Thứ Hai, tháng 1 15, 2007

Mỗi tuần một chuyến đi: 14/1/2007 Đi Vân Đồn ăn con Tu Hài

Chuyến đi này chả phải do tôi định. Là có bạn mời. Chỉ có điều khách lại được mời bạn của mình đi cùng, nôm thì gọi là "ăn theo". Kế hoạch không có gì nhiều, tất cả chỉ biết là đến cảng Cái Rồng sẽ đi ra một hòn đảo nhỏ nơi một ông chủ nuôi trồng hải sản lập trại. Ngủ ở đó một đêm rồi hôm sau về. Ông chủ mời chính thức anh bạn, còn từ sau đấy đều là ăn theo, cả tôi cũng vậy.
Để kịp ăn trưa tại đảo như sắp xếp của ông chủ, chúng tôi phải đi sớm, từ 6h30 sáng. Cũng tốt thôi, đã đi chơi thì đi nhiều, ăn nhiều tốt hơn là ít. Trừ khi mệt quá thì không nên.
Có thể nhiều người chưa từng nhìn thử xem Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long như thế nào. Tôi gửi cái ảnh kèm đây lấy từ www.wikimapia.org, bao trùm từ bên trái là đảo Tuần Châu có con đường ra như sợi chỉ, bên phải là một phần của đảo Vân Đồn phía trên. (bấm vào ảnh để xem ảnh lớn)
Chuyến đi gần 5 tiếng đồng hồ đến cảng Cái Rồng trên đảo Cái Bầu thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh không có gì đặc biệt nếu không nghĩ về những chiếc phà. Hồi bé (gần nửa thế kỉ trước) đi đến Bãi Cháy là cả một gian truân. Hồi đó người ta thường đi lối đường 5 đến Hải Phòng, qua phà Bính sang huyện Thuỷ Nguyên của Hải Phòng, qua phà Rừng để sang Quảng Ninh và cuối cùng là một cái phà tí tẹo cách Bãi Cháy gần 20km, gọi là phà Yên Lập, mới tới được Bãi Cháy.
Phà Bính ngay sát Hải Phòng, là một bến phà đầy không khí công nghiệp. Xung quanh là nhà cửa, bến bãi, tầu lớn tầu nhỏ. Người qua lại phần đông trông vẻ công nhân, công chức. Cảm giác về cuộc sống công nghiệp rất rõ ở bến phà này.
Phà Rừng thì trái ngược. Nằm ở giữa những bãi sú vẹt, nhà dân lưa thưa trên vùng đất thấp, phà Rừng đầy vẻ hoang sơ. Sông Bạch Đằng rộng mênh mông với bức phù điêu trận thuỷ chiến ở bên phà làm bất cứ đứa trẻ nào qua đây cũng nhớ tới quyển truyện "Lá cờ thêu sáu chữ vàng". Tới phà Rừng đã bắt được hơi biển.
Cuối cùng phà Yên Lập ngang qua một con sông nhỏ tí chảy thẳng ra khoảng rộng bãi đất ngập nước ven biển. Phà này không có ca-nô dắt mà kéo tay. Hai sợi cáp mắc song song nhau qua sông. Một sợi để cho phà níu vào khỏi trôi theo dòng nước, sợi kia để tự do để kéo. Người đi phà mặt quay sang bờ tới, cầm một thanh gỗ như cái dùi đục có xẻ một rãnh ngang ở đầu, gài sợi cáp vào rãnh rồi đi lùi. Động tác đi này đẩy phà tiến về phía bờ. Đi hết chiều dài phà, người kéo gỡ dùi kéo (cứ cho là gọi như vậy) ra khỏi cáp, đi tới đầu kia để lặp lại động tác kéo phà. Thường trên phà người ta để sẵn một lô những chiếc dùi kéo để khách đi phà kéo phụ thêm với nhà phà cho nhanh. Hồi đó tôi còn bé, rất thích tham gia vụ kéo phà này. Chiếc phà này biến mất không biết vào năm nào, vì lâu lắm tôi mới có dịp quay trở lại con đường này. Thay vào đó là một chiếc ngầm hình cánh cung vòng ra phía biển. Con đường có chiếc ngầm này trông thật nên thơ. Rồi cũng không biết chiếc ngầm đã bị thay thế bằng cầu tự bao giờ. Ai không để ý thậm chí sẽ không nhận ra cây cầu, nhưng nếu nhìn lên thượng nguồn sẽ thấy có một chiếc đập chắn ngang. Nhiều lần đi ngang đây tôi rất muốn lên ngắm chiếc hồ hình thành nhờ đập chắn nước này mà chưa một lần thực hiện. Giống như một vật tuy ở gần nhưng lại rất xa. Bởi bao giờ nó cũng trong tầm tay mình nhưng chưa bao giờ có trong tay.
Vài năm, thậm chí vài tháng trước đây, từ Bãi Cháy đến Vân Đồn (thường gọi đảo Cái Bầu là Vân Đồn, vì nó là trung tâm, huyện lị của huyện Vân Đồn) còn phải đi qua hai phà "hoành tráng". Một phà nối Bãi Cháy với Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long) đi ngang cửa Lục, phà thứ hai nối Cửa Ông với đảo.
Phà Bãi Cháy những năm gần đây có mật độ lưu thông cao nên thường xuyên có 3 đôi phà hoạt động liên tục. Nước sâu xanh ngắt ngay từ gần bờ. Bên trong là cảng nước sâu Cái Lân, bên ngoài là vịnh Hạ Long với lô nhô núi đá. Cầu Bãi Cháy mới khánh thành đâu được gần 2 tháng đã đưa bến phà vào hoài niệm. Bến Bãi Cháy rộng để có thể tiếp nhận hơn một phà cùng lúc nên khi cần thiết các xe gầm thấp có thể lượn hình chữ S lên phà để tránh bị sạt đuôi. Đến nay khi chạy sau những chiếc xe chở khách đời mới của Hàn Quốc người ta có thể thấy nhiều xe có trang bị phi tiêu chuẩn gắn ở góc sạt đuôi xe. Đó có thể là bàn trượt, có thể là bánh xe sắt nhỏ.
Sang khỏi cầu Bãi Cháy, tiếp tục đi đường 18 qua Cẩm Phả rồi tới Cửa Ông là rẽ sang Vân Đồn. Trước khi có cầu Vân Đồn thì đến đền Cửa Ông là lối rẽ ra phà. Bây giờ đi quá một đoạn ngắn thì rẽ vào lối lên cầu. Đền Cửa Ông thờ một người con (tôi quên tên) của Trần Hưng Đạo đã từng là tướng trấn giữ vùng biển này. Gọi là cầu Vân Đồn nhưng nó gồm 3 cầu bắc qua hai hòn đảo trung gian mới tới đảo Vân Đồn, trong đó có một cầu vồng để tầu lớn có thể đi qua bên dưới còn hai cầu kia thẳng chỉ tầu thuyền nhỏ chui qua được.
Trên xe chủ yếu là mấy anh em thế hệ trên 50 tuổi, chỉ có ông khách xịn là dưới 50 nên ai nấy đều nhớ về quá khứ. Mấy chục năm trước có muốn đi Vân Đồn thì chắc hết trọn một ngày. Bây giờ chúng tôi mất có hơn 4 giờ đồng hồ. Ôm trong lòng cái quá khứ "một ngày" thủa ấy thì mới biết cái hạnh phúc của 4 tiếng đồng hồ bây giờ. Góp ý vào bài đi thăm cầu Bãi Cháy của tôi, Tôn Gia Quý chả vẫn còn xao xuyến với phà Bãi Cháy đấy thôi.
Sau gần hai giờ chạy thuyền gỗ thường dùng chở vật liệu và nhân công cho công trình trên đảo, chúng tôi đã tới hòn Bánh Sữa, một hòn núi đá nhỏ nhô trên vịnh Bái Tử Long như một con rùa. Điểm đặc biệt của hòn đảo này là nó có một doi cát nhô ra. Cứ nghĩ là doi cát thì lúc có lúc không, tuỳ thuộc vào dòng chảy và thuỷ triều. Nhưng nhìn trên bản đồ làm từ mấy chục năm trước thì cũng thấy cái mẩu nhô ra đó. Phải nói những bản đồ như thế này tích luỹ biết bao lao động và tri thức. Buổi sớm, sau một đêm trên đảo thao thức theo dõi tình hình ngáy của anh em, Thanh Bắc và Công Minh ra đứng ở đầu doi cát mà theo Công Minh cho biết là nơi "có sóng".
Theo lời ông Đỗ Hữu Tờ là chủ thầu nuôi trồng hải sản vùng biển này thì quanh đảo là vùng san hô nước nông hiếm hoi của Vịnh. Nhờ nó mới có thể phát triển trại nuôi con tu hài. Đây là kết quả khảo sát và quy hoạch của tổ chức Suma Nhật Bản làm giúp VN. Bản đồ 1/50.000 và lưu vết đường thuyền đi kèm theo để mọi người biết nó là hòn nào trong ảnh vệ tinh.
Bữa trưa được dọn ngay khi mọi người lục tục rời thuyền lên đảo. "Mầm đá" đã dừ. Mọi người nhanh chóng ngồi vào bàn và thưởng thức món đặc sản "của nhà trồng được" là con Tu Hài.
Ông chủ giới thiệu tu hài là loài nhuyễn thể sống dưới biển, có hai vỏ cứng nối với nhau bằng một màng mỏng. Vòi hút, xả nước của con tu hài ở một mép vỏ. Khi duỗi nó có thể dài tới 20cm, ảnh chụp khi nó thu vòi. Khác với các loài khác như ngao, ngán, sò ăn rễ cây mục, xác động vật, ... thì loài tu hài chỉ ăn phù du trong nước biển. Nó sống ẩn mình trong cát, thò vòi lên mặt cát để hút nước, lọc lấy các loài phù du để tiêu hoá. Đặc điểm sinh trưởng như vậy nên tu hài chỉ có thể sống được ở nơi có cát vụn san hô và nước sạch không bị ô nhiễm. Theo tôi cát vụn san hô là cát tỉ trọng thấp, dễ bị xê dịch, tạo điều kiện cho con tu hài dễ chui xuống dưới và khi ở dưới không bị áp lực cát đè nặng.
Gần 30 năm trước tôi có dịp công tác ở Quảng Ngãi, trong một làng chài ven biển nhìn ra đảo Lý Sơn. Người dân ở đây ngoài nghề đánh cá, họ còn trồng tỏi. Tỏi Lý Sơn nổi tiếng, nhưng có thể tỏi thương phẩm Lý Sơn lại không hoàn toàn đáng có CO (Certificate of Original, Chứng nhận Xuất xứ) của Lý Sơn, mà là "nhái". Đặc điểm của cây tỏi Quảng Ngãi (nói thế cho đúng thực tế) là được trồng trên đất phủ cát vỏ san hô. Người dân làm đất bình thường rồi phủ một lượt cát san hô mỏng lên trên. Cây tỏi có rễ hút dinh dưỡng từ đất nhưng phần củ lại phát triển trong lớp cát ở trên. Hồi đó tôi đã suy luận cát nhẹ nên củ dễ phình to, có thể cát này còn tạo ra nhiệt độ thích hợp dưới nắng miền Trung làm cho cây tỏi ngon. Trường hợp con tu hài làm liên tưởng lần thứ hai tới đặc điểm của cát san hô.
Hòn thứ hai lớn hơn hòn Bánh Sữa, chúng tôi đến thăm sau khi ăn là hòn Soi Mui. Thời cổ xưa người ta gọi là hòn Soi Nụ vì có nhiều cá nụ ở vùng đó, thời Pháp đổi lại là Soi Mui cho tới nay. Hòn này cũng là đá, nhưng độ dốc nhỏ nên giữ được bên trên mặt một lớp cây rừng, có cây cổ thụ. Ông chủ Tờ nói sẽ xây dựng ở đây một khu nghỉ dưỡng sinh thái biển.
Chúng tôi đi bộ bên mép nước quanh hòn Soi Mui gần giáp vòng thì trời tối. Bên trái là mặt nước biển vịnh Bái Tử Long phẳng lặng, xa xa là những hòn đảo lẫn bóng vào nhau trên nền trời. Bên phải là rừng cây tối sẫm. Thỉnh thoảng có dịp thở hít không khí trong lành, yên tĩnh, vừa đi vừa nói chuyện như thế này thật thích. Sợ tối không nhìn ra đường, khó đi, thuyền tới đón chúng tôi ở một doi cát gần nơi đến.
Suốt chuyến đi Công Minh được lão Hợp cùng cơ quan tôi "tháp tùng" đi sau phía sau, vừa đi vừa đàm đạo. Hai lão ít nhất là hợp nhau ở chỗ luận về "y thuật bảo vệ sức khoẻ". Chỉ có điều không đi đến kết luận. Dường như mỗi người đều có chính kiến riêng của mình. Với Công Minh chuyến đi này không dễ chịu lắm vì phải leo lên xuống thuyền bằng ván gỗ đóng thang, không tay vịn. Sau này hắn mới nói sẽ không đi lại như vậy nữa, độ mạo hiểm rất cao rồi. Nhưng hắn nói thêm, không xảy ra chuyện gì, đi về thấy cũng hay. Thì lúc đã đi rồi còn lui thế nào được, thôi thì phải cố. Thỉnh thoảng cũng nên cố một chút, cũng là cái cách sống ở đời. Miễn đừng để cố quá sẽ thành quá cố.
Con tu hài sau khi nướng chín thì trông như thế này. Cái vòi phần đầu đen bây giờ tím, trong bụng thì trắng. Mấy mẩu đen đen vàng vàng trong bụng không phải của nó mà là hành phi vàng cho vào cho thơm. Cái giá trị nhất, theo như quảng cáo "ăn gì bổ nấy" là cái vòi. Nói chung vị thì có ngọt tuy không xuất sắc bằng nấu cháo, nhưng được cái không dai mà dòn dòn. Vì con tu hài chỉ hút nước ăn phù du nên hầu như không có chất thải, chỉ bỏ có cái màng ở phần đầu vòi.
Ra về ông chủ tặng cho mỗi người ít con. Theo thời giá mỗi kg tu hài bây giờ quãng trên 200.000đ. Còn nếu vào hàng thì người ta tính quãng trên 20.000đ/con. Nói chuyện con tu hài, chưa nói giá, ai biết cũng bảo là đắt lắm. Quả như thế thật.

Trên đường về, sau khi ăn trưa ở gần Bãi Cháy, chúng tôi ghé thăm chùa Côn Sơn và đền thờ Nguyễn Trãi. Trong tấm ảnh tôi chụp tại đền chỉ có hai "Trỗi" là Thanh Bắc và Công Minh. Còn là những người trong "đội đi" quen thuộc của tôi mà Thanh Minh có biết đôi người. Nhưng cũng có những người chưa gặp bao giờ. Lúc mời Thanh Bắc đi, hắn rất cẩn thận hỏi đi thế nào, đến đâu, có gì, với ai, chi phí thế nào, ... Nhiều câu hỏi tôi cũng không trả lời được, chỉ bảo bạn tôi mời và mời cả người do tôi mời thêm nữa, miễn là có đủ xe đi. Thế thôi, mọi việc khác đều có thể tới đâu hay đó. Cuộc đi kết thúc tốt đẹp, kể cả việc Thanh Bắc và Công Minh nhà ta vui vẻ nói chuyện với mọi người. Cuộc sống thay đổi thật nhiều, có thể nhận biết khi nghe những câu Thanh Bắc hỏi. Rồi hắn cũng sẽ quen thôi, sau một thời gian "tái hoà nhập cộng đồng" vào số những người không còn trách nhiệm "nghiêm trọng" trong quân đội.

Không có nhận xét nào: