Thứ Năm, tháng 12 09, 2010

Khăn rằn

ĐN có bài về túi bao tử ngay sau khi đã viết lời góp vào bài có ảnh tôi đeo túi bao tử. Nếu là do cái ảnh ấy gây nên cảm hứng, thì tôi còn một thứ khác gắn bó lâu dài hơn. Ấy là khăn rằn.

Mới đây nhất tôi đòi TM điều cho mấy cái. Là để cho một cậu CCB K cùng chơi trên Quân Sử/Quân Hành "anh cho em xin một cái". Chả nhẽ cho cái dùng rồi, còn thời gian thì từ từ anh sẽ điều cho cái mới. Thế là không những Votmuoi có khăn mà cả PhongQuang và Trungsy1 cũng có, ăn theo.
Google "khăn rằn" sẽ ra vô khối kết quả. Nào là mua ở đâu, đặc trưng dân phượt, sốt "khăn rằn Cánh đồng bất tận",...
Rồi ảnh, các thể loại, thường là "phượt", (cầu Hang Tôm)
và có lẽ "diễn" trên phố cổ Hà Nội chăng?

Với lứa mình khăn rằn tượng trưng cho "miền Nam ruột thịt", cho những chiến sĩ giải phóng.
Khăn rằn luôn xuất hiện trên vai trên cổ những hình tượng văn học, sân khấu về miền Nam, chủ yếu là phụ nữ. Trước năm 1975 ở ngoài Bắc mình như đã có bán khăn rằn. Loại khăn to, vải bông, mà chất lượng của nó xem ra bây giờ hơi bị khó kiếm. Tôi đã dùng một cái như vậy trong những năm sau mà không nhớ từ đâu ra.
Tôi gắn bó với khăn rằn vì tính thực dụng. Còn nhớ đâu đó đã gặp người ta cột hai đầu khăn rằn để làm cái võng cho trẻ con khi lỡ độ đường; ai đó mặc áo như may từ những chiếc khăn rằn, thời vải hiếm. Chiếc khăn rằn gây được sự chú ý cho tôi ban đầu từ Thu Lương, Thanh Hà c11k3 về học cùng ở ĐHTH (ảnh chụp những năm đầu 70).
Tôi không nhớ bắt đầu dùng khăn rằn từ khi nào. Nhưng những năm còn phải tự túc một phần lương thực của đơn vị trước năm 80 thì tôi đã dùng rồi. Trước hết dùng làm khăn tắm. Nó là khăn mỏng nên nhanh khô. Nó lại rộng nên quấn kiểu xà rông để thay quần rất tiện, ngay bên giếng làng. Trong chuyến tắm đập nước xã Mỹ Yên vừa rồi cũng phải dùng lại chiêu này :-)
Một lần đi nghỉ hè ở Đồ Sơn, đầu những năm 80, khi con gái tôi còn nhỏ buổi trưa không chịu ngủ. Dỗ mãi không được, tôi bế nó rồi choàng chung hai cha con cái khăn rằn, đi ra ngoài nắng chơi. Một lúc thì nó ngủ, chắc là chói mắt quá nó phải nhắm lại rồi ngủ luôn, tôi nghĩ vậy.
Khăn rằn cũng rất tiện dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Suy luận từ việc tại sao các bà nông dân Nam Bộ hay dùng khăn rằn? Tôi tự trả lời để họ lau quết trầu. Cái rằn ri làm lẫn đi các vết bẩn, không nhìn ra nữa. Hà hà, thế thì mình cũng dùng hàng ngày. Ngủ trưa dậy rửa mặt rửa tay lau vào khăn rằn. Khăn treo trên cổ một lúc là khô, vệ sinh bằng mấy cái khăn mùi xoa lau xong đút túi chả biết bao giờ khô.
Bởi cần tính thấm của khăn mà tôi rất chú ý sợi bông hay pha. Nói chung các khăn bây giờ đều pha, làm mất đi một tính năng quan trọng, có thể là nhất, của khăn rằn. Có mấy cái khăn sợi bông tôi thường dùng cho mùa hè. Những chuyến đi chơi bao giờ cũng phải có.
Một ngày đi chơi cái khăn rằn cầm tay, vắt cổ, chiều về khét mùi mồ hôi. Nhờ vậy mà chuyến đi bớt khó chịu vì nóng nực nhớp nháp. Những khăn sợi bông này hình như chỉ là khăn bán cho dân du lịch Củ Chi. Chúng nhỏ và thường rất phai mầu, phải giặt vài lần ra nước đen ngòm mới có thể dùng được. (ảnh: Côn Đảo, Sở Rẫy, 4/1/2007)
Những khăn rằn để dùng bây giờ, loại to, ít phai mầu, lại là sợi pha. Tôi không hiểu thế thì người ta dùng làm gì là chính. Chẳng lẽ chỉ để quấn chống nắng. Với tôi chúng sẽ được dùng vào mùa đông.
Dù như thế nào, dù cho đã cho bớt mọi người, cho tới giờ tôi vẫn còn tới gần chục chiếc, thêm chiếc đang dùng là 8. Những chiếc khăn này, đủ các thể loại, là do mọi người thỉnh thoảng cho, vì biết tôi thích. Nói như ĐN, khăn rằn "tiện ích lắm đó bạn ơi".

14 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đúng là loại khăn rằn ngày xưa rất thích, dài, rộng, mềm, ấm, và rất tiện dụng. Em cũng đã từng rất thích nó, nhưng lâu quá rồi không dùng nên quên. Nay anh nhắc lại mới nhớ. Có lẽ hôm nào cũng phải đi "sắm" một cái. :) (HTk9)

TQtrung nói...

Còn một tác dụng nữa là quấn lại làm ... cái gối đầu để ngáy.
Nhưng mà TQ ở bẩn quá, muốn sống lâu như người Tầu hay sao ấy nhỉ:-)

Nhat Trung nói...

Còn 1 công dụng nữa ít ai biết đó là khăn rằn có tính hù dọa rất hiệu quả.Nhớ năm 1970 sau khi TN trường Trỗi về học ĐHBK,chơi với mấy tay HSMN ra đường cứ đội mũ tai bèo,cổ quấn khăn rằn là thanh niên HN sợ chết khiếp vì họ tưởng "dũng sỹ diệt Mỹ"mới ở trỏng ra.He.He...Đi đâu cũng được kính nể ngang với"áo bông cổ lông"của lính Trỗi khi mới xuất hiện ở HN thời đó.

Unknown nói...

@TQ:Hay nhất là tâm sự của người dùng khăn rằn!Nhưng nó có nhiều tác dụng khác .Này nhé:dùng làm "dụng cụ lọc nước,khi đi trong rừng mùa khô bên CPC,đang cơn khát mà gặp vũng trâu đầm thì "bắn mấy phát lên giời"thế là trâu cong đuôi chạy thẳng,dùng khăn"CÀ MA"-Tiếng CPC-đè lên vũng nước vừ khai nước đái trâu,vừa đục ấy mà uống cho đã cơn khát cháy cổ.Lại khi quwo củi ở rừng mà không có dây buộc thì dùng nó buộc tạm để vác về nhà,khi tác chiến nếu có người bị thương hay chết thf buộc vào cổ chân mà kéo ra khỏi tầm hỏa lực địch để băng bó chuyển thương binh,tử sĩ về sau...nói chung mình ở bên CPC ít nên chưa thông thạo các tác dụng khác,mong các anh em ở lâu góp thêm!/TBK4

Tuong Lai nói...

Nó cũng thuộc danh mục quân trang của K Đỏ ( từ lãnh tụ đến trẻ con mới vào lính đều sử dụng)!

Nặc danh nói...

Bài này hay đấy. Chắc tôi phải copy bài tặng bà bán khăn rằn, biết đâu sẽ được ưu ái giảm giá 30%?
Với cách xài khăn đa năng"đại tiện" như TQ tôi thấy cần lập Hội đồng đánh giá "tác động môi trường".
Thú thật tôi rất ngại ngồi cạnh cái gã quấn khăn rằn này.Dân Nam Bộ tui quấn khăn rằn nó thơm lắm chứ hổng phải dzậy đâu.
TM

HữuThành.Nguyễn nói...

@Tbk4: xem công dụng khăn cà ma tại đây. Nhân vật "hot nhất forum 2008" của Quân sử VN.

@TM: thơm tho thì là khăn rằn kiểng rồi :-)

Nhat Trung nói...

HT@:Bốn chị mặc đại cán,đeo khăn rằng nhìn đẹp phết!Ai vậy?Có phải Trỗi ko?Nhưng hình như có "photosop" nên nước da mịm lắm,đẹp hẳn lên.

HữuThành.Nguyễn nói...

@NT: c11k3 Trỗi mà. Trái-phải, đứng-ngồi là Kim Thành (đã mất)-Thanh Hà, Thu Lương-Hòa Bình (ô. gặp ở ĐN năm ngoái rồi).
Ảnh chụp phim, để tương phản hơi cao thì trắng ra trắng, đen ra đen, mất chi tiết nhờ nhờ. Giống nhu cái ảnh người xịn người rừng ô.Tt làm ra ấy.

TQtrung nói...

Khăn rằn mà dùng nhiều, rồi gắn bó với nó như một vật bất ly thân thì hẳn phải có cái gì đó, hay một kỷ niệm nào đó rất sâu đậm làm người ta khó quên, có khi cả một đời người.!!!!
Hẳn vì thế mà không bao giờ thấy ông bạn vàng cậy gỉ mũi bôi vào khăn để kiếm thêm một tác dụng nữa của khăn rằn. 8-)

HữuThành.Nguyễn nói...

He he, QT; dùng sao cho xứng với quan niệm khăn rằn để các má miền Nam chùi quết trầu là được chứ gì?

Nặc danh nói...

"Tổ" khăn rằn là của dân Khme Nam Bộ.Còn "Tổ" của dân Khme NB là ai tui không rõ...
Coi cái hình Ô Araphat bên Palestin, tui thấy đầu ổng vấn cái khăn rằn. Ổng là gốc dân miệt nào vậy ta?
TM

ĐN nói...

Có dịp để ý, những ông bà lão Nam bộ xử dụng cái khăn rằn trên đầu mình vô khối việc và suốt ngày.

EGK9 nói...

Học sinh nữ "miền Nam gia công" ở Hà nội hồi xưa đứa nào cũng có một cái khăn rằn. Hình như mua ở chỗ Câu lạc bộ Thống nhất