"Trồng cây lưu niệm" - chỉ có 4 từ, nghe tưởng như rất đơn giản nhưng không như nhiều người nghĩ. Chọn cây gì, lấy tiền ở đâu, bia thế nào...? Tòan là vấn đề nhớn(!).
Chọn cây
Mail qua lại với chị Niệm nhiều lần về vụ này. Ở Quế Lâm thì cây si cũng có mà cây sanh cũng có, hay chọn quế hoa, hay thông...? Tương tự như ở ta, cây càng quý thì càng đắt. Tiền nào của nấy. Chúng tôi quan niệm cây trồng phải xanh và sống tốt. Rồi anh em đã tự quyết - đặt cây thông cao 3-4m, giá 300 tệ/cây. Trường Y Trung chọn mua giúp ta 2 cây này.
Bia đá gắn ở gốc cây
Trưởng Ban Liên lạc Bùi Vinh yêu cầu phải có bia đá gắn dưới gốc. Về nguyên tắc ngoại giao thì nội dung văn bia cũng phải thông qua Sở Ngoại vụ. Khi gửi nội dung sang thì bạn OK ngay. Gấp quá, bên ta lo làm việc này để đỡ nặng gánh cho chị Niệm. Việt Dũng k5 nhận đặt hàng. Hai tấm bia đầu được làm xong nhưng nội dung chỉ viết tiếng Việt. Còn có 1 ngày. Có ý kiến: nếu chỉ viết tiếng Việt thì bạn có đọc cũng chả hiểu là gì. Vậy là anh em k5 ở Hà Nội đề nghị làm gấp 2 bia mới (kinh phí do k5 lo), có ghi thêm dòng chữ Hán "Việt Nam - Nguyễn Văn Trỗi Trường". Bia làm công phu, đẹp.
Trên đường cháu Lập k9 được phân công giữ. Nhưng đúng sáng ngày 26/10 có trục trặc, khi tất cả đã lên xe đi Y Trung rồi mà bia đá vẫn để trong phòng và bị khóa lại. (Mà khóa từ mới chết!). Gần 9g tìm được Quốc Sủng mới mở đựơc cửa. Vậy là còn may và cả đòan đến tập trung đúng giờ.
Trồng cây xong xuôi, bia đá được đặt dưới gốc thì giáo sư Đỗ Kiếm Tuyên phát hiện chữ TRỖI viết bằng chữ Hán có chút sai sót. (Tương tự như ta viết sai "anh Trổi, anh Trôi"!). Nghĩ đi nghĩ lại thì lỗi có thể chấp nhận vì người Việt viết chữ Hán, sai sót nhỏ là chuyện thường tình.
Lễ trồng cây
Ở Y Trung:
Đã là lễ hội thì Ban giám hiệu có tỷ thứ việc. Vậy mà sau khi cắt băng khánh thành Nhà truyền thống, Tiêu Hiệu trưởng đồng ý ngay tiết mục trồng cây lưu niệm của Trường Trỗi. Trong không khí vui mừng phấn khởi, cán bộ, giáo viên cùng học sinh Y Trung chứng kiến cảnh thầy trò ta cùng bà Hiệu trưởng trồng cây ngay ở cổng chính. (So với cổng trường Y Trung năm 2003 thì cổng này rộng và hòanh tráng hơn nhiều. Bà Hiệu trưởng nói chọn chỗ này vì đi đường bà con có thể nhìn thấy cây và đọc được bia đá). Cây thông xanh tươi đứng vươn mình trong nắng sớm. Lê Bình k5 không quên bắt nhịp hát bài "Việt Nam - Trung Hoa". Lẫn trong không khí phấn khởi ấy là mùi hoa quế ngào ngạt. Cũng tại đây các bạn gái k5 (Hoa, Mẫn, Xuyên) gặp được chị em Thịnh Hiểu Phong, Tần Bích và Mã Quân. Thật tuyệt vời!
Ở Phong Khẩu:
Đúng hẹn 3g chiều cùng ngày, các đòan k3, k4-k5, k7 có mặt tại cổng trường Phong Khẩu (nay là Cao đẳng Kỹ thuật Hàng không). Thầy Chi Phan cùng cô Ngần, cô Lan, cô Tâm đi theo đòan k4-k5. Chị Niệm làm nhiệm vụ phiên dịch. Phía Y Trung tháp tùng có Hiệu phó cùng Trần lảosư và Cao "tư lệnh". Ông Hiệu phó chủ nhà (người mặc áo đỏ) đón từ cổng, dẫn đòan đi theo đường qua khu học đường Phân hiệu cấp II, dừng lại ở góc thảm cỏ xanh trước nhà thư viện cũ. Vậy là cây lưu niệm được trồng tại di tích cũ được giữ lại làm lưu niệm của một thời. Cũng chỉ cần dăm câu ba điều là bắt tay vào trồng cây. Buổi lễ thật đơn giản nhưng không kém phần trang trọng. Trồng cây, chụp ảnh xong, từng nhóm đi dạo quanh trường thăm lại nơi đã sống cách nay 40 năm. Bồi hồi, xao xuyến...
Hy vọng những cây hữu nghị này sẽ được các bạn chăm sóc mãi mãi xanh tươi như mối tình hữu nghị Việt-Trung đời đời bền vững!
Chủ Nhật, tháng 11 04, 2007
CHUYỆN TRỔNG CÂY LƯU NIỆM
Gửi bởi TranKienQuoc lúc Chủ Nhật, tháng 11 04, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
5 nhận xét:
Mấy hôm nay các bài và ảnh nói về chuyến đi Quế lâm của lính Trỗi được post "tưng bừng" lên blog Trỗi, mình thuộc diện không đi được, mà lòng xốn xang nôn nao thấy tiếc và thèm. Vào blog đọc, xem ảnh rồi hình dung lại những cảnh cũ của Quế lâm khi xưa đem so sánh với những bức ảnh được anh em mới chụp sau chuyến đi vừa qua, thấy được sự thay đổi của Quế lâm sau gần 40 năm xa cách. Nơi đó đã đã để lại trong ta nhiều kỷ niệm dù K8 chúng tôi chỉ ở một năm. Nhớ buổi đầu tiên khi đặt chân đến Y Trung nhập trường được phát quân trang của lính, nhớ lần đầu tiên xếp hàng đi ăn cơm mỗi người 1 cái bát tộ, 1 cái thìa, 8 thằng 1 khay cơm hơi loại nhỏ, 16 thằng 1 khay loại lớn cứ thế cắt xắn cơm như cắt bánh trưng, nhớ những sáng thứ 7 được ăn xôi chè, không cần lớp trưởng nhắc nhở gọi dậy mà ai cũng tranh nhau xếp hàng đầu... Khi sang Trường mới Phong khẩu vào mùa hè nóng bức, cứ 13h30'hàng ngàu bản nhạc "Phiên chợ Ba tư" là bản nhạc báo thức dậy ăn cháo đường khi trời nóng bức (tuổi trẻ con chỉ nhớ đến ăn mà), nhờ bản nhạc đó mà sau này mình yêu thích nhạc cổ điển. Tất cả những kỷ niệm của thời đó lần lượt hiện về khi xem các bức ảnh của những địa danh mà ta đã qua như sông Li,tiểu Đông giang, cầu Giải phóng núi vòi voi, Thất tinh nham, Lô địch nhan. Rồi nhớ lại cả mùa hè năm 1968 cả trường thiếu nước ăn và sinh hoạt phải bắc ống dẫn nước từ trên núi chứa vào bể bơi để dùng dần. Ngày hè nóng nực cứ buổi chiều phải xếp hàng hành quân 3-4 km vào nhà dân tắm giặt nhờ; tắm xong về đến nhà mồ hôi lại đầy người như chưa tắm, đến tối lại rủ nhau trốn ra bể bơi cùng nhau ùm ùm cho mát để đi ngủ... còn quá nhiều kỉ niệm còn sống trong ta lại được lôi dậy sau chuyến đi Quế lâm của lính Trỗi, không thể kể hết ra được ở đây. Rất cảm ơn mọi người !
Cũng rất lạ mấy hôm nay ko thấy lính Trỗi Leipzig lên tiếng gì cả, hay vì ko đi được nên nhớ Quế lâm đến lặng người !
Thông cảm, Hội Leipzig đang trong tuần "nói chay"
Hội Leipzig chắc còn đang tưởng tượng cả cảnh Quế Lâm mùa dông tuyết phủ cách đây 40 năm ấy chứ.Các bác BLL ơi, có lẽ tổ chức đi thăm QL (TQ) cả vào mùa đông thì hẳn là trấn động vũ trụ Chuyến đi QL vừa rồi đã và đang trấn động thế giới (vì từ trong nước ra nước ngoài rồi mờ)...Ở HCM (SG) dân ta còn mò ra tới SAPA để xem tuyết nó rơi rơi, bay bay ra sao,và lạnh thì tới mức nào, có gọi là (giống) như mùa đông ở Quế lâm hay Leipzig (hoặc bên CANAda)...
Sáng 25/10, khi đến làm việc được mời xem nơi trồng cây lưu niệm. Hố trồng đã đựơc đào sẵn. Bà Tiêu Hiệu trưởng chỉ cho chúng tôi xem maket quy họach vườn hoa nhỏ ngay cổng trường và cây thông ta trồng nằm trong công viên này. Thế mới biết họ rất trân trọng chúng ta.
KQ
"Mắt thấy, tay ...mó" thì mới có cái để "bình luận" , còn không thì " dựa cột mà nghe" vậy. Cứ xem ảnh và các bài viết của Hữu Thành và Kiến Quốc cũng đủ...sướng rồi. Nhắm mắt và tưởng tượng ra mình cũng đang cùng đi QL với các bạn thế là đủ, cũng (tự thấy) mở mang ra được khối thứ.Cám ơn các ông đã cho bọn tôi cùng hưởng một chuyến du lịch lí thú và bổ ích. Leipzig tuyết đã bắt đầu rơi. Lại nhớ buổi tối tuyết rơi ở Phong Khẩu. Có lẽ đến lúc "nhắm mắt,xuôi tay" tôi cũng không quên đuợc, vì đây là lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy tuyết rơi,được "rờ rẫm" vào tuyết. Cái tối hôm ấy, tôi và Tụê "Đạo" (xin lỗi Tụê vì "phạm húy" ông già), hai anh em đang nằm trên cái giường tầng 2 của tôi thì tuyết rơi trắng xóa,tiếng hò reo vang trời,hai thằng nhỏm dậy,trố mắt nhìn tuyết rơi, "của lạ" mà...Còn bây giờ,nhìn tuyết rơi mà ngán đến tận cổ. Quang xèng.
Đăng nhận xét