Thứ Bảy, tháng 12 29, 2007

Nhảy dù, không phải chuyện đùa



P3. Nếu dù móc vào nhau.
.
Lúc đang rơi, anh chỉ việc giật chốt mở dù là dù tuôn ra. Khi dù đã mở thì mọi chuyện trở nên tốt đẹp, nếu như không ai vướng vào ai. Về nguyên tắc, rất khó xảy ra tình huống này vì “người ra sau” rời cửa máy bay sau “kẻ ra trước” 2 giây, tức khi đó máy bay đã “đi” được gần trăm mét, đồng thời 2 giây là thời gian đủ để “kẻ ra trước” đã rơi được 20 mét, một cự li đáng kể cho “người ra sau”.
.
Tụi tôi được hướng dẫn cách xử lý khi hai dù áp sát vào nhau, tiến ngược vào nhau, có nguy cơ móc vào nhau hoặc móc vào nhau, khi dù trên đè dù dưới, dù bị xuắn, dù mở chậm.
Tụi tôi được hướng dẫn cách lái dù về đích.
Tụi tôi được hướng dẫn cách tiếp đất trong tình huống có gió mặt đất, cách xử lí khi bị gió lôi sềnh sệch trên mặt đất, khi bị rơi xuống mái nhà, rớt nhằm dây điện, bay xuống sông hồ, trúng cây cối, đụng vách đá, va vách tường.
Các động tác đều đơn giản và dễ hiểu, nhưng thao tác phải dứt khoát, đặc biệt là vai trò lá chắn của đôi bàn chân. Vẫn biết đó là tình huống của lính dù, chứ đám dân sự tụi tôi chỉ nhảy dù trong điều kiện thời tiết, địa hình thuận lợi, nhưng ngồi nghe mà cảm thấy ớn lạnh. Những tưởng có thiết bị mô phỏng như “buồng Khí động học”, “giá Treo-Quay đảo” mô phỏng theo tình huống xảy ra (như trong phim), té ra chỉ “gõ mõ tụng kinh”. Dùng đai dù treo người lên xà, tụi tôi nghe huấn luyện viên miêu tả rồi cứ thế mà làm động tác mô phỏng. Không thêm trí tưởng tượng thì một hồi là … nản.
Có lần huấn luyện viên hô “còn cách mặt đất 20 mét, mặt đất chuyển động nhanh từ trước về sau”.
“Từ trước về sau … từ trước về sau …” – tôi nghĩ ngợi một lúc. Phải chi có “giá Treo-Quay đảo” lôi mình chạy tới chạy lui. Sau cú nhảy dù đầu đời, tôi mới thấy tác dụng của bài xử lí trên không, ít nhất cũng đem lại cho anh sự tự tin.
.
Tập rời cửa máy bay.
Tụi tôi tập động tác rời cửa máy bay, ra bằng cửa hông máy bay lên thẳng – một cái cửa rộng 90 phân cao 1,2 mét. Trước cửa máy bay, anh đứng “tấn” theo thế của quân dù. Chân mở bằng vai, bàn chân thẳng hướng nhảy, chân phải cách mép cửa 30 – 40 phân, chân trái ở phía sau một bước, hơi cúi, hạ thấp trọng tâm, bàn tay phải nắm cái vòng có sợi cáp nối với chốt mở dù. Bàn tay trái đặt lên bàn tay phải, có lẽ chỉ vì không có việc gì phải dùng đến nó. “Tấn” đúng thì người sẽ vững chãi, thuận lợi cho xuất phát.
Khi huấn luyện viên vỗ vai hô “nhảy!”, anh bước chân trái lên, đặt một phần ba bàn chân vào mép cửa máy bay và lao ra ngoài. Nếu sai động tác thì anh có thể bị “rơi tõm” xuống, hoặc bị đụng đầu hoặc bị quẹt ba lô vào mép cửa, và thế là anh sẽ “hưởng” tình huống xử lí trên không. Động tác này càng trở nên quan trọng nếu nhảy từ cửa hông máy bay vận tải cánh quạt, vì khi lao ra, anh còn bị gió của cánh quạt tạt mạnh về đằng sau làm anh càng dễ bị “nhào lộn” trên không.
Ra ngoài, anh đếm đủ ba giây thì giật chốt mở dù. Cứ đếm liên tiếp bốn tiếng một thì được một giây, ví dụ anh nhẩm “chút nữa đi nhậu” ba lần liền là đủ ba giây. Để “trong sáng ngôn ngữ”, huấn luyện viên đề nghị anh em đếm “rơi được một giây, rơi được hai giây…”. Thật tai hại nếu anh giật chốt mở dù ngay lúc vừa rời cửa, vì có thể gặp tình huống dù bị móc vào càng máy bay. Khi này anh sẽ được thưởng thức cảm giác li kì không thua kém phim hành động hạng nhất của Hôliút. Tuy nhiên sự cố này sẽ không xảy ra nếu anh ra từ cửa đuôi máy bay vận tải cánh quạt (trong phim thấy cả đại đội lính dù vừa rời cửa là dù bung liền mà không ai “bị gì”).
.
Giáo cụ là một bệ bê tông cao hơn một mét, trên gắn ống thép hình chữ “U ngược” tượng trưng cửa máy bay. Cùng với trí tưởng tượng, tụi tôi lao qua chữ “U ngược” theo động tác quy định. Đầu tiên là tập từng người rời “cửa máy bay”, tiếp theo là tập theo tốp bốn người, mỗi người cách nhau 2 giây. Vì bệ cao có một mét nên vừa “rời cửa” là xuống cát liền, thành thử tụi tôi cứ phải đứng lom khom dưới bãi cát, đếm đủ ba giây rồi làm bộ giật dù. Nghĩ thấy buồn, phải chi có quạt gió thốc vào suờn, có một khoang máy bay gắn cơ cấu thủy lực nhồi nhồi lắc lắc, nào ngờ … Nước ta dân chuyên nghiệp cũng chỉ tập vậy thôi. Nay tập “chay” mai chuyển thẳng qua nhảy từ máy bay thì đột ngột quá, không biết lúc đó “lập trường, tư tưởng” của mình ra sao nhỉ?
Sau mới biết, khi đứng trước cửa máy bay, khi rơi tự do, mình hồi hộp, có nhớ gì đâu. Lúc đó mọi hành động đều theo bản năng, tức theo các động tác mà mình đã tập.
.
“Làng dù” dân sự nói rằng, nhảy dù không thành công nếu anh bị một trong các lỗi, một: Đeo dù lên máy bay nhưng tới lượt thì anh xin “miễn nhiệm” (dĩ nhiên sẽ được đồng ý). Hai: Đứng trước cửa máy bay, anh do dự, anh thụt lui, anh lần khân mãi rồi mới chịu … rơi. Ba: Tiếp đất bị chấn thương. Bốn: Khi đang lơ lửng, cả tốp lái về đích ở đằng đông thì anh bay về đằng tây. Mặt đất chĩa loa lên hết lời hướng dẫn nhưng anh vẫn làm ngơ. Năm: Anh gây ra lỗi không đáng có, ví dụ dù của anh và dù của bạn dù đang tiến cùng chiều nhưng vì lí do nào đó khiến chúng xích lại gần nhau. Bạn dù ở bên phải anh kéo dù dạt phải, lẽ ra anh phải kéo dù dạt trái, nhưng anh cứ ngây như phỗng đất. Mặt đất chĩa loa lên nhắc nhở, bạn dù ngảnh sang la làng nhưng anh vẫn làm ngơ. Cuối cùng hai dù suýt quẹt nhau làm cả “làng” hú vía. Tất nhiên người ta không khó tính, miễn anh xuống đất là tốt nghiệp, nhưng anh bị anh em xì xèo. Sáu: Dù không mở. Nếu dù không mở thì mở dù dự bị, nếu dù dự bị không mở thì lỗi thuộc về xí nghiệp dù, chứ anh thì “ngoại phạm”.
.
Ảnh 1: Một tốp bốn người đang lơ lửng trên bầu trời phương nam.
Ảnh 2: Cửa máy bay, ranh giới giữa “cõi thực” và “cõi hư vô” (chụp lúc người cuối cùng vừa lao ra khỏi máy bay).
.
(Kì tới: Tại sao dù không mở).

9 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chào HThành.
Tại sao trong bản gốc, những câu minh họa "ngoài lề" tôi viết chữ nghiêng, vô đây nó lại chữ đứng. Có chỗ chữ đậm, vô đây nó lại lạt.
Ông ạ, mỗi lần vô nó (cái thằng blog) lại cho mình 1 kiểu,
Chẳng biết mô mà lần.
HCQ

HữuThành.Nguyễn nói...

Copy từ bản gốc đưa vào khung soạn thảo nó bỏ hết format đã làm ở ngoài. Anh phải làm lại định dạng "b", "i" cho nó. Trong khung soạn bài blog có mấy cái nút b, i đấy.
Nghề chơi cũng lắm công phu, không kể to lớn hoành tráng như nhảy dù mà cả nhỏ mọn như gõ chữ.

LêThanh nói...

Bác Hà Chí Quang cứ mải những cái trên trời nên không hiểu dưới mặt đát cũng có nhiều cái cần fải" xử lý" mặt đất theo quy trình kỹ thuật cao và luyện tập hơn cả trên trời đấy.

Nặc danh nói...

Bọn IT nó "kên " quá anh Chí. Anh nhảy...không dù một cú cho chúng biết thế nào là lễ độ?
TM

HCQuang nói...

Ừ thì hồi xưa Thánh Gióng đánh giặc Ân rồi cưỡi ngựa bay lên giời, nay con cháu cụ cũng lên giời chút đỉnh, cho vui.
Thực tình cụ Gióng phải tập tới tập lui mãi mới bay được: lần đầu cụ leo lên ngựa, bị té xuống đất, may đội mũ sắt bảo hiểm nên không sao. Nghe bà con nói lại, là tại con ngựa kém (bị sụm) chứ không phải tại cụ. Lần sau lên ngựa, không sao, chạy hay, bay tốt, thế là lên giời.
Cụ thật liêm khiết, đánh giặc giữ nước, công to như núi, thế mà chỉ xin dân có mấy nong cơm, mấy nong cà. Con cháu học dài dài.

HCQuang nói...

Chào TMinh.
Trong ngành dù thì nhảy không có dù là có đấy. 1 chú (dân biểu diễn chuyên nghiệp) nhảy nhưng chỉ mang dù dự bị, cứ thế rơi. Chú thứ 2 nhảy ra, rồi 2 chú bay lại gần nhau, ôm nhau, rồi chú ra sau mở dù chính, thế là 2 chú cùng xuống với 1 dù.
Ấy là nói chuyện người ta, chứ tôi thì ... cho kẹo cũng chẳng dám.

Nặc danh nói...

Theo báo chí, gần đây dân xã Song hồ (vùng làm tranh Đông hồ) có sản xuất mũ bảo hiểm giấy cho các cụ dưới cõi âm. Phát huy truyền thống ông Gióng. Giá tại "phố Hàng mã" ở Song hồ (giá gốc) là 3.000đ/cái, quá rẻ.

Nặc danh nói...

Oh, cái tượng ông Gióng ở giữa Sà gòn đâu thấy có mũ bảo hiểm - lại còn ko đi giầy nữa chứ ! Hay là tượng làm lúc ông đang tập cưỡi ngựa và tập nhẫy xuống ?

HMK6

Nặc danh nói...

Tuợng ô.Gióng ở SG xây dựng theo mẫu hồi nhà nước Âu Lạc chưa quy định đội nón sắt bảo hiểm.