Thứ Bảy, tháng 5 24, 2014

Vì sao phải kiện Trung Quốc?

Dư luận một số anh em ta khi trao đổi, có sự khác biệt về việc nhân định Việt Nam có nên kiện Trung quốc về vấn đề biển đảo sau vụ dàn khoan Hải yến hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của VN hay không, xin trích dẫn một số ý kiến và bài báo liên quan đến điều này để các bạn tham khảo ( Copy nguyên văn bản gốc) XEM THÊM

   TS Nguyễn Quang A bác bỏ những ý kiến cho rằng, một vụ kiện chống Trung Quốc về vụ giàn khoan Hải dương 981 sẽ mất thời giờ và không có kết quả vì Trung Quốc không tham gia và phán quyết của Tòa Trọng Tài theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 không có tính cách ràng buộc. TS Nguyễn Quang A cho rằng Việt Nam phải nhanh chóng sử dụng công cụ pháp lý. Một phán quyết của Tòa Trọng tài Tòa án Quốc tế mà bất lợi cho phía Trung Quốc sẽ có ý nghĩa rất lớn bên cạnh việc tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam. TS Nguyễn Quang A nhận định:
“Ở đây Chính phủ Việt Nam và các chuyên gia ở Việt Nam hiểu rất rõ ràng, đây không phải là kiện về vấn đề chủ quyền. Bởi vì khi kiện về vấn đề chủ quyền thì hai bên kiện tụng đều phải công nhận quyền phán quyết của tòa án đó. Như thế đơn phương kiện thì không ai người ta giải quyết cả và ở đây không đặt vấn đề kiện về chủ quyền mà kiện cụ thể là Trung Quốc đã đặt đã cắm cái giàn khoan ấy trong vùng của Việt Nam và tòa sẽ không phán vùng ấy thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc. Nhưng chắc chắn tòa sẽ phán nó thuộc vùng tranh chấp mà đã thuộc vùng tranh chấp mà đơn phương như thế là vi phạm rồi và dùng vũ lực nữa thì lại càng vi phạm. Ít ra có hai điểm Trung Quốc vi phạm trắng trợn thì trước mắt là kiện cái đó.”

Kiện Trung Quốc để đòi chính nghĩa!

(PetroTimes) - Việc Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động xâm lăng. Từ ngày 2/5 đến nay, mọi kênh ngoại giao của chúng ta với Trung Quốc để buộc Bắc Kinh rút giàn khoan trên ra khỏi lãnh hải Việt Nam chưa đem lại kết quả gì, theo ý kiến nhiều chuyên gia, đã tới lúc Việt Nam tính đến giải pháp thứ hai, kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Năng lượng Mới số 323
Song phương để chèn ép
Trung Quốc từ xưa đến nay luôn rêu rao kêu mình đúng nhưng lại nhảy dựng lên mỗi khi vấn đề tranh chấp Biển Đông được đưa ra ở các diễn đàn quốc tế, hay có một tiếng nói “đa phương” cất lên, càng không dám đối đầu với các vụ kiện liên quan đến vấn đề này. Vì sao vậy?
Cơ sở mà Bắc Kinh luôn trưng ra để yêu sách đòi chủ quyền với gần 2/3 diện tích Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là bản đồ “đường lưỡi bò”. Mà tấm bản đồ này thì từ giới học giả cho đến chính phủ các nước trên thế giới đều cho rằng nó thiếu một cơ sở chắc chắn về khía cạnh luật pháp. Nguồn gốc và ý nghĩa của “đường lưỡi bò” hoàn toàn mập mờ, không chính xác đến nỗi bản thân các học giả Trung Quốc cho đến nay cũng không thống nhất được một giải thích hợp lý nào.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không đưa ra được bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hòa bình từ thời xa xưa.
Tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736 - 1795) do nhà bản đồ học người Pháp là Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ, được 1 nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam không có trong bản đồ này
Các sách Hán văn cổ đều ghi nhận các hoạt động của dân đánh cá và dân buôn Arập, Ấn Độ, Mã Lai, Việt và vùng Vịnh trong vùng biển này, không có một bằng chứng nào cho thấy Biển Đông hoàn toàn là “ao nhà” của Trung Quốc.
Các chính quyền phong kiến Trung Quốc cũng không thiết lập hoặc duy trì có lợi cho họ một sự độc tôn nào trong vùng biển này, khả dĩ có thể chối bỏ hoạt động khai thác của các Đội Hoàng Sa và Bắc Hải của triều Nguyễn. Ngược lại, chính quyền phong kiến Trung Quốc còn có những hành động thừa nhận tính hợp pháp của các hoạt động đó như trường hợp năm 1753: dân đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào hải phận Quỳnh Châu, thuộc nhà Thanh. Quan Tổng đốc nhà Thanh chu cấp đầy đủ rồi sai đưa về. Điều này chứng tỏ chính quyền phong kiến Trung Quốc đã không hề có phản ứng nào về những hoạt động của đội Hoàng Sa mà còn giúp đỡ những người lính Hoàng Sa hồi hương “xét thực, đưa trả về nguyên quán”.
Mặt khác, các văn kiện chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc, như Đại Nguyên nhất thống chí (1294) đến Đại Thanh Nhất thống chí (1842), trước năm 1909 đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc thuộc huyện Nhai, đảo Hải Nam”. Đồng thời, tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập niên đầu thế kỷ XX trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây không hề vẽ lãnh thổ cực nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18. Tức là xác định đảo Hải Nam là cực Nam lãnh thổ Trung Quốc.
Tiếng là “nước lớn”, là “cường quốc đang lên” của thế giới, luôn ra rả khẳng định về “sự trỗi dậy hòa bình” và tình láng giềng, anh em “núi liền núi, sông liền sông”, 16 chữ vàng, 4 tốt, nhưng từ việc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, đánh chiếm trái phép một số điểm đá ngầm, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, cho đến việc ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam… Trung Quốc đã trắng trợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông, chà đạp lên các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Chính quyền Bắc Kinh biết rõ những hành động của họ là vi phạm luật pháp quốc tế nhưng họ vẫn ngang ngược làm và từng bước, từng bước có những hành động lấn tới trắng trợn hơn, đẩy căng thẳng leo thang hơn nữa, trong khi Việt Nam vẫn kiên trì nguyên tắc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Tư tưởng Đại hán và chính sách nước lớn, muốn thay đổi trật tự thế giới, đơn phương áp đặt “luật lệ” đã khiến Bắc Kinh ngày càng lún sâu vào tham vọng mù quáng muốn phá bỏ các quy định của pháp luật quốc tế bất lợi cho lợi ích bá quyền của mình.
Không ai muốn chiến tranh, không ai muốn dùng giải pháp quân sự để giải quyết tranh chấp nhưng vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia là vấn đề không thể thỏa hiệp, nhượng bộ. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và sự vi phạm của Trung Quốc. Kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế cũng là một trong những biện pháp hòa bình được Hiến chương Liên Hiệp Quốc và công pháp quốc tế quy định. Vậy thì chúng ta phải kiên nhẫn đợi đến lúc nào mới khởi kiện Trung Quốc?
Kiện Trung Quốc vào lúc này hay chờ kết quả của Philippines?
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia luật pháp quốc tế, hành động Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là rõ ràng vi phạm nhiều điều luật quốc tế. Trước hết, Trung Quốc đã vi phạm các quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc khi dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Theo Điều 2 khoản 1 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng toàn vẹn chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam với việc nước này đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và từng bước ở Trường Sa, đặc biệt là khi dùng đảo đã đánh chiếm được để lấn tiếp quyền chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc cũng vi phạm Điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc là giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã dùng sức mạnh như sử dụng máy bay; tàu áp sát và húc thẳng vào tàu Việt Nam, dùng súng nước cao áp bắn vào lực lượng kiểm ngư và tàu Cảnh sát biển Việt Nam, gây thiệt hại về tàu và thương tích cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam…
Philippines là nước đầu tiên trong ASEAN kiện Trung Quốc
Kế đến, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982. Cụ thể, Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; vi phạm việc hoạch định các đường cơ sở của các quần đảo; vi phạm Điều 121 của Công ước Luật Biển về quy chế đảo. Chưa hết, Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc đã vi phạm cả “Thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước CHDCND Trung Hoa được ký năm 2011, tại Bắc Kinh. Trong bài viết này khó có thể kể hết những vi phạm của Trung Quốc khi ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải Việt Nam.
Với sự vi phạm trắng trợn như trên, việc Việt Nam kiện Trung Quốc vào lúc này là hoàn toàn có thể và có lợi hơn cả. Nhất là khi giải pháp ngoại giao mà chúng ta mong muốn lâu nay dường như đã khiến Bắc Kinh “lờn”. Các chuyên gia luật cho biết con đường pháp lý giờ đây xem ra là biện pháp hiệu quả hơn để đương đầu với việc Trung Quốc cố tình làm ngơ, giẫm đạp lên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và nhiều quy định quốc tế khác. Giới luật gia cho rằng Việt Nam đang có lợi trong lập luận, trong chứng cứ thực tế, cũng như trong sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, ít nhất là các quốc gia ven Biển Đông.
Có hai cơ quan tài phán quốc tế mà Việt Nam có thể đâm đơn kiện Trung Quốc trong vụ này là Tòa án Công lý Quốc tế hay Tòa Trọng tài Luật Biển. Trên thế giới đã có nhiều tranh chấp lãnh thổ được Tòa án Công lý quốc tế phân xử, như vụ tranh chấp đền thờ Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan, đảo Ligitan và Sipadan (Indonesia - Malaysia), đảo Pedra Branca, Middle Rock và South Ledge (Malaysia - Singapore)...
Theo Luật sư Hoàng Việt, Giảng viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, hạn chế của hai tòa án này là các bên tranh tụng phải chấp nhận thẩm quyền của tòa. Từ lâu Việt Nam đã thừa nhận vai trò của hai tổ chức pháp lý quốc tế này nhưng cũng từ lâu Trung Quốc luôn bác bỏ vai trò của một bên thứ ba trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chịu chết, không thể kiện Trung Quốc ra tòa được. Trường hợp Philippines là một ví dụ. Manila đã đơn phương kiện Bắc Kinh ra Tòa án Công lý quốc tế về những tranh chấp ở Biển Đông tháng 1/2013. Điều này cho thấy Trung Quốc là bên sợ công lý.
Tàu Trung Quốc tấn công trực diện vào tàu của cảnh sát biển Việt Nam
Luật sư Hoàng Việt cho biết, có một số loại tranh chấp mà Việt Nam có thể đơn phương kiện Trung Quốc. Khi một quốc gia tham gia UNCLOS, điều mặc định là quốc gia đó chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS. Cơ chế này cho phép một quốc gia thành viên đơn phương kiện quốc gia thành viên khác về các vấn đề Luật Biển và trọng tài sẽ thụ lý, bất kể quan điểm của bị cáo. Đó là nguyên tắc trong trường hợp Philippines đơn phương kiện Trung Quốc, đồng thời là lý do khiến vụ kiện đó có thể đi đến giai đoạn hiện nay, cũng như có tiềm năng được trọng tài phân xử, bất kể quan điểm của Trung Quốc.
Đã, đang và sắp có rất nhiều tranh chấp biển được tòa và trọng tài quốc tế phân xử dựa trên UNCLOS và luật quốc tế tập quán, thí dụ như Mauritius - Anh, Bangladesh - Ấn Độ, Nicaragua - Colombia, Bangladesh - Myanmar, Guyana - Surinam, Libya - Tunisia, Anh - Pháp, Mỹ - Canada...
Ngoài ra, ông Việt cho rằng Việt Nam còn có thể đơn phương kiện ra Tòa Trọng tài Luật biển. Xin khẳng định một điều là Việt Nam có quá thừa những căn cứ pháp lý, cũng như có đầy đủ căn cứ lịch sử, nói cách khác là có đầy đủ căn cứ lịch sử, pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển được quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Luật Biển 1982. Việt Nam cũng có đầy đủ những căn cứ, những bằng chứng để chứng minh đòi lại, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng một cách trái pháp luật bằng vũ lực. Do vậy, nếu kiện Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể thắng kiện.
Tuy nhiên, theo luật sư Hoàng Việt, vụ kiện của Philippines hiện nay cũng như của Việt Nam trong tương lai là chưa có tiền lệ trong các vụ tranh tụng quốc tế. Hiện trong giới chuyên môn có hai luồng dư luận, một là Việt Nam nên kiện Trung Quốc vào thời điểm này, hai là Việt Nam nên chờ kết quả của vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu tuyên bố kiện Trung Quốc đến lúc nộp đơn kiện, Philippines đã phải mất 3 năm để chuẩn bị hồ sơ và phải mất 2 năm nữa tòa án quốc tế mới đem vụ án ra xét xử và kết quả cuối cùng không biết khi nào mới có. Do vậy luồng dư luận thứ nhất cho rằng chúng ta nên kiện song song với Philippines.
Khi được hỏi nếu Trung Quốc thua kiện, liệu họ có chấp hành bản án của tòa, Luật sư Việt cho biết, thế giới không tồn tại các cơ quan chấp pháp, có nghĩa là không thể buộc Trung Quốc thi hành quyết định của tòa án quốc tế, tuy nhiên, phán quyết của tòa có tác động mạnh tới dư luận thế giới và quan điểm của cường quốc khác, nhưng quan trọng hơn cả là nó cho thấy sự chính nghĩa. Nếu Trung Quốc thua thì chính nghĩa thuộc về Việt Nam.
Theo giới luật gia, những bước đi khác mà Việt Nam nên khẩn trương thực hiện trong thời gian tới là hoàn chỉnh một cách khoa học, nghiêm túc, hồ sơ bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa và tham vấn chuyên gia luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó Việt Nam nên phát huy mặt thuận lợi trong quan hệ ngoại giao với các nước, hiện đại hóa quốc phòng và tăng cường sức mạnh kinh tế. Đây là những điều không thể thiếu trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Linh Phương - Nhạn Thạch

5 nhận xét:

Thắng k5 nói...

thôi đừng kiện cáo làm gì. Thằng anh nó to xác nhưng cái đầu nó ngu dốt, tham ăn, tàn độc, chấp nó làm gì.
Tìm cái dây xích to, xích mẹ nó cổ nó lại là xong thôi.

Unknown nói...

Chuẩn bị hồ sơ kiện mất ba năm- tòa xem xét mất Hai năm- cộng là 5 năm, được mỗi cái làm cho đ?C TQ bẽ mặt thôi. Thế thì kiện làm gì, 05 năm nữa không biết cái lưỡi Bò TQ nó liếm đến đâu.
Phải "Tả" thôi, để Ngư dân họ làm.

Nặc danh nói...

Không còn cách nào khác là phải kiện. Dù có muộn.
Và cũng không còn cách nào khác là phải cho giàn khoan 981 chìm xuống đáy Biển Đông. (Tất nhiên là không để cho lũ Khựa biệt bị ai đánh chìm).
Càng sớm, càng tốt!

TQtrung nói...

Không phải là làm cho TQ bẽ mặt, cái chính là cho quốc tế thấy được cái sai của họ, thấy được chính nghĩa của VN thì dù mất bao lâu cũng phải làm, chưa nói đến việc chúng ta không phải là Philipin, hồ sơ của họ cần chứng minh chứ của VN là quá nhiều,
Hiện chính phủ VN vẫn thấy việc kiện TQ như một thế mạnh để mặc cả, kiểu là Bạn vàng ơi! rút đi không tôi kiện đấy, mà tôi có đầy đủ chứng cứ pháp lý rồi, kiện thì bạn bốn tốt sẽ thua mất mặt đấy!!! nói chung là còn nể vì " Bạn vàng" éo dám kiện.
Anh nào đòi đánh cũng tốt lắm, mình mà là anh cổ rụt thì thế nào cũng cho một phát tên lửa 3M54 Club-S vào dàn khoan Hải yến rồi ra sao thì ra, khốn nỗi có bác nào dám chắc tên lửa Nga trên Kilo phóng ra tới được đích mà không xuống thăm Long vương vì.... không? hehe, bọn Nga buôn vũ khí là thần % đấy.

Nặc danh nói...

bâi zờ thì vấn đề "bạn vàng, bạn bạc" đã cóa rõ rồi. ai vào việc nâí thôi. ngoại giao làm zì? kinh tế làm zì?. các nhà cuân sự phải làm zì? xhông cần fải bàn nữa. xhẩn trương chuẩn bị và làm đi thôi.
MK