Thứ Ba, tháng 6 24, 2008

Thú đi câu

Mặt nước phẳng lặng tuyệt nhiên không động tĩnh gì nhưng người câu cá cảm nhận được một thế giới sống động trong lòng nước, dường như họ biết thuật “Vô trung sinh hữu” tức trong cái không sinh ra cái có. Còn khi cá dính câu mà để hụt thì … trong cái có sinh ra cái không. Có, có, không, không ấy là “triết lý” của người câu cá.
“Câu cá của những kẻ đi câu giải trí tại các ao hồ nước ngọt” (gọi tắt là “câu cá”) có ba “trường phái” thông dụng. “Trường phái thong dong” là câu cá bằng lưỡi câu 1 lưỡi. Anh ta móc mồi vào lưỡi câu rồi buông câu, cần câu gác lên chạc. Khi thấy phao chìm lỉm thì, alê giật, lập tức chú cá bị móc miệng và anh dong nó lên bờ. Hình ảnh lão ông câu cá thuộc “trường phái” này. “Trường phái hiếu động” là câu quăng “ba tiêu” mà lưỡi câu là cả một chùm lưỡi tua tủa. Anh ta “quăng” lưỡi chùm ra xa bờ và giật kéo cho tới khi lưỡi câu móc vào bất kì chỗ nào của một chú cá vô đạo. Động tác của anh ta còn chuẩn xác hơn cả người du mục Mông cổ tung thòng lọng bắt bò. “Trường phái trung dung” là “câu chùm” mà tôi sẽ kể với các bạn ở dưới đây.

Cần câu: Có 3 nhóm-loại cần câu. Cần bé để câu cá bé, độ dài khoảng 3,8 – 4,2m, nặng chừng 350 – 400gr. Cần lớn để câu cá lớn, dài khoảng 5,2 – 5,4m, nặng chừng 650 – 700gr. Cần vừa để câu cá vừa dài khoảng 4,2 – 4,5m, nặng chừng 450 – 550gr. Dĩ nhiên có thể dùng cần này để câu cá kia. Xin nói số liệu trên chỉ tương đối bởi mỗi Hãng chế tạo một khác, nhưng “tiêu chí” của cái cần câu luôn là Thẳng, Nhẹ, Dẻo, Chắc, trong đó ngọn cần câu là vấn đề quan tâm số một khi chọn cần. “Nhẹ” ở đây được hiểu là trong những cần câu thuộc một nhóm-loại cụ thể và đều đạt tiêu chuẩn kĩ thuật, thì cần nào nhẹ hơn sẽ “hay” hơn, ví dụ “cần Tàu” nặng hơn “cần Hàn”, “cần Hàn” nặng hơn “cần Nhật” chẳng hạn.
Chi tiết đính kèm: Lưỡi câu là một chùm 6 lưỡi (có loại tới 8 lưỡi), ở giữa gắn cục chì làm đối trọng với phao câu. Kích thước lưỡi câu và cỡ dây câu thì tùy theo loại cá định câu mà lựa chọn cho phù hợp, cùng với rulô cuốn dây tương ứng. Phao câu cũng vậy.
Mồi thính: Thính là một hỗn hợp thơm ngon đối với nhóm-loại loại cá mà anh dự kiến câu, được vê (“hoàn”) thành từng cục. Pha chế thính là cả một nghệ thuật, sao cho nó trở thành miếng mồi dậy mùi và lâu tan trong nước.
Chuẩn bị chiến trường: Trước khi câu chừng một tiếng, tiếng rưỡi, anh ta len lén bỏ một vài cục thính xuống vị trí mà anh ta cho là “đắc địa”. Bỏ thính cũng là một bí kíp và thật không ngoa khi có kẻ so sánh nó với kế “Phao chuyên dẫn ngọc” (ném gạch đi dể dẫn ngọc về). Đúng giờ “G”, anh ta ra chỗ đắc địa nọ, pha ấm trà, thủng thẳng chỉnh phao câu: Thả câu tới khi lưỡi chùm chạm đáy thì điều chỉnh phao câu, sao cho dây câu thẳng tắp và đầu phao nhô lên mặt nước chừng 2cm là được. Chỉnh xong, anh bắt đầu vào cuộc: Một tay cầm cần (cần câu chứ không phải…), đốc cần tì vào hông hoặc bụng. Tay kia hỗ trợ cho tay chính, hoặc sử dụng khi cần chén trà, điếu thuốc.
Tác nghiệp: Anh ta cảm nhận được các diễn biến xảy ra dưới mặt nước thông qua sự xao động của cái phao câu. Anh ta ngồi lặng lẽ, không nhớ mình là ai, quên hết sự đời. Toàn bộ tình cảm của anh ta hướng về phao câu cùng các xáo động ngoại vi. Nếu như thợ lặn phải trầm xuống nước để “đích mục sở thị” (nhìn tận mắt – cơ học quá) thì ngược lại, với anh đi câu đó là “Vô trung sinh hữu”, nó mang tính tiên đoán, nó kì diệu, nó vô tận. Cái phao lay động, lay động, cái phao trồi sụt, trồi sụt, ấy là có con cá mải ăn thính mà quệt phải dây câu. Cái phao tụt xuống một chút rồi im phăng phắc, đúng cá to rồi. Giật lên, nặng tay, dính rồi. Anh ta giằng co với chú cá, và sau rốt, nó nổi trên mặt nước cùng với lưỡi câu đang dính vào hai/ba điểm bất kì trên mình chú cá phàm ăn tục uống.
Kết sổ: Với cá bé, anh giật một phát thế là chú cá … lên bờ, nhưng với cá to là cả một kì tích. Cần cương quyết mà mềm mỏng khi dong nó vào bờ. Nó lui anh nới dây, nó dừng anh ghìm néo, nó tiến vô anh thu dây, điệu nghệ như chiến thuật của du kích Trung hoa. Dong tới sát bờ, anh cầm chiếc vợt, thả miệng vợt nửa nổi nửa chìm hướng về phía đầu của nó, thế là nó tọt vào vợt. Nếu anh đưa vợt về đuôi là … sông dài cá lội biệt tăm, hoài của.

21 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ghi chú: "phao câu" trong bài viết chính là phao câu chứ không phải là Phao câu.
HCQuang

Nặc danh nói...

Tổng kết chuyên đi câu cá biển ở Nha Trang,Anh chí câu được nhõn một cái phao câu trên hồ hàng chiếu.Kể đâu có tệ.?

HữuThành.Nguyễn nói...

CQ kể chuyện lặn biển, nhẩy dù thì còn có người tin. Chứ sưu tầm chuyên môn của bọn Tuấn hủi, Hồng há, ... viết vào đây, chả bõ cho chúng bực mình?
Trong Nam hình như ở các hồ câu người ta không cho câu ba tiêu và câu lục (chùm). Vì theo họ như thế là huỷ diệt, cá nào cũng giật. Anh tìm hiểu xem thực hư thế nào.

Phú Hòa nói...

Chí Quang ơi, đừng dại mà vác vạ vào thân. Loáng quáng mà câu phải nàng tiên cá thì chết với Vân nhà ông. Đêm phải mang chăn ra ngủ gầm cầu là cái chắc.

LêThanh nói...

Bác Quang ơi! trường hợp mà giật lên không có cá mà lưỡi câu mắc trong mồm người ngồi cạnh thì gỡ thế nào? Mong bác chỉ giáo!!!

Nặc danh nói...

A.Quang:với kinh nghiệm và bài binh bố trận như thế,có khi nào lúc về phải "câu" ở chợ ko?

Gtl

AK7 nói...

Đa phần là pác HChí mua cá ở chợ Tân Định về nịnh chị nhà,mà cũng là để giảm tội lỗi của mình (nếu có).Chứ pác có piết câu mô tê gì đâu?

Nặc danh nói...

Cả đời tôi chỉ câu được 1 con cá trê trắng bằng ngón tay út, lúc 10 tuổi ở Vũng Bèo, nơi bây giờ là khu Liên hợp nhà hàng - tiệc cưới Trầu Cau, ngay Cầu Hang Trong (Gò Vấp).

Về sau này giác ngộ được lý "chúng sinh là ta", bèn ko lấy việc kiếm cơm làm trò chơi nữa. Mong các pác cũng vậy.

Vài lời ko làm rườm tai các pác.
Chúc mọi người thân tâm an lạc.

Tư.

HữuThành.Nguyễn nói...

Tư khắt khe quá.
Thời nay có rất nhiều người chơi các thể loại bóng, chơi các nhạc cụ khác nhau. Họ kiếm cơm còn mình thì chơi thôi. Thế giới khác nhau đến từng cá thể là như vậy mà.

LêThanh nói...

@Bác Tư sài gòn ơi! nếu làm được "lấy việc kiếm cơm làm trò chơi " thì là quả là may mắn và tài hoa quá vì trong "việc kiếm cơm" mình còn có cả niềm đam mê nghề nữa.

Nặc danh nói...

Bá cáo các anh.
Xin khẳng định rằng, tôi đã từng cầm cần câu không dưới 1 lần và với thời gian cộng dồn (tính từ lúc chập chững biết đi cho tới nay) là không dưới 2 phút 25 giây.

Viết để kích a.Tuấn hủi, a.Hồng há, mấy ảnh tức khí mà lên blog chưởi cha thằng mô dám múa rìu qua mắt thợ, rứa mà chưa thấy ảnh nói năng chi?
Chứ cái ngữ tôi ấy à, đồ bỏ,
Và hơn thế, tôi không tìm thấy cái thú của "câu cá học". Có hôm tôi ngồi xem kẻ khác câu, mấy lần chực ngủ gật, may không rớt xuống hồ, phải uống mấy li cafe không "độn" bắp rang mới hoàn hồn.

Viết để chọc a.HữuThành, cái anh đi Quế lâm mua cần câu mất ngọn (nhưng vẫn câu được cá to).

Chào các anh và kính mong a.Hồng hà, Tuấn hủi và các anh trong môn phái "câu cá học" có đôi lời.
HCQuang

Nặc danh nói...

À quên, bài viết này là sản phẩm của 1 cuộc phỏng vấn với 1 "nhà" câu cá. Y định thuyết phục tôi bỏ "nghề" nhảy dù, lặn biển mà chuyển sang môn nớ. Tôi mà không tỏ thái độ cương quyết thì y đã cho tôi 1 bộ cần câu Hàn quốc rồi. May quá.
HCQuang

Nặc danh nói...

HCQ có phải là hòa thượng thích đủ thứ không mà lĩnh vực nào cũng tham gia vậy?. cuộc đời được thoát hết mọi mối quan tâm khác để rong chơi như thế cũng sướng thật. chúc Q luôn có nhiều đam mê mới nhưng đừng hiểu lầm nhé.

Nặc danh nói...

Có 1 thời, câu cá là mốt ăn chơi của các đại gia. Câu cho được "con cá" 18-20 tuổi, rồi chiều về ghé chợ kiếm con 1-2 kg cho vợ.

HMK6

Nặc danh nói...

Thấy ông chồng chiều nay không đi câu, vợ thắc mắc:
- Sao vậy?
- Thấy thằng bạn câu bảo quán R ở đó đang ssss... sửa.
- ???

Nặc danh nói...

Xin lưu ý:
Trong các bài đều ghi rõ là cầm cần câu để giật cá vãng lai, TG Quý cẩn thận lại cầm cần... giật thì không ăn giải gì đâu...

Nặc danh nói...

Tóm lại HCQ chỉ đi coi người khác câu cá chứ chưa bao giờ câu cá.

Nặc danh nói...

Dù ko tham gia vào trò câu cá và có vài lời khiếm nho nhả với các pác Fisher (tự hỉu), nay tôi post một đoạn sau đây;

Có gì đâu, thì cuộc đời con người cũng gồm bởi những cguyếng lang thang, những thành công, đặc biệt là những thành công lúc đi câu, và những thất bại, đặc biệt là những thấ`t bại lúc đi câu, khi ta trở về tay không, không một con cá nhỏ nào đoái hoài tới ta. Nhưng, cần phải quang dây câu, và suốt đời phải quăng dây câu, còn có được con cá lớn hay nhỏ nào không thì không quang trọng lắm. Cái chính là cần thở hít không khí, nhìn rộng ra xung quanh và mơ ước, mơ ước cũng là một trong những thứ của cải cần thiết cho con người.

Tư SG

Nặc danh nói...

Đọc một đoạn, thấy đúng giọng văn anh Chí mà lòng không khỏi hoài nghi...hóa ra đúng là của anh Chí thật.
Anh Chí viết về đề tài này theo tôi ảnh còn mạo hiểm và liều mạng hơn cả nhảy dù.Tôi còn nhớ trong đời, anh Chí cũng có lần câu được cá, đó là lần anh anh ấy nướng cá trên ...lưng tôi!
TM

Hòa Bình nói...

@Anh TM: Em cũng ngờ ngợ giọng văn của anh Chí Nhớn, nhưng nghĩ chẳng lẽ cái gì bác Chí cũng biết.Thế mà đúng.
Chuyện nướng cá trên lưng anh TM là sao? Khó tin quá!

Nặc danh nói...

Ngửi thấy mùi cá nướng là "mắt mèo" sáng rỡ. Chuyện " khó tin quá" là phép ẩn dụ; Chuyện thật thì "hãy đợi đấy"!Công bố lúc này bất lợi cho bổn hãng.
TM