Thứ Sáu, tháng 6 13, 2008

BÁC SÁU (I)

Cả nhà đọc bài này nhé. Người viết: Huy Đức

"Anh Sáu Dân"

Sáng 24-5, Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhập viện để rồi đi mãi. Buổi làm việc chiều 23- 5, giờ đây, đã là “buổi làm việc cuối cùng” của ông. Hôm ấy, trong cơn mưa không dứt, ông say sưa nói về vai trò của người trí thức trước những vấn đề của đất nước. Những ai đã từng biết đến Võ Văn Kiệt, người chứng kiến một đội ngũ trí thức trước năm 1975 hăm hở ở lại Sài Gòn để rồi, sau đó, lặng lẽ rời bỏ Sài Gòn. Mới hiểu, vì sao ông có thể để lại dấu ấn sâu đậm và được các bậc trí thức quý trọng.
“Để Tôi Đưa Anh Đi, Đừng Vượt Biên Nguy Hiểm”
Năm 80, trong khi GS Chu Phạm Ngọc Sơn đang đi công tác ở Liên Xô, một người con của ông “vượt biên” không thành. Phải sống ở Sài Gòn thời ấy mới cảm nhận được sự dữ dội của hai từ ấy, “vượt biên”. Trở lại Sài Gòn, ông Kiệt nói với giáo sư Sơn: “Để cháu đi như vậy, có gì, tôi với anh có tội”. Vợ GS Chu Phạm Ngọc Sơn là một dược sỹ, đang làm ở một bệnh viện lớn, “giải phóng” vô, bà được xếp vào thành phần “bóc lột”, bị thay thế bởi một người yếu kém về chuyên môn. Con gái ông, sau này trở thành một bác sỹ giỏi ở Mỹ, những năm ấy, thi vô dự bị y khoa không đậu. Cho dù ông vẫn quyết tâm gắn bó với chế độ mới, lòng tin của vợ con ông vơi dần.
Biết chuyện, Ông Võ Văn Kiệt thỉnh thoảng qua lại, trò chuyện với gia đình giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, nhưng ông nhận ra mình bất lực. Ông Kiệt nói với giáo sư Sơn: “Thôi, anh cứ để cho cô ấy và mấy cháu đi, đi chính thức. Bên đó, có điều kiện cho các cháu học hành. Sau này, nếu các cháu trở về thì tốt, nếu không, tôi với anh cũng được làm tròn bổn phận”.
Cũng trong những năm ấy, ông Kiệt cho gọi Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Huỳnh Kim Báu lên, dặn: “Anh nghe ngóng, anh em trí thức lỡ ‘đi’, nếu có bị bắt ở đâu, anh phải lãnh về”. Ông Huỳnh Kim Báu nhớ lại: “Một lần, nhận được tin công an Bình Thuận bắt giam kỹ sư Dương Tấn Tước về tội ‘vượt biên’, ông Kiệt cấp giấy cho tôi, ra Bình Thuận ‘di án’ về TP HCM thụ lý”. Ông Báu kể, khi bước vô trại giam, anh Tước thấy tôi, mừng quá định kêu lên, tôi phải giả vờ làm mặt lạnh, bước tới, còng tay anh Tước. Dọc đường, tôi cứ phải làm thinh mặc cho kỹ sư Dương Tấn Tước ngơ ngác. Qua khỏi Bình Thuận, tôi mới mở còng và giải thích: “Công an Bình Thuận mà biết, người ta chụp đầu cả tôi”.
Đích thân ông Kiệt nhiều lần đến các trại giam để bảo lãnh các trí thức. Theo ông Phạm Văn Hùng và Nguyễn Văn Huấn, hai người giúp việc thân cận thời đó của ông, hình thức “xử lý” đối với những trí thức vượt biên của “Anh Sáu Dân” là kêu tụi tôi đích thân đi làm lại hộ khẩu và sổ gạo cho họ. Một trong những trí thức mà ông Kiệt rất quý trọng là kỹ sư ngành dệt Phạm Văn Hai. Khi ông Hai vượt biên bị bắt, ông Kiệt vào trại giam, nói: “Khi nào không ở lại được nữa hãy nói với tôi, anh đừng đi như thế, nguy hiểm lắm”.

Không có nhận xét nào: