Thứ Ba, tháng 2 20, 2018

Mâm quả chưng bàn thờ ngày tết

(chuyện trong bàn nhậu)

Nếu như miền Bắc thường chưng mâm ngũ quả, với mỗi quả mang một ý nghĩa sâu xa, thì miền Nam thường cúng trái cây có tên gọi trùng với ngôn ngữ mà họ muốn khấn. Ví dụ họ mong muốn “cầu (cầu mong sao cho trong năm có tiền, vật chất) vừa đủ xài (là mãn nguyện rồi, không nhất thiết phải dư dả)”, thì họ chưng trái Mãng cầu (quả na), trái Dừa, trái Đu đủ, trái xoài (và không nhất thiết phải gồm mấy loại trái) bởi vì, theo ngôn ngữ địa phương:

Trái mãng cầu sẽ đọc tắt là “cầu” (mà không đọc tắt chữ “mãng”),
Trái dừa ngôn ngữ địa phương đọc là “d-zừa” và được hiểu là “vừa”,
Trái đu đủ sẽ đọc tắt là “đủ” (mà không đọc tắt chữ “đu”),
Trái xoài ngôn ngữ địa phương đọc là “xài”,
Và như vậy câu khấn sẽ là “cầu vừa đủ xài”.

Một ông nhậu nói, tui nghĩ ta nên thêm chùm tiêu sọ và như vậy mình sẽ đọc là “cầu vừa đủ tiêu xài”. Câu văn như dzậy sẽ  hoàn chỉnh hơn.
Ông thứ hai đế vào, thêm chùm tiêu sọ thì phải sắp đặt trái cây cho đúng thứ tự, chứ ông đặt sai là tiêu rồi.
Đặt đúng thứ tự là sao?
Ông đặt chùm tiêu đúng thứ tự là vào ô số 4, thì ông sẽ đọc “cầu vừa đủ tiêu xài”, đúng chưa cha nội, còn ông đặt vào ô số 2 thì ông sẽ đọc “cầu tiêu vừa đủ xài”, chà chà, bể “mánh”.
Ừa … vậy … thôi, bỏ “tiêu” cho chắc ăn.

Ông thứ ba kể, quê tui năm rồi đuông(*) phá quá, mất mùa dừa, may vú sữa trúng vụ, thành thử mới có trái cúng bổ sung.
Ha, ha … ông thứ nhất cười, vậy chắc ông khấn rằng “cầu vú vừa đủ xài” đúng chưa.

(*) Con đuông – một loại sâu sống trên cây dừa, chà là, “chuyên trị” ăn đọt (ngọn) đừa. Nếu không bắt kịp thời thì dừa sẽ lụi. Được cái là con đuông ăn rất ngon nên bá tánh mới ra sức diệt đuông.

Không có nhận xét nào: