Thứ Hai, tháng 12 13, 2010

Hệ tại chức đã bị biến tướng

Sau khi Đà nẵng có quyết định không tuyển dụng sinh viên các trường đại học tại chức vào làm việc trong các cơ quan công quyền, dư luận toàn quốc đã có những phản ứng trái ngược nhau. Việc học ĐHTC tại nước ta không thoát khỏi thực trạng bê bối của nền giáo dục, thực tế đã có nhiều quan chức lợi dụng ĐHTC để kiếm chác bằng cấp phục vụ cho ý đồ thăng tiến trong đường quan lộ của mình. Nếu họ học thật để nâng cao năng lực thì đó là cái phúc cho địa phương nhưng thực trạng học giả bằng giả  đang làm cho xã hội nhức nhối. Quyết định của một địa phương nhưng đó là một phản ứng với cơ chế giáo dục hiện tại. Mời các bạn đọc thêm về cuộc trao đổi giữa phóng viên báo Tiền phong với Giáo sư Phạm minh Hạc, nguyên bộ trưởng bộ giáo dục

3 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Học có nhiều đường, không phải đường nào cũng để hành nghề. Có loại học để biết, cái bằng cấp không quan trọng bằng cái biết mà mình muốn có.
Mươi năm trước, rảnh rỗi tôi đi học lớp kế toán viên của ĐHKTQD, hai tháng liền cứ hết giờ là đi học. Học cho biết mấy năm trước mình ký chủ tài khoản là ký cái gì :-) Vậy thôi.
Mà thầy giáo cũng nói "các anh chị đi học cho biết để làm việc nhà, chứ cái bằng này xin việc không ai nhận đâu".

KL nói...

Việc học tại chức với một số người là nhu cầu chính đáng.Hồi trẻ vì hoàn cảnh nào đó không được học,có người muốn học để biết mà làm việc không cần bằng...Dạy tại chức giáo sư đại học tăng thêm thu nhập một cách chính đáng.Nhưng với việc học không phải cứ cố là được.
Đào tạo cao đẳng sư phạm là để dạy cấp 2,có một số giáo viên học đại học cũng được phân công về dạy cấp 2 điều đó cũng rất tốt.Thế rồi bỗng một ngày đẹp trời có thông báo tất cả ai có bằng cao đẳng phải học ĐH từ xa.Thế là cứ vài ba tháng lại thấy gửi về một bó sách thật to để tự nghiên cứu,có người chẳng thèm mở ra xem sách gì(vì lâu quá có mở ra cũng chẳng hiểu gì).Có đề gửi về thì thuê sinh viên đại học sư phạm làm,khi kiểm tra và thi ra trường thì thuê sinh viên ngồi sẵn ở gần bờ tường,có đề rồi cử người xin ra ngoài,khoảng 30' cử người khác xin ra ngoài lấy bài,sau 2 năm tất cả đều có bằng cử nhân môn mình dạy mà thực chất kiến thức chẳng nâng cao được gì trừ một số người họ có khả năng học thực sự.
Từ ngày về hưu có cô bạn quen với hiệu trưởng của trung tâm giáo dục thường xuyên,thỉnh thoảng có thi đầu vào,đầu ra của đại học
.Cô ấy nói chị ở nhà buồn thôi em đăng kí cho chị đi coi cho vui mà lại có tiền ăn nhậu,ừ thì đi.Trước khi đi cô ấy dặn em:"Chị cứ kệ họ muốn làm gì thì làm,đến đó chơi nói chuyện,hết giờ thu bài rồi nhận tiền về,chị mà coi nghiêm túc thì trung tâm giải thể à,lần sau em không kêu chị đâu".Em thực hiện rất nghiêm túc lời huấn thị của cô bạn.
Một lần coi thi vào học đại học kinh tế,thấy hơn chục bác sĩ đi thi mà lại cứ nhờ giải dùm,em mạnh dạn hỏi "sao bác sĩ không học nâng cao chuyên môn mà lại học kinh tế?".vị bác sĩ đó chỉ một người khác bảo em "hỏi ông trưởng phòng tổ chức kia kìa".Có lẽ mấy vị bác sĩ này cũng buộc phải có bằng kinh tế thì phải. Đấy là thực chất của việc học tại chức,cái quyết định của ĐN có thể là quá đáng nhưng nó có lí do của nó.Hình như ĐN việc gì cũng tiên phong thì phải

Quế Lâm nói...

Cách nay gần 10 ngày , trường ĐHLUẬT HÀ NỘI mở lớp ĐHtại chức tại TP HCM và mượn trường em làm địa điểm thi . Thi tuyển 3 môn , vào 3 buổi : chiều thứ 7 và cả ngày chủ nhật . Sáng thứ 2 , lại nghe loa thông báo : các thí sinh thi ĐHL tập trung lên hội trường . Nghe đâu vì môn địa ra sai đề hay lệch tủ gì đấy nên hôm nay tập trung thí sinh lại phụ đạo và ....Chưa hết . Khi vô lớp , cô giáo liền quát học trò vì tội mới đầu giờ mà xả rác quá chừng . Học trò liền mang " rác " lên kêu oan : không phải con . " Rác " là từng tập , từng tập đề cương địa của ĐHLHN, phóng to thu nhỏ đủ kiểu . Cô giáo mắc cỡ với học trò quá , bao công sức dạy dỗ chúng nó " nói không với quay cóp " thế là đổ sông đổ biển hết .