Không định mà hôm nay lại đi chùa Hương. Nguyên do từ hôm qua V.Thắng "khêu gợi" một chuyến đi không định trước điểm đến. Mấy thằng hẹn nhau sẽ đến thăm Quốc Dũng tại công ti nó, rủ nó rồi mới xem là đi đâu. Vừa đủ một xe với cả V.Thắng, T.Lai, C.Minh và Q.Dũng.
Quốc Dũng có sáng kiến mời anh em thăm miếng đất 12 nghìn mét vuông cậu đang chuẩn bị đầu tư phát triển Công ti, ở Thường Tín. Thăm xong miếng đất, ở phía Nam của Thành phố, tôi đề xuất bây giờ đang tiện hướng đi Chùa Hương. Cả bọn đồng ý, thế là dù hơi muộn chúng tôi vẫn đến chùa Hương, sau khi dừng ăn vịt cỏ Vân Đình.
Cơ sở dịch vụ của địa phương cho du lịch chùa Hương bây giờ đã khác trước nhiều. Bến đò xây kè khang trang rộng rãi. Bây giờ là mùa vãn cảnh nên không bị đông đúc, bến Đục lại càng giống "quảng trường" nước dài hàng trăm mét.
Không giống câu chuyện ngày xưa cách đây hơn 30 năm lần đầu chúng tôi đi Chùa Hường, bây giờ không có lối đi bộ, chỉ có duy nhất đi đò. Ngồi đò hết suối Yến, đến bến cuối cũng lại một bãi đỗ thuyền dài hun hút, kè xi măng chắc chắn. Nhìn hàng đợi soát vé nhiều cửa lối đò lên mới thấy quy mô của dòng người ngày hội. Đường lên Thiên Trù là đang được mở rộng ít nhất là gấp 6 lần đang được xây dựng với hai lối đi bộ hai bên và một lối xe đi ở giữa.
Ga cáp treo ngay một bên chùa Thiên Trù, cách một bức tường đá cao, tạo sự tách biệt cảnh Thiền và phương tiện. Chúng tôi không vào Thiên Trù vì trong đó cũng đang là một công trường với hai tháp bê tông đang mọc lên hai bên, nhưng hình dung trong đầu thì cảnh chùa với bức tường này và tháp to kia sẽ không còn cái vẻ khói hương hoà lẫn cỏ cây trầm mặc xưa. Ga cáp treo cũng với một bãi hàng đợi soát vé nho nhỏ. Mùa này ít khách, chúng tôi phải đợi có khách thêm hoặc hết hi vọng họ mới cho cáp chạy.
Chùa Giải Oan nép bên vách núi đá trên đường lên động Hương Tích. Ngày trước đi lên thấy Chùa phía trên cao. Bây giờ đi cáp có thể xuống ở ga giữa, vào thăm rồi ra đi tiếp. Từ trên cáp treo, cảnh chùa Giải Oan, và cảnh núi nói chung bây giờ nhiều cây to hơn.
Người ta đã bị cấm lấy chất đốt, được khuyến khích giao đất trồng rừng nên không chỉ vùng Chùa mà cả các ngọn núi cây xanh cũng nhiều hơn. Thấy có rất nhiều cây sấu, xoan là cây kinh tế, nhưng cũng có rất nhiều cây gạo mọc hoang. Mùa hoa gạo nở từ trên cáp có lẽ cũng thấy rất đẹp.
Tới ga cuối, nhờ người ta bấm hộ một kiểu ảnh từ trên cao. Phía xa là đồng lúa chín, núi non và ngay gần là 5 "con ma". Mặt mày đen xì vì không lắp đèn khoẻ, cái đèn cóc trên máy không đủ bù ngược sáng.
Nhờ vào một cái cây chết khô từ trong lòng động mà khi trở ra chúng tôi biết ga cáp treo ở cao phía sau lối vào động Hương Tích. Từ đây đi xuống một chút, vòng phải ra cái gọi là Hương Tích Kiều (cầu vào động Hương Tích) để lên cửa động. Thực ra cây cầu này không bắc qua cái vực sâu hẽm núi nào mà chỉ mở lối đi, tạo bãi chờ rộng rãi, và quan trọng là có chỗ cho bán hàng lưu niệm.
Cửa vào động vẫn vậy, một khuôn đá cổ với dòng chữ "cửa động Hương Tích" bên trên (không đọc được chữ Hán, chữ Nôm, cú quá).
Lối xuống cũng thế, không có gì khác. Mà thực không nên chờ có gì khác, vì với Động, nó thế là vừa đủ. Lòng động mùa này vắng vẻ. Các khối đá bệ thờ và các cấu trúc khác đã được tời xuống đang chờ xếp đặt. Lần mươi lăm năm trước đến đây với đội Thế Nam, Dương Minh, Việt Thắng, ... hai bên hai dãy sạp ăn uống ồn ào rất phản cảm. Người ta nói bây giờ vào mùa Hội trong này không có chỗ đứng, chả nói ăn uống hay làm gì.
Khói hương ám khá nhiều, ngày Hội khói hương cộng với khí núi làm cho trong này mờ ảo. Nhưng mà đốt hương như đốt núi, chả nên tí nào.
Từ động Hương Tích ra chúng tôi lại lên cáp treo xuống núi và lên đò, không thăm thêm một nơi nào khác, vì đã muộn, ngồi đò cả tiếng đồng hồ chứ có ít đâu.
Suối Yến chiều về phẳng lặng (văn ra như thế chứ cũng giống mọi khi).
Phía sau là dãy núi có "Nam Thiên Đệ Nhất Động" (lời phong của Trịnh Sâm?) đang tối dần.
19h30 chúng tôi về tới HN với một lời khuyên cho các bạn rằng nơi này có thể là một khu vãn cảnh tốt nếu có thời gian và chỉ mua các dịch vụ (thắng cảnh và đi đò) ở đúng nơi của nó, tại trạm bán vé bên bến Đục. Ở đây chúng tôi thấy rất nhiều cò, khẳng định cho những lời đồn đại đã nghe, sơ sẩy là sẽ bị chúng chăn (văn hoá du lịch Hà Tây nói chung).
Riêng với tôi bây giờ chùa Hương có thể chỉ thích hợp cho những người cầu cúng, hướng dịch vụ của nó cũng dường như là thế. Chứ để vãn cảnh thì có quá nhiều "dịch vụ chèo kéo", nỉ non xin xỏ làm hỏng bầu không khí tĩnh lặng mà mình muốn hưởng.
Chủ Nhật, tháng 9 16, 2007
Chùa Hương
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Chủ Nhật, tháng 9 16, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Thông tin thêm:
- Chùa Hương cách HN khoảng 60km. Đi theo đường HN-Hà Đông-Ba La-Vân Đình-rẽ trái theo đê không vào Tế Tiêu-rẽ phải theo lối đi Chùa Hương-đến bến Đục, rẽ phải qua cầu đến trạm bán thu phí dịch vụ đò và tham quan thắng cảnh.
- thời gian ngồi đò 1 giờ cho mỗi chiều đi.
- Giá chính thức: 22 nghìn Đồng tiền tham quan và 20 nghìn Đồng tiền đò cho mỗi người. Các khoản phí khác tuỳ tâm và ... tuỳ bị ép buộc.
- Cáp treo: 60 nghìn Đồng khứ hồi người lớn, 1/2 thế cho trẻ dưới 1m2. Một chiều 30 nghìn hoặc cao hơn (không đọc kĩ).
Đọc bài này lại nhớ bài DMinh viết cho tập 2 "Thịt lướng" cùng nhiều ảnh đẹp (mà hiện diện lại là mấy mặt quen của lính Tổng hợp).
Năm 1993, tôi từ SG ra ăn Tết đã đi Chùa Hương cùng gia đình Nam Hòa và Mai Anh (chuyện xưa). Chả hiểu đã "ốp nộp" đầy đủ chưa mà khi trở ra, đò cặp vào Đền Trình trả vé (lại chuyện ngày xưa), đò lật. Tôi bị ngã xuống nước. May mà nước nông. Khi về Mai Anh phải bật má sưởi liên tục, may không sưng phổi. (Sau này xét lại hóa ra khi chủ đò rời thuyền lên bờ nộp vé đã tạo ra phản lực đẩy đò ra xa. Ông Nam Hòa hỏang hốt vội bám vào búi cỏ trên bờ nhưng với không tới, càng làm đò xa bờ. Thuyền mất cân bằng làm tôi chới với rồi ngã xuống sông, ướt hết.
Đăng nhận xét