Thứ Tư, tháng 12 26, 2007

Bắc Kinh và chuyện quanh Tử Cấm Thành

Lần vừa rồi được đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, nay muốn viết cho anh em nhưng những ngày cuối năm bận quá. Xin được post dần cho anh em cùng thưởng thức.

Vài nét về Bắc Kinh

Rời sân bay nội địa Hồng Kiều, Thượng Hải, trên chuyến bay khởi hành lúc 11g20. Gần 2 tiếng sau tới Bắc Kinh. Ga Bắc Kinh được mở rộng, chia làm 2 nhà ga chính – nội và ngoại. Vừa ra cửa ga, gặp ngay khí trời mát lạnh, sạch sẽ (-5 độ). Hít 1 hơi thật dài và sâu. Sướng! Vậy là sau gần 40 năm mới quay lại đất này.

Từ đây đi thẳng về Tử Cấm Thành, cố đến trước 3g30 để kịp vào thăm. Chú hướng dẫn viên dí dỏm đùa: “Bắc Kinh là tắc… kinh, à quên… Bắc Kinh đồng nghĩa với tắc nghẽn giao thông”. Xe cộ nườm nượp lao về trung tâm. Bên phải là cầu dẫn cho tầu đệm từ đang đựoc hoàn thiện.

Bắc Kinh có 4 mùa rõ rệt. Xuân về hoa lá xanh tươi, nhưng cuối xuân là mùa bão cát. Gió thổi cát từ cao nguyên Gô-bi đổ về. Năm 2003, đứng cách nhau có 10m mà không thấy gì. Mùa hạ thì nóng khô, chỉ có mùa thu thì muôn màu muôn sắc, nhất là dịp cuối thu lá vàng rụng đầy đường. Mùa đông lạnh lẽo, kéo dài tới 155 ngày. Khắp nơi tuyết phủ trắng. Ngày ngắn đêm dài, bà con đi ngủ sớm, phố xá vắng tanh. (Điều kiện tốt cho sinh con đẻ cái, may mà Trung Quốc chỉ cho phép mỗi gia chỉ được có 1 con!).

Đã từ lâu, Bắc Kinh được quy hoạch toàn những đường phố dọc ngang chạy theo hướng bắc-nam, đông-tây. Gần về trung tâm thấy những dãy phố cổ, tường và ngói màu xám. Từ lâu, dân Bắc Kinh đã phân ra 5 khu dân cư: Đông quý, Tây thường, Bắc giàu, Nam nghèo, Trung quyền lực.

Bắc Kinh là 1 trong 6 đại cố đô của Trung Hoa, đã trải qua 4 triều đại: nhà Minh, nhà Thanh, Dân quốc và Cộng sản. Bắc Kinh có diện tích 16.800 km2, dài từ bắc xuống nam là 170km và đông sang tây là 160km, gồm 16 quận, 2 huyện. Dân số: 18 triệu (4 triệu lao động ngoại tỉnh). Có hơn 3 triệu xe hơi, khoảng 1,6 gia đình có 1 xe hơi.

Tử Cấm Thành và chú bì hươu cứu nạn

Chúng tôi dừng xe ở công viên Cảnh Sơn. Bắc Kinh xưa gọi là Bắc Bình, nằm trên đồng bằng, không có đồi núi. Khi đào mương nước bảo vệ Tử Cấm Thành, số đất cát được đắp lên thành núi rồi xây dựng thành công viên Cảnh Sơn. Phải đi vào từ cổng hậu (hướng dẫn viên nói đùa: vào theo “hậu môn”!) mới kịp thăm Tử Cấm Thành vì 5g30 sẽ đóng cửa 30’ để làm lễ hạ cờ tại quảng trường Thiên An Môn.

Tử Cấm Thành được xây dựng từ năm 1406 đến 1420, nhưng thực chất mất 11 năm di chuyển vật tư và chỉ xây trong có 3 năm. Dài tới 7km. Bên trong Tử Cấm Thành có 9.999 phòng. (Không được xây 1 vạn phòng vì con số 1 vạn phòng chỉ được dùng trên Trời cho Thiên hoàng, Thiên tử phải kém Thiên hoàng!). Trong Tử Cấm Thành có 18 chum bọc vàng (120 lượng/chum). Quanh vụ này cũng lùm xùm lắm chuyện, xin kể sau.

Được xem nơi vua nghỉ đêm mới thấy ngày xưa vua chúa ăn chơi tàn bạo. Có những ông vua sau 1 đêm ngủ với cung tần mỹ nữ đã bắt họ phải thức giấc đúng 2g sáng, dậy đi lấy nước đọng trên lá sen về pha trà sớm. Không chịu nổi cơ cực, có những cung tần đã rắp tâm rủ nhau giết vua. Vì không được mang dao vào, lừa khi vua mê mệt ngủ say họ đã lấy khăn lụa thít cổ vua. Tưởng vua đã chết, các cung tần bỏ trốn. Không ngờ vua chỉ chết giấc 1 lúc. Khi vua tỉnh dậy thì bại lộ và sau đó các cung tần bị nhục hình tùng sẻo. (Buộc từng mẩu thịt bằng chỉ, sau khi nghe tiếng “tùng” của trống thì dùng dao sắc sẻo. Vị chi mỗi cô chịu tới 3.000 nhát tùng sẻo!).

Trung tâm Tử Cấm Thành là Bảo Hoà điện, Trung Hoà điện và Thái Hoà điện. Để đề phòng kẻ địch đào hầm bí mật lên giết vua thì sân Trung Hoà điện được xếp đá tảng cao đến 12m (8m nổi và 4m âm đất). Khi chúng tôi đến thì Thái Hoà Điện đang được tu bổ để chuẩn bị cho Olimpic 2008. Việc bố trí cho các ban bệ rất chặt chẽ theo quy định “văn đông, võ tây”.

Có 1 chuyện phải lưu ý: Năm 1976, sau Đại Cách mạng Văn hoá, vì không còn tin vào phong thuỷ, coi là mê tín dị đoan nên người ta đã định dùng cẩu di dời tượng 2 con sư tử đặt trước điện Thái Hoà. Khi nhấc lên, không hiểu vì lí do gì, không thể nhấc nổi. Cũng chẳng hiểu có phải tâm linh hay không mà ngay đêm ấy, có trận động đất khủng khiếp ở thành phố Đường Sơn cách Bắc Kinh hơn 100km, làm chết hơn 200 ngàn người. Cũng năm ấy, ngày 9/9/1976 (10’ sau nửa đêm) cụ Mao từ trần. Từ đó về sau chính quyền Bắc Kinh thấy không thể xem nhẹ hướng và phong thuỷ khi quy hoạch, xây dựng.

Tiếp chuyện này, tại 1 điện thờ tại Bắc Kinh, sau trận động đất, người ta thấy tượng con bì hươu bị đổ. Đặc biệt hơn, cái đuôi (hoặc sừng) của nó bị gãy. Truyền rằng con bì hươu này đã cứu Bắc Kinh thoát nạn. Và từ đó, người ta càng tin vào phong thuỷ và tin vào bì hươu – con vật cứu nạn.

Vậy bì hươu là con gì? Bì hươu hình dáng giống sư tử nhưng có sừng trên đầu. Người Trung Quốc thường đeo bì hươu làm bằng ngọc phía sau lưng và không cho ai chạm tay vào như vật linh thiêng phù hộ. Bì hươu màu xanh ngọc tượng trưng cho sự thanh bạch, an bình.

(Như ở ta, Trung Quốc cũng không có sư tử mà sư tử chỉ có ở châu Phi. Vậy mà ta và Trung Quốc vẫn đưa sư tử vào những nơi trang nghiêm nhất biểu hiện cho quyền lực (cổng công sở nhà nước, ngân hàng...). Có hỏi bì hươu có phải nghê hay kì lân thì được giải thích không phải vì ở Trung Quốc cũng có nghê và kì lân. Và hướng dẫn viên Tiểu Hổ của tôi còn nói: "Chỉ nên đeo bì hươu khi ta có niềm tin vào nó!". Riêng 2 con sư tử trước Điện Thái Hoà chẳng hiểu do chỉ thị của cấp nào mà dù không phải tu bổ vẫn được che mưa che nắng cẩn thận!).

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

anh KQ đi Bắc Kinh thăm Tử cấm thành mà ko ra phố Tây, nơi Vy tiểu Bảo dắt vua Khang Hy trèo tường ra chơi bời. Nơi đó, sát bên hông TCT, ngày nay là 1 con phố toàn Mátxa và Karaoke (TQ gọi là K-TV) vẫn giữ nguyên "truyền thống" cho tới nay. Ko hiểu hồi CMVH thì sao.

HMK6

HữuThành.Nguyễn nói...

VN thì không thờ con sư tử. Có con nào ở VN thì đều có nguồn gốc nghìn năm đô hộ thôi.
Đền Đô Bắc Ninh có quà tặng của doanh nghiệp "thắng đậm đất đai" là hai con nghê (sư tử) thì đang bị Ban QL tính chuyện hê ra ngoài. Vì nó mang phong cách Tầu, không có gì liên quan tới truyền thống cả.

Nặc danh nói...

Khi tôi đi tham quan BK, T.Hải ... được hướng dẫn viên DL nói thế này: sư tử tượng trưng cho quyền lực - nên chỉ được trưng ở nơi của vua chúa, cơ quan quyền lực lớn hoặc nơi giàu có (ở cửa các trụ sở ngân hàng chẳng hạn), con kỳ lân là biểu tượng về tính thẳng thắn và lòng trung thành. Dù trung thành nhưng thẳng thắn cũng không thể tiến được - vì vậy không ai muốn theo phong cách kỳ lân. Còn "kỳ hươu" (KQ gọi là "bì hươu", không biết có là cùng một con không hay có sự nhầm lẫn giữa chữ "kỳ" và "bì") tượng trưng cho sự thông minh, linh họat và thành đạt. Người TQ đeo bùa "kỳ hươu" là vì như vậy. Trong Di hòa viên có 1 cửa hàng rất lớn chuyên về giới thiệu và bán bùa "kỳ hươu", con nhỏ nhất - bằng ngón tay út, giá khỏang 150-200 tệ.
Trong TCT có những vạc đồng rất lớn - có lẽ phải chứa được 5-6 m3 nước. Ở đó ghi rất rõ dùng chứa nước phòng hỏa. Nguyên bản là mạ vàng. Khi TCT bị quân Anh chiếm, lính Anh đã dùng lưỡi lê cạo lớp vàng mạ. Ngày nay bên ngòai các vạc đồng vẫn còn nguyên vết tích này.
JM

Nặc danh nói...

1. Không hiểu quan bia "Bò tùng sẻo" ở Hà Nội bọn nó có sẻo như vậy không?
2. Không hiểu có một khách du lịch nước ngoài nào sau khi đi Việt Nam về lại có nhiều tư liệu để viết được bài hay như KQ không?

TranKienQuoc nói...

@Nặcdanh: Cảm ơn bạn động viên! Nhưng sợ có quá lời? Nói vậy, đi mà không viết anh em bảo là ham chơi và lười, rồi viết mà không cố lại bị phê là phọt phẹt. Phải cố thôi!
@JM: Về "bì" hay "kì" đã hỏi kĩ Tiểu Hổ. (Có lẽ phải tra cứu thêm).
Thằng cháu vào lọai quái dị. Là dân Nam Ninh, cuối những năm 80, khi có cơ hội "làm ăn tiểu ngạch" bố mẹ Hổ sang Hà Nội nhưng không cho nó đi học truờng vì sợ lộ, phải thuê thầy dạy tiếng Việt. Sau này cháu học Đại học Ngọai ngữ. Khi về TQ đã mò lên Bắc Kinh làm du lịch. Hiểu biết ra phết.
Số vạc lớn trong Tử Cấm Thành là 18. Nay còn những vết cạo vàng ở bên ngòai. Vừa mạ, vừa ăn cắp mà phải dùng tới 120 lượng cho 1 vạc đấy.

Nặc danh nói...

Không phải cám ơn, GM đấy, vội quá quên mất không ký tên, định sửa lại ký thì sợ Tổng quản HT bảo lạm dụng viết nhiều để "đánh bóng" thương hiệu thành thử thôi.
GM.

Nặc danh nói...

Ngày mai các bạn sẽ có thông tin về con Bì Hưu này (đang nằm trong bộ file của thằng con tôi).
Nhà tôi hiện có mấy con do bà xã "thỉnh" từ Viện phong thủy BK về, nghe nói linh ngiệm cưc kỳ.
Các bạn ở SG có thể đến An Đông plaza Q5 có 2 con to vật do chủ đưa từ Tàu về , hình như gần 1 tỉ VND thì phải.
TM

HữuThành.Nguyễn nói...

TM kể chuyện bà xã đi du lịch đến Viện Phong Thuỷ BK.
Tình cờ trúng ngày nó mở cửa tiếp khách sau mấy chục năm "bế quan luyện linh" cho các vật thiêng. Hai con mà bà xã TM thỉnh về là trong số đó, mà người ta lấy gần hết. May còn thỉnh được hai con ấy.