Thứ Sáu, tháng 12 31, 2010

Ai xếp dù cho tôi?

Bài viết này có tựa đề là: Who’s packing your parachute?

Charles Plumb là phi công phản lực cơ Hải quân Hoa Kỳ. Sau 75 phi vụ chiến đấu, phi cơ của anh bị tên lửa đất đối không Bắc Việt bắn hạ. Anh nhảy dù, bị bắt và bị giam 6 năm trong nhà tù Bắc Việt. Anh sống sót và giờ đây đưa ra những bài học xương máu từ trải nghiệm ấy:

Vào ngày nọ, khi Plumb cùng vợ đang ngồi tại một nhà hàng, một kẻ từ bàn khác bước tới: “Ông là Plumb; ông lái phản lực cơ trên tàu sân bay Kitty Hawk; ông đã từng bị bắn rơi?”.
Plumb thắc mắc:“Vâng. Nhưng sao ông biết được chuyện đó vậy?”
Người đàn ông trả lời: “Tôi đã xếp dù cho ông mà”.
Plumb há hốc mồm ngạc nhiên và tỏ lòng biết ơn. Người đàn ông khoa tay, nói: “Tôi nghĩ là chiếc dù bọc gió tốt chứ?”.
Plumb gật đầu: “Chắc chắn rồi. Nếu không thì tôi đâu có mặt ở đây hôm nay”.

Plumb trằn trọc suốt đêm, nghĩ ngợi về người đàn ông ấy. Plumb nói: “Tôi cứ phân vân mãi, không biết anh ta trông như thế nào trong bộ đồng phục hải quân: một cái nón trắng, một miếng yếm phía sau lưng, và quần ống loe”. Tôi tự hỏi nhiều lần là tôi đã từng gặp anh ta chưa, và thậm chí hình như tôi chưa từng nói với anh ta “Chào buổi sáng, khoẻ không?’ hay bất cứ điều gì, bởi vì, bạn thấy đấy, tôi là phi công chiến đấu còn anh ta chỉ là một thuỷ thủ”.
Plumb nghĩ đến người thuỷ thủ ấy đã từng trải qua nhiều giờ tại chiếc bàn gỗ dài nơi hầm tàu, cẩn thận căng so dây dù và gấp những mảnh vải của từng cái dù. Mỗi lần như thế, anh ta nắm trong tay số phận của một người nào đó mà anh không hề biết đến.

Bây giờ, Plumb hỏi thính giả: “Vậy ai đang gấp dù cho các bạn đây (Who’s packing your parachute)?”
Mọi người đều phải nhờ ai đó cung cấp những gì mình cần để hoàn thành công việc trong ngày. Mỗi người cũng chỉ rõ ra là mình cần nhiều loại dù khi phi cơ của mình bị rơi – Ai cũng cần loại dù Thể chất, dù Trí tuệ, dù Cảm dục và dù Tâm linh. Mọi người đều cần đến tất cả những hỗ trợ này mới đạt đến chỗ an lành.
Đôi lúc, trong những thử thách hàng ngày mà cuộc đời bày ra cho chúng ta, chúng ta bỏ quên những gì là thực sự quan trọng. Chúng ta có thể bỏ qua lời nói xin chào, xin vui lòng, hay xin cám ơn, xin chúc mừng ai đó về việc gì tuyệt vời xảy đến cho họ, nói lời khen tặng, hay chỉ làm một điều gì đó tốt đẹp mà không có mong cầu gì cả. Khi trải qua tuần này, tháng này, năm này, bạn hãy nhận ra người xếp dù cho mình.

Tôi gởi cho các bạn thông điệp này như là cách cám ơn sự tham gia của các bạn trong việc xếp dù cho tôi. Và tôi hy vọng rằng các bạn sẽ gửi thông điệp này cho những ai đã và đang xếp dù cho bạn.
Đôi lúc, chúng ta tự hỏi tại sao có những người bạn vẫn tiếp tục chuyển những câu chuyện vui cho chúng ta mà không cần thêm thắt một lời nào.

Có lẽ điều này được giải thích như thế này: Khi các bạn quá bận rộn, nhưng vẫn còn muốn giữ mối quan hệ, đánh giá những gì bạn làm – bạn hãy chuyển những câu chuyện vui. Và để bạn biết rằng bạn vẫn được nhớ đến, bạn vẫn còn quan trọng, bạn vẫn còn được yêu mến, bạn vẫn còn được quan tâm, hãy đoán xem bạn nhận được gì nào? Đó là một câu chuyện vui được chuyển đến cho bạn.

Vì vậy, các bạn của tôi, vào lần tới, khi bạn nhận được một câu chuyện vui cười, đừng nghĩ rằng bạn chỉ được gửi đến một câu chuyện vui cười, mà là bạn được nhớ tới vào ngày hôm nay, và bạn của bạn bên đầu kia của máy vi tính muốn gửi cho bạn một nụ cười, mà đúng ra là giúp bạn xếp dù của bạn mà thôi.

9 nhận xét:

VNQ nói...

Câu chuyện của bác Chí nhẹ nhàng nhưng đầy triết lý!...nhưng cũng khó tìm được nụ cười sảng khoái cho mình.

Nặc danh nói...

Hãy giản đơn đúng như những gì anh Chí đã nghĩ.

tranbachai nói...

Mỗi ngày vô chợ Bán Giời là một lần gặp bạn xếp dù cho mình.

Nặc danh nói...

Ở đời ko phải ai cũng có được cái may mắn biết "người xếp dù"cho mình . HH

HữuThành.Nguyễn nói...

Anh Chí nói ra cái triết lý mà thế hệ mình được giáo dục nhưng bây giờ người ta cho là ngớ ngẩn "mình vì mọi người...". Không biết có phải?

Nặc danh nói...

Hồi chiến tranh phá hoại tôi "căm thù giặc Mỹ"đến mức hơi tiếc khi nghe tin giặc lái nhảy dù bị bắt làm tù binh. Tại sao chúng không bị dính miểng cao xạ hoặc tan xác cùng máy bay? Rồi vụ giải cứu phi công Mỹ ở Sơn Tây hoặc những lời phát biểu bội bạc đối với đất nước những người đã cưu mang,phóng thích chúng...Phải chi"người xếp dù" "vô trách nhiệm" một chút thì hay biết mấy!?
Giờ già rồi,đọc bài này tôi rất đồng cảm với anh Chí. Đúng vậy. Chúng ta ai cũng cần,rất cần và biết ơn những "người xếp dù" cho mình, dù không phải ai cũng định "rớt" khỏi máy bay như ảnh.
TM

Nặc danh nói...

Bachai nói đúng, mỗi ngày ta đều gặp những người "xếp dù" trên mỗi trang blog, chúng ta đọc và tận hưởng niềm vui do họ mang lại, người xếp dù trên tàu sân bay kia còn có trách nhiệm và nghĩa vụ, cả quyền lợi nữa. Người "gấp dù" cho chúng ta chẳng được gì, ngoại trừ một niềm vui nho nhỏ góp phần duy trì tình bạn. Charles Plumb có tội vì đã ném bom lên đầu người Việt, nhưng ít ra, anh ta cũng là một con người nhân văn, biết quý trọng người đã phục vụ mình, mấy ai có được sự cảm nhận như anh ta nhỉ?
Bảy Tàng

HữuThành.Nguyễn nói...

He, Bảy Tàng. Ném bom lên đầu người Việt là có tội với người Việt thôi. Chứ chính là nó xếp dù cho người Mỹ đấy ông ạ. Ít nhất cũng là theo quan điểm của chính phủ Mỹ.

Nặc danh nói...

Anh xếp dù cho tôi - tôi trân trọng anh, tôi xếp dù cho anh - anh trân trọng tôi.