Có lẽ sẽ phải có đến vài bài để tải ảnh phong cảnh. Dài quá thì mọi người sẽ đọc mệt, mà tôi thì cũng viết mệt. Vì thế phải chia làm mấy phần, theo thời gian là chính. Ảnh chụp tại Hữu Nghị Quan phía TQ trước khi lên xe đi Quế Lâm, sau khi qua "phong thuỷ 1".
Phần 1: Dương Sóc
Biết được chương trình của k7 ngày đầu tiên ở Quế Lâm là đi Dương Sóc qua đêm mới về, tôi tự thấy lịch của đoàn mình vẫn còn chưa chuyên nghiệp.
Chả phải ngày xưa Bác Hồ đến thăm Quế Lâm đã từng đi tầu trên sông Li đến thăm Dương Sóc đó sao? Ảnh chụp Bác Hồ với thân sinh chị Trần Hồng (được nhắc đến trong bài của K.Quốc) dịp đó. Rồi xem trên mạng (Google Dương Sóc) lại biết câu "Phong cảnh Quế Lâm nhất thế giới, núi sông Dương Sóc nhất Quế Lâm". Cũng rắp tâm làm chuyến tầu sông Li Dương Sóc. Nhưng nghe Nam Hoà nói "hơn 100 đô" thì nguội hẳn. Năm ngày bốn đêm của người ta cũng chỉ có từng nấy, thôi chả dám chơi. Đành tính chuyện đi đường bộ; nhưng mà ngủ lại thì sao không tính đến nhỉ. Nhất là sớm ngày đầu tiên ở Quế Lâm, trước khi lên đường đi Dương Sóc, nghe thầy Chi Phan nói "đến Dương Sóc mà không đến Phố Tây thì chưa là đến Dương Sóc". Mà cũng lời Thầy "Phố Tây chỉ đẹp về đêm" mới đau chứ. Nhưng mà cũng phải đi thôi, khi ý định ta-ba-lô đã bị bại lộ, các "ta" khác không biết đi đâu, nắm áo đòi đi.
Tập hợp được 19 người, chị Mỹ Niệm cho "mượn" cháu Việt Hoa, con gái lớn của chị. Dắt díu nhau ra trước ga đường sắt đi xe chuyến, 14 tệ/người.
Thực ra trong lòng chúng tôi không quan tâm lắm đến "phố", vì Quế Lâm nói chung và Dương Sóc nói riêng là "phong cảnh, núi sông" nên đến Dương Sóc chúng tôi lại nhờ cháu Việt Hoa bố trí chuyến xe đi xem vài thắng cảnh quanh thị trấn. (Ảnh chụp bằng đèn "cóc" của máy nên bị bóng cái ống kính, các bác thông cảm).
Chỗ dừng đầu tiên là sông Yulong. Theo thông tin trên mạng thì nếu đi xe đạp ven sông Yulong có thể thấy những chiếc cầu đá bắc qua sông và những làng nghề nông. Chúng tôi không có cơ hội đó. Chỉ có thể đứng trên cầu bê tông chụp ảnh hồ nước do đắp đập chắn sông mà thành. Trên đó có những chiếc bè cho du khách chống đi loanh quanh. Xa mờ trong khí ẩm là núi hình con lạc đà qua sông.
Rời sông Yulong chúng tôi được đưa đến một nơi gần Núi Nguyệt, ở đó giá vé vào khá cao, quãng 18 Tệ. Trong khu này có hai thứ để xem: một là núi Hải Sư Vọng Nguyệt (sư tử biển nhìn trăng, ảnh). Đó là một hòn núi đá có hang trống. Không có gì đặc biệt lắm, ngoài việc người ta gán cho nó cái tên và kiến thiết hạ tầng khai thác.
Đi xuyên qua vòm hang là xuống bến mảng.
Khi bán vé, người ta kèm theo một vé nhỏ. Du khách có vé này thì được phép xuống mảng, chống qua hồ (đắp đập) sang bên kia bờ. Mỗi mảng chở được quãng 6-7 người. Cả hội xuống 3 mảng. Mảng xa do người cầm sào vĩ đại Chí Quang điều khiển. Mảng gần là lão Hợp và D.Đ.Hải. Mảng của tôi do "du lịch nhân dân" cầm sào nên coi bộ không mất lái như mấy mảng kia.
Lên bờ mọi người được dịp chiêm ngưỡng cây "dung". Hình như ở VN không có cây này. Tán của nó trùm kín cả một vùng.
Nhưng dù to, cũng khó mà tin được cây đã trên một nghìn năm tuổi như người ta nói. Cây có một gốc, tán vươn xa nhờ hệ thống rễ phụ cắm chống xuống đất.
Mọi người chụp ảnh kỉ niệm bên cái cây này. Từ trái sang: hai bạn nữ trường Bé ("Trương Mỹ Hoa" Hoàn và Hồng), cháu Việt Hoa, lương y Thịnh (trường Bé, đã tham gia cấp cứu và chăm sóc Nam Tiến trong Viện), lão Hợp đi cùng tôi, Ái k5 (em Hải dớ k4). Nhìn lá và nụ hoa của cái cây này thì thấy VN chắc không có.
Hết tiền, lại lên xe đi xem Núi Nguyệt. Đây chính là cái mà con Hải Sư ở chỗ kia ngóng lên (vọng). Thắng cảnh này thì xem không mất tiền, vì dừng bên đường cũng có thể xem được.
Lạ một điều là ở Quế Lâm có nhiều cái núi thủng kiểu này. Ít ra ở đây có hai cái (cái kia là Hải Sư Vọng Nguyệt) và ở gần Y Trung có cái Xuyên Sơn. Ờ VN mình núi đá thì cũng có nhiều, nhưng không có cái nào thủng cả. Mọi người tấp nập chụp ảnh, có hay ho gì đâu, mất tiền thì phải chụp thôi.
Hết thắng cảnh hướng này, không còn thời gian đi hướng khác, chúng tôi vòng về trấn Dương Sóc ăn cơm. Gọi một bữa 25 Tệ/người (quãng 55 nghìn Đồng), nhà hàng thấy tội nghiệp quá, thông báo biếu thêm một cân cá đặc sản cho đủ mỗi người một miếng :-( trong khi trên tường "báo chữ to" đầy những dòng khen ngợi cá ngon, ăn rẻ. Kể cả bia thì mỗi người 30 Tệ, cao nhất trong chuyến đi. Cũng phải, Dương Sóc thu hút người ta đến đông thì giá phải cao thôi.
Hẹn nhau 3h chiều có mặt tại cổng khách sạn 4 sao có mấy hòn đá chữ, chúng tôi giải tán theo từng nhóm. Nhóm tôi đi vào Phố Tây.
Có thể ví Phố Tây của Dương Sóc như phố cổ Hội An hay Hà Nội. Hầu như tầng dưới của tất cả các ngôi nhà mặt tiền đều là cửa hàng.
Có những cửa hàng nghề như tơ tằm, trang phục dân tộc với người bán trong bộ đồ mẫu.
Có cửa hàng kim hoàn hoặc mĩ nghệ mà người thợ ngồi chế tác ngay tại chỗ. Có cửa hàng đồ da, có nhiều mẫu rất ưa nhìn, nhưng giá của nó thì không đủ gây cảm hứng mua.
Có cả những người bán hàng rong các đồ lưu niệm. Thu nhập của họ không hoàn toàn là từ đồ lưu niệm mà còn từ việc làm mẫu chụp ảnh. Ở đây tôi thấy có một nhóm tây-ba-lô mà máy ảnh của chúng thì thôi rồi, không mơ.
Cuối Phố Tây là bến tầu du lịch trên sông Li, chỗ người ta tiêu hơn 100 đô/chuyến. Song song với bến tầu là các cửa hàng với dáng vẻ khiêm tốn cũ kĩ. Có lẽ du khách lên khỏi tầu chưa muốn mua hàng ngay còn du khách từ trong ra thì hết muốn mua nên thu nhập ở đây thấp hơn?
Phải nói các công trình du lịch của Quế Lâm không chê vào đâu được. Rộng rãi, sạch sẽ, trật tự và không có ai bị làm "con tin du lịch" như ở VN mình.
Trên bến là một ông lão với hai con cốc bắt cá trên gậy, sẵn sàng làm người mẫu thu tiền chụp ảnh.
Ông lão này "diễn" không bằng một lão khác ở ngay cửa cái khách sạn điểm hẹn của chúng tôi. Ông ta mặc đồ, đội nón xưa, để râu giống "láo thẩu" truyền thống, chống một cây gậy đốt, cũng có sào với hai con cốc hai đầu. Đặc biệt ông ta khoác một cái áo khoác bằng sợi móc chỉ che phần lưng đến khoeo chân. Tôi có thể chụp lén ông ta ở một cự li tốt hơn, nhưng với diễn xuất chân thật như vậy, thật bất công cho lão. Nên thôi.
Một đầu bến là những người dân ghé nhờ. Những chiếc mảng của họ thực sự là phương tiện di chuyển chứ không để chống chơi cho du khách. Chúng ít cây hơn, có lắp máy. Thực sự đáng ngạc nhiên vì thứ phương tiện này. Có thể do cây mai (luồng) ở đây nhiều; sông ít sóng gió, ... nên mới có thể dùng thứ mảng này thay cho thuyền, vỏ lãi, ... như ở ta. Tất nhiên không kể đến khả năng chuyên chở.
Hai cháu tây-ba-lô đang nghỉ, chờ chuyến tầu về lại Quế Lâm, hay mới lên bến đang ngồi hoàn thành bức kí hoạ cuối của hành trình trên sông.
Đã là cuối Phố Tây, chúng tôi quay trở lại, thỉnh thoảng tạt vào ngõ nhỏ. Ở đó không những có các cửa hàng khuất nẻo trang trí bằng "đèn lồng treo cao" mà còn có các người già ngồi chơi bài, bên cạnh những người trẻ chờ được thuê lao động?
Quay về chỗ hẹn, đến đầu Phố Tây, chợt nhận ra những thứ đồ cổ của trấn xưa. Một miệng giếng cổ, một chậu giặt bằng đá đen nguyên khối đục ra. Trên miệng giếng còn nguyên vết dây gầu kéo miết vào thành rãnh. Bên gốc cây quế đầy hoa vàng thơm dịu. Cạnh đó là một tảng đá chạm nổi chữ Phố Tây. Người mình nhắc đến Tây là nghĩ đến lịch sử cận đại. Tây ở đây không phải là Tây-dương mà là phía Tây. Cái cột tên phố này cũng có thể cổ lắm chứ.
Về đến Quế Lâm, chúng tôi đi ngay ra tiệm ăn. Ăn xong lại tiếp tục đi chợ đêm. Đường Trung Sơn Trung (để phân biệt với Trung Sơn Bắc và Nam) có một đoạn tối nào cũng dành mở chợ đêm.
Không hào hứng lắm với việc mua sắm, sau khi chụp được ảnh Quế Lâm Bách hoá Đại Lầu, một nơi lui tới quen tên nhưng đã trở nên lạ cảnh của anh em ta, nhóm tôi rút vể ngủ mặc cho đồng đội tiếp tục "chiến đấu".
Lời cuối về Dương Sóc: có hai Dương Sóc. Một Dương Sóc phong cảnh, muốn thấy nó thì hãy đi đường sông, hơi bị tốn.
Một Dương Sóc phố cổ kiểu Hội An, ít tốn hơn nhưng mà có cơ hội thấy cái giống thế ở nhiều nơi khác chứ không nhất thiết phải tới đó. Tốt nhất là kết hợp cả hai. Tốn cho ra tốn.
Thứ Sáu, tháng 11 02, 2007
Quế Lâm, phong cảnh 1
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Sáu, tháng 11 02, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
8 nhận xét:
Tuyệt vời với những ảnh chụp QL khá chi tiết. Chờ những ảnh của HT mấy hôm nay rồi. Đọc bài viết của HT thực sự rất tiếc không tham dự được chuyến đi QL vừa rồi. Hy vọng sẽ có một dịp nào đó K4 tổ chức được chuyến đi QL tiếp theo (nhưng phải có những thổ dân như HT đi cùng thì mới hiệu quả). sẽ tiếp tục theo dõi những phóng sự tiếp theo - Cảm ơn HT.
Ui, tôi không dám nhận "thổ dân" đâu. Lỗ Tấn bảo đi nhiều thì thành đường, mình thì bảo đi đường nhiều thì biết. Chỉ là đi đâu biết đó thôi. Chứ nói chuyện, hỏi đường thì có mỏi tay người ta cũng chả hiểu. Chịu khó học nói ít tiếng Trung thì đi sẽ dễ chịu hơn. Bên ấy không dùng tiếng Anh được, nhất là đi ba-lô.
Đọc bài HThành viết mà thèm.
Có 2 điều:
1. Đi chơi Quế Lâm mà bất đáo Dương Sóc thì coi như chưa tới Quế Lâm. (Giống như "bất đáo Trường Thành phi hảo Hán"!). Thôi thì phần "đáo" ấy dành cho khi đi cùng gia đình vậy. Cuộc đời phải có thằng chịu hy sinh, nhất là khi đã được mang danh "lính Trỗi"!
2. Trông mấy ông bạn, cả Trương Phó Chủ tịch, mua bán ở chợ đêm Trung Sơn Nam mà thèm. (Khai thật là lần này đi chẳng có chút quà cho vợ con. Quá là hư!).
Xem phóng sự này thì Jangshu hơn Hội An ta nhiều lắm. Thế mới biết tầm nhìn của họ hơn hẳn ta cả về tư duy duy trì, hồi phục vốn cổ và cả về khai thác thu tiền của khách du lịch.
Xứng đáng đồng tiền bát gạo!
HThành phải chủ xị chuyến đi Jangshu là đúng rồi, người đi trước dẫn người đi sau mà.
Khi làm "ngọai giao nhân dân" tôi có nói với các bạn TQ rằng: thành tựu về kinh tế của các bạn là quá hay nhưng còn cái hay hơn, đáng nói hơn là thành tựu về mặt xã hội, dân trí ở TQ đã thay đổi quá nhanh. Tôi nói vậy vì ở đâu cũng thấy sạch và đẹp, hình ảnh những khu phố Tàu xám xịt, bẩn thỉu... đã không còn nữa!
Tôi có may mắn dính líu đến Hội An vì quê vợ tôi ở đó. Bên vợ còn ngôi nhà cổ đã hơn 200 năm, trong đó có gian thờ ghi chép gia phả của 14 đời (vợ tôi là đời thứ 15, chưa được ghi vào gia phả - có lẽ vì đông quá và không còn ai làm việc này). Năm nào tôi cũng ghé qua Hội An (lần gần đây nhất là 21/10/2007), mặc dù chính quyền rất chú ý khai thác du lịch, nhưng phố xá vẫn bẩn thỉu và nhếch nhác, mưa một chút thì thành sông, thành suối (báo chí cũng vừa phản ánh). Khi đi nước này, nước nọ, cái gì cũng làm chúng ta "mắt tròn, mắt dẹt" kiểu này có lẽ đến ngày mình bị "lé" hết đấy! DMinh
Ngư ông và 2 con cốc.
Nếu chụp chung với ngư ông thì mất tiền, còn chỉ chụp ông ta (cùng 2 con cốc) thì không. Tôi không chụp ngư ông chỉ vì sợ tốn tiền, hóa ra mình không nắm vững luật nên thiệt thòi.
Núi Hải sư vọng Nguyệt.
Thủy tọa, trên có hang, dưới bị thủng, lưng dựa núi cao (ỷ dốc). Đẹp. Tôi cũng chụp được 1 tấm có kiều nữ (bà xã tôi) đứng làm ... nền. Chỉ tiếc cái núi này nó bé quá, không xứng tầm Đại hán.
Cái núi thủng (ảnh HThành).
Xưa kia có lẽ nó là 1 cái hang. Sau người ta đục cho thông, thành ra núi thủng. Ngu công dời được núi, sá chi cái vách hang mỏng như tờ phô luya. Các anh xem kĩ sẽ thấy.
Cây "dung" 1.410 tuổi.
Theo quảng cáo thì nó 1.410 tuổi. Chắc cách đây 10 năm, các nhà nghiên cứu xác định nó "khoảng 1.400 năm", nên tới hồi Trỗi ta ghé thăm thì ắt phải là 1.410 năm. Nhưng mà quan sát vỏ cây, gốc cây thì hình như nó không sống lâu tới như vậy (lẽ ra phải da cóc, có biểu hiện mục ruỗng, xơ xác). Thôi, không sao, ăn nhau là yếu tố pháp lý. Kiểu như hồi xưa ông xin đi B, mới 16 tuổi bèn khai thành 18. Nay tổ chức nó căn cứ tuổi pháp lý để bắt ông hưu. Ông cay đắng về nghỉ sớm 2 năm, hoài của (mất khối dự án ODA).
Phố cổ Dương sóc.
Trước khi tới, tôi cữ ngỡ nó kiểu như một "Quách gia trang", "Lý gia trang" nào đó, cổng gỗ then hồng, tường phủ ngói, mái rêu xanh, té ra là mấy dãy nhà căn phố xây theo kiểu cũ (chứ bản thân chúng thì ... mới). Không tới thì tiếc mà tới thì tiếc.
Cái cần câu.
Ở Dương sóc Tuấn hủi mua được cái cần câu TQ, rẻ bằng phân nửa ở VN, lại "mồi" được 2 thằng ngố tầu (ngố VN) mua theo. Hôm chờ tàu đi chơi 2 sông 4 hồ, Tuấn hủi lại "mồi" tiếp 1 thằng mua cần câu. Lại có bố về tới cửa khẩu, chuẩn bị làm thủ tục mới nhớ để quên cái cần trên xe. Hớt hơ hớt hả tháo lui hơn cây số, may xe vẫn còn đó. Báo hại đoàn phải chia đôi, một nửa nhập quốc, một nửa đứng chờ ngoài quan ải.
Không biết tại sao các bố lại quá lo lắng đến cái cần (cần câu).
Vịt quay Bắc kinh ở Quế lâm.
Vào tiệm ăn, họ dọn ra món vịt quay. Có bố hỏi "vịt quay Bắc kinh à?". "Không phải, đây là vịt quay Quế lâm". Vui thật, các bố trả 15 tệ/người, tức 150 tệ cho 10 người, ăn 10 món mà "đòi" vịt quay Bắc kinh. Cái ngữ vịt quay Bắc kinh, mần thịt cả con chỉ đủ cho 1 người tráng miệng, bố hỏi cứ như "đòi ăn xôi gấc".
Đi bộ phải trả tiền.
HThành, lão Hợp, TMinh, MNghĩa trốn nhậu đi chơi lẻ, ghé Thất tinh động. Vé vô động thì quá mắc, bèn mua vé thăm quan bên ngòai động - nó như một công viên sinh thái (tụi nó nói vậy chứ tôi không biết), giá hơn phân nửa vô động một chút. Chúng kéo nhau vô ... bên ngòai động, thằng thấy vui vui, thấy thư dãn, thằng cằn nhằn "mất tiền rồi mà còn phải đi bộ". Không biết ở đó hay dở ra sao.
Đụng người ta còn cám ơn.
Trên xa lộ, tới bến "cơm tù", các huynh chạy gấp vô WC giải quyết cái vụ "triều cường", vô ý chạm phải anh ba tàu. Huynh bèn "xia xia nỉ" làm anh ba ngớ người. Đúng ra phải nói "xin lỗi" nhưng do hướng dẫn viên chưa kịp dạy.
1 tệ giá bao nhiêu.
1 tệ chừng 2.000đồng, nhưng cũng có khi là 10.000đồng. Muội mua 1 cây kem ở Dương sóc, không hỏi giá. Lấy hàng xong, đưa tờ 10 tệ, cô bán quán bỏ tọt vào ngăn kéo, nói xia xia. Các Muội quay ra thắc mắc với anh em, mới biết nó chỉ 2 tệ/cây. Rất tiếc Hợp đồng Dân sự đã kết thúc.
Nghe "bác" HCQ và mọi người kể chuyện đi Quế lâm, ko được đi cũng tiếc (vì lí do nghề nghiệp của bản thân) Nghĩ lại nhà nước mình có nhiều nguyên tắc vô lý, loại VIP đi du lịch vô tư (chuyện công vụ ko nói) còn mình loại "thấp cổ bé họng" đi du lịch mà đi liều, vi fạm nguyên tắc thì "thôi rồi lượ...m ơi" mặc dù "bản lĩnh chính trị" tự xét thấy cũng ko đến nỗi xoàng, thôi đành tự an ủi: cái số mình nó thế. Còn chuyện cái cần câu của bác Tuấn hủi và một số bác tại sao bác HCQ thắc mắc cũng có lý do của nó: ai cho mình 1 con cá, ăn một bữa là hết, nếu cho cần câu thì cả đời ta có cá ăn và nhất là loại "cá dài trên 1m60, nặng >50kg"...bác HCQ cứ thắc mắc như vậy là cũng có lý !
Hôm qua nghe điện thoại của HT, hóa ra cánh TL, Vinhnq, HT đang chơi trò lừa dối thánh thần. Bọn chúng mượn tuổi Vinhnq để làm nhà cho TL, giờ đổ được 1 tấm lại còn ngả thịt cầy ăn mừng nữa chứ. Láo thật , không sợ Thánh vật sao?
Đến lĩnh vực thiêng liêng như Phong thủy mà người ta còn dám "vận dụng sáng tạo" thì các"chuyện khác" là cái đinh gì!?
- Cái cần câu chỉ là công cụ. Quan trọng là kiến thức, hiểu biết về câu cá.Chả thế có bác xài cần xịn không câu được cá (của vinhnq)mà lại dính phải "sư tử", thế là cả đời nóng-lạnh.
TM
Đăng nhận xét