Thứ Tư, tháng 6 25, 2008

TAM ĐẢO

Vì đã trót vui mồm vui miệng « khoe » là biết rõ Tam đảo , « đất Thánh » của các « giáo sư » DHQS, nên xin góp thêm ra đây vài chuyện tôi « gặt » được ở Tam đảo. Chuyện xuống Thác Bạc, vào Rùng Rình, đi hái dâu da hay đi vác sặt thì thôi không kể ( chuyện vặt !). Chỉ xin kể ra đây hai kỷ niệm để góp chuyện.

1. Gặp anh nuôi Hoàng Cầm
Vì dân Trỗi đa phần là « chiến sĩ QDNNVN » từ trong trứng nên tôi cam đoan là ai cũng biết ở VN ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có ba người nổi tiếng tên là Hoàng Cầm . Một là nhà thơ Hoàng Cầm, người đi « tìm lá diêu bông » ở « Bên kia sông Đuống ». Hai là trung tướng Hoàng Cầm mà lý lịch trích ngang của ông chắc là ace Trỗi biết rõ hơn tôi và ba là anh nuôi Hoàng Cầm, tác giả của bếp Hoàng Cầm mà không một người lính nào không biết.
Học tập các chú bộ đội (tự bé lúc nào cũng được giáo dục là phải noi gương các chú bộ đội nên tôi rất thấm nhuần), tôi rất hay đi dân vận khi ở Tam đảo (thời gian khỏang đầu những năm 80). Một lần rẽ vào một nhà để hỏi mua bí đỏ (bí đỏ ở Tam đảo quả nhỏ nhưng rất ngon), tôi gặp một bác gái rất vui tính. Bà đang sao chè nên mời tôi vào bếp ngồi chơi nói chuyện. Vì sao chè rất lâu nên tôi có đủ thời gian tỉ tê hỏi bà đủ chuyện. Bà bảo dân Tam đảo đa phần là người ở Nam hà lên làm thuê cho Pháp khi người Pháp xây khu nghỉ mát này. Người làm thợ xây, ngừoi làm vườn , người nấu ăn và quan trọng là trông nom nhà cửa cho chủ suốt mấy tháng mùa đông không ai lên Tam đảo. Những người có dịp hay lên Tam đảo đều biết nhiều khi Tam đảo mù mịt trong mây, trong mù, đứng cách vài mét đã không còn thấy gì. Tam đảo hồi trước rất biệt lập, nếu không có xe cơ quan tiếp tế thì chỉ có nước ăn cơm với muối, chứ nhiều khi ngọn su su lớn không kịp với nhu cầu. Tôi hỏi bà chủ nhà ngày xưa ở Tam đảo chợ búa thế nào thì bà bảo, hồi trước Cách mạng tháng Tám, mỗi tuần có một phiên chợ ở chỗ dốc gần nhà Ủy ban, dân ở dưới Vĩnh yên, dân bên Lập thạch, dân Sán dìu đem hàng lên bán nhiều lắm. Hai bác cháu đang trò chuyện vui vẻ thì ông chủ nhà đi rừng về. Ông nhỏ người, trầm tính. Thấy ông vào sân bà bảo tôi : « Ông nhà tôi đấy cô ạ. Cũng là dân dưới Hà nam, lên đây làm anh bếp, hồi kháng chiến thì đi bộ đội làm anh nuôi. Cũng được mấy cái thành tích, bây giờ thì về nghỉ. Còn khỏe nên cũng thỉnh thoảng đi rừng chặt vài bó sặt với cuốc vài miếng đất trồng chè ». Tôi lên nhà chào ông, ngước lên tường thấy treo rõ nhiều giấy khen. Bước vào gần hơn, tôi thấy « Chiến sĩ thi đua toàn quân : Hoàng Cầm ». Bằng khen hồi đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quân năm 56-57 gì đó (tôi không nhớ chính xác). Anh nuôi, chiến sĩ thi đua, Hoàng Cầm. Nối ba cái thông tin này lại với nhau tôi chợt nghĩ không lẽ đây là tác giả của bếp Hoàng Cầm nổi tiếng. Tôi rụt rè hỏi ông : » Bác ơi, thế bác là người tạo ra cái bếp Hoàng Cầm nổi tiếng phải không ạ ? » « Đúng đấy. Có gì đâu cô, tôi vốn là anh bếp, hồi nhỏ lại cũng hay đi hun chuột nên biết cách làm bếp dấu được khói thôi mà ». Tôi chưa bao giờ là bộ đội, chưa bao giờ nhìn thấy người ta đào một caí bếp Hoàng Cầm như thế nào nhưng như bất cứ ai lớn lên ở Việt nam thời bấy giờ đều hiểu giá trị vĩ đại của nó. « Thế sau đó thì bác làm gì nữa ạ ? ». « Làm gì là thế nào hả cô , tôi chỉ biết mỗi một nghề nấu ăn, hết làm anh nuôi thì tôi phục viên về làm nông ». Không phải là nhà văn nhà báo gì nên tôi không biết chia xẻ cái thông tin này với ai, chỉ cứ cố liên kết hình ảnh một ông già bé nhỏ, ngồi bên bậc thềm của một ngôi nhà nhỏ trên một đỉnh núi mù sương nhưng mát mẻ và đẹp đẽ với những câu thơ như : « Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy »...
Ở chỗ tôi làm việc có một chú là bộ đội phục viên, có thâm niên quân ngũ trên chục năm. Một lần tôi kể chuyện gặp tác giả bếp Hoàng Cầm ở Tam đảo, chú ấy khẳng định : « Mày nhầm rồi cháu ạ. Cái ông Hoàng Cầm làm ra cái bếp nổi tiếng ấy bây giờ là tướng rồi. Một người nổi tiếng thế thì không thể về ở một cái xó không ai biết đến ở Tam đảo được». Tôi tin là mình không nhầm nhưng biết là không dễ thay đổi được tư duy của nhiều người : người nổi tiếng thế thì không thể là một người dân thường được.
Sau này, mãi đến những năm 90 có nhà báo nào đó đến Tam đảo, viết bài chụp ảnh về ông để đăng báo. Còn tôi thì nhớ mãi có một người nổi tiếng mà chẳng mấy ai biết mặt nói với tôi rằng : « Tôi chỉ biết mỗi nghề nấu ăn, hết làm anh nuôi thì tôi phục viên... ».

2. Săn đêm
Thấy anh em bàn luận rôm rả chuyện đểu, đểu nhiều , để ít, đểu thật, đểu giả tôi chợt nhớ chuyện đi săn đêm. Chỉ khi lên Tam đảo tôi mới được biết người ta đi săn đêm thế nào.
Các ông thợ săn đeo một ngọn đèn trên trán, nửa đêm vào rừng. Ánh sáng của ngọn đèn thôi miên lũ thú rừng, thường là chúng sẽ đứng im, nhưng đôi mắt của chúng sẽ phản chiếu lại ánh sáng của ngọn đèn và thợ săn cứ nhằm vào giữa hai đốm sáng đó mà bắn là trúng. Hồi ở Tam đảo thỉnh thoảng cũng có vài « con cóc » nhảy vào nhà tôi. Xin gửi tặng AE (chỉ AE thôi) « con cóc » tôi có sau khi nghe các vị thợ săn dạy cho cách săn thú rừng , coi như một comment cho cái topic về « đểu ». Ghi chú : « Con cóc » này « nhảy ra » từ năm 1983, lúc còn « trẻ người non dạ ».

TỰ THÚ
Ta là con nai lạc bầy, ngơ ngác giữa rừng khuya
Lá vàng rụng xạc xào cũng làm ta lo sợ
Rừng âm u, ta cô đơn đứng đó
Ta đi tìm một ấm lửa rừng đêm...

Ngươi là người thợ săn quá đỗi tinh khôn
Trong đêm tối khẽ bước vào rừng vắng
Ta choáng váng vì ngôi sao cháy bỏng
Người thôi miên ta, ngọn lửa bẫy thú rừng
Ta lo sợ, rẩy run mà vẫn bước không dừng
Theo ngọn lửa gọi ta vào chỗ chết

Ngừơi đã săn bao lần nên người biết
Riêng chú nai dại khờ thấy lửa một lần thôi
Nhưng lẽ nào
khi đốm sáng đầu tiên chợt lóe giữa đời
Ta lại quay mình chạy vào bóng tối ?

Tam đảo 1983
EGK9

18 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cám ơn EGk9 về chuyện Tam Đảo vì từng là dân Quân sư và từng được nghỉ ở đó 1 lần!
Tặng luôn em bài thơ Bút Tre về các cụ lảo thành được bọn trẻ trả ơn cho đi nghỉ Tam ĐAO:
Chưa đi chưa biết Tam ĐAO
Đi thì chẳng biết đường nào mà NGU
Một giường nó nhét 2 CU
Thôi thì cố gắng đến CHU nhật về!
KQ

Nặc danh nói...

Đich thị một thợ săn bantroi nào làm ngơ ngác con nai vàng rồi.Mau khai ra
Thôi thì :Ngậm ngùi thấp thoáng rừng xưa,
Nay đường rộng mở còn vương chút lòng.
Cám ơn em gái k9, chưa biết mặt.

Nặc danh nói...

@EGK9: theo báo viết, sau đó, hình như pác HC "bếp" làm thủ từ đền jì đó ở Tam Đảo...

Ngoài ra, pác HC312 đeo tới 3 sao lận.

Vài hỉu piết của Tư tui, mà ai cũng piết hết.

Nặc danh nói...

Em ơi, rọi đèn thấy 2 đốm đo đỏ (phản chiếu ánh mắt) mà kéo cò thì có ngày bắn giữa trán người ta đấy. Cứ nghĩ tới cảnh em cầm súng mà thấy hãi.
HCQuang

ĐN.K7 nói...

Cuộc gặp gỡ của bạn với tác giả bếp Hoàng Cầm tình cờ mà thật thú vị. Ông ấy nói về cái phát kiến bếp H.C của mình có gì đâu và cuộc sống của ông bà ấy thật giản dị và ý nghĩa cứ như củ khoai, bông lúa!

Nặc danh nói...

@a HChí: Mắt người cũng dễ bị thợ săn nhầm khi soi đèn đấy...!Pác cẩn thận nếu có nổi hứng bất tử máu đi săn nhé!

Nặc danh nói...

anh nuôi Hoàng Cầm đúng là con người vĩ đại.
Theo kiểu xưa : anh ko được lên lon (tất nhiên trước đó phải được cử đi học), chẳng được phong anh hùng (chiến sĩ thi đua "bèo" thì là cái gì đối với cái bếp đó)
Theo kiểu nay : Phát minh này bị lợi dụng, ko trả tiền bản quyền.
Về tương lai : Khi anh chết, thì cái danh "bét" nhất là Liệt sĩ cũng ko được vì đã ra quân và ko chết trong khi làm nhiện vụ.
Cái ông bộ đội phục viên ở chỗ EGK9 ko tin là phải.

HMK6

Nặc danh nói...

Thơ tặng EGk9 nên sửa là:
Một giường nhét tới 2 CU
Đêm không ngủ được đội MU lên đầu!
Phúc Chiến - Vũng Tàu

Nặc danh nói...

@EGk9: Đi săn thú ban đêm có mang theo đèn soi ở trán. Khi phát hiện thú thấy "bắt đèn" (2 mắt con thú nhìn thấy ánh đèn không thể rời đèn) là "pòm"!

@PChiến: Thơ Bút Tre không phải của BÚt Tre mà trở thành của nhân dân, nên khó nói cái nào là đúng, cái nào là sai. Kệ nó, nghe bùi tai và sướng là ĐƯỢT!
KQ

N.TV nói...

Người đâu mà viết hay thế!

Nặc danh nói...

Chuyện đi săn đêm thì TMinh có thể kể cả tháng không hết. Lúc nào rảnh, bác cho anh em vài bài.
HCQuang

Nặc danh nói...

Tướng Hoàng Cầm là phụ huynh của Đỗ Quang Thạch (Tịch) K8.
Vnq

Nặc danh nói...

"Hẹn gặp nhé, giữa SG!". Đòan "xiên Việt" đã tới cơ quan DMinh lúc 5.55pm. GM mới nhắn ton cho BBT.

Phú Hòa nói...

Tuyệt vời. EGK9 nghĩa là Female nhưng cái tình và giọng văn không hề đượm chút yếu đuối, ủy lụy chút nào mà ngược lại rất thật, rất tình và cũng rất mạnh bạo như anh Chí nhà chúng tớ. Đọc bài viết của EGK9 mà mình cảm như được gặp trực tiếp anh nuôi Hoàng Cầm.

Nặc danh nói...

15g 30 GM ĐC Tất Thắng và hai người bạn Leningrat...đã ngồi ở Jodeeber rồi.Tài duc AE ghê quá.Cuộc hội ngộ đông vui lắm.K4 có thêm Hồng Việt,Tiến ếch...K9 có vợ Chí nhớn,Nhân ve,Quốc Thái,Từ Ngữ,Suối.Các blogernhiệttình không thiếu em lào.Các anh Tất Thắng... tranh thủ ghê lắm,VTM cười như LX
DS

Nặc danh nói...

" Người thợ săn" trong TỰ THÚ là đơn giản và dễ hiểu. "Con nai" K9 kia mới thật đáng nể. Nỗi đam mê, khát vọng sống,niềm kiêu hãnh mới lãng mạn làm sao - " chết còn sướng hơn" là thế!
"Nai" có chịu ảnh hưởng "Bài ca chim ưng " của Maximgorki?
TM

Nặc danh nói...

1 lần săn đêm,anh thợ săn rọi đèn bắt gặp cặp mắt cực lớn.Dùng ZKK anh lấy chính giữa điềm xạ 2,3 phát cho chắc ăn(thú lớn mà).Chợt đằng trước có tiếng la:bố nào làm nát két nước xe tôi rồi.

Nặc danh nói...

Hồi xưa có bố xách cạcbin-M1 đi săn đêm. Lanh quanh thế nào lại vòng về bãi trú quân. Bố rọi đèn thấy có cặp mắt "đóng" đèn, bèn "đẩy" 1 phát, nghe tiếng hét thất thanh. Chết cha, trúng thằng nào rồi? Hóa ra 1 đ/c mình đang ngủ võng và 1 chú mèo nằm lên bụng anh ta, đèn đã rọi trúng mắt chú mèo. Cục đạn "dính" giữa trán mèo. Bắn chính xác thật.
(chuyện của anh em QK7).
HCQuang