Thứ Hai, tháng 8 20, 2007

THỊT CẦY DU KÝ



Phần I: THỊT CẦY DU KÝ

Hồi này bạn mình đi du lịch, chơi bời khắp nơi, chụp ảnh,ghi hình , viết bài lia lịa . Các bạn đang cảm nhận cái đẹp., cái khoái quanh mình bằng đôi mắt, con tim, khối óc, song chớ lầm tưởng rằng thế đã nhiều !
Không hẳn vậy đâu - Người ta còn có thể cảm nhận lịch sử , nền văn minh , vẻ đẹp đất trời qua đầu lưỡi và bằng đầu lưỡi.
Khi bạn đến với " văn hóa ẩm thực ".Thông qua cái cách con người ta thưởng thức một món ăn, qua thái độ trân trọng , tự hào về một sản vật của quê hương mình, các bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị. Nói không ngoa: Mỗi lần nhậu đúng là một lần học hỏi ?!
Chả thế có tay đi nhậu về, bị vợ xách tai, hắn phải khai là đi học . Vợ hỏi học được gì ? Hắn múa mép một hồi bà xã đâm hoang mang : Hóa ra mình ...vô học!
Giờ thì tôi xin được trở lại chuyện thịt cầy hầu các bạn:
Thường thì ít người coi thịt cầy như một thứ đặc sản, bởi nó chỉ là món dân dã, dành cho loại "thượng đế" tầm tầm, nó thường được bán trong những quán nhậu lụp xụp, nhếch nhác và phải hơi dơ một tí . Tôi chưa bao giờ thấy thịt cầy bán ở những nhà hàng, khách sạn sang trọng, quy mô hoành tráng . Tại sao vậy ? Đó là một ẩn số .
Thịt cầy không là đặc sản nhưng thịt cầy lại là món nhậu đặc biệt , rất đặc biệt là đằng khác. Nó không giống bất kỳ thứ thịt gì trên đời. Có thể vì nó có cái gì đó nửa vật nuôi trong nhà , nửa lại có hơi hướng của thịt rừng hoang dã, chính vì vậy mà cách tẩm ướp xử lý mới chẳng giống ai- đó là cái làm nên sự độc đáo khiến thực khách phải nao lòng...
Sống trên đời ăn miếng dồi chó - xuống âm phủ biết có hay không! Đã có thời, thịt cầy còn được coi như một trong những tiêu chí đánh giá con người lịch lãm, sành điệu "Đàn ông biết đánh tổ tôm. Biết ăn thịt chó, xem nôm Thúy Kiều"...
Nào các bạn, hãy đưa bước chân lãng tử cùng tôi lang thang trên những nẻo đường đất nước.

Thịt cầy Bắc kỳ :
Người ta nói rằng miền Bắc chính là cái nôi của " nền văn minh thịt cầy". Người Bắc tự hào vì điều đó , họ đi khắp nơi để "gieo giắc" nền văn minh này, cần mẫn như một nhà truyền đạo.
Tôi chưa thấy tài liệu nào nói dân Bắc biết nhậu thịt cầy tự bao giờ, nhưng chắc phải là rất lâu , lâu lắm... nghe nói bên cạnh cổ vật trống đồng, người ta còn tìm thấy cả một mẩu xương chó trong di chỉ văn hóa !
Dân Bắc thường nấu theo lối truyền thống "thịt cầy 7 món". Tôi không dám nói tới con số 7 trong Kinh dịch vì mình không rành. Song tôi nghĩ dân Bắc bày ra 7 món chẳng qua là để xơi hết toàn bộ con cầy ( tất nhiên phải trừ lông và ...). Các bạn cứ ngẫm đi, món cuối cùng là xáo măng chan bún, ngoài mục đích giải quyết 'khâu no", nó còn nhằm tận dụng tất cả xương xẩu còn lại của chú cầy tội nghiệp?
Nhiều người nói món hấp là món ngon nhất vì nó "gin" do chưa bị tẩm ướp nhiều !? Nhưng với tôi, trong 7 món thì "rựa mận" là xuất sắc nhất. Nó ngon không phải vì con cầy Bắc kỳ được tẩm bổ bằng thức ăn "giàu vi lượng" ở bờ đê sông Hồng mà chính là nhờ chất liệu nội tại của chính bản thân nó.
Các bạn có thể nhiều lần ăn món này, nhưng đã mấy ai được thưởng thức ? Tôi nói vậy các bạn đừng tự ái . Ăn và thưởng thức là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Ăn chỉ đơn thuần là nhai và nuốt kèm theo cảm giác ngon- dở. Thưởng thức thì ở cấp độ cao hơn nhiều. Tỉ như khi người ta thưởng trà như một nghệ thuật, thì đó là Trà đạo, nó dành cho những kẻ hào hoa phong nhã, còn uống trà giải khát lại chỉ dành cho những kẻ phàm phu tục tử mà thôi. Chả thế, khi "thưởng thức" thịt cầy, người ta cũng ăn nhưng mà là nhâm nhi, tận hưởng cái ngon cái ngọt của nó . Sự tinh diệu của một món ăn lúc ấy không còn là một sản phẩm chống đói nữa rồi, nó mang đậm bản sắc dân tộc, nó gắn với địa danh, với lịch sử , với con người, nó làm nên tình cảm,vẻ đẹp và nhờ vậy sự cảm nhận, khả năng mỹ cảm của mình được nâng lên....
Các bạn hãy chịu khó "về nguồn", tìm đến một vùng quê yên ả . Ở đó các lão nông sẽ mời các bạn món"rựa mận" chân truyền, chính họ mới là những nghệ nhân thực sự.
Thịt cầy ở đây được họ tẩm ướp bằng riềng, mẻ, mắm tôm và nhớ bóp cái mật chó cho vào, yên chí, không đắng đâu. Còn thiếu gì nữa nhỉ? Một bát củ chuối hột thái miếng bằng ngón tay bỏ vào nấu chung...khi món ăn gần chín, lúc này 'thợ" mới đổ chén huyết đọng lấy từ bụng chó vào ( tiết chó còn phải để làm dồi và tiết canh).Thời gian nấu và chế độ xử lý nhiệt cũng rất quan trọng, nó làm cho thịt thì mềm và da vẫn giòn, chất gia vị thấm sâu vào thịt. Chén huyết là để làm nên màu nhựa mận và cái sền sệt đặc trưng của món.
Điều gì xảy ra khi nồi rựa mận được bưng lên và nút lá chuối của chai " quốc lủi ' bật mở ? Các bạn sẽ rất bất ngờ khi những tay nhậu chuyên nghiệp tranh nhau gắp củ chuối . Các cụ dùng câu " phải đánh nhau để gắp được miếng này", hóa ra cái ngon, cái ngọt nó "thấm" hết vào đấy. Mình ăn miếng thịt chỉ là cái "bã"?
Tôi đi sâu vào vấn đề có tính "nghiệp vụ" mong các bạn hình dung - Để thịt cầy được trở thành món "quốc hồn quốc túy" là cả một nghệ thuật thăng trầm.
Ngày ngày các bạn chui vào XNLH thịt chó Nhật Tân, có bao giờ được gắp miếng củ chuối tôi nói không nhỉ? Những nhà hàng đồ sộ , xe cộ chật cứng. Cái vương giả của cơ chế thị trường là thế, đầu óc kinh doanh quay cuồng của ông chủ thương mại hóa thịt cầy làm sao có thể hiểu và thi vị hóa món thịt này! Họ chỉ có thể cung cấp cho bạn món thịt cầy "biến tấu", với cách nấu lai tạp, phàm tục mà thôi. " Thịt chó nấu giả cầy" là thế .Các bạn vẫn ăn , khen ngon nhưng các bạn sẽ chẳng bao giờ được thưởng thức cái chiều sâu mang tính tâm linh ẩn chứa bên trong. Cái hồn của một món nhậu chẳng phải ai cũng có cơ duyên hội ngộ.

Thịt chó Nam Kỳ :
Miền Bắc có con mực, con vàng , con khoang, con đốm thì miền Nam cũng có con chó cò ( trắng), con phèn, con luốc... những cái tên mộc mạc dân dã, thân thương, gần gũi rất đời thường .Chỉ mãi đến khi Tây vào xứ ta mới có những cái tên lạ hoắc kyky, mino, misa, lulu ....mà thôi. Điều đó không quan trọng vì chúng ta đang nói đến thịt của chúng kia mà !
Thật khổ cho lũ chó, chính chất lượng thịt đã làm nên vinh quang đồng thời cũng mang họa đến cho chúng - họa phúc song hành !
Các bạn đang xem Tây du ký trên TV? Nếu thịt Tam Tạng không thơm ngon , ăn vào có thể trường sinh bất lão thì thầy trò họ đã khỏe re , thỉnh kinh về chỉ là chuyện nhỏ. Bọn yêu quái là lũ sành điệu , đứa nào cũng liếm mép muốn nếm đặc sản "thịt Đường Tăng ", thế là họa đến.
Thú thật với các bạn. Hồi 30- 4-75 ngồi trên xe tiến vào SGòn, tôi có cảm giác thảng thốt rất lạ khi ngước nhìn tấm biển " Hạ cờ Tây" hoành tráng ngay cửa ngõ Bảy Hiền. "Hồn Việt" chăng? Nó vẫn sống động, trường tồn sau cuộc binh đao khốc liệt - Đất nước nay đã quy về một mối...
Trong cuộc đời, với tôi có nhiều kỷ niệm và thịt cầy là một trong những kỹ niệm đó. Hồi mới giải phóng, chưa bao giờ trong suốt cả năm trời bọn tôi chén nhiều thịt cầy đến thế. Mỗi đơn vị cát cứ một bản doanh ngụy rộng mênh mông...
Lũ chó "cơ nhỡ " lạc chủ chạy khắp nơi trong thành phố và các doanh trại là nơi chúng tìm đến. Cứ con nào vào trong hàng rào là quân ta đòm một phát, theo kiểu cá vào ao ta là của ta... bọn tôi "kiểm tra chất lượng" đủ loại từ con phốc bé xinh đến thằng Becgiê hùng dũng, nhiều chú chó kiểng giờ phải tiền triệu chứ chẳng chơi.
Chúng tôi ăn nhiều đến nỗi anh em ngồi bên nhau thằng nào cũng thấy mùi là lạ. Cái mùi đặc biệt này bạn nào muốn biết hãy chén thịt cầy liên tục một tuần, trong mồ hôi của bạn sẽ có "hương vị đậm đà khó quên"- Hương cầy!
Lan man quá , xin trở lại chủ đề .
....Tôi về Nam dễ đã mấy chục năm trời, lòng vẫn ước nguyện được nhậu một bữa thịt cầy Nam Bộ đúng điệu, chuyện nghe rất gần gũi mà sao quá xa vời. Mình khó tính hay vì mình muốn được "thưởng thức" như một nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực đây?
Dân Nam không trọng thịt cầy, thịt cầy với họ không "thiêng liêng" như dân Bắc. Có thì ăn , không có cũng chả sao , nó không phải là nhu cầu, thậm chí còn bị coi là thứ cấp trong những bữa ăn lớn. Lý do ư? Chắc dân Nam cậy có nhiều thứ đặc sản rắn, rùa ...quá xịn !?
Thịt cầy dân Nam quả có khác hơn, nấu cũng rất ngon, thậm chí có món còn ngon hơn cả dân Bắc. Họ không dùng riềng, mẻ , mắm tôm là thứ gia vị chính của dân Bắc nhưng thay vào đó lại là nước cốt dừa , sả ,ớt, chút nghệ, đậu phộng, ngũ vị hương...
Bạn ăn món "xào lăn" có thể ngang ngửa với "dựa mận", món kết thúc là cháo chó nấu đậu xanh với chân cẳng, đuôi...có thể sánh với món xáo chó Bắc kỳ. Nó có tính hàn , làm mát con tì con vị của bạn sau một ngày chinh chiến.
Nếu có điều kiện các bạn hãy dùng thử món cầy quay ( như heo) rất giòn và thịt chó khìa nước dừa Nam bộ. Chớ coi thường, dễ " chết người" lắm đấy.
Nhớ chuyện lịch sử .Thuở bình minh đi mở đất phương Nam, người ta dắt theo con chó làm bầu bạn trong buổi ban đầu cực kỳ gian khổ . Chó không chê nhà khó! Con người coi chó là bầu bạn trung thành . Dân Nam nhìn con chó với con mắt khác. Con chó là công cụ giúp họ săn bắt kiếm ăn, bảo vệ họ trong những tình huống hiểm nghèo. Dân Bắc thì khác, con chó chủ yếu chỉ để giữ nhà, làm thực phẩm và giải quyết dọn vệ sinh...
Ngày dân "Hà Lam Linh" đuổi Tây quá đà , tay lọ mắm tôm, tay nắm củ riềng, lưng dắt dao phay- đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt làng cầy Nam Bộ. Giờ đây dù các bạn chạy tới Cà Mau, ngửi đầu thằng dân Nam nhậu thịt cầy nào cũng thấy mùi mắm tôn thoang thoảng . Biết buồn hay vui đây? Thịt cầy nam Bộ đang bị thất truyền, thị phần ngày càng thu hẹp...người ta nuối tiếc và giải thích nhiều cách khác nhau, nhưng theo thiển ý cá nhân. Thịt cầy Nam kỳ "chết " chính là vì món nước chấm của nó ?
Thịt cầy Nam kỳ chấm với "nước mắm thấm" chứ không phải với mắm tôm. Có thể nói mắm tôm là "gia vị công nghiệp", tiện dụng vô cùng . Bạn chỉ cần vắt tí chanh, cho miếng ớt, rót chút đế vào đánh sủi bọt thế là xong. Còn nước mắm thấm là "gia vị thủ công", chế biến và sử dụng quá cầu kỳ, phải ra chợ mua đồ về chế biến lại không bảo quản được lâu nên khó phổ cập được. Vậy nước mắm thấm là gì mà kinh khủng thế ?
Nó là một tứ hỗn hợp sền sệt gồm có : Tương Tàu( tương hột ) nghiền nhỏ + Sả bằm + ớt+ nước cốt dừa + nước mắm nguyên chất + đậu phộng rang giã nhỏ + chút đường.
Cái thứ nước chấm này "bá chấy ", cái gì chấm với nó cũng ngon...đến mức khi không có đồ ăn , với nó bạn vẫn có thể xơi mấy "đọi" cơm như thường.

Thịt cầy Cam pôt:
Dân CPC không biết ăn thịt cầy mặc dù con chó đối với họ chẳng phải là "linh vật" !
Anh em chúng tôi, giờ ngồi lại đều nói cái "ngu" lớn nhất của bộ đội mình dạy dân Miên ăn thịt chó.
Ở bên Miên các Phum, Sóc đều nuôi rất nhiều cầy. Cầy của họ cũng nhanh nhẹn, chắc thịt như chó cỏ xứ mình, cũng mực, cũng vàng chạy loăng quăng khắp xóm. Ban đầu vì họ không biết ăn nên các chú "Tom tóp VN"( bộ đội VN- tiếng Miên) cứ la cà xin xỏ là họ cho ngay, vô điều kiện. Chó bắt về nấu nướng ì xèo vui vẻ lắm... cho đến một ngày cơn làm biếng nổi lên , các bọ nhà mình bắt đầu hướng dẫn cho họ cách làm thịt và cách nấu. Anh em hoàn toàn vô tình trong việc "chuyển giao công nghệ " thịt cầy cho bạn. ...Tom top VN mất cảnh giác,lúc này chỉ bận tập trung khâu " kiểm tra chất lượng" . Thực ra các chú Miên lúc ấy vẫn chưa dám ăn nhưng lòng đầy nghi hoặc bởi thấy các Tom tóp "măm" dữ quá . Rồi theo phép lịch sự , mình mời bạn nếm thử . Cái gì đến nó đã đến - dân Miên giờ mới phát hiện ra thịt cầy ngon quá đỗi...
Nguồn "tài nguyên" bị chia sẻ nhanh chóng . Từ chỗ họ cho không , rồi đến đổi vài ký gạo/1 chú cầy, sau phải thêm vài đồng rien và cuối cùng dân nhậu Miên trở thành đối thủ cạnh tranh với mình, đau,đau quá ! Cứ y như chuyện nỏ thần.
...Phải công nhận hồi ở Miên quân mình tiêu thụ nhiều rươu cồn không kể xiết. Cứ chiều chiều các bác buồn "nhớ nhà, nhớ tổ quốc" là xong một xị.
... Lần ấy bọn tôi vượt biên giới vào đất Công pông Chàm . Đi từ sáng đến chiều mới tới Chúp - một đồn điền cao su. Đoạn đường chừng trăm Km mà đi mất cả ngày . Dọc đường quốc lộ, cứ khoảng một,hai cây số , Pôn pot lại đào một rãnh ngang rộng chừng 40 phân, và cũng cạn thôi, để phá giao thông. Chẳng có gì là nguy hiểm nhưng khó chịu thì không để đâu cho hết. Xe cộ chạy như rùa , mới vừa sướng một tí xe lại lao rầm xuống rãnh. Mông bộ đội mình cứ là chai như đít khỉ, xuống xe gân cốt rã rời từng khúc, xương sống đau ê ẩm. Đúng là "dặm đường máu lửa".
Xe đến nơi, gặp ban chỉ huy toàn chiến hữu cũ. Anh em mừng lắm nhưng sao không thấy thằng nào mời nhậu? Hiện tượng bất thường !
Sau một hồi gặng hỏi tay Ctrưởng chỉ vào đống vỏ ốc bưu ngoài sân, con nào con nấy to như quả bóng bàn trở lên, giọng rầu rĩ : Anh em thấy trong hố bom ( thời Mỹ ) có nhiều ốc quá, bắt lên nhậu tá lã . Sáng nay có ý kiến: " ốc nhiều thì chắc cá cũng phải to" thế là tát ao. Tát xong mới thấy một đống xương , sọ người bên dưới ( tác phẩm của ponpot đây). Giờ các chiến hữu "đầu vào ' "đầu ra" đều tắc cả , mặt xanh như đít nhái ...
Nghe xong câu chuyện Sếp tôi tức lắm , "phải biến đau thương thành hành động CM", lính tráng gì mà mất hết cả nhuệ khí chiến đấu, hỏng! Tụi bây lấy ngay xe tao "đi làm nhiệm vụ". Chiếc Zeep phóng vù vào phum Miên, một lát sau trở lại. Trên xe chú liên lạc cười như nghé, tay ôm chú cầy vàng hoe béo mượt.
Cuộc nhậu kéo dài đến gần 2 giờ khuya . Rượu đã cạn mà chuyện vẫn còn, biết tính sao đây?
Sếp bảo- anh em hôm qua mệt quá rồi, tao với mày đi kiếm rượu. Tôi lấy xe lôi thêm tay công vụ phóng thẳng ra chợ Xuông cách đấy khá xa. Hai bên đường, hàng cây thốt nốt trong đêm lừng lững , đen sì như những bóng ma...
Quán xá tối om, nghe nói bọn ponpot tối vẫn " thu thuế" ở đây. Hồi đó xứ này không có điện, bọn tôi gọi cửa một hồi mới có một ông già lập cập, tay cầm cây đèn dầu leo lét bước ra . Ông già sợ quá thấy ba người súng ống đầy mình, mắt sâu , râu rậm, đất đỏ đầy người... Sếp tôi lập tức xổ ra một tràng Miên ngữ ( người vốn là tình nguyện quân hồi 9 năm). Câu thứ 2 rồi thứ 3 , chủ quán vẫn ngơ ngác! Bỗng ông già lên tiếng rành rọt: Các chú nói tiếng Việt đi, nãy giờ qua không hiểu chi cả . Hóa ra Sếp mình lâu quá không luyện giọng, còn chủ quán là Việt kiều làm ăn ở đây( may mắn thoát khỏi lưỡi dao Ponpot), vô duyên thật....
Chuyện còn dài, giờ phải mang rượu về cho anh em đã . Cái đất Ăngco này thật lắm chuyện bí hiểm, cứ như nụ cười của tượng tháp Bayon ...

Thịt cầy Hàn Quốc:
Trước khi đi xứ Hàn, mấy thằng "củ sâm" đối tác rủ rê tôi vào mấy quán thịt cầy Hàn Quốc tại SG. Thứ nhất để làm quen với văn hóa nước họ, thứ hai là để "tập huấn thịt cầy". Bọn này lại khoái nhậu với tôi chả hiểu tại sao. Lúc nhậu chúng nói chúng nghe, tôi nói tôi nghe, ngôn ngữ bất đồng thế mà xem chừng thông cảm nhau sâu sắc lắm. Về mặt khoa học, các nhà bác học nói rằng dân nhậu phát ra tín hiệu, tần số gì đó rất đặc biệt để tìm đến nhau, họ giao lưu và hiểu nhau cóc cần ngôn ngữ chắc là đúng.
... Sau một tuần ngao du trên đất Hàn, nếm thử các món thịt cầy của bạn, tôi hơi ..thất vọng, nó chẳng phải loại "danh bất hư truyền". Có thể cái "gu" thịt cầy của dân mình nó khác chăng?
Dân Hàn không ăn cầy nhà nuôi. Họ có những trại nuôi chó công nghiệp để cung cấp thứ thực phẩm này . Họ xơi chúng bình thản như ta ăn con gà , con vịt chẳng màu mè và đặc biệt họ không có món lòng, dồi. Chẳng lẽ họ vứt đi, thật hoài của! Thịt cầy được các bà nội trợ mua về cất trong tủ lạnh , thích thì lại xẻo một miếng đem nấu, hay thật.
Một trong món phổ biến nhất là " Búc king thang", tạm dịch là món canh chó hay lẩu chó của dân Hàn.Thịt chó được hầm nhừ với rau củ, ra hết nước ngọt vì thế thịt rất nhạt nhẽo... Các món khác cũng luộc, cũng nướng...nhưng tẩm ướp rất sơ sài lại thêm nước chấm nhàn nhạt nên ăn không "bắt" lắm. Thịt cầy Hàn nấu kém gia vị, chắc họ phải dành đất trồng sâm nên chẳng còn chỗ trồng riềng?
Gia vị và nước chấm là những thứ quyết định chất lượng của món cầy, mà sao cầy Hàn nổi tiếng thế tôi cũng chịu.
Dương Minh nói chuyện mấy anh pilot "đánh" thịt cầy qua Hàn? Chắc phe ta nhằm phục vụ mấy thằng dửng mỡ khoái xài "cầy ngoại", chứ tôi nghĩ xứ họ khoản này đâu thiếu.
Ngày bọn tôi về, dàn trợ lý Hàn bẩm báo thế nào đó, ông chủ công ty nhất mực lôi bằng được chúng tôi tới tiệm thịt cầy nổi tiếng Seoul. Đến nơi chả thấy mống thực khách nào, hóa ra bạn mình đã bao cả nhà hàng để nhậu cho được ...yên tĩnh. Ôi! chỉ riêng nghĩa cử này thôi đã thấy tình hữu nghị Việt - Hàn đặt trên lưng con cầy rất chi là thắm thiết.

Thịt cầy Trung kỳ :
Đọc đến đây chắc các bạn miền Trung thắc mắc ; thịt cầy quê mình đâu sao không thấy? Có đây , "du ký" mà lại bỏ qua Trung kỳ thì họa có đi bằng tàu bay, còn gì là vui thú . Chẳng qua thịt cầy miền Trung "siêu " quá, nên tôi phải dành lại để ngăn dòng cảm xúc ẩm thực thái quá của anh em mình - những người giàu "tâm hồn ăn uống".
Số là sau khi các anh "Bờ Lờ Lờ" Trỗi nối mạng được với khúc giữa của chữ "S".Tôi nhận được một thông tin gây chấn động, làm xôn làng nhậu cả nước. Đó là món thịt cầy tuyệt hảo của miền Trung - đặc biệt chỉ dành riêng cho dân nhậu can trường!?

Và đây là sự kiện:
Tại một bàn nhậu ở Trung kỳ. Hôm nay thằng Trung chơi sộp, giới thiệu sản phẩm quê mình với hai thằng bạn Bắc, Nam chí cốt....
Đĩa thịt cầy được dọn lên, khói bay nghi ngút , hương vị thơm lừng , chai Bàu Đá sóng sánh...Thằng Bắc, thằng Nam liếm mép, gắp thử một miếng đưa lên mũi ngửi, đầu gục gặc rồi cần lòng không đặng cho ngay vào mồm, bốn mắt nhìn nhau dò hỏi rồi cùng òa lên: Thơm, béo ,bùi ...ngon, ngon quá . Tuyệt cú mèo! Tiên sư thằng chó nào mà nấu thịt cầy ngon thế !
- Thằng Bắc, thằng Nam thảng thốt : con mực hay vàng cũng không thể ngon như vậy!
- Thằng Trung nhếch mép cười khẩy đầy khinh mạn: Sở học thịt cầy của chúng mày chỉ có thế ru ? Chó "quê ông " chẳng mực cũng chẳng vàng . Nó không màu hiểu chữa! Vậy mà lúc nào cũng đòi vỗ ngực xưng là dân "cầy học".
- Thằng Bắc, thằng Nam thộn mặt ngơ ngác. Sao lại có thứ chó không màu ???
- Chúng mày cứ khoe ăn nhiều, uống lắm vào. " Biển học vô bờ - ngu si là bến". Chó "quê ông" không những không màu mà còn không thèm... có lông nữa. Đơn giản, vì nó là chó ...xà mâu!
Xin tạm dừng ở đây. Nghe đâu hai thằng Bắc, Nam mắt đã đứng tròng.**.
Thay cho lời kết :
Khi sa vào chuyện thịt cầy mới thấy mọi lời kết đều vô nghĩa. Thịt cầy dẫn dắt bạn tới khắp nơi, từ bao kỷ niệm xa xưa đến những chuyện buồn vui đời lính. Thực thực- hư hư, lãng đãng, bồng bềnh....Thôi thì mỗi người hãy tự cảm nhận dở-ngon bằng khẩu vị của chính mình . Một chút đắm say cuộc đời, âu cũng là điều đáng nói.

Sài Gòn 17-8-07
Thanh Minh

* Trong ảnh là Milu nhà tôi. Vừa "ngửi" bài này ả bất mãn lăn đùng ra vậy đấy. Các bạn cho lời bình.
** Nghe hung tin về hai bạn mình - nạn nhân "cẩu thực". Bác sĩ Thủy bều Chủ nhiệm khoa hồi sức QYV Khu V lập tức lên đường. Trước khi đi đc mình không quên lấy một lọ gì đó nho nhỏ trên chạn bỏ vào túi.
Đến hiện trường, Thủy bều vạch mắt 2 thằng , rọi đèn pin. Hình như đồng tử không thèm co dãn, mạch rất yếu, dù đã bấm huyệt nhân trung nhưng chẳng thằng nào thèm mở mắt... Tiên lượng ban đầu rất xấu. Giới chuyên môn gọi là "Sốc phản vệ".
Mọi người hồi hộp, chẳng lẽ hai thằng bạn mình lại "đứt bóng" lãng xẹt thế này sao?
Chỉ có thầy thuốc ưu tú Thủy bều là tỉnh bơ, cho tay vào túi lấy ra cái lọ nhỏ*** , lắc nhẹ rồi chấm ngón tay quệt vào mũi hai thằng . Quả là công hiệu, chúng ngồi bật ngay dậy , mắt mở thao láo trước sự bàng hoàng của mọi người.
*** Loại thần dược bí truyền này là của giòng họ Thủy bều. Các bạn mỗi người cũng nên có một lọ phòng thân khi tàu xe trắc trở . Đó chính là "mắm cáy Bình Định".

PhầnII : TỬU PHÙNG TRI KỶ THIÊN BÔI THIỂU ( xin đón đọc)

23 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Cái phần I này có thể chia ra đến 5 kì báo hấp dẫn.
Hồi trước có câu chuyện hình như trong Văn nghệ Quân đội, kể về một tay nấu thịt chó một nồi tất cả các món. Khi hắn chọc thủng lớp lá chuối trên cùng thì "một đám mây hình nấm bốc lên, chậc chậc, ngon không tả được".
Trong chuyện này có mấy miếng củ chuối mới là món độc đáo. Nhưng nếu thế thật thì thịt sẽ không còn ngon nữa, giống cá kho khế hoặc kho dưa vậy.

Nặc danh nói...

Bình ảnh:
- chủ nào chó nấy.

12,7mm

Nặc danh nói...

Bố khỉ, thằng chó nào chửi Bọ đau thế hả ?
TM

Nặc danh nói...

TM ơi,
Nên chia ra làm nhiều kì cho 1 phần - vừa đỡ mệt vì quá dài, vừa dụ khách (theo kiểu báo chí).
KQ

HữuThành.Nguyễn nói...

TM có tâm sự rằng phải chia ra làm 2 cho nó đỡ ... dài!
Đáng lí là để một lần luôn đấy. Đọc một lần cho nó đã đời ... chó.

TranKienQuoc nói...

TMinh viết làm tôi nhớ lại ngày tiếp quản 1975. Xe cứ đi, đến bữa thì dừng lại nhà dân ven đường xin nước, nhờ bếp nấu cơm, ăn xong lại lên đường. Tới Tuy Hoà, bộ đội cậy còn nhiều xăng nên gạ dân đổi chó về "nuôi". Cu cậu chắc biết bị lừa nên cứ sủa ông ổng suốt dọc đường.
Khi vào tới sân bay Nha Trang, ngay chiều đó, chú chó bị lên thớt. Không hiểu cơ quan ngoài thế nào, chứ trong đơn vị bộ đội nào cũng có ít nhất một tay nấu nướng giỏi. Loáng cái chú chó được chọc tiết, thui, phanh thây rồi chế biến. Cũng dồi, luộc, nướng, sáo.. đủ bộ lệ. Đêm, gió biển thổi vào, cả hội đánh trần ra nâng lên hạ xuống. Có lẽ đó là bữa thịt chó ngon nhất ngay sau ngày giải phóng!

Đầu những năm 1990, bôn ba hải ngoại. Khi ở Ba Lan, vì không có thịt chó, anh em đã bày nhau làm món giả cầy. Chân giò mua về chặt khúc, ướp gia vị và mù tạt (thay cho mẻ). Ăn cũng ngon ra phết! Đúng là "Thịt lợn nấu giả cầy, các cụ ăn như chó!"!

Nặc danh nói...

Bố nói đúng, chó bẹcghê ăn không ngon, cứ như thịt bò ngã nước. Nhưng cái anh chó bông Nhật bản thì được đấy, có thể giả thịt chồn.
Nhưng bố nói in ít thôi, thèm quá chừng. Bố chỉ được cái nói đúng.
HCQuang

Nặc danh nói...

Không hiểu sao khi đọc " tiểu thuyết về cầy " do T.M viết thì tao cứ có cảm tưởng rằng lúc đó nó phải đeo yếm dãi trước ngực thì mới viết nổi. Tuyệt lắm và thật lắm, chắc mày cũng thuộc loại cao thủ " sát " chó phải không?
Mày xui mọi người bình ảnh thì còn kêu cái nỗi gì nữa. Nó bình như vậy là còn tử tế đấy. Nó mà bình " chó nào , chủ ấy " thì mới cay chứ, hì hì.
Lần tới về Hanoi thì Hữu Thành phải bù cho tao một bữa thịt chó rồi, còn khi nào vào Saigon thì có lẽ phải ới T.M thôi.
Phú Hòa

HữuThành.Nguyễn nói...

Không những đeo yếm dãi mà mắt còn sáng quắc, hưng phấn cực kì.

Nặc danh nói...

Chuyện một bữa no.
Hồi ở ĐHKTQS, tụi tôi bị/được đi khai thác sặt mấy tháng, lao công không thua đám tù nhân anh em tù cững bị đưa tới đây khai thác sặt, hàng xóm của tụi tôi). Có lần Sơn tẻo K3 (K3, lẽ ra phải gọi y là anh mới phải đạo) dùng CKC (tức SKS 7,62 li, hộp tiếp đạn 10 viên) hạ được 1 con Lửng. Nom nó giống con heo, da trắng, chân như chân chồn, hôi hám ghê gớm. Khiêng về. Dân nói hôi, không ăn được đâu. Nhưng anh em cứ cạo lông, thui, xử lí như (với) chó, cũng đủ các món cơ bản của chó, thế là ok. Tôi tình nguyện mang bộ đồ lòng ra suối làm sạch, ken đúng bài bản. Anh em doạ nhau rằng, thằng CQuang mà ken thì chúng mày ăn cứt (ý nói ken không kĩ. Hồi đó có một số tên gọi tôi là thằng mọi). Nhưng rồi mọi người ăn ngon như chó, nhưng thú vị hơn. Sau này mới biết nó có tên trong sách đỏ. Mình góp phần phá hoại môi sinh, trật quan điểm lập trường. May dân không dám ăn, chê bộ đội mọi rợ, nên có lẽ, cho tới nay, chỉ chết nhõn 1 con.
HCQuang

Nặc danh nói...

Văn Tuyết Mai nói có mỗi cái "Móm" thịt chó sao mà các bố dài hơi thế.Phê bình đấy! Chắc tức khí thằng TM phang tiếp CAY DU KI "trả thù". Thú thật mới nhòm vào tao hoa cả mắt. Mà khi đọc thì trời ạ! đít thì cứ nhấp nhổm trên ghế, đứt hơi muốn xỉu luôn.Kiến Quốc nói đúng, mày phải chia thành nhiều tập mới phải.Cái tiểu thuyết CHÓ này mà phang một lèo thí quá uổng. Phải cămpuchia ra, thế mới làm mồi nhử KHÁCH THỰC CẨU được. Đừng lãng phí các cụ dạy rồi. Lần sau nhớ đăng hình con chó lực sĩ nhất thế giới cho chúng bình.Dưng con Milu nhà mày chắc phởn chí lắm đấy,hỏi thử nó xem nhé!
DS

Nặc danh nói...

ôi, chết rồi, thiếu dấu ngoặc đơn ở phần đầu: ... lao công không thua đám tù nhân (anh em tù cũng bị đưa tới đây...).
Xin lỗi.
HCQuang

Nặc danh nói...

Thực ra cái giống chó, nó rất thân thiện với người, nó sống chí tình, trung thành với chủ, qua ánh mắt của nó con người có thể cảm nhận được nó muốn gì, nó nhìn chủ của nó cũng hiểu chủ muốn nó làm gì...nhà các bác mà nuôi nó, khi đi đâu lâu ngày, lúc về đến nhà các bác chắc cũng không thể bỏ qua thái độ của nó với chủ, cũng fải cúi xuống vỗ về nó mấy cái thì mới yên... Nên thịt chó ko fải là món khoái khẩu của đệ. Nhà đệ có một "cụ" chó, đệ đang fải lo đến hậu sự cho "cụ", vì tìm một miếng đất ở Hà nội cho "cụ" yên nghỉ khó quá !!!!
Vnq

Nặc danh nói...

Hôm qua, vừa mở blog Trỗi ra thì đập ngay vào mắt tôi" ảnh một con chó" một con chó "nằm chổng 4 vó lên trời", rồi tiếp theo là một bài về ẩm thực " chó" dài dằng dặc. Đọc một lúc thấy hoa hết cả mắt nên tôi đành nhẩy cóc, nhẩy cóc đến phần chữ ký thì thấy một chữ ký rất đẹp "Thanh Minh

Xin lỗi TM trước- con chó trong ảnh là chó của nhà TM đấy à...

VTM

Nặc danh nói...

Mấy đứa sợ ma thì thích nghe chuyện ma. Càng nghe càng thêm sợ. VTMai sợ thịt chó nhưng cứ thấy chuyên đề Chó lại nhào vô, xem rồi thêm sợ. Con chó trong hình chụp là củu 1 đ/c ở Quy nhơn.
HCQuang

Nặc danh nói...

Các ông nhà báo KQ, HT...cứ khuyên tớ cắt khúc bài này ra làm nhiều kỳ để còn câu độc giả kiếm tiền. Đã thế lại còn sợ viết một lần sợ hết nội dung, không còn cái để viết!?
Tớ khác nhé! Tớ viết trên quan điểm "phục vụ nhân dân", chứ không nhằm mục đích kinh doanh như các bác ấy. Miễn sao "dân Trổi" thấy " phê" thấy sướng là được.Đề tài thịt cầy là bất tận, mọi người cứ tha hồ khai thác, chả lo.

Nặc danh nói...

ý kiến trên là của TM. Quên ký tên kẻo lại vi phạm...
TM

Nặc danh nói...

Chí Quang à, tôi đâu có động viên các bạn quảng cáo món thịt chó, tại TM sáng tác thêm một bài nữa nên phải lên tiếng đấy thôi.
rất đồng ý với em Vinh (k8), nhà chị cũng có một con mà, nó cũng già rồi, khôn và ngoan lắm, nhưng chưa phải tìm chỗ mai táng cho nó, Vinh nói chị mới nghĩ tới điều này. Biết mai táng nó ở đâu nhỉ?

VTM

Nặc danh nói...

Vấn đề mai táng cho "cụ" chó nhà e, em cũng đang dò hỏi,tất nhiên là "cụ" chó nhà em năm nay gần trăm tuổi rồi (7 năm tuổi chó = 1năm tuổi người)tuy chưa đến nỗi nào nhưng mình cứ fải lo.Cái giống này khi mang về nuôi thì chưa có vấn đề gì, nhưng nó càng ở với mình thì tình cảm giữa chủ với nó càng phát sinh,phát triển, nên càng ngày mọi người trong gia đình đều cảm thấy nó là một thành viên. Nghe đâu ở dưới khu Trương định có một doanh nghiệp đang làm tất cả các dịch vụ phục vụ cho loài động vật này, từ chăm sóc nó khi chủ đi vắng dài ngày, khi ốm đau hoặc đến khi chuẩn bị "qui tiên", hình như họ có lò hóa như kiểu "Hoàn vũ" thì phải. Nếu hỏi được địa chỉ em sẽ thông báo để chị biết.
Vnq

Nặc danh nói...

Bên blog ÚT TRỖI có bài về bệnh GOUT, mà một trong những nguyên nhân của bệnh này là thịt chó. Mời các bác lượn sang coi !!!!
Vnq

Nặc danh nói...

Vnq thử điều tra xem tỷ lệ bệnh Gout ở Vân Đình, Hà Tây có cao không? Miền quê này làm cỗ chủ yếu là thịt chó, kể cả cỗ cưới, cứ 1 "chú" cho 2 mâm. Nếu cỗ không có thịt chó là dân làng không đến. Người Vân Đình đi đâu mở quán cũng có thực đơn truyền thống là chó 7 món và vịt xiêm (ngan) 3 món. TM có điều kiện thì ra Vân Đình tích lũy thêm thông tin, nếu không thì thu xếp gặp tôi, tụi mình cùng đi Gò Vấp, ở đó có một quán thịt chó của người Vân Đình. DMinh

Nặc danh nói...

Các bạn muốn bình luận ẩm thực chó thế nào cũng được, nhưng tôi vẫn thấy cái ảnh con chó của TM nó sấu quá,
không biết nó có phải là "công công" trong triều đình nhà TM không?
Đã vậy lại ở ngay hàng đầu theo kiểu-
Hàng đầu rồi biết đi đâu
Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi...

VTM

Nặc danh nói...

Bọ đã xem bài Gút trong út trỗi. Xem xong thấy cũng hơi hoảng. Không biết các bọ ăn thịt chó hơi nhiều, liệu có bị gút không. Phiền thật.
Vậy có 2 cách giải quyết: hoặc bọ chấm dứt lập tức các món ăn có nguồn gốc từ chó cũng như các động vật mang đặc trưng tương tự, hoặc, nếu như các bọ đã lỡ ăn suốt trong nhiều năm qua, thì khẩn trương ăn nhiều, ăn gấp - trước khi bệnh gút nó vỗ vai.
Hi vọng là cách giải quyết trên phù hợp với chỉ dẫn của ngành Y.
HCQuang