Thứ Hai, tháng 8 06, 2007

Đi chơi một mình

Bọn bạn xấu hôm nay tốt cả, không có ai muốn đi chơi với tôi. Đã thế tôi lại có dịp đi một mình. Mỗi lần đi chơi một mình là mình được đi theo ý mình, không phải nhường nhịn ai cả. Tôi sẽ nhân chuyến một mình này đi bộ suốt lên Yên Tử, để thử xem sức khoẻ thế nào.
Uống một bụng nước trắng, gần 8h bắt đầu lái xe đi. Tôi sẽ ghé quán dọc đường, ăn để trưa leo khỏi cần lo nghĩ. Mới sang đến Gia Lâm thì Vân Hùng đã gọi, hỏi chuyện dự gặp mặt k3. Theo nhiều anh em ta thì Ban LL là một thứ "quan dân cử". Vì là "quan" nên phải góp mặt khi cần long trọng. Tôi thì cho rằng bản thân cái đám "dân" là chúng ta đây gặp nhau, "cử" nhau, ... cũng chỉ để vui là chính. Các bạn k3 hay là bọn mình cũng thế thôi, gặp ai cũng được, miễn là vui. Thế thì có Vân Hùng và một số bạn khác quen biết tới dự, đại diện k4 là được rồi. Các bạn gặp nhau, vui. Tôi đi chơi một mình, cũng vui.
Đường đi từ HN đến chân Yên Tử có hơn trăm km mà cũng phải mất 3 tiếng động hồ mới đi đến nơi, vì có đoạn nội thành và đoạn rẽ vào đang nâng cấp. Đường từ QL18 vào sẽ to như thế này.
Nó được nâng cấp từ con đường nhỏ thế này. Ấy vậy mà quãng 15 năm trước đây chỗ đường nào được như thế này là nhất. Hình như là hồi đó không có quãng nào được đổ bê tông. Tôi còn nhớ chuyến đi đâu như năm 1994, trời mưa lâm thâm, đường đất, chiếc xe 15 chỗ cá mập lao lên rồi lại trượt xuống dù trên xe chỉ có mỗi cậu lái xe. Còn cuối 78, đầu 79 khi tôi đi tiếp tế pin cho trạm thông tin trên đỉnh, đường vào vẫn còn là đường đất trong rừng rậm.
Đặt chỉ tiêu leo bộ 100%, tức là leo từ cao độ 100m lên 1000m chỉ bằng chân, rồi xuống cũng vậy. 11h bắt đầu leo. Thở, cố leo, đi, nghỉ thở, đi, nghỉ thở, ... cứ thế.
Đường Tùng với những cây thông cổ thụ. Một cây mục gốc, mới đổ. Rồi đây con đường này chỉ còn lại là Đường Tùng trong ký ức. Mấy chục năm cây thông mới có hình dáng coi được, mà ở đây chả có cây nào. Những cây đứng đây đều đã vài trăm tuổi. Bộ rễ của chúng trồi trên mặt đất, chân người đi dẫm vào mòn vẹt. Mùa này nhiều mưa, ít người đi, ở một vài chỗ rễ còn vỏ thấy có nhựa thấm ra đỏ sậm. Rất nhẹ lẫn trong gió mùi nhựa thông, những lần đi trước chả bao giờ thấy.
Quãng đường từ dưới lên đến Chùa Hoa Yên không có một cái quán nào. Cũng phải thôi, có cáp treo mấy ai đi bộ, mở quán chỉ có lỗ. Một mình tôi lên núi dưới bóng cây rừng ẩm thấp. Trên đường tới đây trời nắng, không có vẻ sẽ mưa. Vậy mà mới đi một lúc, trời có vẻ ngày càng âm u. Tôi bắt đầu hối hận vì không mang theo một cái gì khả dĩ che người, trừ cái túi ni lông khi cần cho máy ảnh vào khỏi ướt. Tới sát Tháp Tổ thì trời gió, bắt đầu mưa. Lại có điện thoại của Văn Công Phước rủ đi uống bia. Nói đến bia thấy sướng cả người. Nhưng đang leo, uống thì chắc ngồi luôn. May quá, vừa chỗ có quán, 11h45. Cô quán nhìn thấy tôi: anh lại đi. - Vâng tôi đi kiểm tra sức khoẻ.
Mà lần này tôi kiểm tra sức khoẻ theo điều kiện khắc nghiệt nhất. Chưa bao giờ tôi leo liền trong một ngày hết chiều cao núi Yên Tử. 900m cao với quãng đường dài trên 2km. Nhân đôi, một lượt xuống một lượt lên. Chợt thấy ngần ngừ, liệu có mưa nữa chăng. Liệu có nên đi cáp treo xuống núi, chấm dứt cuộc đi vì mưa? Mưa rào rào, một chốc hết mưa, trời hửng. Cô bé bán hàng lưu niệm hỏi "chú định đi đến đâu", nói "hôm nay chú có nhiều thời gian, đi được đến đâu thì đi, chỉ sợ trời mưa". - Trời ở đây nó thế, mưa một tí rồi thôi chú ạ. Ừ, nếu thế thì đi, trên kia chắc sẽ có nhiều quán để trú. 12h lên đường.
Vân Tiêu là chùa ở quãng 3/4 đường lên Chùa Đồng. Góc này đã chụp từ mấy lần trước rồi. Mỗi người cảm nhận cái đẹp hình thể theo những cách khác nhau. Tôi thì thích góc nhìn này. Các tháp mộ là nơi tâm linh, điểm trọng của mỗi ngôi chùa.
Hai năm trước, đúng ngày Nhà Giáo VN, tôi đã một mình lang thang Yên Tử. 5 tiếng đồng hồ đi bộ hết các điểm chùa Giải Oan, Hoa Yên, Một Mái, Bảo Sái, Vân Tiêu; đi cả thác Ngự Dội, am Thiền Định. Chỉ có lên Chùa Đồng, An Kì Sinh là chưa. Sau đó ít tháng tôi đã lên Chùa Đồng, cũng một mình trong chuyến đi cùng hai Đại tá Tương Lai và Việt Thắng. Chuyến ấy chúng tôi đi cáp treo lên Hoa Yên.
13h lên đến An Kì Sinh, hết đoạn dốc 50%. Mỗi cuộc leo như thế này, khi mình đi vượt qua được một chặng thở dốc ban đầu thì tuy vẫn thở, vẫn mỏi nhưng vẫn còn có thể đi được nữa. Từ đoạn này tôi đi cùng một cậu bé người gầy gò, mặt mày sáng sủa bắt kịp khi tôi dừng nghỉ thở. Cậu bé quần áo xuềng xoàng, dép tổ ong, chậm rãi đi với một chiếc ba lô nhỏ sau lưng, tay cầm túi ni lông có chai nước, một bó hoa "tỉ muội" nhỏ, chắc mang theo người từ xa đến, và có lẽ cả chút đồ lễ đơn sơ. Hỏi chuyện thì biết cậu đi lễ Yên Tử 3 năm, năm nay là lễ cuối, luôn đi chỉ có một mình. Những người như thế bao giờ họ cũng có điều gì để cầu khấn, mình không biết được. Cậu nấu ăn cho nhà hàng Susi Nhật Bản, 15 ngõ Tràng Tiền, người Nam Định. Lên đến chùa Đồng, cậu ngồi nghỉ trên tảng đá, chắc là chờ cho tim bớt đập, người bớt nóng, tâm an rồi sẽ vào lễ. Quả thực lúc cậu đặt đồ lễ, lầm rầm khấn rồi quỳ lạy gần như "ngũ quan tiếp đất kiểu Tạng" thì thấy với cậu một chuyến lên Chùa Đồng là một sự giải thoát tâm nguyện như thế nào.
Từ Chùa Đồng nhìn lại. Nhà ga cáp treo tuyến trên đang được xây dựng. Khách lên Chùa Đồng sau này vẫn còn phải leo bộ một đoạn từ nhà ga (chỗ bê tông bé xíu, trắng, góc dưới trái ảnh) đến An Kì Sinh (nhà mái tôn xanh đỏ) rồi mới lên tiếp. Sẽ vẫn là những bước chân lên cửa Phật. Nhưng đã rút ngắn rất nhiều. Rồi đây đường to, cáp treo lên tới cao độ 900m, áp lực lên vài chục mét vuông đất lễ Chùa Đồng sẽ là vô cùng lớn. Và có thể những ngôi chùa khác trong quần thể này sẽ bị nhiều người bỏ qua. Dưới quan điểm thương mại Yên Tử chỉ còn là Chùa Đồng.
Những tấm ảnh cuối cùng, khi tôi xuống đến Vân Tiêu, là những người vác vật liệu xây dựng lên công trường ga cáp treo. Đường bậc thang nhỏ hẹp, nhưng nếu có thể họ vẫn đi theo đường chữ chi để lên từng bậc một. Một bao xi măng 50kg hoặc một bó thép xoắn. Đây là tuyến vận chuyển hỗ trợ cho hai tuyến cáp của công trường đã chạy hết khả năng mà không đủ.
Về đến nhà, hôm sau bắp không mỏi lắm nhưng hai kheo chân đau vì xuống núi bị chồn. Uống hết bao nhiêu nước và bia. Lại nhớ tới những người leo núi vác hàng.

9 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hữu Thành à,
Đi được như vậy là tốt, vừa khỏe người vừa được ngắm cảnh thiên nhiên. Brvo.
Phú Hòa

Nặc danh nói...

Hữu Thành sửa hộ thành Bravo nhé. Viết rồi không đọc lại nên mới như vậy.
P.H

HữuThành.Nguyễn nói...

Thế cũng là "đính chính lỗi nhà in" rồi còn gì.
Muốn sửa chỉ có cách copy lại đăng vào cái mới, xoá cái cũ đi. Mà nặc danh thì hình như không xoá được. Chỉ có hữu danh thì xoá được lời của mình.
Hôm nào Phú Hoà, TG.Quý về thì chỉ cần leo 1/2 trên thôi là đạt yêu cầu.

Nặc danh nói...

Nhiều người hỏi tôi lý do tại sao HT thích một mình leo núi Yên Tử? Động cơ gì thôi thúc?
- Tìm chút tĩnh lặng cho tâm hồn?
- Nơi ấy thanh tao, thuần khiết giữa cõi trần ô trọc?
- Để đến được gần hơn tới chốn linh thiêng...

Chả biết thế nào. Bọn "đểu giả" nó đồn - mỗi lần bác ấy đi hay mang theo kẹo phát cho trẻ con - vì nghe đâu một vài đứa trong số ấy là những "kỷ niệm biết đi" của bác?!!
12,7mm

HữuThành.Nguyễn nói...

Tôi cho là không có nhiều người quan tâm đến chuyện tại sao đi một mình. Thông thường người ta sẽ vui hơn khi có bạn đi cùng. Nhưng chuyến đi để trải nghiệm bản thân thì đi một mình là cơ hội tốt.
Trong chuyến đi như vậy không ai vướng bận mình và ngược lại. Mình có cơ hội nói chuyện với những người bắt gặp trên đường, chụp thật kĩ càng một bức ảnh, được làm một kẻ lạ mặt, ... Không ai biết mình là ai cả cũng thú chứ.
Nếu ai chưa từng đi chơi một mình thì hãy thử, nếu có cơ hội.

Nặc danh nói...

Quả thật là:
Một mình dạo gót Tây phong lĩnh (*), Trông về trời nam nhớ bạn xưa.
(*) Tây phong lĩnh ở đây được hiểu là Yên tử. Đành vậy.
HCQuang

Nặc danh nói...

Chào HT, du ngoạn như ông thì quá sương rồi.Tôi cũng phải cảm ơn ông vì cho tôi được du lịch ké trên Blog,mở rộng chút tầm mắt.Thú thật tôi là thằng " Nhà quê" hết cỡ ,ở Hải Phòng thì chỉ biết có đồ nhà, không biết Đồ sơn nơi mô,ở Hà nội thì chỉ quẩn quanh mấy con phố...ở Sài gòn cũng rứa ...Con gái tôi nó cũng hay vào Blog, thấy các Chú, các bác vi vu nó bảo thích lắm. Cháu bảo sao Ba không đi với các chú?... Im lặng thôi.Nó có biết đâu Ba của nó thành "hòa thượng" từ lâu rồi. Nhà là đã thành "Tự".Nói thế song tôi vẫn là "sư thích đủ thứ "đấy.Chỉ có điều là với các bạn Bantroi của mình ,dzề rồi.Có lẽ cai háo hức tuổi trẻ còn lại là được gặp, được chơi với các bạn mình.Thế thôi!.

HữuThành.Nguyễn nói...

Thực ra tôi hay rủ "bạn xấu" đi chơi cũng chỉ là để gặp nhau trong những khung cảnh khác. Nó giống với cuộc sống của chúng mình ngày xưa hơn. Cái thủa trẻ con ấy hoàn cảnh luôn thay đổi.
Bây giờ già rồi, gặp nhau bên cốc bia, cốc trà cũng vui. Nhưng nhốt nhau lên xe, nói chuyện, bên ngoài hoàn cảnh cũng thay đổi có cảm giác thú vị hơn.
Tất nhiên chả phải ai cũng đi như thế được. Vì thế tôi muốn chia sẻ sau mỗi chuyến đi, để các bạn mình không có điều kiện cũng được "du lịch qua mạng".
Không chỉ có tôi, mà còn có Dương Minh là một "nhà du lịch vĩ đại". Những câu chuyện của nó vượt ra khỏi biên giới VN, gặp những người bạn, những hoàn cảnh rất thú vị.
Hi vọng các bạn khác ủng hộ cho ý tưởng "đưa du lịch về nhà" này.

Nặc danh nói...

HThành leo bộ lên Chùa Đồng thì siêu rồi, chắc có mang theo máy ảnh, máy định vị vệ tinh, điện thoại di động và có thể chai nước. Lên tới nơi chẳng cúng quảy, xin xỏ gì. Hơi khùng khùng. "Lại nhớ tới những người leo núi vác hàng".
Vẫn còn hơn những thằng giữa trời trưa nắng gắt, đeo 16kg dù, máy bộ đàm, 1kg nước, cây xúc xích, nón bảo hộ... leo lên độ cao (chênh cao) 100 mét, không chỉ 1 lần trong ngày, thì khùng thật rồi.
Um ma ni pac mê hôn.
HCQuang