới 14g30 nhưng bức xúc đã tới đây mà không lên đuợc chùa Đồng thì thật tiếc. Vậy là vợ chồng tôi cùng 1 nhóm quyết tâm đi.

Yên Tử mới khánh thành cáp treo 2 từ Hoa Yên lên chân chùa Đồng. Tuyến này đường ngắn nhưng dốc. Giá vé 2 chiều 70 khìn. Khi cáp lên tai ù ù. Cũng chỉ vài phút là tới. Từ đây lên trạm thông tin của bộ đội mà phía trước là tượng An Kỳ Sinh – bức tượng đá do thiên tạo. Từ đây nhìn ngược lên đỉnh có ngôi chùa Đồng thấy người đông như đàn kiến bu quanh. Người lên, kẻ xuống từng đòan tấp nập. Cứ đạp chân lên những tảng đá mà đi. Mồ hôi nhễ nhại, ướt hết lưng áo, miệng thở phì phò. Có đọan phải gò lưng, tay bám vào những tảng đá lớn mà bò. Lưng chừng núi có ngôi chùa đồng cổ. Càng lên gần tới chùa mới càng khó đi. Gặp khách lễ xong đang ngồi nghỉ trên những tảng đá, ngắm nhìn trời đất. Cuối cùng cũng có thể tự hào mà nói “đã thượng tới chùa Đồng” ở độ cao hơn 1000m. (Chợt nhớ lại cuối năm 2007 chúng tôi đặt chân tới Vạn Lý Trường Thành (ngoại ô Bắc Kinh) và chụp trước bia có lưu bút của Mao Trạch Đông “Bất đáo Trường Thành phi hảo Hán”). Quanh chùa đông không thể len chân. Lễ dâng tập thể. Bà xã kịp làm mấy thủ tục tâm linh. Cũng không thể ở lâu, chúng tôi rủ nhau hạ sơn. Đường xuống rất dốc, đi phải phanh lại không dễ tai nạn. Dọc đường thấy cảnh các cháu ôm hôn nhau, cảnh bà con dân tộc bán cỏ cây rừng làm thuốc chữa bệnh... đã chụp và post lên mạng. Lượt xuống núi đi cáp treo đông không kém khi lên. Bà con bị tách thành từng nhóm, dừng từng chặng. Có cậu mệt quá nằm lên tảng đá lớn, ngủ chờ cáp. Xuống tới Hoa Yên lại xếp hàng chờ cáp. Nhóm hát xẩm lại cất lời ca và mang mũ đi “lệ quyên”. Du khách lại được thưởng thức hết “nhạc chế” đến hò lơ “Bút Tre” như: ca ngợi Quảng Ninh giàu đẹp “Lù lù 1 đống đen sì/ Đến gần thì hóa rằng thì là… than!’, “Chưa đi chưa biết Quảng Ninh/ Đi thì mới biết cửa mình mở ra...” và cả thơ của cụ Thiên Tích “Đường lên Yên Tử quanh co/ Đã lên tới đỉnh hết lo sự đời/ Kiếp sau nếu được làm người/ Túi thơ, bầu rượu, lưng đồi mà tu”. Bà con cũng thả vào mũ đóng góp và nằng nặc đòi xin chữ kí, địa chỉ. Sướng và quên đi sự mệt mỏi vì chờ đợi.

Ngồi trên ca-bin trong đêm tối nhìn xuống bãi xe đã bớt ánh đèn. Cả lên và xuống bằng cáp treo mất đến 5 tiếng đồng hồ. Muộn nên cả đòan ăn cơm tại Yên Tử rồi mới lên xe ra Vân Đồn. Quay lại Cẩm Phả, Cửa Ông, Cọc 6, Cọc 8… những địa danh từng cùng anh em Học viện KTQS đi “đánh quả” - lập hệ thống thông tin điều hành sản xuất cho ngành than những năm 1983-84, mong thoát khổ. 11g đêm mới đến huyện đảo.

(Về vệ sinh: Ở khu vực này du khách giữ vệ sinh quá kém. Có thùng rác nhưng giấy rác vứt bừa bãi, dọn không xuể. Nhất là dọc đường lên núi hôi hám vì mùi nuớc tiểu và phân. Riêng vệ sinh ăn uống: Nên chuẩn bị thức ăn nhà (gà, vịt…) vì dù thức ăn chế biến (thịt thú rừng, rau rừng…) rất tươi, ngon nhưng khu rửa và chế biến thì… ôi thôi! (Chỉ cách WC không quá 1-2m. Ướt át, bẩn thỉu).

7 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Lưng chừng núi có ngôi chùa đồng cổ.
Cái thằng buôn Phật kiếm lời nào làm cái chùa đồng này rồi để mấy tờ tiền trăm mồi cho dân tình công đức. Nhiều lần lên xuống Yên Tử, chưa bao giờ tôi thấy cái này. Chỉ thấy cái xác chùa đồng cũ đã được hun thành vật liệu và gánh xuống làm đồng nát thôi.

HữuThành.Nguyễn nói...

Cứ đạp chân lên những tảng đá mà đi. Mồ hôi nhễ nhại, ướt hết lưng áo, miệng thở phì phò. Có đọan phải gò lưng, tay bám vào những tảng đá lớn mà bò... Cả lên và xuống bằng cáp treo mất đến 5 tiếng đồng hồ.

Thế thì vất vả thật. Nhưng chắc vì ... hát xẩm, hay chen nhau nhiều quá nên mệt. Chứ tôi leo chân từ bãi xe lên chùa Đồng, lại đi chân xuống tới nơi cũng mất 5 tiếng.

Nặc danh nói...

Không trực tiếp vãn cảnh chùa ngay xuân, thì ta làm cái vãn cảnh chùa qua bài viết và ảnh như thế này kể cũng thú vị. Nó giống như tin thời sự trên truyền hình, nhất là tin thế giới, mình vẫn thích xem trực tiếp các kênh nước ngoài, nếu không thì thích xem của các đài địa phương hơn, vì cái anh truyền hình TW nó không giám đưa những tin quá nhậy cảm, còn anh địa phương thì thoải mái chỉ bị khống chế về thời lượng thôi

Nặc danh nói...

Đi Yên tử như thế này em cũng xin vái!

Nặc danh nói...

Nói như T.quản thì "lưng chừng núi có ngôi chùa đồng cổ" chỉ là cái bẫy..những con chuột du khách ngu ngơ? Du lịch Quảng Ninh hơi bị giỏi, có tinh thần thực sự cầu thị khi áp dụng mô hình làm ăn của Chùa Hương vào tỉnh nhà. Tư duy kinh tế của dân mình phát triển quá sá, chả lo tụt hậu. Ôi!Lại ôi, biết buồn hay vui đây!?
TM

HữuThành.Nguyễn nói...

Thỉnh thoảng tôi vẫn đi Yên Tử, lúc với bạn, lúc một mình. Giờ tôi không nghĩ một lúc nào đó sẽ đi vào ngày hội. Bởi đấy là lúc xã hội đang trong mùa tâm linh, người ta rồng rắn lên đất Phật tìm kiếm tài lộc phúc. Đổi lại bộ máy thương mại ở đấy cũng chạy hết công suất. Hậu quả môi trường lãnh đủ.
Cứ hình dung địa phương tận thu "thuế" đấu thầu dịch vụ. Anh thắng thầu rồi thì chỉ còn mỗi chuyện làm sao kiếm được nhiều. Cái chùa Đồng cổ ấy có vẻ "ăn" hơn làm hàng quán. Để hết hội, nó sẽ được người ta mang về lau rửa sạch sẽ trân trọng cất đi thôi, cái máy nhặt tiền lẻ ấy.
Mùa thu, khi mà xú uế đã bay đi hết, cây cỏ đã mọc lại, khí trời mát mẻ, vắng vẻ, mới là lúc đi Yên Tử hay nhất.

Nặc danh nói...

Đúng vậy, cách đây vài năm, tôi có ra bắc chơi và có đi Yên tử (vào khoảng tháng 6 - 7 gì đó). Không khí thanh tịnh, vắng lặng, ko co "dịch vụ", chỉ toàn sư và các phật tử thật tâm cầu khấn. Rất thanh bình, trong sạch, cảm nhận ngay thấy đúng là cõi tu.

HMK6