Thứ Sáu, tháng 5 18, 2007

LÍNH TRỖI VÀ ĐỒNG ĐỘI

NHỜ LIỆT SĨ LÊ MINH TÂN MÀ CHÚNG TÔI
TRỞ NÊN THÂN THIẾT VỚI ANH EM TRỖI
Lê Kinh Thông - CCB Hội Cựu sinh viên, chiến sĩ Tăng – Thiết giáp

Số mệnh đã cho chúng tôi, những thành viên trong Hội Cựu SV-CS Tăng – Thiết giáp, gặp gỡ rồi trở nên thân thiết với các anh, những thành viên của Trường Trỗi. Cái duyên hội ngộ ấy được se lại, có lẽ, do Lê Minh Tân - bạn của cả các anh và của chúng tôi. Chuyện thế này…

Cuộc gặp thứ nhất, ngày 7/4/2007:
Sau khi từ Đà Nẵng về, trong một bữa tiệc vui của anh em Tăng - Thiết giáp, tôi thông báo ngày 11/4/07, Lê Gia Linh - em trai LS Lê Minh Tân - sẽ bay ra Hà Nội nhờ NNC tìm mộ LS. Một anh bạn lập tức “phản ứng”: Mộ Tân đã tìm thấy. Nói rồi anh ta mở màn hình máy điện thoại cho xem bức ảnh “Tân đang giơ tay chào” in trên trang bìa Tập 2 “Sinh ra trong khói lửa”. Thấy có điều gì đó chưa ổn, một mặt vẫn đăng kí nhờ NNC Bích Hằng tìm mộ LS Tân (và nhận được số thứ tự 170), mặt khác tôi vẫn đi tìm người có cuốn sách.
Trưa ngày 7/4/07, tôi tìm được 2 anh Cao Long Tỉnh và Nguyễn Cương, bạn Trỗi cùng khóa với Lê Minh Tân và cùng ở Khu tập thể Nam Đồng. Biết tôi là đồng đội của Tân, các anh nhiệt tình cho mượn cả 2 cuốn sách. (Đúng là trong sách chỉ nói gia đình mang phần đất tại nơi yên nghỉ của Tân về, đưa vào mộ tại NTLS TPHCM, chứ chưa tìm được mộ Lê Minh Tân). Biết chúng tôi muốn nhờ NNC Phan Thị Bích Hằng tìm mộ LS Tân, anh Cương cho biết có quen cô. Tôi gọi ngay cho Hằng để anh Cương nói chuyện trực tiếp nhờ giúp đỡ nhưng NNC trả lời “đang nghỉ ngơi tới tháng 3 âm mới làm việc”. Trở về nhà, đọc đến trang 72 của Tập 2, tôi biết các anh đã nhờ NNC Phan Thị Bích Hằng hướng dẫn tìm mộ LS Chu Tấn Quang. Tôi chợt nghĩ, biết đâu đấy, đây sẽ là “điểm tựa” để tìm được mộ LS Tân. Vậy là phải “tìm cách tiếp cận”!

Cuộc gặp thứ hai, ngày 11/4/2007:
Khi Linh bay ra tới Hà Nội, được anh em Trỗi cho số máy của anh Thái Chi k3 và anh Lê Bình k5. Linh giới thiệu tôi với các anh. Chúng tôi làm quen rồi có buổi nhậu lai rai với nhau. Các anh động viên Linh phải quyết tâm. Bữa đó vui là chính!
Linh tìm đến NNC tên là Nguyện nhưng không kết quả. Rồi em bay về TPHCM.

Cuộc gặp thứ ba, ngày 12/5/2007:
Theo cách tiếp cận của lính Tăng – Thiết giáp, chúng tôi đã gặp được NNC Bích Hằng và chuyển cho cô 2 tập sách. Đúng ngày 30/4/07, sau khi thắp hương cho các LS, NNC đã “gặp” đựơc Tân… Rồi kế hoạch của “Cuộc hành quân thần tốc đi tìm mộ LS Lê Minh Tân” được vạch ra.
Tôi gặp anh Võ Quốc Tấn, bạn thân của Lê Minh Tân khi cùng là học sinh miền Nam và học sinh Trường Trỗi, đúng tại chiến trường xưa, nơi Tân yên nghỉ - NTLS Phước Sơn, Quảng Nam. Anh em đã cùng nhau lần tìm ngôi mộ, cùng thắp hương cho Tân và các LS khác, cùng hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng…”, cùng làm các thủ tục đón Tân về trong nỗi buồn, nỗi lo lắng xen niềm vui khó tả khi thường xuyên được NNC Phan Thị Bích Hằng cung cấp thông tin về cuộc “nói chuyện” với Tân ngay tại nơi bạn nằm.

Cuộc gặp thứ tư, ngày 16/5/2007:
Kết quả tìm được Lê Minh Tân vượt ngoài dự kiến. Công lao này trước hết thuộc về NNC trẻ Phan Thị Bích Hằng.
Chiều tối qua 16/5/07, anh em CCB Tăng – Thiết giáp được mời đến dự sinh nhật lần thứ 63 của bà cụ thân sinh ra Bích Hằng. 17g30 chúng tôi đã có mặt. Căn phòng tuy nhỏ nhưng ấm cúng tình gia đình, tình đồng đội. Chúng tôi tặng quà sinh nhật cho mẹ Hằng và trao quà của gia đình Lê Minh Tân, của đồng đội ở miền Trung cảm ơn Hằng, trong đó có cả các bài viết trên Blog của các bạn Trường Trỗi. Tôi nhắc đi nhắc lại với Hằng rằng Lê Minh Tân là lính Trường Trỗi và vì các anh ở xa không đến được nên đã gửi lời cảm ơn Hằng qua mạng.
Trong lúc anh em đang trò chuyện thì có một ông khách cao lớn trông thư sinh, đeo cặp kính cận, tay xách cặp táp, đi thẳng qua cửa vào phía trong. Tôi nhận ngay ra đó là anh Nguyễn Thiện Nhân Bộ trưởng GD-ĐT. Bích Hằng mời anh ngồi xuống ghế nhưng anh từ chối và nhường ghế cho cánh chúng tôi. Anh chỉ ngồi ghé vào giường cạnh đó. Vì đã đọc hết Tập 2 nên nhớ ngay anh là lính khóa 5 Trường Trỗi, tôi nhanh miệng hỏi:
- Nhân là lính klhóa 5 Trường Trỗi phải không?
- Đúng rồi! - Anh trả lời.
- Vậy xin thông báo với anh, - tôi tiếp lời – chúng tôi vừa nhờ Hằng tìm được LS Lê Minh Tân - đồng đội cùng đơn vị Tăng – Thiết giáp và cũng là học sinh khóa 3 Trường Trỗi của anh.
Nhân đón nhận mấy bài viết trên Blog của các anh do tôi đưa. Vì đông khách nên không nói được gì nhiều, khi ra về bắt tay anh, tôi nhắc: “Trường Trỗi các anh có nhờ Hằng hướng dẫn tìm mộ LS Chu Tấn Quang từ năm 2002 mà chưa tổ chức đi tìm được…”.
Mới có hơn tháng trời mà có tới 4 cuộc gặp nhưng cuộc gặp nào cũng "ra vấn đề"!

Chuyện của chúng ta chỉ có vậy và có lẽ chỉ ở những người lính mới có những chuỵên giản dị mà hay đến như thế!


Người đưa tin: Chuyện đã kết nhưng chưa hết…
Anh Thông có nói với tôi: “Đọc “Sinh ra trong khói lửa” tập 2 thấy các anh còn một số LS chưa tìm được. Theo tôi, phương pháp Ngoại cảm có thể tìm được các LS đã mất tích, để họ có thể sớm về với gia đình, đồng đội…”. Quả thật khi đã quen rồi trao đổi với anh Thông những gì các anh đã làm, tôi cũng bật ra ý định nhờ NNC Phan Thị Bích Hằng tìm giúp cho số anh em LS của ta còn thất lạc.
Anh Thông còn nói: “Các anh có những điều kiện thuận lợi hơn chúng tôi, anh Nguyễn Cương rất thân với NNC Bích Hằng, có thể gặp Hằng bất kì lúc nào. Đối với Hằng khi đồng đội đi tìm đồng đội, bao giờ cũng ưu tiên số 1. Chỉ cần cung cấp di ảnh, không nhất thiết phải có mặt thân nhân. Trường hợp của Lê Minh Tân là như vậy, nhờ di ảnh của Tân qua cuốn Tập 2 “Sinh ra trong khói lửa”, sau nhiều lần tiếp cận, không có mặt của em Linh mà chúng tôi đã “liên lạc” được với Lê Minh Tân rồi thông báo cho Linh kế hoạch hành quân để kết hợp.
Sắp tới có sẽ có cuộc giao lưu thân mật giữa NNC Phan Thị Bích Hằng và anh em CCB Tăng – Thiết giáp, chúng tôi sẽ mời các anh. Chúng ta sẽ vào việc chứ không chỉ vui vẻ với rượu và bia!
(Cứ tán với nhau vậy chứ tôi và anh Thông chưa hề gặp nhau. Nhưng có sao… Lính mà!).

Tin mới nhất:
Sáng nay, anh Thông ra Toà soạn Báo Nhân dân nhờ đăng lời cảm ơn của anh em CCB Tăng – Thiết giáp tới NNC Phan Thị Bích Hằng về việc giúp tìm được mộ phần LS Lê Minh Tân. Những tưởng gặp được Tổng biên tập Đinh Sĩ Huynh, CCB ở Thành Cổ Quảng Trị 1972, để đặt vấn đề. Vậy mà anh không có ở nhiệm sở. Cô bé tiếp dân thông báo “phí dịch vụ 500 nghìn”. Anh Thông nói: “Mấy trăm cùng được miễn là mai có tin đăng!”. Sau khi đọc xong tin, cô bé đã thay đổi hẳn: “Không phải vì anh là bạn anh Huynh mà em làm như thế. Thay mặt Báo em xin cảm ơn các anh đã có một hành động thật đẹp với đồng đội. Báo không nhận số tiền này và nhờ các anh chuyển cho gia đình để thắp hương cho anh Tân!”. Anh Thông cảm động đã không kìm được nước mắt… (Với đồng đội, đã là lính ai cũng mau nước mắt như anh!).

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Lính tráng nhận "bà con" với nhau khi cùng hát "Tiến bước dưới quân kỳ" (nhiều người gọi là "quốc ca nhà binh"). Lính Trỗi và lính cựu SV-CS tăng-thiết giáp nhận ra nhau nếu cùng xướng tên LêMinhTân. Bốn phương VS đều là anh em (té ra trái đất không lớn như mình tưởng).
HCQuang

Nặc danh nói...

Mặc dù chưa được gặp anh Thông và anh em CCB Tăng-Thiết Giáp,nhưng qua sự việc đi tìm mộ liệt sĩ Lê Minh Tân và những câu chuyện các anh kể,tôi rất xúc đông trước tình nghĩa đồng chí đồng đội cuả các anh và cảm thấy các anh thật sự gần gũi với Lính Trỗi chúng tôi.Chúng mình đều là những người lính-những cựu sinh viên đã từng trải qua thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam,thời kì chống Mỹ cứu nước,nên có lẽ dễ thông cảm và hiểu nhau hơn.Hi vọng một ngày nào đó sẽ được hội ngộ cùng những ngưới bạn CCB Tăng thiết giáp.Chúc các anh luôn vui khỏe và làm đuợc nhiều việc nghĩa với cuộc đời này.Leipzig,Cưu chiến binh-Sinh viên ĐH Tổng hợp : Quang xèng.

TranKienQuoc nói...

Quản trị mạng HThành ơi, sửa dùm tôi từ "Cái duyên... se lại" chứ khg phải "xe lại". Thanh xờ kiu!

HữuThành.Nguyễn nói...

Ok, hình như vì tôi sửa nó sai đi. Nhưng mà K.Quốc đăng thì cũng có thể edit bài của mình được mà.