Xin gửi tới các anh, chị, các bạn có phụ huynh là chiến sĩ 4 Chi đội hải ngoại ở Nam bộ tấm "văn bia tưởng niệm Chi đội trần Phú" (tác giả Huỳnh Ngọc Trảng)
Súng giặc đất nền, hồn cố quốc kêu đòi góp máu; Sao vàng xao xuyến, giống Lạc Hồng nơi bản Thái, mường Lào lòng như cắt, như chia.
Bởi chẳng phải tha phương cầu thực mà tổ tiên xưa vì thua cuộc Cần Vương, phong trào Nghệ Tĩnh... xiêu dạt xứ người;
Cùng không phải đà lạc nghiệp an cư mà quên việc cha ông uống hận dưới mồ... ngóng mong ngày độc lập.
Tự do hay là chết.
Thà mất tất cả, chứ không làm nô lệ.
Mùa thu rồi ngày 23 năm ấy...
Nóp với giáo, mang ngang vai: rần rần xông tới;
Thuốc súng kém, chân đi không: ai cũng quyết liều thân.
Trên đất Thái, vào mùa thu 46...
Người bỏ cuốc, bỏ cày
Người treo nghiên, gác bút...
Nơi chiến khu Umkè-Nòong Hơi mấy bữa, đã hơn 400 người tụ lại: tập súng, rèn dao, kết thành đội ngũ;
Từ cánh rừng Mường Đệt, hơn tháng sau, làm lễ xuất quân: Chi đội Trần Phú tìm đường về cứu quốc.
Rừng Thái mịt mù, núi
Đăngrêk chắn ngang: gai góc rậm rì không có lối; sông sâu cách trở: giặc đóng bót, rải quân rình rập ngày đêm...
Đói rát ruột, khô cháy da: nước suối, rau rừng... nhờ hạt muối, chén cơm từ bà con Phum sóc; bến rộng sông sâu: đốn gỗ kết bè... mượn xuồng dân vượt sóng qua bờ.
Sáu mươi lăm ngày đêm, đoàn quân không ngủ;
Vượt lộ, băng đồng... về đến Tây Ninh.
Xuống khu 8: sáng đánh trận Giồng Dinh, chiều diệt thù ở gò Thổ Địa.
Về trụ chân Sa Đéc: hiệp đồng đột kích thị xã, đất rụi kho xăng, chặn địch ở Cầu Quay.
Ở Chân Đùng, bọn lê dương đi bố: đại đội 2, đại đội 3 chặn đầu vỗ mặt; đại đội 1 chọt thẳng vào hông: xóa sổ binh đoàn.
Ở với dân thật tình như con như cháu: sáng tát đìa, chiều gặt lúa - đã thạo chèo xuồng, đi quen cầu khỉ...
Tranh với giặc: ngày chặn lộ, tối công đồn - không nhường một bụi cỏ, không bỏ một gốc tràm...
Giặc dẫn côngvoa đi đường bộ, ta phục kích giữa đồn Mù U - Cái Xếp: đánh bung xe nồi đồng, cắt lộ Sa Đéc - Vĩnh Long;
Giặc tiếp tế bằng ghe ta chặn bắn chìm tàu kéo: Cái Tàu Thượng, đoạt ghe chài, thu quân trang quân dụng.
Rạch Khoán Tiết, An Trường, Mỹ Thuận đánh mấy trận bọn theo giặc điếng hồn;
Đám tay sai từ Cái Vồn, Xẻo Mát kéo ra: đi mười chết tám...
Từng trải khắp Lai Vung, Lấp Vò về Châu Thành, Cao Lãnh... đã bao phen tỏ rõ hiếu trung;
Rồi lại qua Chợ Mới, Mỹ Luông... biết bao trận dấn thân nơi hiểm địa.
Hiến thân cho nước: son sắt một lòng;
Đổi lấy tự do: 300 anh hùng bỏ thân chiến địa.
Kẻ thì lao vào lửa đạn, quyết giật cờ trong trận mới cam: xót lẽ gan vàng mà mệnh bạc;
Người thì xông lên chặn mũi tàu thù, quyết giết giặc giữa dòng: thương thay chí dũng kiên cường mà thân đành dạt theo sóng vỗ...
Trời Nam vận còn gian khổ: giặc Pháp thua, giặc Mỹ kéo vào lê máy chém, dựng nhà tù, rải thuốc khai quang, ném bom hủy diệt...
Đất Việt còn bị cắt chia: lớp trước anh hùng ngã xuống, lớp sau đứng dậy - 20 năm xương trắng chất cao bằng núi mới có ngày thống nhất Bắc - Nam.
Đã đành xưa rày hương thơm ba nén không ngày sóc vọng nào chẳng thắp dâng lên.
Giờ đất nước thanh bình, dựng đá bia một tấm nơi này để nghìn sau ghi nhớ.
Quân dân Đồng Tháp kính thành lập bia.
Thứ Bảy, tháng 4 10, 2010
Văn bia tưởng niệm ở Đồng Tháp
Gửi bởi HCQuang lúc Thứ Bảy, tháng 4 10, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
9 nhận xét:
Khắc Việt: trong bài có nhắc tới trận Giồng Dinh đấy.
Lời bia thật tuyệt.
Không giống văn mới bây giờ.
Giống bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc" hồi đó học khó thuộc thấy mồ! Bài này mà đưa vào sách Giáo khoa cho tụi trẻ con học thì chắc chúng nó cũng chết như mình hồi xưa. May mà bác Nhân còn nhớ chuyện xưa thương đám con trẻ bây giờ!
HMK6
Hóa ra là Giồng Dinh. Đọc đoạn này em thấy đúng nhất :
....
Ở với dân thật tình như con như cháu: sáng tát đìa, chiều gặt lúa - đã thạo chèo xuồng, đi quen cầu khỉ...
Bởi sau đó ông làm rẻ Sa Đéc. Khi về 307 ông bị bắn lủng phổi khi vượt sông trong trận đánh, anh em tưởng chết đã liệm chỉ còn chờ chôn. May có ông Vũ Đình Thông tiểu đoàn phó 307 nghe tin vào vĩnh biệt đồng đội lại thấy ông thở mới hét toáng lên hô mọi người cấp cứu. Hè hè, xít nữa thì không có vợ em hôm nay. Sau đó ông về làm huyện đội Sa đéc và liên lạc cho ông là chú bé Lâm Tới 15 tuổi sau này là diễn viên nổi tiếng. Giờ họ đều trở thành thiên cổ.
Văn thế mới là văn.
Bài "văn bia" hay quá !
Hồi nhỏ , học bài " văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc " khó thuộc vì không hiểu câu từ và ý nghĩa , sau khi nghe thầy giảng thì học dễ thuộc hơn và nhớ tới bi chừ
Đưa bài này vào SGK còn dễ học hơn bài " En-Xa chải tóc trước gương "
@ anh HMK6 & QUẾ : " Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc " bi giờ khó học lắm , dùng từ cổ nhiều . Hậu quả là năm lớp 11 QUẾ con ăn hột dzịch vì không thuộc nổi . Báo hại QUẾ mẹ phải cùng học với nó , cứ mẹ đọc trước , nó đọc sau rồi hôm sau dzô trường xin thầy cho gỡ điểm , được 8 nhưng thầy chai hia còn 4 . May chán .
Câu mở đầu "Súng giặc đất nền, hồn cố quốc kêu đòi góp máu ..."
Có anh em cho rằng người đánh máy đánh sai. Lẽ ra là "súng giặc đất rền" thì bị đánh thành "súng giặc đất nền".
Tham khảo "Văn tế nghĩa sỹ Cần giuộc", tôi cũng cho rằng "súng giặc đất rền" mới đúng.
Các anh xem xét.
À, khi mới đọc tôi cũng nghĩ thế, sau đó thì không nhớ nữa, vì cho là "lỗi thằng đánh máy".
Đăng nhận xét