Thứ Năm, tháng 12 27, 2007

Hà Nội trong ký ức tôi

Đoàn Phú Hoà

Tôi có thể khẳng định một điều là dù sinh ra hay không sinh ra ở Hà Nội nhưng phần lớn lính Trỗi đều gắn những kỷ niệm tuổi thơ của mình với thành phố thân thương này và giờ đây, dù ở đâu chăng nữa nhưng tất cả đều có những khoảnh khắc nhớ về mảnh đất đó với nỗi nhớ thiết tha, day dứt đến tê người. Nhớ lắm.

Hồi nhỏ, gia đình tôi sống chung với ông bà ngoại và các cô chú ở phố Lò Đúc, gần sát rạp Mê Linh. Trước thời chiến tranh phá hoại của Mỹ thì phố này đã được mệnh danh là phố cò ỉa. Từ ngã tư Lò Đúc – Hòa Mã đến đúng trước cửa nhà tôi là hai dãy cây sao dọc phố và cũng nơi cò tập trung làm tổ. Từ nhà tôi trở xuống mạn Nguyễn Công Trứ lại toàn cây bàng mà cho đến giờ, gần 50 năm rồi nhưng tôi vẫn còn cảm nhận được cái vị ngòn ngọt, chan chát của quả bàng chín hay cái vị bùi bùi của nhân quả bàng.

Sau khi “tốt nghiệp“ lớp vỡ lòng ở trường Mầm Non thì tôi theo học trường Lê Ngọc Hân. Những ai đã học trường này chắc chắn còn nhớ là ở đó có một tầng hầm, giống như trường Trưng Vương. Đối với bọn tôi, những đứa trẻ nghịch ngợm thì đó là một thế giới bí ẩn. Những giờ giải lao, trong khi mọi người đùa nghịch trong sân trường thì tôi, thằng Đức khểnh, Tấn Phong (cả hai đều là dân Hàng Chuối) cứ mầy mò trong những khoang hầm đó mà thật ra thì chẳng đứa nào biết là mình muốn tìm cái gì.

Mấy thằng chúng tôi nghịch như quỷ sứ nên thường hay bày ra những trò đùa quái đản làm lũ con gái la hét inh ỏi, nhất là cô bạn Bình Minh (bạn gái của Quý nhẽo và là bạn đời của Vũ Anh Dũng) thường lẳng cho mấy thằng những cú lườm mà đến giờ tôi vẫn cảm thấy cái sắc của nó.

Hồi ấy, buổi sáng nào cũng vậy, trước cổng trường luôn có một ông già Tầu với cái xe đẩy của mình đứng bán bánh gối. Ôi chao, sao mà những cái bánh gối rán vàng ươm lại quyến rũ lòng ham của bọn tôi đến mức đam mê như vậy. Bao nhiêu tiền của ông bà, bố mẹ, cô chú cho thì tôi chỉ để dành nhằm phục vụ cái khao khát của mình. Đối với anh em mình thì hồi ấy 5 xu cũng là cả một gia tài nhưng cái cảm giác được cầm cái bánh gối thơm ròn, cắn một chút tí đầu để đổ tương ớt vào trong sao mạnh mẽ thế. Ba thằng bọn tôi vừa ăn vừa xuýt xoa vì bỏng đến rộp môi, rộp lưỡi nhưng vẫn ngon. Lần nào cũng vậy, khi miếng bánh gối cuối cùng chui tọt vào cái “tầu há mồm" thì cả ba đều có vẻ mặt tiếc rẻ là tại sao cái bánh ấy bé thế.

Mùa hè là mùa của học trò. Nắng chang chang như đổ lửa, nhựa đường dẻo hơn kẹo cao su nhưng bọn tôi đâu có sợ. Cứ chân đất, đầu trần lang thang ở sân đá bóng Tăng Bạt Hổ để bắt dế. Nhiều lúc nước trong chai hết mà dế chưa thèm bò lên thì đấy, sẵn bầu nước trong có sẵn trong người là bơm tiếp. Ban ngày thì đổ dế, chơi bi, chơi xèng, chơi quay, chơi khăng còn buổi tối lại đi bắt ve sầu, đánh trận giả loạn cả phố. Có một thời bọn tôi thường ra bãi rác Sông Hồng tìm đầu đạn cũ về để tháo nó ra, phần thuốc súng thì đổ đi còn phần đầu đạn thì cho vào nồi gang đốt lên để lấy chì đúc đồng cái đánh xèng. Viên đạn nào rỉ quá, không tháo ra được thì quẳng cả vào đống lửa cho nó nổ, nghe cho sướng. Sau này, khi đã trở thành kỹ sư vũ khí nghĩ lại chuyện này thì tôi mới thấy sợ. Đúng là “điếc không sợ súng“. Chơi chán thì bọn tôi lại rủ nhau vào làng Thanh Nhàn để “hái ổi không giấy phép“. Tham thì thâm nên nhiều khi ngày hôm sau gặp nhau thì mặt thằng nào cũng đần ra vì cóc „rặn„ được.

Cứ đến cuối tháng bẩy là cả một đoạn phố Lò Đúc trắng xóa cứt cò. Mấy đứa tôi vừa ngồi ghè quả bàng vừa theo dõi người đi trên đường vì cứ một chốc là sẽ có một ai đó chửi toáng lên do nhận được món quà hảo tâm của cò, thậm trí có lần có người còn nhận được lên đầu một chú cá vẫn còn đang rẫy đành đạnh. Ban công nhà tôi vì ở ngay sát đường và rất rộng nên là một vị trí cực kỳ thuận lợi cho các xạ thủ săn cò. Chiều nào cũng phải có ít nhất vài ông xin lên thử súng ở đó và trước khi rút quân thì ông nào cũng tặng ông bà tôi vài chú cò còm. Mấy hôm đầu thì còn nhá được nhưng sau vài ngày thì cả nhà ớn đến tận cổ, không dám nhận nữa.

Tuần nào ở rạp Mê Linh có phim hay là mấy đứa tôi tranh nhau tán ông soát vé để được ông ấy cho phép khuân – cất giá giữ xe ở trước cửa rạp rồi vào xem phim không mất tiền.

Cứ đến mùa me chín là bọn tôi lại rủ nhau đến phố Ngô Quyền rồi thi nhau trèo lên những cây me dọc phố, mà phải trèo tít lên cao để nhiều khi các ông bảo vệ mấy cơ quan ở gần đấy phải ra quát mới chịu tụt xuống. Hồi ấy cả tuần có mỗi chủ nhật là ngày nghỉ nhưng bọn tôi dậy sớm lắm vì đã hẹn với nhau ra vườn hoa Nhà Kèn có “công vụ“. Sáng chủ nhật nào cũng có đội quân nhạc thổi kèn, đánh trống inh ỏi ở đấy. Mấy thằng bọn tôi do còn nhỏ con nên len lên phía trước quá dễ dàng. Cứ đợi đến khi mấy ông thổi kèn bắt đầu phùng mang, trợn mắt thì bọn tôi mới dơ mấy quả me vàng vừa hái ngày hôm trước ra mút làm mấy ông tứa nước bọt cóc thổi được. Bảo vệ ra đuổi thì bọn tôi lại chạy đi chỗ khác. Chán rồi thì bọn tôi lại mò ra Sông Hồng để đua nhau chạy trên các bè mảng cắm ven sông. Một lần do sơ ý nên thằng Đức khểnh bị kẹp chân đến tận bẹn giữa hai cây vầu, nó càng giẫy thì càng bị kẹp chặt hơn, bọn tôi có cố gắng cũng chịu. Lát sau tay chủ bè ở đâu mới mò về, mặt đỏ bừng vì rượu. Tuy mấy thằng bị ăn bợp đến nẩy đom đóm mắt nhưng vẫn mừng vì thằng bạn mình được giải thoát. Đòn đau nhớ lâu nên sau này, tuy không bỏ được thú chơi quái quỷ đó nhưng thằng nào cũng rón rén hơn. Nói đến Sông Hồng thì không thể không nói đến Bãi Giữa, nơi có những vườn ngô bạt ngàn, chỉ cần thò mấy đôi tay khẳng khiu là chúng tôi có được bữa ngô nướng ngon lành (ngô nhà chùa mà, mất gì của bọ). Sau mỗi cơn mưa hè thì cả đường phố Lò Đúc ngập nước đến quá nửa vành xe đạp và bọn tôi, những đứa trẻ của đường phố lại tha hồ vùng vẫy trong dòng nước ấy, đâu cần biết là nó bẩn đến mức nào.

Đối diện nhà Quang bành (con bác Đinh Thị Cẩn – TT Bộ Y Tế) ở phố Hòa Mã là nhà của một ông võ sư. Tối nào ông ấy cũng dậy các võ sinh của mình ở ngoài sân. Nếu chán chơi rồi thì bọn tôi và Quang bành cứ đứng hàng giờ ngắm ông ta dậy võ rồi lại bắt chước, vung cẳng chân, hạ cẳng tay để cả bọn ngã chổng kềnh rồi cười khoái trí. Khá nhiều lính Trỗi mình đã theo học ở trường Lê Ngọc Hân như Tuấn hủi, Vũ Anh Dũng, Chí Quang, Vân Hùng, Quý nhẽo, Toàn sứt, Bắc đen, Quang bành, Hoài Lưu, Hoài Thuận, Kiên lé, Luân cáo và sau này tôi còn được biết thêm có Hữu Thành, Tương Lai, Thanh Minh, … nữa.

Hè năm 1963 thì gia đình tôi chuyển về “quân khu Nam Đồng“. Lúc đó khu tập thể này vẫn còn chưa hoàn thiện, mới chỉ có khu B với 4 dẫy nhà 4 tầng. Tuy toàn là dân mới từ các nơi trong Hà Nội chuyển đến nhưng có lẽ đều là con nhà lính nên bọn tôi nhanh chóng đồng cảm được với nhau để rồi sau hai năm thì cả lũ lại rồng rắn kéo lên tụ họp ở trường Trỗi. 5 năm trong trường đã giúp tôi trở thành người và có được những đứa bạn mà giờ đây, sau gần 40 năm mà tình cảm giữa chúng tôi vẫn chân thành và đậm đà như thủa thơ ấy.

Tuổi thơ của lính Trỗi nhà mình đã qua đi từ lâu nhưng những kỷ niệm về Hà Nội của thời gian ấy luôn trở lại trong tôi. Hà Nội với những đường phố bụi bẩn, với những dòng xe đạp cà khổ, với những chuỗi thùng gánh nước chờ đến lượt bên vòi nước công cộng, những hàng gạch, rổ rả thùng xếp thay người trước của hàng gạo, hàng thực phẩm …. . Tuy đi xa Hà Nội gần 30 năm rồi nhưng những hình ảnh thân yêu đó luôn gần gũi với tôi. Tôi thích nghe những bài hát về Hà Nội như Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Hà Nội chiều trở gió, Về lại phố xưa, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, …..... Có nhiều đêm, một mình bên ly cafe tôi thả tâm hồn mình hòa trong khoảng không ấy, cái khoảng không “Hà Nội của tôi“. Mỗi lần về lại mảnh đất thân thương của mình là tôi thấy như mình được quay về quá khứ. Cái quá khứ với những kỷ niệm mà cho đến phút cuối của cuộc đời tôi vẫn không thể quên. Tôi thèm được nghe tiếng chổi quét trên đường đêm tĩnh mịch, tiếng rao bán xôi sáng khi trời còn chưa bừng tỉnh. Có lẽ tôi cũng hơi táo tợn khi gợi ý cậu bạn thân Mirek cùng mình chơi đàn ghi ta về những bài hát của Phú Quang về Hà Nội. Dịch tài liệu thì đơn giản thôi nhưng dịch thơ, dịch bài hát thì khó lắm, chẳng hạn như “Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm, một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may“ thì tôi chịu vì chỉ có người Việt Nam mình mới có thể hiểu hết ý nghĩa của cái “run run heo may“ là như thế nào nhưng không thể dịch được. Có lẽ cậu ta ăn phải cái bả “đam mê“ Hà Nội của tôi nên rất chịu khó và một phần cũng nhờ cái khiếu nhạc nên hồi ấy (năm 2000 -2001) tuy một chữ Việt bẻ đôi không biết nhưng hai thằng có thể cùng chơi đàn và hát được một số bài. Tuyệt lắm.

Một trưa hè năm 2001, khi đang ngồi cùng hai con gái trong quán La Paloma ở ngã tư Hàng Bài – Lý Thường Kiệt thì bỗng dưng tôi được nghe bài “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi“. Tôi rùng mình và cảm thấy cái lạnh đến tê người dâng lên trong mình. Cố gắng lắm thì tôi mới giữ được hai dòng nước mắt của mình nhưng vẫn không dấu được bọn nó. Ngày nay, tuy quán đó đã thay tên, đổi chủ nhưng lần nào về đến Hà Nội là tôi đều đến đấy uống ly cafe như một cách thầm cảm ơn cái khoảnh khắc tê tái đến ngọt ngào ấy. Tuy người vợ yêu đã đi xa, chẳng còn ai để mà mong, mà nhớ nhưng tôi vẫn thường “mơ về một nơi xa lắm“ vì mảnh đất thân yêu ấy đã để lại trong tôi những kỷ niệm của tuổi thơ mãi mãi không phai nhòa. Trong năm, do chúi mũi vào với công việc nên không có thời gian nhưng năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm thường làm tôi nhớ da diết đến Hà Nội của chúng mình.

Dù lâu đến bao nhiêu nữa nhưng trong tôi chỉ có một quê hương, đó là Việt Nam và dù xa lắm nhưng tôi cũng chỉ có một Hà Nội để nhớ, để mong. Tôi đã đi nhiều nơi ở cái đất Châu Âu này và giống như Quý nhẽo thì tôi cũng thường “chui rúc“ vào mọi xó xỉnh nhưng không thể tìm được cái “Hà Nội của tôi“. Ở Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, …tôi thường đảo qua các chợ nhưng chẳng có cái chợ nào có thể sánh được với cái chợ Đồng Xuân, Chợ Hôm, Chợ Hàng Da, Chợ Mơ của Hà Nội chúng mình với cái mùi tổng hợp và sự náo nhiệt, ồn ào đến “tả phí lù “ của nó. Hà Nội của chúng mình không có những lâu đài nguy nga hay những nhà thờ tráng lệ nhưng lại có vẻ đẹp riêng của mình mà chỉ ai có tình yêu với nó mới cảm nhận được.

Cảm ơn đất nước, bố mẹ đã truyền thụ cho tôi tình yêu quê hương, yêu Hà Nội. Cảm ơn các thầy cô trường Nguyễn Văn Trỗi đã dạy tôi trở thành người, cho tôi có được những người bạn chân tình. Cảm ơn những đứa bạn tuổi thơ đã giúp tôi vượt qua được nỗi cô đơn. Dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì tôi vẫn có thể tự hào thầm nhủ với mình: Tôi là thằng hạnh phúc.

29 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

PHòa ơi, sửa lại là "Hà Nội trong kí ức..." có lẽ hợp hơn!

VNQ nói...

Đúng là nỗi lòng của người con xa xứ, đọc thấy nao lòng. Những kí ức của a PH cũng làm thức dậy trong tôi những kí ức tuổi thơ Hà nội, nhớ những chiều hè ra sông Hồng bơi lội, lên nóc xà lan "bông nhê", có lần còn bị nước hút vào gầm; nhớ những đêm hè rủ nhau sờ gốc cây bắt ve sầu, những trưa hè trốn bố mẹ, trốn ngủ trưa, rủ nhau đi trèo me, trèo sấu.....Cảm giác thời gian như mới hôm qua thôi! Thế mà! đã hơn 40 năm rồi. Cảm ơn a PH

Nặc danh nói...

Đọc những ký ức tuổi thơ của PH về Hà Nội, chúng tôi những người hàng ngày vẫn sở lượn ở đất Hà thành càng thấm thía, cảm thông hơn nỗi nhớ những kỷ niệm xưa của những người ở xa HN, nhất là ở nơi đất khách quê người.
Cám ơn PH đã gợi lại những kỷ niệm xưa thân thương và không bao giờ quên.
TTXVH

Nặc danh nói...

Phú Hoà ơi
"Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta
Thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom
Một thời hoà bình"
Nhất là trong những ngày này, chúng ta lại nhớ đến 12 ngày đêm oanh liệt của trận Điện Biên Phủ trên không. Theo tôi biết thì hồi đó K5 và K6 của ĐHKTQS có về Hà Nội tham gia phục vụ chiến đấu, chắc là trong số đó có bạn.
Ở phương trời xa các bạn đừng buồn, chúng tôi vẫn luôn theo rõi các bạn qua cái "Bantroi" này.
C novym rokem, pratel - soudruh!
GM.

HữuThành.Nguyễn nói...

Xứ "cò ỉa" tanh ngòm mỗi khi trời mưa.
Đứng trên gác thượng nhà ông NV.Trân chúng tôi bắn súng cao su vào những con cò bay qua. Chả mấy khi làm chúng phải để ý vì đã bay ở độ cao an toàn rồi.
Trường LN.Hân ngày xưa có sân trên để tập thể dục, có bãi cát nhảy xa, có vườn trường và vườn địa lí mà chúng tôi tham gia làm nên.
Ngày hè nhận lạt từ trường về tết băng sau này người ta quấn thành mũ nan. Đan mãi được mấy hào, là những xu do mình làm ra đầu tiên.
Sân dưới để tập hợp, chào cờ, có bia Căm thù Phú Lợi. Còn có những cây muồng cổ thụ mà hàng năm người ta thu hoạch nhựa cánh kiến đỏ, bọn hiếu kì chúng tôi cũng nhặt về, sau chả làm được gì lại vứt bỏ.
Hà Nội mỗi khi từ trường về lại thấy ngôi nhà mình ở nho nhỏ vì tiếng nói cứ oang oang.
...

TK8 nói...

a PH cứ ngoáy vào quả HN này e Đau Tim wá, chắc ae khác cũng vậy :-)
PQ sáng tác “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi“ trong 1 giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, PQ hay rủ tôi cafe, ăn uống, Massage và tâm sự. Hội NS ngoảnh mặt, GĐ cũng vậy, nghi ung thư cổ, tôi fải gthiệu cho PQ vay tiền 1 ngân hàng và mua nhà cũng của 1 ng bạn khác...bạn bè thân thiết kcó ai ngoài Quang Lý...bạn để Giao Du thì rất nhiều. Tôi đã nói với PQ:" a đừng trách cứ Cuộc Sống, vì a quá nhiều Lỗi Lầm" - PQ công nhận tôi nói đúng

Phú Hòa nói...

Kiến Quốc ơi, mày góp ý rất chính xác. Tao có cái tật là viết xong thì " không thèm " xem lại vì nếu xem lại thì sẽ cóc gửi di nữa.
HT sửa hộ tiêu đề là " Hà Nội trong ký ức tôi ". Cám ơn.
Lính Trỗi trong hội hs trường LNH còn có anh em Khánh Tần và Khánh Thái nữa.

Thanh Minh nói...

Cám ơn PH, bạn đã nói thay được điều mà tôi muốn nói.Với tôi cái phố Lò Đúc ấy có quá nhiều duyên nợ tuổi thơ...
Cánh Trỗi già sao ngày càng đa cảm thế không biết. Chẵng lẽ nước mắt cả đời dành dụm giờ mới là lúc tuôn rơi?

TM

TranKienQuoc nói...

Thằng bạn già tranh hết nỗi nhớ của chúng tao rồi. Thôi thì cũng phải ưu tiên cho thằng đi xa. Nói vậy, ai đi xa đều đau đáu nhớ bạn bè, nhớ Hà Nội, nhớ em yêu... nhớ tất cả những gì làm ta phải nhớ!
Mày nhớ bang Cò Ỉa thì tao cũng nhớ Khu 38 rồi đến Ghếch (gần nhà ga xa trường học!).
Nhớ bài "Thành phố tuổi thơ" (Green field) do thầy Đòan Mạnh Giao cùng chúng tao phóng tác (trong những giờ học chính trị ở Đại học quân sư):
Thành phố ở nơi đâu yên tựa giấc mơ
Thành phố ở nơi đâu lững lờ cơn gió đưa
Dòng sông nhẹ êm trôi, lững lờ như mặt gương soi
Thành phố ở nơi đâu thấy trong lòng ấm áp
Và đã qua lâu rồi nơi ấy - tuổi - ấu thơ - êm đẹp...
Có nơi đâu bán vé khứ hồi quay về Thành phố Tuổi thơ?

dathb136 nói...

Anh Phú Hoà nhắc vào nỗi buồn của những người đa từng có một tuổi thơ lang thang cùng HN.Nhớ mùa đông , nhớ nộm thịt bò khô ,nhớ bánh gối, nhớ những ngày trốn học lên bách thảo lượm quả thối về ném vào lò nướng của mấy bà bán ngô để nghe chửi, nhớ nhiều quá!Bây giờ HN khác nhiều ,nhưng vẫn muốn có dịp lại bay ra để đỡ nhớ một tí.

N.TV nói...

Nhắc đến HN là lại thấy yếu xìu. Ở chốn này mà cứ nhắc đến HN là không muốn làm gì nữa.

TK8 nói...

...thế thì tongia đừng đọc HN nữa...kẻo Phu Nhân là mất nhờ. :-)e thấy có 2 món hình như đã Tuyệt Chủng ở HN là "Bi gion gion" và "Táo dầm" ?

HữuThành.Nguyễn nói...

Trưa thứ Ba vừa rồi Vũ Anh Dũng đám cưới cho con, mời hạn chế thôi. Cập nhật thêm chút thông tin đổi thay của Hà Nội.

N.TV nói...

Hữu Thành có gặp A.Dũng thì cho Quý nhẽo gửi lời chúc mừng. Người HN đám cưới cho con kín đáo nhỉ?.

HữuThành.Nguyễn nói...

Thực ra VA.Dũng lâu không tụ tập với anh em Trỗi. Vì vậy việc mời một số anh thôi cũng là bình thường.
Cũng như Hạnh Phúc, có dịp là vẫn gặp anh em ta nhưng đám cưới là chuyện tiếp tân nên không mời tập thể được.
Tôi cũng không có dịp chúc mừng trực tiếp. Biết và mừng cho bạn, thế là được rồi.

Nặc danh nói...

Chú Thành,chú Phú Hoà và các bác các chú nói về trường LNH rất hay-nơi cháu bây giờ vẫn học đấy .Thật tiếc biết bao ,bây giờ trên bầu trời phố Lò Đúc và trên các ngọn cây Sao đen không còn những cánh cò bay lả dập dờn nữa mà chỉ còn lớp đàn con cháu ngày ngày đến trường như các chu bác Trỗi ngày xưa ,và cũng không còn bãi cát nữa đâu nhưng đâu đây vẫn có bóng dáng của các chú các bác,ba cháu đã một thời như vậy mà .Nhưng lớp học trò ngày nay không vô tư như lớp trò ngày xưa nữa.Thật là buồn vui lẫn lộn.Cháu mong các chú -những người xa xứ sẽ vẫn nhớ về cái phố "CÒ..." ở cái đất 1000 năm lịch sử
Con gái bố ĐC

Nặc danh nói...

Bài viết về HN của aPH tuyệt vời, rất tình và rất thật. Mấy thằng nhà văn vẫn đăng lên báo nhiều bài về HN, nhưng nếu chúng xem bài này thì chắc là chỉ dám viết về "Hà Lội".

Thằng em này cũng từng học ở LNH, nên bây giờ mỗi khi ra HN đều cũng phải lượn qua đó ít nhất 1 lần và đúng như con gái bố ĐC nói. Khác xưa nhiều rồi - HN cũng như trường LNH. Tuy vậy, HN của tụi mình vẫn như xưa.

HMK6

Nặc danh nói...

Hà Nội đã trở gió,ai xa xứ mà không nhớ,Hà Nội chẳng có Tuyết nhưng đủ lạnh để quấn khăn voan.Đã hêt thời
Sao vắng Em hoa Hồng trắng của ta, nhưng còn vắng bạn nơi xa xứ mà kỷ niệm thời nông nổi chẳng bao giờ mất được,đúng là buồn như cây Bạch dương mùa này không có lá.Bạn cứ để cho nổi nhớ với cái tuổi thơ đi để không phải lo cái tuổi gia như ai đó đã nói với D Sô sau 40 năm găp lại bạn củ,ở cái xứ Cò...này P Hoà con quên một thằng bạn cũng một thời dại khờ đấy...
Đại Cương

TK8 nói...

Đề nghị GS HN HỌC HMK6 giải thích cho e, chứ a PH sau khi tung Chưởng này chắc hết pin rùi: là tại sao Vua nào cũng chọn Thăng Long, Phong Thủy có gì hay ? hình như chỉ có 1 chú về Huế. e thấy HN nguy hiểm bỏ mẹ: Nước sông Hồng này, gần bọn Tàu hiếu chiến này...
a HMK6 hay ae nào biết giảng e fát...cái món Lịch Sử này e Gà lắm...Thi Cử toàn quay cóp

Nặc danh nói...

Hallo Phú Hòa, mày lại "chọc ngoáy" vào trái tim những thằng "tha hương" rồi. Hà-Nội ngày ấy "của mày" và "của tao" có lẽ khác xa với Hà Nội bây giờ.Hà Nội ngày ấy là những tối bọn trẻ con chúng mình tụ tập chơi "xu-vê" (tiếng Tây bồi), chơi đá ống bơ hoặc chơi xèng... Cái tên "Quang xèng" của tao cũng "nảy sinh" từ trò chơi xèng (tao chơi rất "nổi tiếng" ở khu vực Ga Hàng Cỏ, túi quần lúc nào cũng căng đầy đồng xèng), và cái tên ấy gắn liền với tao suốt từ những năm đầu 60 của thế kỉ trước đến giờ. Nhà tao ở phố Trần Hưng Đạo (90 b3), trước cửa nhà hát nhân dân (bây giờ là cung VH Hữu Nghị). Cứ khoảng 9 giờ tối mùa đông lại nghe tiếng rao quen thuộc :" Chế mà phù,Chế mà Phù nóng sốt đôôôiiii...". Bây giờ vẫn nhớ như in "cái" Hà Nội "của tao" và "của mày" hồi đấy. Quang xèng.

Phú Hòa nói...

Gửi đến tất cả những đứa bạn tuổi thơ của tao,

Tuy biết rằng khi viết về Hà Nội thì bọn mình sẽ cảm thấy nao nao, xao xuyến nhưng tao không thể không kể với bọn mày về nỗi niềm của mình. Quá khứ là một phần không thể tách rời của mỗi con người và không thể quên được cho dù đó là nỗi buồn hay niềm vui. Đã có lần tao viết rồi đấy, kẻ bất hạnh là kẻ không có quá khứ hay không muốn nhớ về quá khứ chứ không phải là người mà hàng ngày phải chắt chiu từng đồng xu vì cuộc sống. Ai chẳng có những giây phút yếu đuối trong tâm hồn nhưng chính điều đó sẽ giúp cho mình có thêm sức mạnh trong cuộc sống và dám nhìn thẳng vào thực tại. Đúng vậy không, những đứa bạn của tao?

Nhân đây tao cũng muốn có vài lời với Adm :
Với tư cách và với tình cảm của một người anh trong trường Trỗi thì anh chân thành khuyên em hãy bỏ cái nick Adm đang dùng và trở về với tên thật của mình vì lý do sau :
Không phải do ít tuổi hơn nhưng thực sự là em chưa đủ sức làm Adm của bọn anh đâu mặc dù em đã tự dựng cho mình một blog. Anh Hữu Thành của bọn anh là người có công lao lớn nhất trong việc này, hoàn toàn xứng đáng là Admin nhưng chưa bao giờ anh ấy tự vỗ ngực như em bởi một lẽ giản dị mà chắc em không thể hiểu nổi. Anh Hữu Thành xây dựng cái blog này chỉ vì tình cảm sâu sắc với trường Trỗi và với những đứa bạn trường Trỗi. Nếu không có tình cảm thực sự như vậy thì hai cuốn SRTKL không thể ra đời được. Blog Bạn Trỗi các khóa là những blog mang nội dung hoàn toàn khác hẳn với những blog thông thường khác. Đây là blog của những người đã từng chia nhau từng củ sắn lùi, mẩu khoai nướng, từng miếng cháy chảo gang và hiểu nhau hơn anh em ruột mình. Anh Hữu Thành dựng len blog này vì tình chứ đâu phải vì danh. Vì lý do vậy nên anh khuyên em hãy viết bằng tên mình, vừa giản dị hơn lại vừa thân mật hơn.

Nếu em nghĩ rằng gần như tất cả các triều đại vua trước đây đều chọn Thăng Long làm kinh đô thì sự hiểu biết của em về lịch sử dựng nước Việt Nam kém quá đấy. 18 đời Vua Hùng đóng đô ở Phong Châu, An Dương Vương ở Cổ Loa, Hai Bà Trưng ở Mê Linh. Từ năm 1010 thì Lý Thái Tổ mới dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long bởi vì Thăng Long ( hay được gọi Đại La thời ấy ) là nơi trung tâm của trời đất với thế rồng cuộn, hổ ngồi, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra sông theo đúng hướng Nam, Bắc, Đông, Tây. Nếu em chịu khó đọc sử Việt Nam thì em sẽ rõ.
Có thể em sẽ tự ái khi đọc những dòng này nhưng không sao. Anh chỉ muốn nói với em những suy nghĩ chân tình và rất thẳng của mình, tình cảm của một thằng lính trường Trỗi.

HữuThành.Nguyễn nói...

Ầy dà, PH lại coi không có gì thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện to rồi. Cũng chỉ là cái tên thôi mà. Quý ở chỗ là có hoà đồng với anh em được hay không.

TK8 nói...

@ PH:
- e cũng nói trước là e DỐT Lịch Sử - Thank a đã giảng giải cho e thêm, nhưg e vẫn còn lơ mơ lắm
- e không có Ý Định Thường Xuyên tham gia diễn đàn này
- về cái Tên, a cho phép em CÃI lại 1 chút: nếu ô Thủ Tướng VN sang USA, báo chí họ vẫn gọi là Thủ Tướng - không có nghĩa ông ta là "thủ tướng của dân Mỹ"-còn cái chữ adm thì nhỏ bé lắm a PH ơi. Blog thì ai cũng làm được vài chục cái, Blog cũa chúng em không tổ chức chuyện trò như ở đây, nhưng cũng Trỗi-mỗi người 1 vẻ mà
- e hay bông đùa chứ e kcó ác ý đâu
- e sẽ suy nghĩ 1 cách nghiêm chỉnh lời khuyên của anh.
:-)

HCQuang nói...

Quá khứ luôn luôn đẹp (cho dù có lúc nó không hẳn như thế), đặc biệt là quá khứ tuổi học trò. Hà nội không phải là quê của đa số lính Trỗi, nhưng đa số lính Trỗi lại "kinh qua" (một phần) cái thời phổ thông ở đó. Vì thế nó đẹp.

VNQ nói...

Gửi con gái bố Đại Cương
Đọc những dòng cảm xúc của con gái bố Đại Cương về bài của chú PH, chú rất tâm đắc và tự hào về “K9” của Trường Trỗi. Cảm xúc được như cháu không phải người lớn dễ gì ai cũng có, cảm xúc của cháu thực sự rất trân trọng những tình cảm của các chú, các bác và bố cháu đối với nhau. Các chú, các bác và bố cháu đã có được nơi này (blog) để mình được sống lại với tuổi thơ của mình, được vui đùa, được quan tâm giúp đỡ cho nhau trong cuộc sống hiện tại và cố gắng vượt qua những trở ngại của đời thường. Đối với chú bây giờ, hàng ngày việc xem, đọc các Blog Trỗi là món ăn hàng ngày không thể thiếu được, chắc đối với cháu cũng như vậy. Qua các Blog Trỗi chắc cháu cũng hiểu được một phần tình cảm trước kia của bố cháu và các bác, các chú ngày xưa đối với nhau như thế nào. Rất cảm ơn cháu ! con gái bố Đại Cương.
Chú Vinh

Nặc danh nói...

Chào con gái bố Đại Cương! chú ra HN mà không gặp được cháu ,tiếc thật, thôi thì để dịp khác vậy. Cháu viết hay lắm, hồi nhỏ chú cũng hay lên HN chơi, cũng ở phố Cò...đấy,số nhà 111,nhìn xéo qua bên kia đường là rạp Meling.Đây là nhà ở của cán bộ nghành đường sắt, ben ngoài ,mặt tiền là hiệu may của một ông,có con trai bằng tuổi chú tên là Bắc...Cảm ơn cháu cũng đã "cảm"được cái tình bantroi của các chú các bác. Chào cháu!
Chú DS

Nặc danh nói...

Gửi admin k8,
Tôi chẳng dám nói về phong thủy HN, chỉ xin trích 1 đoạn chiếu dời đô của Lý Công Uẩn mà tôi đã quay cóp được để ae tham khảo :
"Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời."

HMK6

Nặc danh nói...

thank a HMK6, tư liệu hay quá - thế thì chọn Thăng Long là đúng rùi
nmtk8

Nặc danh nói...

Lâu rồi không về thăm quê hương hôm nay đọc bài viết của đàn anh em thấy nhớ Hà nội ghê.
Em lại thấy bồi hồi xúc động.Ai đã từng xa quê hương đất nước,từng quay quắt nhớ những hàng cây ,những đường phố thân quen ,cùng nhiều con ngõ nhỏ,có lẽ đều có cảm giác rưng rưng đến nôn nao ấy mà thôi, Quê hương, chiếc nôi cuộc đời của mỗi con người, nơi ta cất tiếng khóc chào đời, nơi tất cả tuổi thơ ta đã lớn lên từ đó. Hình ảnh Hà nội cứ ùa vào ký ức của em, làm cho nỗi nhớ trong em càng da diết, chân thành. nhưng ở đó có gì, những gì đã làm cho em phải thốt lên như vậy. Thì ra, thật đơn giản nhưng lại quá gần gũi và gắn bó ,bởi bát canh rau muống ,với mỳ chộn cơm, những bữa ăn hết sức đơn giản đã nuôi em lớn khôn, đầy lông đủ cánh. Giờ đây ”. Còn đối với người đi xa, nỗi nhớ như cuộn lên, dạt dào nhưng sâu lắng. Nỗi niềm sâu kín khi ấy dồn nén lại trở thành lời nhắn nhủ, đằm thắm như lời hẹn ước, sự nhớ nhung quyến luyến của người đi xa!
Anh Quốc ôi
Sáng phở gia ngư
Trưa bia Phố Huế
Tối hồ thuyền quang