Thứ Hai, tháng 3 23, 2009

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC – NGÀY ẤY


Cuộc chiến kéo dài 10 năm và bản thân tôi hàng năm một vài lần có mặt trên đó từ trước cuộc chiến đến năm 1984…
Được nhiệm vụ tham gia vào công việc giữ gìn sức khỏe và dinh dưỡng cho bộ đội chốt ở biên giới phía bắc. Trước 17 tháng 02 năm 1979, âm mưu xâm lược vào nước ta của bọn bành trướng cũng đã bộc lộ khá rõ ràng. Thị trấn Đồng Đăng là nơi cư ngụ của đa số người Việt gốc H. Hồi bao cấp, hàng hóa khan hiếm nên những ngừơi H chủ yếu buôn lậu hàng TQ. Mặt hàng tiêu dùng TQ rất được ưa chuộng cho nên việc làm ăn của những người gốc H rất phát đạt. Do biết tiếng, lại quen đường đi lối lại qua biên giới nên một số người H đã giàu càng giàu hơn. Có những mặt hàng như giấy thuốc lá, một vốn nhưng hàng chục phần lời. Bên cạnh hình ảnh làm ăn buôn bán hàng ngày như vậy, cũng nhiều người Việt gốc H dưới sự kích động lôi kéo của bản quốc đã phản bội đất nước cưu mang mình. Họ kết thân làm ăn buôn bán với một số chiến sĩ và sĩ quan của ta. Thỉnh thoảng đi thăm hỏi, úy lạo các nơi đóng chốt của bộ đội cho nên họ nắm khá kỹ lực lượng và vị trí đóng quân của bộ đội ta. Ngược lại, một số bộ phận của bộ đội ta khá ngây thơ và tin tưởng quan hệ hữu hảo V-T, cho nên khá chủ quan và đôi lúc ảo tưởng. Vì vậy, khi cuộc chiến bất ngờ xảy ra với sự giúp đỡ của một số người Việt gốc H phản động, chúng ta thiệt hại khá lớn. Nhiều người đã dẫn lính TQ vào tận nơi ngủ của bộ đội Việt Nam để lính TQ xả súng.
Ngòai việc bắn giết thường dân thì ở Đồng Đăng có một cuộc tàn sát khá lớn khi chiến tranh nổ ra. Hàng trăm người đang trú ẩn trong pháo đài Đồng Đăng bị lính TQ đặt thuốc nổ sát hại. Dọc đường từ Đồng Đăng về Lạng Sơn, bọn phản động cũng viết rất nhiều khẩu hiệu phản động chống Đảng và chính quyền ta, kèm theo những khẩu hiệu nguệch ngọac không thạo chữ Việt của bọn lính TQ. Khi chúng rút về nước, chúng phá họai không từ một cái gì để phục vụ cuộc sống hàng ngày của đồng bào, từ đồ sinh họat trong gia đình, dụng cụ nông nghiệp đến cả đánh sập từng cái giếng ăn. Bọn TQ ban đầu còn ngô nghê nên chết khá nhiều, nhưng càng về sau bọn chúng càng tinh ranh và xảo quyệt nên cuộc chiến đấu ngày càng khó khăn và ác liệt.
Những năm sau này, tôi được chuyển công tác về địa bàn Hà Giang, mặt trận ác liệt nhất trên tòan tuyến biên giới. Sau chặng đường dài vất vả từ Hà Nội yên bình tới Hà Giang, vừa bước xuống xe đã thấy đặc không khí chiến tranh: tiếng pháo ùynh òang từ xa vọng lại, các xe quân sự chạy ngang chạy dọc, các đơn vị bộ đội chuyển quân…. Chúng tôi (3 người) hành quân đến sư đòan X. Dọc đường mệt mỏi ghé vào quán nước ven đường, thật ngạc nhiên khi thấy cô chủ quán thật xinh đẹp, da trắng môi hồng ở xứ sở này. Ngồi một lúc lại thầy một cô bạn hàng xóm sang chơi cũng xinh đẹp như vậy, chỉ khác môi thắm da hồng... Sau này tôi mới biết cư dân ở Hà Giang hầu hết đều từ Tuyên Quang lên đây lập nghiệp. Mà Tuyên Quang đã được mệnh danh là “miền gái đẹp” hay “trà Thái – gái Tuyên”. Những người đẹp ở Tuyên Quang sau này đã giành được khá nhiều danh hiệu hoa hậu trong các cuộc thi sắc đẹp. Sau phút ngơ ngẩn rồi đến lúc cũng phải đi. Chúng tôi lại khóac ba lô lên đường, tự nhiên văng vẳng bài hát của Liên Xô “…người chiến sĩ áo đã phai màu, cùng nhịp chân bước nhanh về làng khát khao ngọn lửa ấm…”.
Trung đòan Y đối mặt với bên T với khỏang cách là một dòng sông. Địa hình so với các điểm chốt bên T bằng họăc thấp hơn một chút. Các công sự đều âm dưới mặt đất, trần là những khúc gỗ to được đất phủ dầy bên trên. Các công sự được nối với nhau bởi các dãy giao thông hào. Vì vùng đất này lẫn nhiều đá cho nên nhiều chỗ giao thông hào nông chọet, lúc vận động rất nguy hiểm. Vùng chốt của trung đòan nằm ở khu dân cư cũ của đồng bào dân tộc, ngòai trồng trọt cây lương thực thì đồng bào trồng khá nhiều chè. Cây chè ở đây cao to hơn cây chè ở dưới xuôi vì trồng ở núi đá, khí hậu tương đối khắc nghiệt nên chè ở đây có hương vị tuyệt vời. Không phải lúc nào cũng đánh nhau, cho nên ngòai công việc chính là canh gác, củng cố công sự, thay nhau làm nhiệm vụ hậu cần, lấy nước… thì hái chè và sao chè. Đây là lúc lính ta dễ gặp thương vong bị pháo, cối T bắn sang bất ngờ). Chè này dùng để uống và tích lũy dần, dùng để cải thiện. Khi đủ được 2, 3 lô chè khô, trung đội cử 1, 2 người thay nhau về Hà Giang bán chè và mua rượu, lạc rang, thuốc lá. Những người được cử về có dịp xả hơi luôn, được một bữa nhậu túy lúy và mang bao nhiêu chuyện tiêu cực của xã hội về làm quà kể cho mọi người nghe. Vì vậy ngòai sự ác liệt của chiến tranh, những tác động tiêu cực của xã hội đến người lính không phải là nhỏ.
Ở đây tôi được mọi người kể cho nghe một giai thoại : có một cán bộ ở HN về công tác tại sư đoàn. Chỗ này cũng ít khi bị pháo địch bắn tới. Nhưng lần đó có một quả pháo rơi gần hầm, chỉ đủ sức để làm đất đá rơi vào hầm của vị cán bộ nọ. Việc này sau đó đựoc vị cán bộ này về kể lại như một sự kiện anh hùng. Một cán bộ sư đoàn sau đó nghe được và kể lại. Chuyện này hình như họ kể để răn chúng tôi.
Trên chốt, ngòai gạo, lính ta chỉ cần mắm ruốc và thuốc lào, đó là những vật thiết yếu nhất. Ở độ cao mà trời rét gần quanh năm, thú vui là được ngồi quây quần quanh đống lửa, uống nước chè và hút thuốc lào. Chè thì càng ngày càng nghiện và vì có sẵn chè nên mỗi lần pha chè rất đặc. Thuốc lào hút bằng ống bương to kiểu như người dân tộc ở đó. Người nào không quen không hút nổi. Ở khỏang một tuần, mọi thú ăn chơi rượu, chè, thuốc lào, tôi đều “nhập gia tùy tục” ngon lành. Nhiều hôm rượu vào tê tê, cầm đại liên lia một băng sang bên chúng nó, chúng nó cũng đáp lại dữ dội. Do thời gian rỗi rãi nhiều, những người lính trẻ dạy và học nhau tẩm quất, nhiều người rất thành thục. Tôi luôn được cánh lính với tay nghề điêu luyện gạ gẫm tẩm quất cho bởi vì tôi là trai Hà Thành, và là bác sĩ. Các chú lính vừa tẩm quất cho tôi, vừa hỏi chuyện Hà Nội, chuyện tình yêu, phụ nữ…. Được dịp, tôi tha hồ tưởng tượng và bốc phét. Các chú khóai lắm, ngồi kín vòng trong, vòng ngòai. Nói cho cùng, bốc phét bao nhiêu về những chuyện này cũng chẳng hại gì, nó cũng như chuyện cổ tích cho trẻ con vậy. Bởi thế tôi càng được thể. Một hôm, đang nằm để tẩm quất ở một trung đội sát bờ sông, thấy một bè chuối nhỏ nhỏ, trên có mấy gói giấy xanh đỏ, tôi nhổm dậy, chỉ ra phía sông hỏi đó là cái gì. Mấy người lính có nói đấy là đồ vật của bọn T thả sang lúc thì bánh kẹo, lúc thì trái cây, đồ ăn, thậm chí có lúc cả con heo quay. Được lệnh của cấp trên nghiêm cấm vớt và ăn những thứ này vì sợ đầu độc, vì thế không ai dám đụng đến cả. Tôi bảo trung đội trưởng cử một chiến sĩ bơi ra lấy vào rồi tôi bảo anh em rằng tôi đã từng ở T, sống với người T, hiểu tính cách “quân tử T”, nó đánh mình nhưng nó thể hiện kiểu quân tử của nó như vậy. Cho nên không phải sợ, cứ việc ăn và tôi ăn tiên phong. Cậu trung đội trưởng can ngăn nhưng tôi nói đừng lo, tôi tự chịu trách nhiệm về việc này. Và quả thật, ăn xong bình thường. Từ đó trở đi, thỉnh thoảng trung đội này cứ lén bơi ra sông lấy đồ T mang về ăn. Nhưng sau này cũng phải chấm dứt vì sợ thủ đoạn thâm độc của bọn T.
Thời gian tương đối yên ả ở cùng trung đòan Y đã trôi qua, chúng tôi được lệnh đến Hang Dơi, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên. Đây là nơi ác liệt nhất, mật độ bom đạn ở đây nhiều hơn cả thành cổ Quảng Trị (nghe cán bộ sư đoàn nói vậy).
(ảnh: sông Lô phần VN. Bên kia bờ có một mốc nhìn qua đám tre. Bên trái mốc là TQ, bên phải là VN. Anh TL sang Hang Dơi ở dãy núi bên kia sông. HT)
Đến Hang Dơi phải đi vào ban đêm, ngày trước đó đã phải đến tập kết ở một hang cách Hang Dơi 5-6km. Sở dĩ phải đi vào ban đêm vì phía biên giới bên kia của T cao hơn ta nên việc đi lại phía bên ta rõ mồn một và bất kỳ cái gì di chuyển cũng bị chúng bắn. Buổi tối chúng cũng bắn nhưng bắn hú họa. Chúng tôi được cậu y sĩ của sư đòan dẫn đường, cậu này cũng hiếm khi lên đây. Đường lên hang Dơi, hai bên là vách núi, cây cháy rải rác do pháo đạn bắn bập bùng trong đêm tối trông khá ghê rợn. Đi trước đòan chúng tôi có hai cậu lính gánh một con lợn đã làm thịt, bỗng nhiên hai cậu chui tọt vào bụi rậm. Tôi hỏi cậu y sĩ họ làm gì thế, cậu y sĩ trả lời chúng nó xẻo bớt thịt quăng vào bụi rậm, tí nữa về để lấy. Ở chiến trường phía Bắc có câu “tiêu cực từ trong chiến hào” là một phần như thế. Đi một lúc khá yên ả, đến khi còn cách hang Dơi khỏang 2 cây số, pháo và súng cối của địch bắn sang, cậu y sĩ hô “chạy!”. Chạy chưa chắc đã an tòan hơn nhưng vẫn phải chạy. Cuối đường vào Hang Dơi phải leo qua cầu treo bắc qua suối, các miếng ván ở cầu bị bung ra khá nhiều, thậm chí nhiều lúc phải bò, cầu treo lại đong đưa như cái võng, đạn nổ tứ tán xung quanh. Hang Dơi và xung quanh trắng xóa trong đêm bởi bom đạn cày nát, không còn cây cỏ nào. Khi chúng tôi vào, mọi người nhìn chúng tôi cũng rất thờ ơ nhưng sau này mới biết họ không vồn vã khi đón khách vì ai cũng chạy thở ra đằng mũi đằng mồm cả. Khi đã hồi sức thở lại bình thường, họ mới pha trà, hỏi han. Trong hang Dơi khá rộng, là nơi tập kết quân lên chốt hoặc quay về với nhiều nhiệm vụ khác nhau (chiến đấu, trinh sát, đặc công, hậu cần…). Vì núi đá hòan tòan xung quanh phạm vi của Hang Dơi, các điểm chốt không phải những hầm hố kiên cố mà chỉ là những hốc đá, mỏm đá, ở đó chỉ trú ẩn được 1 đến 2 người nằm bẹp dí dưới nắng chang chang hoặc mưa dầm, tối mới dám ngọ nguậy đi lại, đi vệ sinh ở xung quanh. Thường vào chiều tối, tổ anh nuôi mang cơm nắm đến phân phát từng vị trí cơm dùng cho ăn tối đó và suốt ngày hôm sau. Những anh nuôi đi phát cơm cũng vô cùng nguy hiểm, luôn bị dính đạn, cho nên mỗi lần đi tiếp tế là mỗi lần như những cảm tử. Tuy ở trong hang Dơi một tuần, tôi cũng thầy thời gian dài thăm thẳm, pháo, cối, nổ suốt ngày đêm ầm ầm. Đi vệ sinh thì phải ra ngòai hang. Mỗi lần ra đầy nguy hiểm, rất nhiều người dính đạn vì những chuyện nhỏ nhoi ấy. Do khá ác liệt, những đơn vị đơn vị trụ ở những chốt quanh hang Dơi chỉ làm nhiệm vụ một tháng rồi luân chuyển. Những chiến sĩ nẵm ở chốt suốt tháng trời trong tư thế co quắp khi về mấy ngày sau mới hồi phục tư thế đi lại bình thường. Tuy nhiên trong những ngày ở hang Dơi, tôi luôn thầy sự lạc quan của mọi người trong những câu chuyện về quê hương, những câu chuyện tiếu lâm họăc những ngày lặng tiếng súng lại ra suối ném mìn kiếm cá ăn. Họ luôn dặn tôi “sau này đi khám bệnh ở tuyến sau thấy những cậu lính nhếch nhác với cái ba lô thì hãy thương lấy chúng nó”. Nghĩ mà xúc động.
Ngày về, trung đòan tổ chức liên hoan chia tay (lúc này trung đòan tôi xuống đã trở về tuyến sau), trong cơn say, tôi nói cảm nghĩ về sự anh hùng của những cán bộ chiến sĩ đang bám và giữ từng tấc đất cho Tổ quốc, trong cảm xúc chân thành của mình. Bỗng nhiên, mọi người xúm vào tung tôi lên vừa tung vừa hô “anh hùng này, anh hùng này!” như huấn luyện viên Calisto ở chiến thắng AFF Cup mới đây. Bỗng nhiên khóe mắt tôi chảy ra những giọt nước mắt cay cay. Người lính thế đấy: họ chỉ cần mọi người hiểu về họ…
Rồi, tôi lại trở về Hà Nội. Ngồi trên xe nhìn những cánh đồng khoai lang xanh mướt mà thèm vô hạn. Tự nhiên bản thân mình liên tưởng biến thành con bò để gặm cho thỏa thích. Tôi chỉ ở mầy ngày mà đã như vậy , mới cảm thông với những giấc mơ về rau xanh mà họ thường kể!
Sau 30 năm . Những ký ức hiện về nhưng vẫn đầy xúc cảm của những ngày ấy!
Còn tiếp…
(ảnh HCQ sưu tầm)

14 nhận xét:

N.TV nói...

Trung Liêm vẽ giỏi, viết hay và viết đúng.

Nặc danh nói...

Đọc thích quá! hóa ra là bác Trung Liêm, đa tài kiểu này chắc nhiều em chết quá. Nhanh nhanh cho phần tiếp đi mót lắm rồi, đừng để thằng em chờ lâu đấy nhé.dđk6

dathb136 nói...

Anh Trung Liêm nói đúng:"họ chỉ cần mọi người hiểu về họ".Thời nay có nhiều người đã quên và đang quên,thậm chí không hiểu?Thật buồn!

Nặc danh nói...

TL đã để AE phải chờ đợi qúa lâu. Mỗi người cứ góp chút kỷ niệm sâu sắc trong đời, tập hợp lại chúng ta sẽ có hình ảnh toàn diện, đa chiều, sống động về trường Trỗi.
Hoạt động của anh em ta trên khắp các đơn vị, vùng miền đất nước đều mang "hơi thở của thời đại" cả đấy, cố gắng viết ra đi, để mai một uổng lắm.

TM

Lê Tự Thành nói...

Đọc rất có ích TL ạ. Đó có lẽ là những chuyện mà mỗi lần đọc ta lại thấy nó thật mới.
TT

Nặc danh nói...

Tôi cữ ngỡ tay này chỉ biết vẽ, té ra cái khác cũng hay.
HCQuang

ĐN.K7 nói...

Mới ngồi uống cà phê nói chuyện lúc này thưa bài, anh giai nói duy trì blog đều đều cũng không đơn giản. Thế là về xuất bài liền. Sắp tới có thời gian nhiều hơn chắc là anh TL sẽ thường xuyên có những bài viết hay như vậy cho cả nhà.
Cám ơn anh vừa là kể chuyện đời lính thời chiến vừa nhắc nhở tới nhiều chuyện cần nhắc, cần nhớ.

TranKienQuoc nói...

Có gần lính như Liêm, hay như nay có ông quan nào thực sự gần dân thì mới có những giọt lệ như thế!

Tuong Lai nói...

Cảm ơn TL về hồi ức chiến tranh rất hay. Các bạn tham gia chiến đấu ở BG, K hãy kể nhiều nữa đi về một thời để nhớ. Một CCB kể chuyện chiến đấu ở BG V-T,có thể nghe ở đây:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/02/090225_tran_anh_kim_tc2.shtml

Phú Hòa nói...

Đọc xong tôi phải gọi điện cho TL ngay vì hay quá, cảm động quá và hóm hỉnh quá. Hồi ức như thế này là những là kỷ niệm không thể quên được của những người lính đã trực tiếp tham gia trận chiến bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ Quốc. TL có hứa là sau vài ngày nữa sẽ cho ra tiếp tập hai.

Nặc danh nói...

TL ơi,hay lắm ,Rất bổ ích cho những tên ít biết về chiến tranh biên giới VT như tớ .Bài của TL tuy đăng hơi trễ nhưng có vẫn hơn không. Trong AE Trỗi ,không chỉ một mình TL tham gia cuộc chiến BGV/T mà còn nhiều người khác trong nhiều Quân B/C cũng tham dự. Vậy chúng tôi mong đón đọc phần tiếp theo bài của TL và các bài hồi ký CTBG của các bạn khác.

HH

Nặc danh nói...

Bai hay qua hen gap o SG! NT

Nặc danh nói...

Hang Dơi - Có phải là nơi có vụ buôn lậu "ác chiến" sau này ?

HMK6

HữuThành.Nguyễn nói...

Hang Dơi là hang mà có nhiều con dơi trú ngụ. Không biết người địa phương cả đời ở đấy có gọi là hang Dơi? Nhiều khả năng dân Kinh sấp sấp ngửa ngửa lên đến nơi thấy có nhiều dơi thì kêu thành tên.
Cái hang Dơi Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang mà TL nhắc tới không phải hang Dơi ở Lạng Sơn mà ĐC đã từng làm "cửu vạn già" mấy tháng liền để săn "hàng".

Cửa khẩu Thanh Thủy mà tôi nói tới trong chuyến đi với PH chính là vùng mà TL nói trong chuyện này. Cửa khẩu Thanh Thủy với TQ ngăn cách bởi con suối nhỏ hòa vào phần sông Lô hoàn toàn nằm trong đất VN. Vì thế mới có chuyện bơi ra lấy "quà" TQ. Chúng tôi cũng nhìn thấy hai trụ cầu treo cũ bằng đá bắc qua sông Lô (đoạn trên này còn hẹp) mà chắc là TL đã bò qua. Lúc đi thấy đẹp, định lúc về sẽ chụp ảnh. Nhưng do không dặn trước lái xe nên vụt qua mới nhớ, hẹn khi khác có dịp sẽ chụp để minh họa cho bài này của TL.

Hồ Ba Bể, Bắc Cạn, có động Puông mà anh em mình đến chắc cũng gọi hang Dơi. Ở đây dơi còn nhiều, nếu vào hang mà không đi theo vết cũ thì phân dơi có thể ngập bàn chân, mùi khai từ dưới bốc lên và nếu may mắn thì có nước khai từ trên dội xuống trúng đầu.