Thứ Sáu, tháng 1 26, 2007

Chí Quang sưu tầm 1: Luật Hồng Đức

Anh Chí Quang có vẻ như không thích "khoe văn" của mình, nhưng lại vẫn muốn nói lời hay. Anh ấy chọn cách sưu tầm những bài mà đọc xong chắc mọi người đều cho là có ích tu thân, bổ dưỡng tri thức, khoan khoái tâm hồn để thỉnh thoảng gửi cho bạn bè. Thiết nghĩ cùng là bạn bè, được anh Chí Quang đồng ý, tôi sẽ từ từ đăng lên đây để mọi người cùng xem. Mong các anh ủng hộ.


QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT

(LUẬT HÌNH TRIỀU LÊ HAY LUẬT HỒNG ĐỨC )

Tổng số : gồm 06 quyển, 13 chương với 722 điều.

(Nhà xuất bản pháp lý – 08/1991)

ĐÔI NÉT VỀ DANH LỆ

Biếm : giáng tước vị (biếm hai tư : giáng hai bậc) – khác với giáng chức, bãi chức.

Đồ : đồ hình, tội giam cấm và làm việc khổ sai.

Lưu : lưu phóng, đày đi nơi heo hút (gần thì Nghệ an, Quảng bình, xa thì Cao bằng).

Xuy hình : đánh bằng roi song ; trượng hình : đánh bằng gậy song.


QUY ĐỊNH VỀ CÔNG CHỨC (TRÍCH ĐIỀU LUẬT)

Điều 129. Các quan-viên làm việc ở sở mình mà ngồi đứng không đúng phép, thì xử tội biếm hay phạt.

Điều 120. Viên quan sai đi công cán, xem xét việc gì khi về tâu trình không đúng sự thật thì phải tội biếm hay đồ ; nếu ăn tiền hối lộ thì xử tội thêm hai bậc.

Điều 121. Việc công cán đáng phải làm mà lần chần để chậm lại, hay những việc phải định do hội đồng mà làm trái lệ (như việc họp chầu hay tính sổ thuế ...), thì xử tội biếm hay bãi chức theo tội nặng nhẹ.

Điều 119. Để chậm trễ những chiếu, chế, sắc chỉ không ban ra ngay, chậm một ngày thì phạt 50 roi, ba ngày thêm một bậc ; để chậm trễ công văn (là các giấy tờ về việc quan) một ngày thì phạt 30 roi, ba ngày thêm một bậc, chỉ đến tội biếm một tư.

Điều 123. Phàm phải thảo chiếu chế mà lại quên, nhầm hay viết chiếu chế mà sai chữ, thì xử phạt 80 trượng, thảo sai ý chỉ nhà vua thì xử tội biếm hay đồ, tuỳ theo trường hợp nặng nhẹ. Vì người khác truyền đạt lại cho mà thảo sai thì được giảm tội một bậc.

Điều 154. Các quan-sảnh, quan-viện, làm tờ tâu lên về sổ xin cai quản, đối chiếu chưa xong mà đã trình lên xin ngự phê, thì bị xử phạt tiền 20 quan ; thuộc viên xử tội đánh 80 trượng. Cho đến việc làm sổ để tâu lên xin thăng bậc hay thuyên chuyển, mà không hợp với luật hàng năm, thì xử phạt tiền 30 quan ; thuộc viên xử tội xuy, đánh 50 roi, và biếm một tư.

Điều 195. Những viên thuộc lại ở các sảnh, các viện cố ý giữ các sổ phê và sổ lưu trữ lâu ngày không trình lên quan trên để cất vào tủ công, thì xử phạt 60 trượng, biếm hai tư. Nếu để mất mát thì phải tội đồ làm phu quét dọn ở bản sảnh hay bản viện.

Điều 84. Các chủ ty thấy cung điện, cửa thành hư hỏng hay là đường xe vua đi, cầu cống đổ nát mà không tâu trình, khi có chiếu chỉ vua sai sửa chữa mà lại không sửa cho được bền chắc, thì đều phải biếm một tư và bãi chức.

Điều 138. Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 01 quan tới 09 quan thì xử tội biếm hay bãi chức, từ 10 quan tới 19 quan thì xử tội đồ hay lưu, từ 20 quan trở lên thì xử tội chém. Những bậc công thần, quý thần, cùng những người có tài được dự vào hạng bát nghị mà ăn hối lộ từ 01 tới 09 quan thì xử phạt tiền 50 quan, từ 10 quan tới 19 quan thì phạt tiền từ 60 quan tới 100 quan, từ 20 quan trở lên thì xử tội đồ, những tiền ăn hối lộ xử phạt gấy đôi nộp vào kho.

Điều 221. Các quan vâng mệnh đi sứ nước ngoài, mà chỉ chăm về việc mua bán, thì phải tội biếm hay đồ. Nếu là vật quý lạ cùng là sách vở và các thứ thuốc men, thì cho phép được mua.

Điều 560. Lãng phí của công (đem của công ra dùng, quá lạm rồi bỏ thừa nhiều) thì xử biếm. Nếu cái gì chưa dùng, thì lại nộp vào kho, mà cái gì đã đem ra dùng mà tản mát không thu lại, thì phải bồi thường gấp đôi như luật.

Điều 636. Các quan cai quản quân dân mà thông đồng làm bậy, tự tiện bắt quân dân ở hạt mình đưa lên phục dịch quan trên để nương tựa mưu cầu, thì xử tội đồ ; quan trên nghe theo việc làm như thế, thì bị xử tội nhẹ hơn hai bậc và trả tiền công thuê nộp vào kho.

Điều 83. Những cận thần (nội giám, thị vệ – ND) không được giao du và quà cáp với người bên ngoài, trái lệnh thì cận thần và người bên ngoài đều phải tội đồ hay lưu, nặng thì xử tăng thêm tội.

Điều 182. Việc giữ đê không vững vàng hoặc là quan giám-đương không ra sức gìn để cho nước lụt làm vỡ đê, làm mất hoa màu của dân thì quan lộ và quan giám-đương bị xử biếm hai tư, bãi chức. Nếu đường đê vững chắc lại cố gắng giữ gìn, song vì nước lụt quá to, sức người không chống nổi mà đê vỡ thì không bị xử tội.


VỀ NGUYÊN TẮC NHÂN ĐẠO (TRÍCH ĐIỀU LUẬT)

Điều 17. Khi phạm tội chưa già cả tàn tật, đến khi già cả tàn tật việc mới bị phát giác, thì xử tội theo luật già cả. Khi còn bé nhỏ phạm tội, đến khi lớn mới phát giác, thì xử tội theo luật khi còn nhỏ.

Điều 37. Người nào phạm hai tội trở lên cùng phát hiện ra một lúc, thì theo tội nặng mà định tội, còn tội nhẹ hơn được giảm một bậc.

Điều 451. Người man liêu (người dân tội thiểu số – ND) cướp bóc của nhau, giết nhau thì xử tội nhẹ hơn tội cướp, giết người một bậc.

Điều 308. Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 05 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con thì cho hạn 01 năm. Vì việc quan phải đi xa thì không theo luật này. Nếu đã bỏ vợ mà ngăn cản người khác lấy vợ cũ thì xử tội biếm.


VỀ GÓC ĐỘ KĨ THUẬT (TRÍCH ĐIỀU LUẬT)

Điều 521. Làm giả hay thêm bớt vào công văn, thì xem xét định trốn tránh việc gì hay tội gì, mà xử nặng hơn tội ấy hai bậc ; chưa thi hành thì được giảm một bậc.

Điều 41. Khi định tội mà không có điều luật chính đáng như đáng giảm tội thì dù tội nặng cũng có thể cho là tội nhẹ (như cho phạm tội vì lầm lỡ), nếu đáng thêm tội thì thì dù tội nhẹ cũng có thể cho là tội nặng (như cố ý).

Điều 18. Phàm phạm tội chưa bị phát giác mà tự thú trước thì được tha tội. Phạm tội thập ác và giết người thì không theo luật này. Phạm tội nhẹ đã bị phát giác mà lại thú cả tội nặng nữa, thì được tha cả mọi tội. Phạm tội thập ác và giết người thì không theo luật này. Còn nhờ người thú thay, thì không được tha tội. Biết người sắp tố giác mình mà mình mới tự thú thì cũng cho giảm một bậc.

Điều 450. Những kẻ ban đêm vô cớ vào nhà người ta, thì xử tội đồ ; chủ nhân đánh chết ngay lúc ấy thì không phải tội ; nếu đã bắt được mà đánh chết, đánh bị thương, thì phải tội như đánh nhau chết người hay bị thương, mà giảm ba bậc.

Điều 457. Các con còn ở nhà với cha mẹ mà đi ăn trộm thì cha bị xử tội biếm ; ăn cướp thì cha bị xử tội đồ ; nặng thì xử tăng thêm tội ; và phải bồi thường thay cho con những tang vật ăn trộm ăn cướp. Nếu cha đã báo quan thì không phải tội ; nhưng báo quan rồi mà để con ở nhà thì cũng xử như là chưa báo.

1 nhận xét:

N.TV nói...

Hồi trước tôi cứ tưởng bọn Đức nó giỏi và nghiêm trong quản lý công chức nhà nước.Đọc sưu tầm của Hà Chí Quang xong thì mới thấy cái cách mà các nước công nghiệp hiện nay làm so với các cụ mình ngày xưa thì cũng chẳng là cái đinh gì.
Cảm ơn Chí Quang và Hữu Thành.