Thằng Trình bó gối ngồi thu lu bên bờ ao. Nó đang mải suy nghĩ , để mặc cho đám cỏ may đang đung đưa trong gió cào những chiếc gai nhòn nhọn vào cái cẳng chân khẳng khiu. Nó chẳng để ý đến đám đông những người hôi cá đang huyên náo dưới mặt ao đầy những cây năn và cỏ lác. Nó còn quá nhỏ để tham gia vào việc tranh giành những con cá hiếm hoi còn lại trong đám bùn nước lầy nhầy. Mắt nhìn xuống ao nhưng tâm tưởng nó đang hướng về mẹ.
Cuộc đời mẹ nó là một chuỗi dài những mất mát và đau buồn được nối lại bằng từng khoảng thời gian tính bằng năm tháng. Số mẹ nó khổ. Nó nghe lỏm các bà bảo thế. Nó nghiệm ra số mẹ nó khổ thật và lây cả sang nó nữa. Nó biết chắc việc bố không về với mẹ không phải vì họ không yêu nhau nữa. Còn vì cái gì thì lúc này, đầu óc non nớt của nó làm sao mà hiểu nổi. Từ ngày mẹ nó bảo chỉ còn mình mẹ nuôi nó, tự nhiên nó cũng nhận thức được việc đó như là điều không thể tránh khỏi.
Nó còn bé, chẳng giúp được gì nhiều cho mẹ. Hàng ngày, vào buổi sáng, nó đứng trước ngõ nhìn theo bóng mẹ quẩy gánh tạp hoá xuống thuyền đi chợ. Chiều tối mịt, nó cũng đứng ở đó đón mẹ trở về trong dáng điệu mệt mỏi và phờ phạc. Đôi lúc, nó cũng được theo mẹ ra chợ và đó là chính những ngày cu Trình cho là vui vẻ và hạnh phúc nhất. Nó nhớ như in cái ngày mẹ nó cất về một lô hàng có những chiếc mũ Hải quân với một quả bồng và những dải nơ xinh xinh. Lấy một chiêc đội lên đầu, nó có cảm giác như đã trở thành một thuỷ thủ oai hùng đang đứng trên boong chiến hạm rẽ sóng ra khơi. Nó dẫm cái cẳng chân thình thịch làm sạp hàng của mẹ nó cũng rung rinh như đang muốn vượt lên muôn trùng sóng gió để đi đến những bến bờ xa tít tắp. Ở đó nó sẽ gặp bố và mẹ đang chờ đón nó trở về sau một chuyến hải hành đầy gian khổ và vinh quang. Trí tưởng tượng của nó còn bay bổng nữa nếu mẹ nó không lột chiếc mũ xuống mà bảo:
- Khéo làm bẩn, mẹ không bán được.
Con cái nhà ai sẽ được đội những chiếc mũ này nhỉ? Nó thất vọng ngồi vào một góc rồi tự hỏi. Cũng là trẻ con cả mà, sao lại có đứa sẽ được bố mẹ mua cho cái mũ ấy, còn nó thì chỉ đội thử cũng còn khó. Chao ôi! Giá mà bố mẹ nó đừng bỏ nhau thì hay biết mấy, chắc gì nó đã phải buồn bã ngồi ôm lấy mối hận này. Cái điều cay đắng ấy cứ nhoi nhói phía sau lỗ rốn thằng bé làm khuôn mặt nó méo xẹo.Mọi người cứ tưởng nó đói nhưng mẹ nó thì biết rõ lắm. Mẹ nó cũng đau như nó nhưng có điều bà là người lớn nên biết cách che dấu, hay đúng hơn là nhịn nhục chịu đựng. Bà muốn thằng bé cũng làm được như bà , nghĩa là cố quên đi hình ảnh người chồng phụ bạc, gồng mình lên để sống qua cái thời gian khổ, khó khăn ấy. Mỗi lần như vậy, mẹ thằng Trình thường móc túi nhặt ra vài trăm đồng lẻ cho nó mua kem. Với bản chất trẻ con, cầm cái que đá lạnh ngòn ngọt, thơm thơm ấy, nỗi buồn của nó cũng nguôi ngoai dần theo mỗi vết liếm, mà nó chỉ dám liếm thôi, không dám ăn, ăn thì chóng hết, mà hết thì lại buồn, vì vậy nó cố kéo dài cái niềm vui nhỏ nhoi ấy càng nhiều càng tốt bằng cách của con mèo.
Nó thương mẹ nó lắm. Đôi lúc nó muốn làm cái gì đó cho mẹ vui lòng Khổ nỗi nó là con trai và nghịch ngợm thì không ai bằng. Mới từng ấy tuổi mà nó biết bơi như một con rái cá. Suốt ngày dầm mình dưới sông hoặc lông nhông ngoài nắng, da dẻ đen nhẻm đen nhèm. Mỗi chiều về nhà, nhìn cái đầu tóc cháy nắng đỏ quạch của nó, mẹ nó la như đánh mất cái gì đó quý lắm,. Nó biết chắc mẹ nó la vì thương nó quá đấy thôi, bà xót con mà. Những lúc như vậy nó hối hận lắm, thầm hứa là sẽ không làm mẹ buồn nữa. Nó cứ ấp ủ ý nghĩ làm sao cho mẹ vui lòng.
Chiều nay. Trước mắt nó người ta đang bắt được những con cá. Giá mà lớn một chút, nó cũng sẽ kiếm một cái nơm và nhảy xuống. Nó sẽ kiếm được nhiều cá về để cho mẹ ăn, mà cứ gì cá, lươn cũng được-Một con lươn. Về nhà nhờ mấy bà gì nấu cho mẹ nồi cháo lươn, nghe nói là ăn cháo lươn rất bổ. Mẹ nó gầy lắm, có bát cháo lươn chắc mẹ sẽ chóng khoẻ- nó nghĩ vậy.
Cái ý nghĩ về con lươn làm mắt nó hướng về những vòng lượn sóng ngoằn nghèo từ đám lau lách. Một con vật gì đó bám đầy bùn đất đang trườn về phía nó. Bất giác thằng Trình đứng nhỏm dậy- con lươn- phải rồi, nó đã phát hiện ra một con lươn thực sự chứ không phải trong trí tưởng tượng. Con vật mà nó cho là con lươn đang ở rất gần. Cái ước mơ có một bát cháo lươn cho mẹ chỉ nằm trong một tầm tay với. Thằng bé không nghĩ ngợi gì nữa, nó lao xuống, bàn tay nhỏ xíu nhanh nhẹn chộp ngay vào cổ con vật rồi đưa lên cao. Nó để mặc “ con lươn” vùng vẫy, quấn cái thân hình mốc meo bùn đất quanh cánh tay bé nhỏ. Nó đạp bùn bước lên bờ rồi ba chân bốn cẳng chạy thẳng về nhà.
Nghe thấy tiếng hét của cu Trình từ phía ngoài cổng, bà dì nó tất tả chạy ra. Thằng bé trong bộ dạng tức cười đang vênh váo giơ cao “ con lươn “ của nó mà nói:
- Cháu bắt đựơc con lươn đây này, dì nấu cho mẹ nồi cháo, chiều nay mẹ cháu về ăn!
“ Con lươn” của nó đang há cái miệng đỏ hỏn phun phè phè, chiếc lưỡi đen xì đang nhô lên thụt xuống một cách ghê rợn nhưng bất lực. Bà dì đứng sững lại, miệng há hốc trong nỗi sợ hãi tột độ. Thằng bé đang chết trước mắt bà. Bởi vì đó không phải là con lươn như nó tưởng mà là một con rắn độc . Chỉ cần nó lơi tay chút đỉnh, đầu con rắn ngóc ra được một tí teo là thằng bé đi tong. Bộ dạng của bà dì làm cu Trình chột dạ, linh tính mách bảo nó điều gì đó. Thằng bé dùng hết sức bình sinh quật mạnh con rắn xuống sân gạch. Con vật quằn quại rồi lao đầu biến mất phía sau vườn chuối.
Dì nó lúc này mới hoàn hồn, bà ôm lấy thằng bé, vừa phủi bùn đất cho nó vừa mắng:
- Sao mày dại thế hả cháu? Nó là con rắn đấy chứ có phải con lươn đâu. Nó mà cắn cho một cái thì chết toi chứ còn gì?
Thằng Trình phụng phịu đứng giữa sân. Chết à? Nó sợ cóc gì chết. Đã mấy lần nó thấy người ta chết, họ nằm như ngủ, có gì lạ đâu? Nó chỉ thấy tiếc con lươn hùi hụi. Thế là mong ước cho mẹ một bát cháo lươn đã tan thành mây khói. Nó đã hình dung ra cảnh mẹ nó đi chợ về, sung sướng húp bát cháo lươn của nó, tuy nóng nhưng mẹ nó lấy làm mát lòng mát dạ vì thằng con biết thương mẹ. Còn nó , nó vừa nhè nhẹ quạt mát cho mẹ vừa sung sướng nhìn bà, nó sẽ thấy mẹ nó béo, đẹp ra như một bà tiên trong chuyện cổ tích.
Giờ đây, con lươn đã biến mất, nó lại là một con rắn. Trong lòng cuTrình không cảm thấy sợ mà chỉ thấy tiếc. Hơn lúc nào hết nó lại ước mong bắt được một con lươn thực sự. Nó đã hứa và nó sẽ quyết tìm cho ra được con lươn ấy, dù là phải dành ra cả cuộc đời. Và rồi mẹ nó sẽ vui lắm. Nó tin chắc là như vây.
Thứ Hai, tháng 11 16, 2009
CON LƯƠN
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Hai, tháng 11 16, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
16 nhận xét:
Bác QT ơi. Nếu là "văn" thì được, chứ nếu là "thật" thì tôi không tin. Vì cái thằng cu lăn như cục đất ấy làm gì chả đã biết đến rắn tự bao giờ ấy rồi. Với lại tôi tin chả dễ bắt được rắn vào cổ như thế đâu.
Nếu là "văn" thì ông cho thằng cu ấy chết sẽ vừa thật, vừa "thắt nút". Thầy Chi Phan bảo thế, lúc tôi còn bé ấy.
TQ ơi! văn mà thật như đếm thì toi rồi tôi cũng mần " Nhà văn" được.
Nhà văn có nhiều chuẩn, nhưng hai chẩn "Hư" và "cấu" phải có và nhuyễn nuẫ là đằng khác. KHông biết Tt "Hư" đến cỡ nào mà " cấu " ra răng,song vắn hắn hay đấy chứ.
Có ai bảo không hay đâu. Nhưng mà trốn vào trong cái xó này thì "cấu" thích hơn :-)
Tôi vốn ít chữ nghĩa, như đã nói,nằm khườn thì tâm sự dăm ba câu với anh chị em cho vui ,nhất là trong thời điểm hiện tại ,khi có người thân của bạn ta đã yên nghỉ thì hơn lúc nào hết ,ta thể hiện niềm thương kính mẹ cha để góp một phần vào tình yêu lớn của con người,đó là tính nhân văn vậy.
Tôi cũng đã viết nhiều, phần lớn là loại văn có tính mà người ta hay gọi là thiếu nghiêm túc ,tuy vậy ,với những bài thuộc phạm trù tình cảm, nhất là đối với cha mẹ thì thực tình không dám bông phèng,rắn thì có nhiều loại, có thể đấy chỉ là con rắn nước vô hại hoặc con giun chẳng hạn , vấn đề ở đây là tinh thần và ý chí của thằng bé. vì tình thương yêu đối với mẹ ,nó có thể làm bất cứ việc gì. trong đời thực tôi chỉ mong thằng bé đó còn giữ được tình yêu thương đối với cha mẹ nó đến tận khi nó đi đổ bô cho mẹ mà vẫn không thấy thối!
Thỉnh thoảng tôi "trích giảng văn học", ném đá, dội gáo nước lạnh để đổi món. Anh QT đừng cả nghĩ mà lại giấu văn đi là không được đâu.
Bây giờ hàng ngày anh vẫn sang chăm bà cụ. Về nhà vắng vẻ, không giãi bầy các thứ ra thì buồn chết, anh em tôi không muốn vậy đâu.
@Tt : Ông viết hay lắm. Tôi không " mổ xẻ " ông như H.T vì hắn ta thật như đếm. Quan trọng là người đọc thấy toát lên tình người, nhất là tình cảm của một thằng nhỏ dành cho mẹ của nó. Tình cha, tình mẹ thì trong văn chương có nhiều rồi.
Tôi cũng đồng ý với PH, mục đích chính tác giả muốn đưa ra trong câu chuyện là gì , cái này người ta gọi là"tư tưởng chủ đề"à , có phải ko các bạn , lâu quá tôi ko bàn về v/đ này nên quên .HT đòi"thắt nút"gây "choc"như vậy cũng hay nhưng ác quá , buồn quá . Đời thằng bé đã đủ buồn, đùng bắt buồn thêm nữa .
Cháo rắn hổ bổ hơn cháo lươn. Tội nghiệp cu Trình chưa đến tuổi đi nhậu nên chưa biết.
Mà cái anh Tt này viết mỗi ngày một lên tay.
Sao mà ko khí buồn tủi quá vậy, pác QT! Nếu bài viết ra đời cùng thời với ông đầu xứ Tố, Nam Cao... có khi được đưa vào phụ lục Trích giảng ấy chứ!
Cám ơn pác!
4 SG
Bác QT ơi thằng bé đó làm mất con lươn hay con rắn thì cũng thế thôi.
Tiếc thật đấy , bọn nhậu thời nay tiếc thì đã đành rồi nhưng ai đã từng sinh ra và sống ở nông thôn như tôi thì còn tiếc đến ngẩn ngơ , vì mất một bữa ăn có chất đạm cho cả nhà . Nhất là thời còn bao cấp tôi
gửi QT mấy câu thơ của nhà thơ Bế kiến Quốc nói về Thanh Hóa thời mà ông Hà trọng Hòa làm bí thư nhé
Bạn từ thanh Hóa ra Hà nội
Thoạt nhìn như một bác nông dân
Bữa cơm mừng gặp thêm thịt cá
Cầm đũa bạn ngồi nhìn rưng rưng
Dục gắp đi thôi thì bạn khóc
Vợ con trong quê thèm cả cơm.
...
Có đứa bé thơ thương mẹ ốm
Liều sang xóm khác trôm con gà
Bị bắt đưa lên trụ sở xã
Suốt đêm người ta đánh khảo tra
Có người cho thuốc sâu vào cháo
Bắt các con ăn rồi bố ăn....
QT ơi ngày xưa thế đấy.Lẽ ra QT đừng để thằng bé làm tuột con rắn mới phải tội nghiệp nó quá lẽ ra
mẹ nó cũng còn có được tý thức ăn
để còn sức mà đi cày .
Cái ông từ Thanh Hóa ra đấy là một nhà văn vì viết bài " Cái đêm hôm đấy là đêm gi" Mở đàu cho một thồi kỳ đổi mới ở đất nước ta .Bị đánh phải chạy ra trốn ở HN .
Còn nhà văn Nguyên Ngọc lúc đó là tổng biên tập tờ Văn Nghệ cho đăng
bài đó thì bị nghỉ.và mới vó thơ tặng ông :
" Hai lần đất nước đứng lên
Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm
Hại thay một mạch nước ngầm
Cuốn trôi " Đất Quảng với Rừng Xà Nu"
QT ơi:Thằng cu Trình cũng nghịch lắm phải không,còn một thằng nữa cơ.hồi học lớp 5 trường Lương Yên có một thằng bắt một con rắn nước bỏ vào cặp cô giáo,kết quả bị một trận đòn băng cái roi Bưởi to bằng 1/2 cái cổ tay,nhớ đời.Năm sau lên trại Cau,đi câu đêm,tưởng được cá trê,nào ngờ được chú Cạp Nong,dỉ nhiên chỉ có món nướng.Cũng thương Mẹ lắm nên một đêm trước ngày về Hà Nội trèo lên cây Cau chổ B2 hái được mấy nhánh mang về làm quà cho Mẹ,dẫu biết rằng Bà không ăn Trầu đã lâu rồi.Nó có hiếu đấy chứ và nó sướng hơn thằng Trình vì nó được học ở Trỗi T nhỉ...
ĐC: nghịch thì thằng này số một,tám tuổi nó một mình bơi vượt sông Kiến giang,nó còn dám chui qua gầm xe ôtô đang lùi nữa kia. chín tuổi nó biết le gái rồi , nhưng đúng là không bằng ông tướng bắt rắn bỏ cặp cô giáo , chắc cô này không phải Quế quá,còn nhớ bẻ cau cho mẹ dù biết bà không ăn trầu nữa thì hai thằng ngang ngửa. mới biết tình yêu thương đối với mẹ của chúng ta là vô bờ.
TO: ĐD Tay Phùng gia Lộc này là một nhà văn hiện thực XHCN nhưng không gặp thời, "Cái đêm hôm ấy đêm gì" cũng là một dạng hiện thực trần trụi làm chúng ta đau lòng, tuy tay này bức xúc vì chính cá nhân anh ta mà bật ra một tác phẩm gây nhiều sóng gió, dù sao cũng công nhận anh ta đã dám nói lên sự thật, nếu không có những người như vậy ,không biết" tắt đèn " còn tồn tại bao lâu nữa.
Cảm ơn QT , đúng rồi nhà văn Phùng gia Lộc.Nhân QT nhắc đến tác phẩm
" Tắt đèn" tôi xin kể hầu các anh em
chuyện này cũng mong anh em phán xét xem sao.Tôi nghe có người nói cái nhà chị Dậu ấy cũng không được tốt như chúng mình đã học.Chị ấy không giám hy sinh vì chồng con? Không bằng Thúy Kiều .Thúy Kiều dám bán mình để chuộc cha " Nghĩa là T Kiều dám bán cái chữ Trinh đáng giá ngàn vàng" Mà thời đó người con gái được người đời tôn trọng vì giữ đươc cái trinh tiết của mình.Thế còn cái nhà chị Dậu kia thấy chồng bị bắt bị đánh ,bị bỏ đói đến lả người đi.Chị đang tâm bán cả con , cả đàn chó mà không dám bán cái " Ấy " Cho cụ cố
lây tiền cứu chồng con.Mà khổ nỗi chị Dậu đã 3 con rồi làm gì còn trinh ...Khổ thế đấy mong các bác phán xét xem xem ai hơn ai để tôi còn tranh luận với người ta .
ĐD buồn cười thật!có thế mà không hiểu,T.K bán mình vì biết chắc thằng mua không cần viagra.Còn chị Gà nông dân mà khôn phết, lão cố phều phào thế chắc cái ấy nghỉ hưu lâu rồi, chả bõ! hê hê
Có hai anh Trỗi bàn về hai "nhân văn" (nhân vật văn học). Anh nào là anh nào đây?
HT: tôi đang cố lái Đ D ra khỏi mặc cảm đói nghèo của qua khứ, bởi vì đói nghèo là chuyện xưa rồi, ở ta bây giờ đói nghèo là có tội , đâu đó cảnh cậy chức quyền hiếp đáp dân thường vẫn còn nhưng không phải có tính phổ biến , chuyện cũ ta có thể nhắc lại để thấy được cái ấu trĩ của một thời ngộ nhận,ở đây ta chỉ nên dừng lại ở những câu chuyện tình cảm hoặc nếu được thì trêu chọc nhau chút đỉnh, không thì ubuntu hoặc thơ ca ..vv nhường việc to tát cho người có trách nhiệm làm .xin lưu ý rằng con rắn hay con lươn của tôi chỉ có mục đích chuyển tải thông điệp về tình yêu thương của con cái đến cha mẹ , những người mà chúng ta chỉ có cơ hội báo hiếu một lần duy nhất mà thôi ,không ai có thể tái sinh để nếu có ân hận thì làm lại .
10:10:00 ICT Thứ ba, ngày 17 tháng mười một năm 2009
Đăng nhận xét