Thứ Sáu, tháng 9 14, 2007

Leipzig đón Tuấn-Sơn "ton".


15.36´ chủ nhật 09.09.2007, đang ở nhà thằng con tại thành phố Stuttgart (Tây Đức) thì có chuông điện thọai. Đầu giây bên kia vang lên giọng nói "hơi khê" ( sặc mùi rượu) :
- Có phải Quang xèng không? tôi đây, Sơn "ton" đây.
- Hallo, Sơn "ton" đấy à? đúng rồi, Quang xèng đây. Đang ở đâu đấy? Sao bây giờ mới fôn cho tôi?
Mừng quá , Sơn ton đã xuất đầu lộ diện sau hơn một tuần biệt tăm ở Châu Âu, không để Sơn kịp trả lời, tôi nói rõ to vào loa :
- Bao giờ thì về Leipzig chơi với bọn tôi?
Rất chậm dãi ( có lẽ chưa tỉnh Rượu), Sơn kể rằng : Suốt hơn tuần nay phải "chạy như ngựa" từ Pháp sang Anh, hết Paris lại Luân Đôn, đến tối thứ 7 mới được Chính "còi" ( K5, em anh Giới K3) đón về Berlin từ sân bay Frankfurt am Main. Từ sáng đến giờ, được mấy đứa "em út" ở Berlin đưa đi tham quan thành phố. Sau vài câu thăm hỏi, Sơn bảo tôi rủ Quí nhẽo, Võ Hùng lên Berlin chơi với tụi nó, chứ chúng nó (đoàn có 3 người, trong đó có Thắng "ngớ" K5, em của Trần Quyết Tâm khóa ta) không có thời gian và phương tiện về chơi Leipzig. Chiều tối thứ 3 chúng nó phải bay về VN rồi.
Nghe Sơn ton nói vậy, tôi ngán quá. Nó không hiểu trời đất gì hết chọi.
Thứ nhất : lúc này đã gần 4 giờ chiều rồi, từ Stuttgart về Leipzig hơn 550 Km, cộng thêm hơn 200 Km quãng đường từ Leipzig đến Berlin là gần 800 Km. Nếu phóng thật nhanh, còn hơn cả Phú Hòa phi đi Bu-Đa-Pét, thì "tròm trèm" cũng mất đứt 10 tiếng đồng hồ trên xa lộ. Đấy là chưa kể vô phúc tắc đường thì... có mà đến "mùng thất" mới tới Berlin.
Thứ hai : Ngày mai là thứ hai, ngày đầu tuần, Quí nhẽo thì lo nhập cả Công-tơ-nơ hàng mới để bán trong tuần. Võ Hùng cũng vậy, cũng phải lo nhập cả xe tải quần áo, giầy dép cho 2 Shop "thời trang". Còn tôi, lo vắt óc tìm cho ra "vài chiêu" mới cho bọn võ sinh nó tập trong tuần, chứ có được rảnh rang như các "bố" ở nhà đâu. Vì thế, khả năng "phi" đi Berlin gặp tụi nó gần như bằng không. Dù nghĩ vậy, nhưng không muốn để thằng bạn buồn, nên tôi cứ hứa bừa với nó :
- Bây giờ tao phi về Leipzig, khỏang 10 giờ đêm sẽ đến nhà. Tao sẽ trao đổi với Quí và Võ, nếu mai chúng tao đi Berlin được thì sẽ fôn cho mày.
Tuấn Sơn OK liền.
Cũng may, vào tối chủ nhật, trên xa lộ chỉ có dân Đông Đức nườm nựơp kéo sang Tây Đức để sáng mai đi "cầy" sớm, còn hướng ngược lại sang phía đông thì ..." Đường ta rộng thênh thang 8 thước". Nhấn hết ga suốt quãng đường dài, bỏng rát cả gan bàn chân, gần 10 giờ đêm tôi cũng mò về đến nhà. Định fôn cho Quí và Võ, nhưng sợ chúng nó đã đi ngủ để lấy sức cho "cuộc chiến" tuần sau, nên tôi lại thôi. Gọi cho Sơn ton để báo cho nó vậy. Bấm số của nó, thấy chuông đổ liên hồi nhưng không thấy ai cầm máy.
Sáng hôm sau, khỏang 8 giờ , nhấc máy fôn cho nó. Đầu đằng kia vang lên giọng Chính "còi" :
- Quang xèng đấy hả? Tối qua mấy đứa đàn em đưa tụi tôi đi " Rượu, Bia" đến tận 2 giờ đêm mới về. Sơn ton đang say giấc, chốc nữa nó dậy tôi sẽ bảo nó fôn cho ông.
Đùa vui,tôi hỏi :
- Chỉ "Rượu, bia" thôi à? thế có món ...Tây kia không?
Thấy Chính" còi" chỉ cười mà không nói gì.
Lúc sau Sơn ton gọi cho tôi và thông báo :
- Ông biết Phương "nâu" không? dân Posdam, chốc nữa nó sẽ mang xe đến đón cả đoàn về chơi nhà nó. Sau đấy nó sẽ đưa chúng tôi về leipzig gặp các ông.
Bọn tôi lạ gì Phương "nâu". Nhà nó ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Sang Đức cùng thời với bọn tôi. Hiện giờ nó là "đại gia" ở Posdam chuyên buôn đồ cổ (giả) "xuyên quốc gia". Tôi hỏi tiếp :
- Thế kế họach từ nay đến ngày mai như thế nào?
Sơn ton trả lời :
- Khỏang 15 giờ bọn tôi đến Leipzig, ở chơi vời các ông khoảng 2 tiếng, sau đó bọn tôi sẽ "phi" đi Magdeburg ngay, vì tối nay lại có hẹn với một hội "chiến hữu" ở đó rồi. Sáng mai đi Frankfurt Main xem triển lãm Ô-Tô. Tối mai bay về VN rồi.
Chà! bọn này đúng là "ngựa vía" . Bỏ bao tiền của mò sang đây thăm bạn bè mà cũng chỉ ở chơi đuợc một hai giờ đồng hồ, tôi nghĩ vậy. Nhưng dù sao thì "có còn hơn không". Quá vui. Tôi OK liền. Bấm máy fôn cho Quí nhẽo. Không gặp Quí. Nga, vợ Quí, nói là Quí đang đi giao cả một xe hàng cho khách. Mừng cho thằng bạn, mới là ngày đầu tuần mà Quí đã "hái" ra tiền rồi. Lại bấm máy fôn cho Võ Hùng. Võ Hùng đang ngồi "ngáp vặt" vì vẫn chưa có ma nào đặt chân vào Shop, giọng hắn hơi ỉu :
- Ai đấy, " sếp nhớn" hả ? (Võ vẫn gọi vui tôi và Quí nhẽo là sếp nhớn) Có chuyện gì đấy?
Sau khi nghe tôi thông báo "Đòan đại biểu trong nước" gồm : Sơn ton,Thắng "ngớ" và Hưng "cố đạo" chiều nay sẽ tới Leipzig thăm tụi mình, giọng Võ vui hẳn lên :
- Hay quá, anh fôn cho anh Quí và đi liên hệ nhà hàng ngay đi, nhớ tìm nhà hàng nào ngon ngon một tí. Hoặc là về nhà em hay nhà anh nhậu lai rai cũng được.
Cả ba thành viên trong đoàn, Võ đều thân quen cả. Sơn ton, Thắng ngớ thì rõ rồi, còn Hưng "cố đạo" thì cũng đã một thời làm ăn với Võ khi còn ở VN thì phải. Đương nhiên là nó vui rồi.
Tôi OK. Việc này không khó đối với tôi. Nhậu ở nhà cũng được, nhưng hơi kẹt vì không dám tán bậy, tán bạ trước mấy "sư tử Hà Đông". Bạn bè lâu ngày mới gặp chắc có nhiều chuyện "bậy bạ" để tán phét lắm. Đang phân vân thì Quí nhẽo fôn đến, hỏi có chuyện gì. Tôi thông báo cho Quí và trao đổi với nó về việc tiếp đón đòan Sơn ton. Quí nhẽo vui vẻ nói :
- OK đi. Vui là chính. Mày cứ liên hệ quán đi và fôn cho bọn tao biết.
Rất nhanh chóng, bọn tôi đã chọn được quán ăn "Người Hà Nội" trong khu chợ Đồng-Xuân của người VN. Chủ quán là em Hường, dân chợ Mơ, đẹp như mộng.
Đúng giờ đã hẹn, bọn tôi có mặt tại quán để đón Sơn ton. Khoảng 15´ sau thì "phái đoàn" tới. Cả bọn ra đón tận cửa xe. Những nụ cười, những cái bắt tay thật chặt sâu nặng tình nghĩa "lính Trỗi". Sau vài ba phút thăm hỏi, bia tươi được mang ra ( chất lượng có lẽ chỉ kém bia Joodee của Kiến Quốc chút đỉnh) . Cụng li mừng ngày gặp mặt. Đồ ăn nhanh chóng được bày ra bàn. Đầy đủ nem "Thủ Đức", rau cần sào cá chép chiên, giò lợn chiên giòn, canh cá chua Sài-Gòn... Phương "nâu" đã chuẩn bị sẵn 2 chai Vodka. Rượu được giót "tràn li". Tiếng cụng li chan chát như thay lời chúc mừng của đôi bên ( trong nước và ngòai nước). Sơn ton thốt lên :
- Anh em ở Đức tình nghĩa quá.
Cái đó thì rõ rồi, "Khổ lắm,nói mãi". Sau một hồi " Joode" , cả bọn ôn lại những kỉ niệm cũ khi còn học trong trường Trỗi. Những vui buồn của cuộc sống hiện tại. Vui. Lẽ ra theo kế họach thì chỉ "khui" một chai Vodka và "phái đoàn" chỉ ở chơi 2 tiếng. Nhưng vui quá, không dừng được, cả bọn "đi" luôn 2 chai (một điều tối kị ở nước Đức với những kẻ lái xe như bọn tôi) và tán phét cũng được gần 3 giờ đồng hồ. Em Hường, chủ quán, thấy bọn tôi chuyện trò vui như ...hội, ngạc nhiên lắm và cũng chạy ra vui vẻ bắt chuyện. Đến khi nghe Quí nói rằng, bọn anh chơi với nhau đã hơn 40 năm qua thì mắt mồm của em tròn xoe, đày vẻ thán phục. " Các anh trường Trỗi tình cảm với nhau thật", em thốt lên.
Cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc. Đã đến giờ "phái đoàn" phải đi Magdeburg. Chỉ tiếc chúng nó không có thời gian đến thăm từng gia đình anh em ở đây. Hẹn dịp khác vậy. Lại chụp ảnh, lại những cái bắt tay và ôm hôn trong cảnh bịn rịn. Chào và hẹn gặp lại.

Trong Ảnh Đầu trang ( từ trái qua phải) : - Hưng "cố đạo", Chính "còi", Phương "nâu", Quí nhẽo, Thắng "ngớ", Sơn ton, Quang xèng và Võ Hùng.

13 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Hay lắm. Đọc Quang xèng mà sướng như có mặt. Thế thì cần quái gì đi đâu, cứ đọc bài của các "cụ" là được rồi.
Nhưng hình như QX viết trong lúc chưa tỉnh rượu, chưa nhớ ra là sư tử k9 cũng đọc.
Nhưng mà nghe các ông nói nhấn ga rát cả chân mà tôi sợ. Lại thêm một lí do để không ra khỏi VN!

xeng nói...

Nhớ chứ Hữu Thành, "Sư tử" nhà tôi cũng đã trở thành một "đệ tử" của Blog này từ lâu rồi,"ả" đọc thường xuyên. Cái "nghiện Blog này " của "ả" hình như xuất hiện từ hồi tôi về chơi VN. Lúc đầu là theo dõi "từng bước chân " của tôi suốt từ Hà Nội đến Sài Gòn, xem có "phốt" gì không ( như tình báo theo dõi trên báo chí vậy). Sau xem mãi thành "nghiền", quên mất việc "theo dõi". Cũng may, mình luôn là người đàng hoàng nên "ả" không kiếm được cớ gì để "đì" mình cả.Tôi, Quí nhẽo, Võ Hùng : Những kẻ đứng đắn nhất rồi.
Hỏi nhỏ HT : Châu Nguyên đã khỏi chân chưa? Cho gửi lời thăm nhé.
Quang xèng.

HữuThành.Nguyễn nói...

Lâu lâu rồi chưa hỏi thăm Châu Nguyên. Khỏi hẳn thì chắc chưa nhưng sau lần mình đến thăm thì Châu Nguyên nói sẽ đi làm vì đã có thể di chuyển được. Sẽ gọi điện hỏi thăm và nhắn lời Quang xèng.

Nặc danh nói...

Nhập gia tùy tục Hữu Thành à. Đi xe ở bên này không thể đi chậm được, thậm chí trên xa lộ còn không được phép chạy xe dưới tốc độ 80 km/h. để không cản trở giao thông. Ở Việt Nam thì các bác tài không dám dấn ga cũng phải thôi vì mới có đường " cao tốc " chứ chưa có xa lộ. bên này không có ngã ba, ngã tư cắt ngang và hoàn toàn không có cảnh mấy chú thanh niên hoặc mấy cụ già dép lê quèn quẹt chạy ngang đường, nhìn kinh bỏ mẹ. Tất nhiên ở bên này khi đã xẩy ra tai nạn trên xa lộ thì thường kéo theo cả chuỗi vì các xe hay chạy " bám đít nhau ", phanh không kịp.
Hữu Thành cứ làm chuyến du hành qua đây rồi bọn tôi chở đi chơi, vài lần thì sẽ quen thôi. Cái gì nó cũng có số định trước rồi. Nói theo chủ nghiã duy tâm thi khi mà nó đến thì có cố tình tránh cũng chẳng được.
Phú Hòa

Nặc danh nói...

Hoan hô QX, quả ông cũng thành nhà báo được rồi đấy!HT đã khen giùm rồi nên tớ cóc ăn theo đâu." Phóng sự" của ông cũng đáng mặt lắm, cũng dẫn dắt, thắt mở đủ cả. Anh em bị bố xỏ "chạc trâu" vào mũi dắt theo sự kiện;hồi hộp, hi vọng, thất vọng,le lói,bất ngờ, vỡ òa niềm vui...Cảm ơn vì đã cho chúng tớ được "sống" ở bên ấy với các bạn.
Chào các bạn Qx,Quí nhẽo, Phú Hòa, Võ...
Phóng sự TÔI LÀM ĐẠI SỨ của Phú Hòa, chỉ biết khen một câu là: Pro.OK? Vì bọn chúng sướng quá.

HCQuang nói...

Bài tường thuật khá sống động, đọc mà cảm thấy như đang trong cuộc. Hồi xưa Quang xèng giỏi toán, dốt văn, nay phát về hậu vận. Văn võ song toàn. Được.
Riêng về chuyện đãi tiệc: mấy chú ta sang tây thì lẽ ra phải cho nó ăn cơm tây để biết mùi vị tây (cơm ta nó ăn mãi rồi).

xeng nói...

Chí Quang nhầm rồi.Tôi hỏi ông nhé :
Ông ăn "cơm" mãi có muốn ăn "phở" không? Có chứ gì? ( "cơm" và "Phở" ông hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều được cả). Ông ăn "phở" cũng chỉ được dăm bẩy bữa là cảm thấy chán và rốt cuộc lại quay về với "cơm",đúng không? Sơn ton đi chu du châu Âu đã 1 tuần. Từng ấy ngày phải ăn cơm Tây (cũng như ăn phở vậy), chán ngứ ra rồi,rất thèm cơm, vì vậy chiêu đãi cơm ta là "hơi bị đúng". Ngòai ra ở bên này, nêú vào quán "cơm Tây" thì một nguyên tắc "bất di bất dịch" là : ngậm miệng ăn chậm,nhai khẽ và không được nói, cười...hô hố. Thế thì còn gì là sướng khi mà dân ta chỉ muốn vừa ăn vừa tán phét và được cười nói xả dàn. Thế đấy Chí Quang ạ, ông chỉ giỏi trên trời và dưới biển,còn trên mặt đất thì vẫn còn... ngu ngơ lắm. Chịu khó biến sang đây một thời gian sẽ hết ngu ngơ liền à.Quang xèng.

Phú Hòa nói...

Quang xèng nói rất chi là chí lý. HCQ chịu thua rồi. Vào ăn quán Tây mà ông chỉ cười to một cái, húp thìa súp đánh xoạt một cái là bọn xung quanh lườm ông như lườm ... không sướng đâu. Nhiều thằng Tây sang du lịch ở Châu Á về đã phát biểu ( trên báo ) là sang đó mới hiểu được là dân Châu Á thích húp xụp xoạt, nhai tóp tép vì như vậy mới thưởng thức được cái ngon của nó.
HCQ sang Tây mà được mời vào quán Tây xịn với một bát súp ( nếu ăn bữa trưa ) và một xuất ăn chính thì chắc sẽ chán ngấy. Ở đây không có cái cảnh thức ăn đầy bàn, muốn chọn món gì cũng được. Ở bên này mỗi người một xuất, anh nào thuộc kén ăn và phàm ăn thì thiệt lắm.

HữuThành.Nguyễn nói...

Hôm nào sang Quế Lâm, du lịch bụi, vào quán cơm bình dân húp canh xoàn xoạt, nóng cay hít hà cho nó giống người ta nhé.
Tôi và K.Quốc, 2003, đã từng ăn quán bình dân ở gần Phủ Triệu (hay Minh?) Vương nhỉ. Nhưng mà hình như mình ăn muộn nên quán không có mấy người ăn?

HCQuang nói...

Năm ngoái tôi qua Kali (Mỹ), lang thang đi bộ, rồi ghé đại vô 1 quán ăn tự phục vụ. Tên các món ăn thì không biết, may có hình vẽ minh họa, bèn chỉ đại 1 hình thấy đường được - trả tiền - chờ 1 chút - nhân viên gọi - mình ra bưng khay về bàn ngồi. Chẳng biết món ăn này nó thuộc nhóm nào, là món mặn, hay là món bánh, hay là...? Nó giống như, sau bữa tiệc búp-phê, người ta đổ tất cả các món dư thừa vào nhau, trộn lên, nấu cho nó khô lại, rồi múc ra dĩa mời mình ăn. Nó là 1 thứ mềm mềm, lộn xộn, có nhiều dinh dưỡng, không mất nhiều công sức khi nhai. Thêm nửa lít Coca mà Mỹ nó gọi là "Coóc". Trong 3 tuần liền, trưa nào tôi cũng ghé vô 1 tiệm "ăn nhanh" hoặc "ăn chậm" mà mình ngẫu nhiên gặp trên đường, kêu đại 1 món mà mình chưa gặp, uống với Coóc hoặc bia Mỹ, và rồi nó cũng không khác món mình ăn bữa trước là bao, và cũng lại không biết nó là cái giống gì. Hỏi 1 anh Việt kiều thì ảnh lè lưỡi "không biết. Anh hay thiệt đó, chứ tôi thì không thể nuốt nổi cái đồ ăn của Mỹ. Đồ ăn Mễ (Mehico) cũng vậy". Có 1 lần được ăn con "cua Vua" (hình như nó hấp hay luộc) với bia Mỹ, thấy rất ngon, nhưng rất đắt. Sau chuyến đi, lên được kílô rưỡi.

HữuThành.Nguyễn nói...

Chí Quang chuyến này đi TQ với bà Vân, làm sao ăn uống kiểu đó được.
Chuyện của anh giống chuyện của tôi, dù không sang tới Mỹ để lập kỉ lục.
Hồi năm 75 vào tiếp quản SG, lần đầu có tiền ra chơi chợ bèn mua quả sầu riêng ăn cho nó biết. Nghe người Nam nói quá mà. Lúc ăn thấy nhão nhoét, mùi lạ, nhưng mà là chuyện nhỏ. Lần sau gặp người Nam, họ lại hỏi, đắc chí nói "chuyện nhỏ". Họ không tin hỏi lại cho chắc xem có đúng là sầu riêng mà bộ đội Bắc ăn được. Nghe tả lại thì họ nói "đúng, đúng là sầu riêng. Hơn nữa lại là sầu riêng hỏng. Vậy mà các chú ăn được, giỏi". Khổ quá, nghe nói khó ăn thì "khó khăn ta quyết vượt" thế thôi chứ đã biết mô tê thế nào đâu mà bỏ.

Nặc danh nói...

Thông báo với HCQ tao đang làm thủ tục đi thăm xứ Hàn. Lần trước anh em cứ nói mãi món "chân vịt hầm bia" nhưng đúng ra chỉ là xơi "nước miếng". Lần này không có "hầm bia" nữa mà lợi nhuận sẽ giành cho anh em ít ra là một bữa Jodee. Nếu OK thì gặp tao thương thảo và ký hợp đồng. Anh em quan tâm thì tham mưu cho tôi các điều khỏan của hợp đồng. Nếu đúng kế họach là đi ngày 9/10 về ngày 14/10, anh em ta sẽ có một chầu nhậu dịp 15/10 mà không phải "lệ quyên"! DMinh

Nặc danh nói...

Mày nên rút kinh nghiệm của tao để "chơi" với Chí Quang.Theo tao thì hỏi KQ xem nếu ăn uống "phả phê" ở Jôde hết bao nhiêu rồi cộng với tiền gốc để kí với Chí Quang (nhớ cộng thêm khỏan "tham mưu" này của tao vào, vì tao có được ăn nhậu đâu, khi nào sang đây mình lấy tiền đấy đi ăn "phở"). Quang xèng.