Năm 1968, từ đơn vị Hải quân, anh Chiến tôi được gọi đi học ở Liên Xô. Cứ 2 năm, cánh học viên sĩ quan ở nước ngòai lại đuợc về phép. Nghe nói phụ cấp bên đó là 70-80 rúp/tháng, nhiều ông tiết kiệm nên sắm được cả xe máy. Nhà gần ga Hàng Cỏ, mẹ tôi lại qúy bạn của con (chí ít chúng nó cũng là bộ đội như con mình!) nên số nhà 99 Trần Hưng Đạo được dùng làm “trạm trung chuyển” mỗi khi mấy ông anh ở Tây về, hay mỗi lần ở quê lên để xuất ngọai. Có ông còn tin tưởng gửi hẳn 1 chiếc máy Verkhôvina ở nhà tôi. Xe trùm chăn quanh năm, ông anh dặn thỉnh thỏang lấy ra cho nổ máy. Không chỉ nổ máy, mỗi lần như thế, mấy đứa lại phóng ra phố. Phố xá vắng người nên không sợ va quệt. Xe có 2 số gài bằng tay phải. Khó nhất là lúc nhả côn vào số 1, chết máy liên tục vì thả quá nhanh. Nhiều khi phải dùng 2 tay nhả ra từ từ mới đuợc, nhưng chỉ sợ chồm xe.
Năm 1972, giặc Mỹ ném bom trở lại. Đã lâu không thấy tôi về, mẹ sốt ruột cử cu Nghị lên tìm. Nghị nhà tôi ngại đạp xe nên rủ Thái Dũng, bạn học của tôi và Quang Bắc, Chỉnh Huấn từ lớp 1 ở truờng Lý Thường Kiệt, lấy xe Verkhôvina đi Vĩnh Yên. Cứ theo địa chỉ hòm thư, Nghị dò ra đơn vị. Sáng chủ nhật, quãng 8g đã thấy 2 anh em phóng xe tới đầu làng. Mất công lên đến nơi mà không rủ Hùynh Tấn Lợi k5 và Ái “khỉ” k8 lại chơi thì thật phí. Vậy là Nghị cùng tên bạn tôi phóng xe sang Trường Trung cấp Kỹ thuật 1 tìm Lợi, Ái. Cậu kia nằng nặc đòi cầm lái với lí do: thạo đường. Khi về mới hay, cậu không dừng được xe đã phải lao thẳng vào đống rơm.
Tấn Lợi, Ái và Nhiên "Zin ba cầu" xe đạp sang, mang theo túi du lịch có 2 chú gà bắn được dọc đường. (Học sinh sơ tán vừa nghèo vừa đói, cứ thấy gà loăng quăng ngòai đường là bụp. Mà Lợi nhà ta có tài bắn súng cao su, hễ giương lên là bắn tin cổ hoặc trượt. Hắn lí luận: bắn tin cổ là gà “chết giấc”, im re nhưng khi tỉnh lại là vẫn có thể cắt tiết, còn bắn trúng mình là gà kêu quang quác, lộ liền. Có bắn trượt thì bắn lại, có sao!). Vậy là anh em có bữa ăn trưa nghiêm với thịt gà xé phay, bóp hành, có cả tí cay. Vui vẻ hội ngộ, nói cười ầm ĩ. Bữa đó có cả anh Tam, Chí Quang, Chí Hòa(?).
Chiều khi trời chạng vạng tối thì Nghị và Dũng mới nổ máy ra về. Sáng mai, Nghị còn phải lên chỗ sơ tán trên Tế Tiêu để kịp học. Mấy tháng sau khi được về tranh thủ mới hay đó là chuyến đi cực kì gian nan.
Cái bình xăng của Verkhôvina chứa đựơc đâu như 3 lít. Vậy mà phóng suốt từ Hà Nội lên Hương Canh rồi từ đấy ra Vĩnh Yên, lên trường Lợi tới 80km, rồi quay về lại Chùa Tiếng đã ngót nghét 100km. Chưa kể mỗi lần dừng xe là mấy ông bạn lại đòi đi thử. Không cho không đành. Vậy là xăng cạn dần. Hai tên phóng đến ngã ba Phúc Yên rẽ đi Chèm thì chết máy. Loay hoay lắc không nghe thấy có tiếng óc ách. Mở nắp xăng ra thì thấy sạch sành sanh. (Giang “mù” sau này nghe kể đã phán: “May là trời còn sáng, chứ tối rồi phải dùng diêm soi xem còn xăng không là toi!”). Vậy là dắt bộ qua đồi Thanh Tước. Từ đây về Chèm cũng phải hơn 20km. Hồi đó làm gì có “trạm xăng nhân dân” (bán lẻ bằng lọ) như bây giờ. Đêm thời chiến, đường vắng tanh. Các quán nước cũng đóng cửa từ sớm. Mệt thì nằm xuống vệ đường nghỉ cho lại sức rồi lại đẩy. Đến gần ngã 3 rẽ đi Đông Anh thì hết đi nổi, 2 tên nằm vật ra đường. Thế quái nào lại gặp ngay mấy xe sì-tẹc chở xăng của bộ đội đang dừng nghỉ đêm. Nghị ta lò dò lại nhờ giúp đỡ:
- Cháu là con em bộ đội, đi xe máy lên thăm ông anh ở đơn vị. Không may hết xăng phải đẩy suốt từ Phúc Yên về đây. Các chú làm ơn cho cháu ít xăng đủ để về Hà Nội.
- Con em bộ đội à? Tưởng gì chứ xong ngay. – Nói rồi 1 ông ra dáng chỉ huy bảo anh lái xe trẻ – Lấy xăng trong can dự trữ đổ cho cháu nó mấy lít!
Vậy là có xăng. Cảm ơn các chú rối rít rồi nổ máy lên đường. Gió vi vu, trời đêm mát lạnh. Thật là đã sau một chặng đuờng quá vất vả.
Nhưng thật là ngu vì Verkhôvina là xe chạy bằng động cơ 2 thì, nghĩa là phải pha thêm dầu nhớt vào trong xăng. Nhưng mấy thằng nhóc này có biết gì, cứ nghĩ xăng đổ đầy bình, ngồi lên được xe, nổ đựơc máy, gài được số là phóng. Phóng một mạch xuống phà Chèm, rồi về tới gần rặng ổi Nghi Tàm thì máy giật cục mấy cái rồi chết cứng. Đạp mãi không nổ. Lại dắt từ đấy về tới nhà thì trời sáng bạch. Đúng lúc loa ở đầu phố mở nhạc hiệu đài Hà Nội “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây…”. Cả ngày hôm ấy ngủ vùi, ngủ sang cả ngày hôm sau. Mệt. Sau đó, xe đựơc lau chùi cẩn thận rồi đưa vào góc bếp trùm chăn.
Hè năm 1972, mấy ông từ bên Tây về nghỉ phép. Ông chủ lôi xe ra để phóng về quê nhưng không tài nào nổ được máy. Mang ra thợ Phủ Dõan mới biết máy bị bó cứng vì chạy không pha dầu.
Đó là lần đầu trong đời chúng tôi phá hỏng 1 con xe chỉ vì thiếu hiểu biết. Chả hiểu lần đó ông chủ xe có chửi bới gì mà không thấy bác Chiến nói lại. Chắc là ông anh phải ngậm tăm?
7 nhận xét:
Chú Quốc cứ yên tâm đi.Bọn làm kỹ thuật mới gọi là "phá hỏng" chứ dân nàm chính trị người ta dùng câu" mạnh dạn tiến quân vào khoa học kỹ thuật" hiểu chửa!
12,7mm
Dưng cơ mà bọn học Khoa Cơ điện ở ĐHKTQS hình như được học "Lý thuyết Cơ phá hỏng". Có phải không 12,7 ly hay Tiên sư giáo sĩ GM?
Ngu dốt cộng với nhiệt tình đi chơi bằng phá hoại.
Hồi đó xe đạp Phượng hoàng là ngon lắm rồi, đèo em cứ như bay. Thế mà tụi nớ dám phá xe gắn máy. Hồi xưa, xe verkhôvina có đẳng cấp hơn xe hơi BMW hạng nhất thời bây giờ.
Phá hoại, quân phá hoại.
Nhưng CQuang có nhớ là được chén gà xé phay của Tấn Lợi? Bây giờ bạn mình làm những Gíam đốc Sở Công nghiệp Quảng Nghĩa lận! Không hiểu có áp dụng kinh nghiệm bắn gà vào quản lí?
Hồi đó mình đâu có sang mà mình đựoc người ta tin thôi. Lợi dụng tí nhưng lại thành cơ phá hỏng!!!
"Cơ phá huỷ" là một nhánh của môn học "Sức bền vật liệu" do GS-TSKH, nhà giáo ND Nguyễn Hoa Thịnh chủ trì. Nó nghiên cứu qúa trình phá huỷ của vật liệu theo thời gian. KQ phá một chiếc xe nhanh thế thì cũng xứng đáng nhận học vị TS đấy.
GM.
Tớ cũng chạy cái xe verkhovina ấy rồi, kinh bỏ mẹ. Cái hộp số nó chia thế nào mà vào số 1 là chết toi. Chạy thì cứ nảy như ngựa vía. Thằng ngồi sau phải buộc thêm cái gối vào baga để bảo vệ bàn tọa.
-Cái chuyện "phá" thì nói cả ngày, đến nỗi gần đây học chính trị, các thầy còn giải thích cung cách quản lý bát nháo hiện nay là do : " Lịch sử đất nước ta trải qua hàng ngàn năm chống giặc nên coi việc phá (của địch) được càng nhiều càng tốt. Bây đến lúc phải "xây", cái máu "phá" nó vẫn còn, thế là sinh chuyện".Liệu có đúng không nhỉ ?
TM
Đăng nhận xét