Chủ Nhật, tháng 11 22, 2009

SINH VIÊN “ĐI CÀY”

Hồi đầu những năm 1970, sinh viên VN ở các nước Đông Âu nói chung chưa có kiếm tiền bằng cách kinh doanh mua bán như sau này, mà chủ yếu là đi lao động chân tay khi có nhu cầu. Tụi tôi khi đó ở Đông Đức cũng vậy thôi.

Thời gian này ở Đông Đức nói chung rất khan hiếm lao động. Hồi đó tệ nạn môi trường chưa căng thẳng như bây giờ, các nhà máy của Đông Đức lại hầu hết đều sử dụng lại từ thời Thế chiến 2 nên ống khói lớn là nhà máy lớn, ống khói nhỏ là nhà máy nhỏ - “Chết đói, tìm ống khói mà đi” - Cứ thế mà tiến! Việc làm là chắc chắn có, chỉ phải xem bao nhiêu tiền mà thôi. Còn việc nặng, nhẹ - dễ, khó … không phải là vấn đề lựa chọn của sinh viên. Không có việc gì khó, chỉ sợ … ít tiền!

Tụi tôi đã tham gia chẳng thiếu việc gì : bốc xếp, quét đường, đào đất, làm gạch, làm xi măng, giết mổ heo, bồi bàn, rửa chén … đủ cả, nhưng có lẽ công việc được các sinh viên nước ngoài (không chỉ VN) ưa chuộng nhất là làm tại Khu liên hợp luyện –cán Thép. Chẳng phải công việc hay ho gì, mà vì ở đây cho phép làm 8 tiếng – nghỉ 8 tiếng – rồi lại làm 8 tiếng ngay nên rút ngắn được thời gian. Tranh thủ cuối tuần 2 ngày nghỉ là có thể làm được tới 4 ca : tối thứ 6 – chiều thứ 7 – sáng CN – tối CN. Kiếm được gấp đôi các nơi khác chỉ có 2 ca cho 2 ngày. Theo quy định, sau 4 ca như vậy là phải nghỉ ít nhất 24 tiếng mới được làm tiếp. Nhưng có lần, tôi kẹt quá, mượn giấy của thằng khác về trước “tranh thủ” luôn ca chiều CN. Vì tụi Tây nhìn VN đứa nào cũng như nhau nên đâu có biết. Còn AE mình thì : mày ham thì mày chết. Vậy là nguyên ngày CN tôi làm 3 ca liền. Đúng là … Sáng thứ 2, về đến nhà khoảng 10 giờ sáng, tôi lăn đùng ra ngủ tới 3 giờ chiều … ngày thứ 3! Không ăn uống, ỉa đái … không gì hết.

Quay lại chuyện đi cày. Khu liên hợp luyện –cán Thép Riesa, miền Nam Đông Đức là nơi “tụ họp” đầy đủ các “quần hào” sinh viên quốc tế (vì tụi Đức rất ít khi đi làm thêm) từ Châu Phi tới Nam Mỹ, từ Trung Đông tới VN, mà đông nhất là VN. Ở đây có một cái Trại (Lager) là dãy nhà chứa được tới hơn trăm thằng. Mình cứ đăng ký vô làm là được nhận 1 cái giường để ngủ trong 8 tiếng nghỉ đợi tới ca sau. Nhưng vào các ngày lễ, tết như Nô-en chẳng hạn thì phải đăng ký trước cả tháng mà có khi vẫn hết chỗ vì vào những dịp này tiền công tăng gấp đôi, trong khi có ở nhà thì cũng chẳng biết đi đâu, làm gì khi không có tiền!

Ở Trại, cứ tới giờ lên ca, ông Meister (Thợ cả) lại ra đứng đầu nhà gào lên : Mohamet Ali, Sanvaldor Tevez, Ngu-en Phan Chi, T’ran Hu Ti … đi Martinwerk 2 (xưởng đúc thép lò Mac tanh số 2)! Thế là cả bọn lục tục chạy ra tìm tên mình, nhận giấy giao việc đến xưởng có yêu cầu. Đứa đi lò đúc, thằng tới xưởng cán, bộ phận tháo dỡ khuôn … nói chung đủ cả, không thiếu khâu nào trong dây chuyền cán luyện gang thép.

Nhẹ nhất là làm ở bộ phận gom sắt vụn. Ở đây sắt vụn đã được đưa về chất thành núi. Một cái cần cẩu nam châm điện hút lên bỏ vào các “gáo” xếp dài trên mấy toa tàu lửa (“gáo” có kích thước khoảng 4m x 1m x 1m). Nhiệm vụ của tụi tôi là dùng tay “sắp xếp” các mảnh phế liệu lớn cho lọt vào từng “gáo” không nằm lưng chừng giữa 2 cái để khi đổ vào lò nấu không bị rớt ra ngoài. Nói chung là cần cẩu làm hết, mình chỉ chọc chọc vài cái cho có và hết ca thì về lãnh 25 mark đông Đức (theo giá chợ đen hồi đó là 6 mark = 1 USD). Ít tiền nhất.

Khổ nhất, nhưng cũng nhiều tiền nhất là làm ở khâu xuống vôi. Vôi được chở về trên những toa xe lửa. Mỗi toa chứa khoảng 4 tấn. Các toa vôi được đẩy đến vị trí quy định. Tại đây khi mở 2 cửa toa thì thẳng ngay phía dưới là 2 cái lỗ hầm. Chỉ việc cào một cái cho vôi rớt xuông lỗ là ok. Nhưng thực sự không “dễ ăn” chút nào. Mỗi thằng làm ở đây sẽ được trang bị 2 cái xẻng (vì có thể xẻng sẽ bị gẫy giữa chừng) có kích thước lưỡi khoảng 5 tấc x 5 tấc (chỉ công vác xẻng chắc cũng đáng 5 mark rồi!). Đồ bảo hộ thì là quần liền áo, kín mít từ trên xuống dưới và được phát thêm một cái được gọi là khẩu trang, đó là một miếng vải dài khoảng 7 tấc, rộng 15 cm bằng ka ki dầy như cái quần zin vậy! Gấp đôi lại, bít lên mũi, cột vòng ra sau gáy thấy muốn tắc thở luôn. Ấy vậy mà chỉ làm khoảng 15 phút là cảm thấy nó vẫn chưa đủ dầy, bụi vội cứ liên tục xông thẳng vào tới tận óc.

Sau khi nhận toa, mỗi toa có 2 thằng với nhiệm vụ phải xuống hết trong ca (thực chất chỉ là 7 tiếng, vì có 30 phút nghỉ giữa ca và 2 lần 15 phút đầu, cuối ca để chuẩn bị và kết thúc). Để hoàn thành công việc trong thời gian đó, kinh nghiệm của các CN chuyên nghiệp truyền lại, chỉ có một cách duy nhất đó là đứng chéo chân chèo, một tay cầm cổ xẻng, một tay cầm đầu cán rồi cào cào tận lực, nếu mỏi thì đổi tay trái qua phải, phải qua trái hay đổi chân. Vậy thôi. Không nghỉ, không nói chuyện vì sẽ không đủ thời gian. 7 tiếng 1 động tác duy nhất!

Vôi bột chứa trong toa gỗ nên hút ẩm đóng lại cứng ngắc. Mỗi lần bập xẻng xuống thấy muốn dội ngược tay lên. Đã thế, cán xẻng được làm theo kích cỡ tụi Tây, nên hơi quá với cho dân ta, nhất là mấy thằng lùn như tôi. Chỉ vài cào đã thấy mỏi tay rồi. Trong toa kín (chỉ hở cái cửa để cào xuống) bụi vôi bốc lên mù mịt, xộc thẳng vào mũi, nước mũi chẩy ra dầm dề. Những đứa chưa có kinh nghiệm vội xỉ mũi thì chỉ nửa tiếng là bắt đầu đến máu. Máu mũi cứ thế chảy ra ướt dầm khẩu trang thì không thể làm việc được. Kinh nghiệm là cứ để kệ mẹ nó. Một hồi nước mũi quện với vôi đóng cứng thành cục, khỏi chẩy! Thở bằng miệng.

Cục vôi đóng ở mũi sẽ phải để nguyên cho tới hết ca. Khi về Trại, tắm rửa sạch sẽ xong (vôi lòn vô tới tận đáy quần lót!), thay quần áo đàng hoàng rồi mới ra bồn rửa mặt xì mũi, cậy cục vôi. Lúc này máu cứ thế mà chẩy ra, chẳng có cách gì cầm được. Ngửa mặt lên trời, 2 tay cầm mấy miếng xúc xích, bánh mỳ và chai sữa (đã mua sẵn khi trên đường từ xưởng trở về) từ từ đi về giường mình nằm xuống, rồi cứ ngửa mặt lên thế mà ăn uống, Xong là ngủ luôn, không trở mình. Cho tới lúc chuẩn bị lên ca sau là hết liền. Mọi vấn đề lại trở lại như xưa!

Công việc này là khó nhất, không phải ai cũng làm được. Tôi cũng chỉ dám “liều mình” làm vài lần khi quá túng thiếu. Có thằng bạn VN cùng học với tôi, thường xuyên đi ca này, nhiều tới mức tụi Tây phải gọi nó là Meister (Thợ cả). Coi vậy nhưng lúc lãnh tiền thì thấy ham. Nếu xuống hết 2 tấn vôi /1 thằng thì sẽ nhận 50 mark. Nếu làm xong sớm chút đỉnh, còn thời gian dọn dẹp vệ sinh toa tàu và xung quanh cái lỗ xuống vôi là thêm 10 mark nữa liền.

Để các bạn tưởng tưởng ra số tiền này nhiều thế nào. Tôi xin đưa ra đây vài con số “tài chánh” : Ăn cơm sinh viên (trưa, chiều) chỉ tốn 100 mark / tháng (không có CN). Giá một túi gạo loại bình thường, 450 gram đủ cho 2 thằng ăn 1 bữa có 1,4 mark. Một ly café đen bán trên máy tự động là 0,5 mark. Nhưng một bữa nhậu bình dân (2 tới 3 thằng) tốn khoảng 100 mark. Một cái quần zin hiệu Levis giá 82 mark. Cái xe đạp Mifa (đời sau của Diamant) giá 280 mark. Xe máy Mokick thì hơn 1.200 mark chút đỉnh ….

Vậy đó, muốn “hưởng thụ” thì chỉ có “đi cày” mà thôi!

H1 : Lò Máctanh ở Riesa

H2 : chờ tàu ở sân ga Riesa sau 1 đợt cầy.

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ủa, tại sao đăng sau lại được chèn lên trước? Mới đầu cứ tưởng đăng ko được.

HMK6

HữuThành.Nguyễn nói...

Trong chỗ đăng bài có cái tùy chọn, đặt giờ hẹn thì nó sẽ đang theo đó. Có điều lạ là lão Tt "hâm" hẹn 8h sáng mai mới "lên sàn", ấy vậy mà nó lên ngay.

4 SG nói...

Nói chung, nước Đông Đức thù lao cho lao động thủ công năng nhọc xứng đáng để tái sản xuất sức lao động. Nên dân lao động phổ thông ít ăn cắp vặt. Vậy mà bài học căn bản đó Bộ Tái chính, Lao động Việt Nam không bao giờ thuộc được. Mà hậu quả nhởn tiền là trò xà xẻo, hạch sách kể từ lớp lao động hạng bét tới ... tham nhủng ở mọi cấp lao động.

4 SG

TranKienQuoc nói...

Cũng gian nan như quét tầu sau này. Hôi hám, nhưng may mà dân Đức không lao công vào ngày nghỉ cuối tuần, nên còn có nơi cày để kiếm tiền.

AK7 nói...

Thảo nào khi chúng nó về thằng nào thằng đó quần jin "Levis",đạp xe Diamant hay Mifa (cao hơn chút là Mokick)mặt thì "Lơ vê",ngó lại mình trần vải Tô châu thấy mà tủi....!

Nặc danh nói...

Hí hí...! Còn các pác đi tàu dìa thì chẳng có cái quái gì hết, trừ mấy cái bị rách... (để dể qua mặt HQ)

Hề hề hề...!

Cũng tại NN ko thuộc cái bài thù lao xứng đáng cho lao động thui...

4 SG

Nặc danh nói...

Như vậy về mặt An toàn-Vệ sinh Lao động, anh Đông Đức có vấn đề. Nhưng nhờ có vấn đề nên mấy anh Cộng mới có tiền sắm Mô kích.
HCQuang

Nặc danh nói...

Hồi ấy cu cậu "bột" dễ thương thế nhỉ?