Thứ Bảy, tháng 11 03, 2007

Quế Lâm, phong cảnh 2

Phần 2: Minh Vương Lăng, Vườn Thất Tinh

Như đã nói ở bài trước, ngày 26/10 sau phần đầu lễ 70 năm trường Y Trung, chúng tôi chuyển sang phần 2 của mình, đi chơi.

Từ khi Đoàn chưa đi chị Mỹ Niệm đã nói nên đi thăm khu lăng mộ gần trường mới. Tuy chưa khai thác phục chế được hết nhưng cũng đáng xem. Thế là sau khi thăm trường mới chúng tôi thuê một chiếc xe 3 bánh chở vào khu lăng mộ đó. Chính xác không biết gọi là gì, nhưng vì ở thành phố Quế Lâm có Minh Vương Phủ, có thể cái này là Minh Vương Lăng.
Vị trí của khu lăng mộ này ở phía sau trường mới. Ảnh lấy từ GoogleEarth, có hai cái chấm mầu xanh. Bấm vào chấm trên sẽ ra cái ảnh mà chú thích của nó đọc được một chữ Hán "minh". Bấm vào chấm dưới sẽ ra cái ảnh mặt trước trường Kỹ thuật Hàng không, chính là trường mới Trỗi xưa.
Anh Trạch (tác giả bài thơ mới vừa đăng) đọc bản giới thiệu cho biết có tới 11 lăng mộ ở khu vực này, có tên tuổi và sơ đồ đầy đủ. Nhưng mới chỉ có một cái này được phục chế.
Còn nhớ năm 2003 khi đi tìm mộ các bạn chúng tôi đã gặp những tượng đá giống thế này (trong ảnh có Phan Nam, K.Quốc). Bây giờ thì biết chắc chúng thuộc một trong các lăng mộ này.
Tuy thế các tượng đá này thuộc lăng rất gần đường đi. Xem lại ảnh thì thấy từ 2003 người ta đã cắm biển "di tích đã được xếp hạng" (là theo cách nói của ta) cho khu vực này. Trong ảnh là những người ngồi chờ việc ngay dưới bảng di tích. Không biết chữ Hán, bây giờ so chữ trong ảnh cũ này với ảnh mới mới biết cùng nội dung.
Không biết bây giờ ở khu gần đường người ta đã phục chế hay ít nhất là di dời mồ mả ra khỏi khu vực này chưa. Ngày trước các quan đá chen lẫn các ngôi mộ như thế này.
Trở lại với hiện tại lăng mộ đã được phục chế. Đây là tam quan ngoài, chưa thấy "voi chầu hổ phục". Hai dãy nhà hai bên, thường là để dành cho việc sửa soạn vào lăng.
Tam quan trong. Ở đây, sau tam quan (cổng) ngoài và tường rào, có hai hàng tượng đá các con vật và cuối cùng là tượng người hai bên. Lối đi ở giữa vượt qua một hồ nhỏ bằng ba chiếc cầu. Giống như các cổng thành, cung điện, lối giữa dành cho "lão (vương) gia" và hai lối bên cho người còn lại.

Qua tam quan trong là đến lăng, một ngôi nhà lớn với 4 tượng người hai bên, chắc tượng các ông quan theo hầu. Ống kính không đủ rộng để chụp được cả các ông quan đó, đành chụp một bên. Hai ông quan đá và hai ông khách VN (anh Trạch và anh Hải, bạn Ngọc Tuấn k4).
Trong lăng có bày rất nhiều hiện vật, bia đá, sơ đồ giới thiệu, nhưng ở cửa có một dòng nhắc nhở "nơi tôn nghiêm, không chụp ảnh" nên đành thôi, giấu máy ảnh ra sau lưng.

Ngọc Tuấn nhìn hàng tượng đá, nói trước đây vẫn cùng Vân Hùng đi sục sạo phía này. Đã gặp các hàng tượng đá giống thế này, cùng những gò đất như nấm mộ to. Khi đi ra sau lăng, chúng tôi quả thật gặp một chiếc gò đất tròn như Ngọc Tuấn mô tả. Có thể đây chính là mộ của người có lăng này, ít ra là ước lệ như thế.

Khu lăng mộ mới chỉ được phục chế có vậy. Chúng tôi quay ra và vì không thống nhất được với nhau việc đi vào chỗ có cáp treo lên núi nên quay trở lại cổng trường để chờ xe bus đi Vườn Thất Tinh.

Vườn Thất Tinh là điểm đến mong đợi của Thanh Minh. Hắn có nguyện vọng vào lại trong hang, để cảm nhận lại xem có hơn ngày xưa. Nhưng lại vì không thống nhất được mà đành mua vé vào vườn chứ không vào hang. Còn một lí do chính đáng là không biết vào hang mất bao lâu, sợ không kịp giờ đi Hai Sông Bốn Hồ.

Cầu Hoa, lối vào vườn Thất Tinh, bắc qua sông Tiểu Đông.
Vườn Thất Tinh rộng lớn với mấy núi đá lớn và vườn cây. Không kể hang Thất Tinh, người ta nếu chỉ đi hết đường đi trong vườn đã mất khá nhiều thời gian và sức lực. Chính vì thế trong vườn có các trục đường có xe điện chở du khách.
Ngay gần lối vào là quảng trường. Tại đây, trong lần đến thăm Quế Lâm, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nói chuyện với sinh viên về bảo vệ môi trường.
Chúng tôi chọn hướng trái để đi. Trong vườn người ta bày rất nhiều bộ bàn ghế đá, các cụ vào chơi bài, chơi cờ rất đông.
Vườn rộng và vắng. Nếu ở HN có thể không dám đi trong những khu vườn như vậy. Ở đây vườn được dọn dẹp sạch sẽ, không có dấu hiệu là nơi trú ngụ của các tệ nạn xã hội. Thậm chí một cô gái đang ngồi trang điểm trong vườn.
Đến chỗ chúng tôi leo lên chùa, các anh Ngọc Tuấn, Minh Nghĩa và anh Trạch ngồi lại nghỉ. Đây chính là chỗ mà Minh Nghĩa kêu mất 43 Tệ (hơn 90 nghìn Đồng) chỉ để đi bộ, vô lí quá. Nhưng nếu tính từng ấy tiền để có thể đi khắp vườn, có khi mất cả ngày, trong tình trạng dịch vụ tốt, sạch sẽ, thì thấy cũng đáng.
Leo lên đỉnh một trong số các quả núi trong vườn, nhìn ra xung quanh thấy một góc Quế Lâm.
Ở quảng trường người ta đang chơi khí cầu. Quả khí cầu được neo 4 góc, chỉ để đưa du khách lên cao ngắm nhìn thành phố rồi lại xuống.
Đúng là mỗi người có một cái thú. Chuyến đi này tôi cũng học đòi mua một cần câu, nhưng chắc có lẽ ít dịp dùng nó. Giá như mang được cả cái vườn này về để thỉnh thoảng đi cả ngày cho đã.
Rời Vườn Thất Tinh chúng tôi đi bộ qua cầu Giải Phóng. Định đi bộ về men theo sông Li để nhìn núi Voi, mặc dù năm 2003 tôi và K.Quốc đi đã biết rằng người ta che chắn tất cả các chỗ có thể chụp ảnh.
Buổi tối trong khi chờ giải quyết vụ chậm giờ đi Hai Sông Bốn Hồ đã nói, chúng tôi lại chụp ảnh bên cầu Giải Phóng, phía Vườn Thất Tinh. Ở đây người ta rất sẵn điện cho trang trí.
Phải lên tầu đi Hai Sông Bốn Hồ ở bến trên sông Hoa Đào, cũng là nơi người ta tạo cảnh đẹp.
Tối nay chúng tôi sẽ đi thăm một trong những cảnh quan nhân tạo lớn của thành phố Quế Lâm. Hình ảnh chuyến đi này sẽ trình bày ở phần sau.

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ba điểm Jangshu, Vương Minh Lăng và Hai sông bốn hồ đều nằm trong chương trình đã pàn pạc với HThành. Vậy mà không đi được. Tiếc quá! Cảm ơn bạn già đã có phóng sự hay để tôi đỡ tiếc.
KQ

HữuThành.Nguyễn nói...

Cái này gọi là chuyên môn hoá. "Anh làm việc, tôi đi chơi yên tâm"!

Nặc danh nói...

anh Thành nói quá chuẩn : Chú làm anh yên tâm . Như cụ Mao nói với Hoa Quốc Phong.Nói với anh Thành K7 còn nhiều chuyện lắm nhưng tụi nó ỳ chưa chịu tham gia góp chuyện cùng đàn anh đấy. KV.K7

Nặc danh nói...

Chuyện tích đầy bụng mà không xả ra là có ngày tẩu hoả đấy. Anh Thanh Minh k4 bảo thế. HT