Thứ Hai, tháng 12 04, 2006

Gửi những đứa bạn thân thương nhất của tuổi thơ

Từ ngày sống trên đất người thì đã bao lần tao về Việt Nam, mảnh đất quê hương với những kỷ niệm không bao giờ quên được nhưng chưa bao giờ tao có được trong người một tâm trạng khó tả, day dứt, bồi hồi như lần này. Về với những đứa bạn thân yêu nhất của mình. Những đứa bạn đã gắn bó trong từng hơi thở của mỗi giây phút thường ngày, đã cùng nhau chia sẻ mọi buồn, vui của một thời “ Sinh ra trong khói lửa ”.

Từ lâu tao đã ấp ủ trong lòng nỗi khát khao được gặp lại những khuôn mặt của ngày ấy, được nhìn thấy những nụ cười, những giọng nói thân quen mà suốt bao năm qua vẫn cùng tao trên mọi nẻo đường. Nhớ bọn mày lắm. Nhiều khi, chỉ cần nhớ lại những kỷ niệm nhỏ nhoi trong ngày hè nóng bỏng giúp dân gặt lúa ở Trại Hòe, những chuyến đi rừng lấy củi khi trời mưa tầm tã ở An Mỹ, những lần vũng vẫy trong dòng sông Li, những ngày còng lưng quên cả thời gian để gánh đất đắp đê Phả Lại, những ngày cuối cùng ở Hưng Hóa, khi mọi người trao cho nhau những dòng lưu niệm cuối cùng để cùng nhau nhớ lại một thời “ Trường Trỗi ” nỗi buồn man mác. Có những khi tao đã ước giá mà có thể đổi tất cả để có thể trở về sống lại những ngày ấy, dù chỉ trong khoảng khắc. Thỉnh thoảng ngắm nhìn thế hệ trẻ bây giờ mà tao thấy cuộc sống của chúng mình, tình bạn giữa chúng mình, những đứa “ Lính Trường Trỗi ” ngày ấy sao đơn giản thế, sao đẹp thế.

Về quê hương lần này tao đã có được cái hạnh phúc mà ngay cả nhiều đứa sống ở Việt Nam cũng không thể có được. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà chúng mày đã giúp tao gặp lại bao nhiêu khuôn mặt thân quen ở Hà Nội , Đà Nẵng, Sài Gòn. Nhiều khuôn mặt dù có cách xa bao lâu thì vẫn chẳng hề thay đổi nhưng ngược lại thì có những đứa dù nghĩ mãi tao cũng chẳng nhận ra thế nhưng sau đó nhìn kỹ lại tí nữa thì tao nhận ra một điều là dù thời gian cố tình “ hủy hoại ” dung nhan của anh em mình thì ánh mắt, nụ cười vẫn là những gì của ngày ấy, không hề thay đổi.

Mấy chục năm đã qua, tóc đã chuyển mầu, một số đứa đã ngã xuống vì sự nghiệp của dân tộc nhưng tao mừng và tự hào là bọn mình vẫn giữ nguyên được tình bạn xưa, một tình bạn mà không phải bất kỳ ai cùng thế hệ mình cũng có thể có được.

Dù lâu lắm rồi, cái thời bọn mình sống bên nhau nhưng tao vẫn nhớ rõ lắm về những kỷ niệm của những tháng năm ấy. Tao đã ứa nước mắt khi Dương Minh và Kiến Quốc thay mặt BLL phía Nam gắn huy hiệu của trường và tao đã khóc khi đọc hai cuốn “ Sinh ra trong khói lửa ” tập 1 và 2 mà Trung Liêm trao tặng. Lâu lắm rồi tao không biết khóc nhưng đêm hôm ấy tao đã để nước mắt chảy dòng vì đó là những dòng nước mắt hạnh phúc.

Những gì trước đây mình cứ nghĩ là bình thường thì bây giờ mới thấy là cao quí biết bao. Tao thấy hạnh phúc là đã có những thầy – cô, những đứa bạn như vậy và đồng thời tao cũng thấy tự hào vì mình được là một thành viên trong tập thể ấy, tập thể “ Lính Trường Trỗi ”. Tao mừng là sau bao năm tháng biệt âm tao đã được trở về trong tình cảm chân tình của những đứa bạn thủa thơ.

Cám ơn bọn mày đã dành cho tao những tình cảm thật sự để tao lại trở thành thằng Phú Hòa của bọn mày như thủa ấy, cái thủa “ Lính Trường Trỗi ”.

Dù ở xa đến đâu thì mỗi người cũng chỉ có một mảnh đất quê hương duy nhất để mà thương, mà nhớ và dù lâu đến đâu đi nữa thì mỗi người cũng chỉ có một tình bạn tuổi thơ trong sáng để gắn bó với cả cuộc đời của mình. Với tao thì đó là tình bạn của những người lính trường Trỗi.

P.S : Tao đã suy nghĩ mãi khi chọn cách xưng hô cho bài viết này. Chỉ có thể xưng hô như vậy mới thật thôi.

4 nhận xét:

Hữu Thành Ng nói...

Cuộc đời có những trả giá. Nhiều khi nghĩ lại mình vẫn thấy biết ơn Trường Trỗi vì mình đã ở đấy trong thời kì hình thành nhân cách. Một nhân cách hình thành trong cái nhọc nhằn về ăn mặc ở đi, trong thiếu thốn tình cảm gia đình. Nhưng bù lại là lối sống "bầy đàn" trong tình thương và giáo dục của nhà trường, của các thầy, cô từ giáo viên cho tới cô nuôi. Có lao động, có rủi ro, có "sinh tồn", có thắng, có thua, có phấn đấu và vượt lên chính mình từ trong từng việc nhỏ của vật chất và tinh thần. Tất cả trong một cuộc chiến tranh sinh tồn của đất nước. Cái đó như một thứ "tiêm chủng", làm cho mình sau này có thể nhìn nhận cuộc sống một cách đơn giản theo cách mà cho đến giờ mình vẫn cho là có lí.
Có lẽ đấy là điều mà tuổi thơ vẫn còn gắn kết được lũ trẻ ngày ấy cho tới bây giờ. Dù rằng hiện thực không còn tôn sùng cái triết lí thủa ấy; dù rằng những đứa trẻ ngày ấy đã đi theo những lối rẽ dẫn tới những "mặt tiền cuộc sống" rất khác nhau. Nhưng đằng sau tất cả vẫn có những mạch chung.
Có lẽ những điều Phú Hoà thổ lộ có nguồn gốc từ những điểu mà tôi cảm nhận. Nếu không thế thì sao có thể còn coi nhau như anh em sau mấy chục năm xa cách.
Thời gian là thứ không thể tái tạo, ngoại trừ việc sống với quá khứ ở hiện tại. Có phải chăng đó là thói tật người già?

N.TV nói...

Hay tìm cách lý giải,định nghĩa chính xác 100% các cảm xúc là thói quen cuả những người ở lứa tuổi bọn mình.Nhưng ở một số cảm xúc thì việc làm này là vô vọng.Hội Trỗi bọn mình cũng đều giống nhau ở chỗ có sở hữu loại cảm xúc này.
Hẹn gặp Phú Hòa trên đất Đức.

Phú Hòa nói...

Có những thứ tình cảm có thể phân tích, lý giải được nhưng đừng ai tìm cách tìm ra nguyên nhân về mối gắn bó đến lạ kỳ giữa chúng mình, những người lính Trỗi. Không thể lý giải dược đâu. Một thứ tình cảm tuy đơn sơ, mộc mạc, giản dị nhưng chặt chẽ vô cùng. Có thể ai đó không còn nhớ rằng một thời mình đã theo học ở một trường nào đó, quen một ai đó nhưng cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời thì tất cả ( hay đúng hơn là gần như tất cả )bọn mình đều nhớ rằng đã một thời là lính trường Trỗi và có những thằng bạn Trỗi.

Hữu Thành Ng nói...

Lí giải được nhưng người khác không tin thì cũng là không lí giải. Không lí giải nhưng người khác có lòng tin của họ thì cũng là lí giải.
Không tức thị sắc, sắc tức thị không. Tôi không hiểu triết lí nhà Phật, nhưng hình như liên hệ của hai câu trên gọi là lô-gic hình thức. Nôm ra là nó có vẻ giống. Thôi thì cứ cho là thế đi.