Chủ Nhật, tháng 8 19, 2007

Trung tâm Tâm linh Việt Nam

Đây là lời của Đại tá Béo dùng lại khái niệm của một nữ sĩ quan trong ngành nói về Chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Tôi cho là không chắc người ta sẽ gọi chùa đó là như thế.
Chuyến đi ngày hôm nay được quyết định trong nháy mắt (nhiều lần). 13h30 mới xảy ra việc tôi phải quan tâm đáng lí được thực hiện vào sớm. Vậy thì có hẳn hơn một buổi sáng để tụ tập bạn xấu. Trước hết gọi cho Đại tá Lười. Đồng ý, khi đi sẽ qua đón. Gọi cho Đại gia. Ok, nửa giờ nữa xe máy ghé qua. Cuối cùng gọi cho Đại tá Béo, có đi cái chùa đang xây dựng nghe nói là to lắm. "À, cái Trung tâm Tâm linh VN, đi chứ". Thế mà 7h40 mới tập hợp đủ 4 người trên một chiếc xe, 2 Đại tá và 1 Đại gia cộng một Đại lái.
Gần đến Ninh Bình, rẽ lối đi Trường Yên. 4 người, có hai Đại tá chưa bao giờ vào Cố đô Hoa Lư. Ở đây còn đền thờ 2 vua: vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Cung điện thì chỉ còn nền dưới hơn một mét đất, giống tình trạng Hoàng thành Thăng Long. Thế thì phải vào, cho các sếp mở mang thêm tầm mắt.
Khỏi phải mô tả về Cố đô Hoa Lư, một vùng đất trũng nằm giữa các ngọn núi đá vây thành. Hồ sen (thay bằng hoa súng) trước đền thờ vua Đinh. Các Đại tá/gia bé như con kiến bên hồ (bấm vào ảnh để xem kích thước 800x533).
Các Sếp (gọi thế cho nhanh) bên long sàng trước nhà Đền. Cái long sàng này bằng đá nguyên khối giống sập gụ, trên mặt có chạm trổ hình rồng. Trộm nghĩ ngày xưa vua mà ngồi trên long sàng này thì hơi bị đau. Nhưng hỏi chuyện một cô hướng dẫn di tích thì được biết toàn bộ di vật của Hoàng cung đều đã bị phá huỷ, ngoài nền điện. Những chiếc long sàng ở các đền đều là đồ cúng tiến vào khoảng thế kỉ 17 để tỏ lòng trung của con dân. Chúng được chạm trổ hình rồng để tượng trưng chứ không phải vật dụng của vua. Lối vào long sàng là những viên gạch nung hoa văn giống ở đền các vua Trần (Nam Định), là gạch dành riêng cho cung vua.
Khi chúng tôi rời đền thờ vua Đinh thì một đám du khách Hàn quốc tiến vào.
Tay hướng dẫn viên người Hàn thản nhiên đi trên những viên gạch cổ, ngồi lên long sàng, quay lưng vào đền và thuyết minh cho đám khách. Thật đáng tiếc là những người khách của chúng ta lại vô học như vậy. Tất nhiên ở đây có vấn đề là "nhà Đền" không để biển cấm để nhắc nhở cho bọn vô học biết phải xử sự như thế nào.
Đền vua Lê ngay gần đấy, cũng có cấu trúc tương tự, hai tam quan (cổng trước có mái), long sàng trước đền.
Tượng vua Lê Đại Hành và các tượng khác ở đây (Thái hậu Dương Vân Nga, vua Lê Long Đĩnh) đều là tượng cổ. Dăm bẩy năm trước, khi tôi đến đây lần đầu, người ta trùng tu khu di tích này. Các cây cột mục được thay, rồi sơn mài toàn bộ cấu trúc gỗ chịu lực với 12 lớp sơn. Riêng các pho tượng cổ thì không được tác động vào. Hàng trăm năm vẫn vậy.

Rời đền thờ vua Lê, để lại một số di tích cho lần sau đi lại, chúng tôi gặp một cậu bé người Âu đang giả làm Đinh Bộ Lĩnh. Cái gì giống cái chổi chít thay cho cờ lau, được cậu bé dùng làm roi quất trâu. Đáng tiếc là người ta không nói rõ "luật chơi" nên cờ mới thành chổi.
Đi tiếp qua Trường Yên, chúng tôi tới chùa Bái Đính (20 độ 16.579 phút vĩ Bắc, 105 độ 51.929 phút kinh Đông). Chuông đồng 36 tấn (so với cậu công nhân đứng tựa vào thì nó cao khoảng trên 8m) đúc ở Huế đang chờ đưa lên gác, là cái công trình bê tông đang xây dựng có thể nhìn ra ở đằng sau sát bên phải chuông.
Bên phải chuông là cây đề do CT Nước Nguyễn Minh Triết trồng, bên trái là cây đề của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trồng (cách đây hơn một tháng) và ngoài cùng là cây do ông Nguyễn Văn An trồng.
Các Sếp rời hiện trường, trong lòng đầy khâm phục về quy mô to lớn của Chùa. Trong ngôi chùa sau lưng đã có tượng Phật (còn gọi là Bụt theo Thích Nhất Hạnh, có lí hơn) 100 tấn. Người ta đặt tượng rồi mới xây chùa vì kích thước lớn quá ngõ ra vào và trọng lượng quá nặng so với các thiết bị dịch chuyển có thể hoạt động ở đó.
Trở ra theo đường cũ, nhìn lại, công trình thật là to lớn. Một quả chuông khác đã được đặt ở xế xế ngôi đền đằng sau, nơi các máy xúc, xe tải vẫn đang cần mẫn chuyển bớt đất đi.
Nói ngôi đàng sau là đền vì thường cấu trúc đền chùa ở ta hay có "tiền phật, hậu thánh". Trước có chùa thờ Phật, sau có đền thờ thánh. Chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), ... đều như vậy. Lại nghĩ ngôi đền, nghe nói xây bằng tiền ngân sách này, sẽ thờ thánh nào đây? Thánh là nhân gian được nhân dân tôn thờ. Có thể thánh ở ngôi đền này đã được ghi trong dự án được duyệt. Giá mà biết được là ai?
Khi về chúng tôi đi đường Phủ Lý-Chi Nê-Ba Hàng Đồi-Xuân Mai-Hà Nội. Đi ngang qua trước Nghĩa trang Liệt sĩ Chi Nê, thoáng nhìn, thấy so với ngày đưa Dương Minh đến "nhận bàn giao" chức Trưởng Họ từ ông bác ruột nằm đây thì bây giờ đã có thêm một ngôi nhà kiểu đền lợp ngói khang trang.
Tôi làm nốt chút việc nhà, chúng tôi kết thúc một ngày tham quan các di tích mới và đang xây dựng; kết thúc nói những câu chuyện buồn cười về món "thịt trâu lá lồm" hay "lá nồm"; về "hằng đẳng thức lịch sử" Đinh-Lê-Lý-Trần-Lê mà bây giờ tôi mới biết nhập tâm; về thuật trồng tỏi của người Quảng Ngãi; về các phát hiện dọc đường; và nhiều chuyện đời và đạo khác.

7 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Trong chuyến đi tôi nhận một cú điện thoại. Đại gia nghe tôi trả lời, ngạc nhiên hỏi "Ai đấy. Xưa nay tôi chả bao giờ nghe ông nói cái giọng lễ phép thế."
Ừ, mình gặp nhau đã bao nhiêu lần, nói đủ thứ chuyện, có coi nhau ra cái gì, nên nói với nhau bằng giọng "lõi".
Mỗi một không gian quan hệ nó có một không gian đạo đức và tương ứng là một không gian ứng xử. Anh Trung Nghĩa k3/4 ngồi uống bia với VTM và các bạn, rủ mình ra uống bia. Thế là quý lắm. Nếu ngồi với nhau, thì có thể nói giọng bạn bè. Nhưng qua điện thoại thế này, không biết anh đang trong tình huống nào, tốt nhất là "trung tính", ứng xử "ngoại giao" một chút. Vậy thôi.
Nghe chuyện đời, ngẫm thấy mình sướng chán. Không phải sống trong không gian đểu, không đến nỗi phải đểu hoặc bị đểu. Thế nên cái lễ phép của mình là lễ phép thật đấy, không phải đểu đâu. Lễ phép như một cách tự tôn vinh mình thôi mà.
Còn với mấy thằng bạn suốt ngày í ới gặp nhau thì "lễ" làm gì cho nó phí "phép".

Nặc danh nói...

HT ơi, có lẽ mỗi ngày mày mở 1 cái gọi là "Nhật ký lời góp ngày ...", trong ngày ae muốn nói gì cứ tương hết vào đó. Cứ duyệt qua duyệt lại 5-7 bài xem có gì mới không hơi bị mệt và tốn thời gian, không duyệt như vậy lại sợ "bỏ sót" thì tiếc lắm!
Hôm gặp LXH quá vui, chỉ có một chút "sạn". T. nói với tao "Các ông chịu khó viết blog nhỉ?" làm tao thấy sướng lắm, xong nghe câu sau thì chán hẳn "Tòan viết linh tinh".
T. ơi, mày nói vậy là mày cũng đọc blog hơi bị kỹ đấy. Nếu thấy cái gì "linh tinh" thì mày cứ "phát" lên để ae cùng rút kinh nghiệm. Còn tao thì thấy đằng sau những cái "linh tinh" ấy - đôi khi còn "thô lỗ" nữa, là những đóng góp và ẩn chứa những điều "trên cả tuyệt vời", chỉ có những người trong cuộc mới cảm nhận hết được. DMinh

HữuThành.Nguyễn nói...

Ý kiến D.Minh về việc Nhật ký lời góp kể cũng hay.
Nhưng mà có thể không phải là lời góp vì thường người ta góp lời vào một cái nội dung nào đó. Có thể gọi là mục Tin nhắn, hay Tào lao, hay Buôn Dưa lê, ... Ai có ý kiến về nội dung gì thì phải trích một mẩu để anh em còn hiểu. Còn nhiều ý kiến khác, không hẳn là vào một mục nào, thì cứ tha hồ ... tào lao.

Nặc danh nói...

Chiều qua Trung Nghĩa đến thăm mẹ tôi, Trung Nghĩa là một trong số con các bác mẹ tôi đã nhận nuôi, giúp đỡ trong những năm trước và đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Mẹ tôi không nhớ được hết mặt những đứa con mà bà đã nuôi,giúp đỡ, nhưng chỉ cần nói tên ba, mẹ các bạn thì bà lập tức nhớ ngay, Bà rất mừng khi các bạn tới thăm.

VTM

Nặc danh nói...

Cám ơn HT lại cho anh em đi du lịch ké ,thú vị thật.Như thế này thì bổ ích quá ,sao lại có thể nói viết linh tinh nhỉ? Với điều kiện như mình ,thì được du lịch ảo như vầy đã là quá sướng.Cũng mở mang tí đỉnh và thấy tự hào đất nước mình đẹp quá! Hình như lần này chùa Tâm linh HT quên không tọa độ cụ thể của chùa,thằng dốt địa lí như tôi đâm ra ù ù ,cạc cạc.
DS

Nặc danh nói...

Đi cho biết đó biết đây,
Ở nhà với vợ(*) biết ngày nào khôn.
(*) xưa là ở nhà với mẹ.
Đi chơi (du lịch), dù là để chơi "suông", để đi lấy thông tin, để giao lưu, để thư dãn, để... để ..., tóm lại là hành vi di chuyển, đều hay cả. Nhưng không phải ai cũng có điều hiện để đi nhiều nhiều. Ông có thời gian thì thiếu tiền, có tiền thì thiếu thời gian, có cả 2 thì thiếu sức khỏe, có cả 3 thì thiếu thói quen đi "du lịch ba lô", thiếu cả 4 thì thiếu cái cô ta của vợ, thiếu cả 5 thì thiếu thằng bạn đi cùng, thiếu cả 6 thì... Ôi, nhân vô thập toàn. Thế mới "sinh ra" cái anh đi đó đi đây để mà ... tán.
Vậy HThành đi được thì cứ đi (chẳng ai dám cản?!), chỉ lưu ý dùm là khi thấy zui zui, hay hay thì tiếp tục gửi bài lên blog cho anh em "đi chơi ảo", cũng coi như giúp anh em.
Đ/c làm việc, à quên, đ/c đi chơi, tôi yên tâm.
HCQuang

Nặc danh nói...

Ôi, lại đánh máy nhầm rồi. Văn bản trên xin sửa lại như sau: ... có cả 4 thì thiếu cái cô ta..., có cả 5 thì thiếu thằng bạn... có cả 6 thì...
Thành thật xin lỗi. HCQuang