Phú Hoà gửi nguyên thư của HQ.Kỳ cho tôi, nói có thể biên tập, nếu cần. Vì đây là những lời của HQ.Kỳ kể chuyện mình với các bạn, thì hãy để nó nguyên là như thế. Nếu tôi có sửa thì chỉ là lỗi chính tả thôi. Hữu Thành
Có mỗi chuyện tao đi bán cháo thôi mà Hòa làm xôm trò quá, vậy xin kể cảm xúc lúc ấy để các bạn chia sẻ với thằng bạn bán cháo ở tầm cỡ quốc tế này.
Vào 1 buổi tối cuối năm, các kênh truyền hình Czech đưa tin về cuộc sống của cộng đồng ngừơi Việt tại Czech, trong đó có cảnh các cháu nhỏ người Việt chăm chỉ học tập với những thành tích khiến người Czech phải nể phục! Tiếp theo là cảnh những ông bố bà mẹ, không nề hà hứng gió gội tuyết bán hàng, đảm bảo việc ăn học cho các mầm non yêu quí của mình. Và để thêm ấn tượng, ống kính quay cận cảnh 1 gã đàn ông đứng múc cháo bán, ở cái nhiệt độ 20 độ dưới không.
Cùng lúc, ở một vùng biên giới Dức Tiệp. Mọi người đang quây quần quanh bàn ăn vừa dõi mắt lên màn hình TV và bỗng reo lên: Nhìn kìa! Có cảnh ông Kỳ bán cháo! Bác Kỳ đang múc cháo! Rồi mọi người râm ran chuyện trò và hể hả cười, quên cả cái mệt của một ngày làm việc cật lực...
Còn gã bán cháo, một mình trong cô đơn. Gã thổn thức và bỗng nhớ về những ngày cùng lũ bạn đắm mình trong hương lúa của một vùng quê Hiệp Hòa, Bắc Giang, ngắm nhìn những cánh cò êm ả như trong mơ. Cảnh núi đồi Đại Từ trùng điệp có dòng suôi cuồn cuộn tuôn trào qua nhưng triền đá lô xô. Trong ký ức xa xăm ấy gã nhớ đến ngày hòa mình trong đội ngũ diễu hành trên sân vận động trường trung học số 1 Quế Lâm. Đi đầu là đại đội 11, tiếp theo là đại đội 10, đại đội 91, đại đội 92, ..., đến đại đội 81, đại đội 82, ..., cuối cùng là đại đội 5 mới từ Việt Nam sang nhập học trong những bộ quân phục mới tinh, trông thật dễ thương. Đi trong đội ngũ tràn đầy sức sống ấy, gã bỗng liên tưởng đến những đội hình ô vuông nổi tiếng của Napoleon. Qua khu trường mới với thế núi chọc trời, chuyển về Phao Sơn với những bài học cận chiến được lớp đàn anh đi từ lửa đạn của chiến trường thực thụ ra huấn luyện. Gã cùng lũ bạn lúc ấy hy vọng một ngày nào đó được đứng trên tháp pháo của một chiến hạm, hay được băng mình theo một cánh quân tiến lên phía trước, ...
Về Hưng Hóa, trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, vô tình bữa ăn sáng của ngày thi đầu tiên không thành. Thầy Điểm đứng trước hàng quân động viên: “Chúng ta hãy tự tin bước vào phòng thi với tấm lòng trong sạch để đạt kết quả cao”. Và kỳ thi kết thúc mỹ mãn. Sau đó, lần vỡ mộng đầu tiên đến với gã, khi gã cùng 50 bạn K4 tiến vào làng Đại Thanh – Hà Đông để nhập trường Đại Học Quân Y. Gã buồn lắm! Cảm thông với bạn, thằng Thanh Minh viết 1 bức thư dài, động viên an ủi gã ở lại theo học ngành y, biết đâu sau này gã trở thành môt bác sỹ đầy triên vọng. Nhưng gã không nghe. Gã cùng Phước Thắng xin ra ngoài. Lúc ấy, chỉ tiêu tiếp nhận sinh viên của các trường Đại học còn rất hạn hẹp, thời gian quá khít khao, vì vậy, Phước Thắng lộn lại ĐHQY, còn gã may mắn kìp dự kỳ thi vào khoa điện trường ĐHBK – HN ở phút thứ 89.
Khi cầm mảnh băng tốt nghiệp trước 2 lựa chọn, 1 là về Tổng Cty XNK máy Bộ Ngoài Thương, 2 là về Viện Kỹ thuật Quân sự, gã nhanh chóng gạt bỏ lựa chọn số 1 trước sự tiếc thay của các bạn cùng khóa và háo hức về nơi làm việc gặp lại Lữ Thái, Phạm Sơn Dương, Võ Hòa Bình, Phan Thu Lương, Từ Linh K3, Xuân Miên, Hữu Thành K4. Sau đó gã chuyển vào cơ sở 2 ở Sài gòn làm việc cùng với Lê Tự Thành, Trần Thế Nam, Tạ Vũ Trụ, Dương Minh. Gã lấy làm toại nguyện lắm, bởi cuối cùng, gã lại được khóac áo lính cùng đám bạn cũ. Có lẽ, đó là thời gian sảng khóai nhất của gã sau khi rời trường Trỗi! Sau 9 năm, gã chuyển ngành.
Thời thế xoay vần, gã bị cuốn hút vào cơn lốc của cơ chế thị trường. Nhờ may mắn, gã gặt hái được chút ít và ngộ nhận là mình ”tuyệt đỉnh võ nghệ”. Nhưng, khi thấu đáo được “thương trường là chiến trường” thì gã đã bị hạ gục trên mặt trận không tiếng súng ấy. Phá sản! Nhưng thế chưa đủ! Cùng lúc đó, cái chết tức tưởi của thằng con trai duy nhất của gã không những đã biến gã thành người đàn ông cuối cùng trong gia tộc, mà còn trở thành cơ hội làm ăn của đám nhà hòm với những thủ đọan kinh khủng làm cho Phùng Bắc, lúc ấy chưa biết gã là lính Trường Trỗi, không cầm lòng được, phải thét lên trên báo Người Lao Động “Hãy ngăn chặn ngay một kiểu làm ăn thất đức”.
Sự nghiệp làm ăn đổ bể, gia đình tan nát! Thẫn thờ đặt chân đến Praha với hai bàn tay trắng, gã chờ cơ hội sang Balan với em gái. Lúc này, việc có viza vào Balan rẩt khó, nhưng thương anh trai, em gã định đón gã theo đường rừng. Bất ngờ trước ngày gã đến điểm hẹn, một cú điện thoại từ biên giới Đức – Séc gọi tới. Nghe gã nói về việc đi Ba lan, một giọng Nghệ An quát to trong máy: “Không được mô! Số bác đang đen, lỡ gặp chuyện không may là đứt! Ngày mai em sẽ cho người lên đón bác, về đây no đói có nhau, bác đừng ngại!”. Tiếng nói của chú em xứ Nghệ làm gã dẹp ngay ý nghĩ đi Balan. Kể cũng lạ! Ở cái vùng biên giới ấy có tới 99% người làm ăn là dân Nghệ An- Hà Tĩnh, cái xứ làm người ta thường nghĩ đến cảnh nghèo khó dãi dầu, ...
Sáng hôm sau, một chiếc xe lao nhanh về Praha đón gã, không phải để hợp tác làm ăn mà để cưu mang gã. Về đến nơi, bạn bè muốn giúp một quầy hàng và đổ hàng cho gã bán. Lúc này, lòng kiêu hãnh ao ước được đứng trên tháp pháo khi xưa của gã biến đâu mất. Nghĩ đến kết cục cay nghiệt do việc làm ăn trước đây, gã cám ơn mọi bạn bè và từ chối. Gã nói: ”Ở đây buôn bán mà tiếng Đức không biết, tiếng Séc chỉ có dăm ba câu chào hỏi, lại bán hàng cấm, có khi đứng trước thanh tra thương nghiệp cũng không biết, họ tich thu hàng thì biết lấy gì trả cho các chú? Anh sợ nợ nần lắm!”. Giá cách đó 5 năm mà gã cũng biết sợ như thế thì cuộc đời gã không bi đát đến vậy! Vài ngày sau, khi đi dạo mấy vòng quanh chợ, nhìn vào mấy quán ăn nhanh, gã hỏi mọi người sao không bán cháo? Họ cười nói: “Quán ăn nhanh, ai mà bán cháo! Trước đây cũng có chú em bán cháo “dạo”, không ăn thua, nó bỏ rồi!”. Gã chộp lấy cơ hội: “Vậy các chú cho anh bán cháo được không?”. - ”Bác già rồi, làm không được đâu!” Nói qua nói lại một hồi, mọi người thông qua luận án kinh tế ... bán cháo của gã.
Tối hôm ấy, người thì khuân đến cho cái nồi to tổ bố, người thì cho cái muỗng to bằng cái gáo dừa, rồi thì thìa, bát lỉnh kỉnh, đủ cho gã hành nghề. Trưa hôm sau, khi gã đưa được nồi cháo ra chợ, bất ngờ xảy ra một cảnh không khác gì Thống chế đi duyệt binh. Mọi người xếp hàng đón gã, chờ gã để mua giúp gã bát cháo. Nồi cháo đã được đánh nhanh diệt gọn một cách thần tốc đến trơ đáy. Vì trời lạnh, khi nhận được bát cháo từ tay gã, mọi người biến nhanh về quầy bán hàng của mình. Còn gã bán cháo hoan hỷ quay về sau chiến thắng trận đầu, mà không nhận thấy rằng trong bát cháo của gã có hương vị cà phê Trung Nguyên. Tối đến, lẫn trong tiếng chân của mọi người đi làm về sau 1 ngày vật lộn với gió tuyết, có những tiếng gọi: ”Ông Kỳ mô, ông Kỳ mô rồi?”. Gã vừa bước ra thì thấy trong số các bà, các cô có một bà dúi cho gã mớ hành và nói: “Cháo chi mà trắng vậy ông? Ông lấy giấy báo gói mớ hành này lại. Cho vào tủ lạnh, sáng mai lấy ra một ít, thái nhỏ rồi cho vào mỗi bát cháo và nhớ đập củ gừng cho vào nồi cháo.” Rồi họ hướng dẫn gã luộc gà như thế nào, sau đó chặt ra và xé nhỏ ra sao, chứ cứ miếng thịt gà to tướng, vứt đi thì không đành, mà nghiến răng trợn mắt dùng tay rứt trước mặt Tây thì coi không được. Rồi người ta chỉ cho gã cách vo gạo, xong phải trộn với it muối, chờ tới khi xé xong thịt gà, xối qua nước để gạo bớt mặn, sau đó mới cho vào nồi nước luộc gà đang sôi và khuấy đều tay. Hạt gạo lúc đó nở bung ra thành một nồi cháo ngon lành mà không bị khê, bị khét, ... Vậy đấy, những người dân này có thể lạ lẫm với những món cao lương nhưng mà nấu cháo hay khoai độn thì từ khi ở quê nhà, họ rành rẽ lắm.
Sau khi tốt nghiệp đại học, không ít bạn bè gã đã chuyển tiếp nghiên cứu sinh và trở thành tiến sĩ, thạc sĩ. Còn gã, có được tấm bằng kỹ sư từ năm 74 của thế kỷ trước, đến lúc này, sau gần 30 năm, gã đã qua được một khóa đào tạo chuyên tu ... nấu cháo.
Thứ Sáu, tháng 12 07, 2007
Hồ Quý Kỳ kể chuyện mình
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Sáu, tháng 12 07, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
10 nhận xét:
Bài của Kỳ viết vào lọai ấn tượng trong năm đấy. Rất hay! Có lẽ Kỳ là tay hiểu giá trị cuộc sống nhất?
Rất phục bản lĩnh của đàn anh Hồ Quý Kỳ. và cũng cảm động sự chia ngọt sẻ bùi của anh em và nữung người xung quanh Hồ Quí Kỳ. Đúng là Hồ Quý Kỳ là người hiểu chân giá trị cuộc sống nhất .
Câu chuyện của anh Hồ Quý Kỳ thực sự làm tôi xúc động, hiểu thế nào là sự chia sẻ tình người lúc hoạn nạn và hiểu thế nào là bản lỉnh của người đàn ông lúc gặp bước đường cùng. Kính phục !
Nhân nào quả nấy. Điều quan trọng là cái "nhân" trong con người bạn mình không mất đi thì sẽ được mọi người yêu thương giúp đỡ. Đọc chuyện của Quý Kỳ, tin chắc những không may của bạn chỉ là tai nạn trên thương trường. Xem ra bọn Trỗi chúng mình dễ bị những tai nạn như vậy lắm, nếu dám đi dây.
Văn phong và cốt truyện của HQKỳ rất ấn tượng, nó mang phong thái như "Martin Iđơn" của Jak London.
Cảm động và rất tuyệt.
Vì là nấu cháo thực sự nên mới viết hay được như thế về chuyện nấu cháo.Cái gì có mồ hôi thực sự trong đó mà chẳng hay. Nhất lại là mồ hôi trong tuyết.
Cứ nấu cháo mà gặp được em Vân thì cũng nên nấu cháo cả đời HQK nhỉ?
Một câu chuyện cảm động đầy ắp tình người.Mọi cái rồi sẽ qua đi, nhưng tình ngưòi còn ở lại.Chuyện của anh Kỳ ,cũng như anh Nam Tiến chứng tỏ cho chúng ta thấy hãy sống tốt với mọi người hơn.
Câu chuyện quá hay ,nhưng hay hơn nữa là sắp được thưởng thức món cháo đặc sản xứ tuyết của bác Kỳ nhân dịp đoàn Trỗi Tiệp sang thăm Trỗi Đức nhân dịp năm mới. Võ Hùng
Thành thực chia buồn với bạn vì những hoạn nạn mà bạn đã phải đi qua và cũng thành thực chia vui với bạn vì những hạnh phúc và niềm vui mà qua bao vất vả bạn mới có được.Mong có một ngày quân ta sẽ lại được gặp nhau để được hàn huyên với nhau về những chuyện cứ tưởng như là không đâu ấy.VT.
Chào HồQúyKỳ và các bạn.
Tối qua tôi nhận được tin nhắn trên điện thoại di động, rất cảm động. Theo "thông lệ" của bộ đội ta hồi thời chiến tranh, mỗi khi ai nhận được thư thì đều đọc to lên để tất cả cùng vui.
Nay tôi xin phép đọc ra đây để các bạn chung vui:
Chí Quang ơi! Lâu lắm không gặp Quang. Vì không có địa chỉ email của Quang nên mình phải viết thư qua điện thoại cầm tay. Cuộc sống của Quang thế nào rồi? Bà xã Quang vẫn làm nghề may chứ. Hai vợ chồng đã sản xuất thêm được nhóc nào chưa, hay vẫn giữ quyết định ban đầu. Bà xã mới của mình rất muốn có một "Kỳ con" nhưng khí hậu bên này lạnh quá. Đến giờ vẫn đang cố gắng. Quang có thể email cho mình theo địa chỉ hoquyky1950 trên mạng yahoo.com. Hẹn gặp lại. Kỳ.
Tôi nghĩ, tuy nội dung thư là riêng tư giữa hai chúng tôi, nhưng nó là tình cảm của HQKỳ đối với tất cả chúng ta.
Chúc HQKỳ sức khỏe và hạnh phúc, mau chóng có một "Kỳ con". Nhất ông.
Đăng nhận xét