Y hẹn leo lên xe đi thành nhà Hồ, trong đầu tôi đã nghĩ hôm nay chắc làm phóng sự mưa trên thành cổ, sến tí cho có hơi... văn :-) Trời mù mây thấp thế kia.
Càng vào phía trong trời càng tệ, có lúc mưa nặng hạt gạt hết cỡ bật đèn đi từ từ nhường đường cho những thằng xe khách phóng bạt mạng thật nguy hiểm.
Thật may đến thành nhà Hồ thì gần trưa mưa chỉ còn lác đác. Cửa Bắc và cửa Nam đều có cổng bán vé thăm khu di tích. Bên ngoài thành người ta mới làm một con đường mà ô tô của khách thăm được phép chạy, bên trong thành là di tích, tuyệt đối cấm các loại xe. Nhà trưng bày giới thiệu ở cổng Nam nên tốt nhất là đi sang cổng Nam hãy vào.
Di tích thành nhà Hồ bao gồm một hệ thống các di chỉ và di tích trên một vùng rộng lớn chứ không chỉ có cái thành như quan tâm chưa đầy đủ của những lần đến trước đây của chúng tôi.
Trong nhà trưng bày giới thiệu có hiện vật đá,
hiện vật gốm.
Có những vật trưng bày khai quật được ở đây giống hiện vật của Hoàng thành Thăng Long. Theo HDV thì chúng đã được đưa về từ Thăng Long và nhiều địa phương khác.
Mấy năm trước tôi đã đi bộ trên nửa mặt vòng thành, thấy những cái lỗ lớn trên mặt đá cổng Bắc. Được cho biết đó là những lỗ trồng cột của vọng lâu, mái che trên cổng thành. Cổng Bắc còn 22 lỗ và cổng Nam còn 5 lỗ.
Năm đó tôi không lên nóc cổng Nam vì vách đá cao, không tự nhiên mà leo lên được. Lần này nhờ có cái cầu thang sắt mới dựng ốp vào mà đi lên.
Đáng thất vọng là 5 cái lỗ còn lại như HDV nói cùng bề mặt di tích của cổng Nam đã chìm dưới lớp đá mới lát bên trên phẳng lỳ như gác thượng nhà tầng.
Di sản văn hóa thế giới bậc UNESCO công nhận mà còn thế này thì chùa trăm gian với "lò gạch nhà Mạc" ở Tuyên Quang đã là gì đâu :-(
Cũng định sang cổng Đông để thăm đền thờ nàng Bình Khương, sang cổng Tây thăm nhà cổ nhưng đường ô tô tạm thời đứt vì bị làm cống cắt ngang, lại tới bữa nên chúng tôi rời Thành để đi đàn Nam Giao ở chính Nam trục thần đạo của Thành.
Đàn Nam Giao mới được khai quật và trùng tu từ tháng 6/2011, vừa kịp để vào hồ sơ xét công nhận của UNESCO(?). Mới có một nhà trưng bày bổ sung ở đây. Những hiện vật trong đó không quan trọng bằng cô HDV thường trực ở đây hướng dẫn du khách tham quan và trả lời câu hỏi.
Vết tích các cổng (tam quan) đôi ở bậc thứ 3/5. Bậc 1/5 đặt Đàn, nơi tế giao trời đất con người. Ở đây, theo HDV, vốn có người ở trên tầng đất phủ. Giờ phần di vật còn rất ít. Vì thế không còn thấy mấy bao nhiêu, hầu hết là đá mới phục chế.
Ngay cả đàn tế cũng vậy, được dựng lại theo tài liệu và truyền thuyết. Dưới "mái thuyền" mầu xanh kia là bộ cốt trâu tế trước khi dựng đàn; đầu về Tây, đuôi về Đông, mặt ngoảnh về Nam, HDV nói.
Một di tích quan trọng khác là giếng Vua, nơi cấp nước cho lễ tế và cho nhà vua khi đàn trai. Giếng vuông chưa thấy ở đâu được cho là có ý nghĩa độc lập với... giếng tròn. Ấy thế mà ai đó nói giếng nhà Quang Trung Nguyễn Huệ vốn vuông nay được trùng tu thành tròn?
Đằng xa là nhà trưng bày bên đống hiện vật nhặt gom lại. Nghe rằng trước đây dân ở trên khu đất này, chẳng biết có nhặt nhầm gạch của thế kỉ 20?
Điểm ghé lại trước khi về là núi An Tôn, công trường đá xây thành với những tảng đá đang chế tác.
Quanh này có nhiều núi như thế này, và cũng có đá được chế tác, người ta nói vậy. Có lẽ núi An Tôn đặc trưng hơn nên được lấy làm di tích điển hình. Bao quanh chúng là ruộng lúa sắp đến ngày thu hoạch.
Thứ Ba, tháng 9 04, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Ảnh 3 em trong nó như thửa ruông trình diễn của mấy bác khuyến nông báo cáo thành tích vậy.
Đăng nhận xét