Thứ Ba, tháng 12 29, 2015

TIN BUỒN: Phạm Việt Hải k4 mất

Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin chồng, cha, ông chúng tôi: Bác sĩ PHẠM VIỆT HẢI
sinh ngày 29/01/1950.
- Nguyên là Phó khoa Giải phẫu Bệnh lý Bệnh viện Chợ Rẫy.
- Giám định viên pháp y Trung Ương
Sau thời gian bệnh nặng được gia đình và toàn thể các Y Bác sĩ Bệnh viện 115 tận tình cứu chữa. Do tuổi cao, bệnh nặng ông đã từ trần lúc 5 giờ 30 phút ngày 29 tháng 12 năm 2015 (nhằm ngày 19 tháng 11 năm Ất Mùi)
- Lễ nhập quan lúc 14 giờ ngày 29/12/2015 (nhằm ngày 19/11/Ất Mùi)
- Lễ viếng bắt đầu lúc 14 giờ 30 phút ngày 29/12/2015, tại 199/4 đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, TP.HCM
- Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 31/12/2015 (nhằm ngày 21/11/ Ất Mùi)
Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Gia đình đồng kính báo.
(Tin từ FB https://www.facebook.com/hai.phamviet.71/posts/1728229030745604)

Thứ Ba, tháng 12 15, 2015

Chuyện về Hậu duệ đời thứ 31 của Lý Thái Tổ

Năm 1994, có một người từ Hàn quốc tìm về đền Đô (*), là Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng thúc Lý Long Tường, và là đời thứ 31 của Lý Thái Tổ, về bái yết tổ tiên sau 768 năm. Tháng 3/1995, ông về đền Đô lần thứ 3, chuẩn bị cho đoàn hậu duệ nhà Lý ở Hàn quốc về dự hội đền Đô vào rằm tháng 3 âm lịch. Trẩy hội đền Đô năm ấy đã có mặt 48 vị hậu duệ nhà Lý ở Hàn Quốc.

Lý Long Tường, một đô đốc hải quân có tài, con thứ bảy của vua Lý Anh Tông. Năm 1226, sau khi nhà Lý mất ngôi, ông đem gia quyến và các đồ thờ cúng, long bào, vương miện, thượng phương bảo kiếm từ đời Lý Thái Tổ, cùng 6.000 người, từ cảng Vân Đồn vượt biển đi tị nạn. Đoàn thuyền dạt vào bờ phía tây Cao ly (gần Pusan ngày nay), được vua Cao ly giúp đỡ. Truyền thuyết kể rằng, đêm trước, vua Cao ly nằm mơ thấy một con chim Phượng hoàng đến đậu ở bờ biển phía tây, hôm sau được tin Hoàng tử Đại Việt xin tỵ nạn.

Vua Cao ly cấp cho ông một vùng đất rộng lớn. Tại đây ông lập ra “Lý Hoa thôn”, và xây ngôi đình làng kiểu đình làng Việt nam. Hàng năm, vào dịp lễ tết, người Lý Hoa thôn dù đi làm ăn xa đều trở về làng ăn tết, cũng có “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Khi cúng lễ, vị Tiên chỉ mở “Quốc phả” đọc cho con cháu nghe về nguồn gốc Lý Hoa thôn. Người dân Lý Hoa thôn khấn vái, đầu hướng về phương Nam cố quốc. Phong tục nối tiếp qua nhiều thế hệ.

Năm 1232 quân Mông cổ (Đại hãn Oa Khoát Đài) xâm lược Cao ly, Lý Long Tường cùng tướng sỹ gia tộc và dân địa phương đẩy lùi quân Mông cổ.

Năm 1252, sau khi chiếm được bắc Trung quốc, Mông cổ xâm lược Cao ly lần thứ hai. Triều đình phải lánh ra đảo Giang hoa. Lý Long Tường cùng dân địa phương kiên trì chiến đấu. Ông sử dụng binh pháp Đại Việt đánh cho giặc nhiều trận thua to. Ông được phong là “Hoa Sơn tướng quân” và dòng họ của ông được gọi là “họ Lý Hoa Sơn”.

(*) Đền Đô là tên gọi di tích thờ các vị vua, là Đền Lý Bát Đế (hay Cổ Pháp điện), ở xóm Thượng, làng (xã) Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng), thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - nơi thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý.

Lý Thừa Vãn – Tổng thống đầu tiên của Đại hàn Dân quốc – cũng là cháu đời thứ 25 của Lý Long Tường. Trong chuyến đi Sài gòn ngày 6/11/1958, ông nói “Tổ tiên tôi là người Việt nam”.

Sử Hàn quốc còn phát hiện một dòng họ Lý khác – dòng Lý Dương Côn, cũng là hoàng tử nhà Lý vượt biển tới Hàn quốc vào năm 1150 (trước Lý Long Tường 76 năm). Đời thứ 6 của dòng họ này có Lý Nghĩa Mẫn, từng làm thừa tướng Cao ly 14 năm.

Hình:
- Ông Lý Xương Căn về Việt nam năm 1998.
- Lễ trao Tộc phả cho hậu duệ nhà Lý.
- Ông Căn và đại gia đình tại Phủ Chủ tịch (ông nói, là người Việt nên đề nghị gọi ông là Căn chứ không gọi là Lý).

Thứ Bảy, tháng 12 12, 2015

Già làm việc nhỏ

Cả đời chả làm việc gì lớn, thôi thì già hưu cứ tiếp tục làm việc nhỏ :-)
Nói chuyện "xóa mù tin học", ông ThB hăng hái nói nhà có một chiếc bỏ không dùng, muốn lấy cứ việc tháo đĩa cứng để lại. Nhậu xong leo lên nhà, hóa ra là cái thân máy bàn đời còn lắp bảng mạch mô đem quay số (ADSL có cách nay mươi năm). Đã lỡ xin rồi, mà chê sợ nó cáu, đành phải ngật ngưỡng chở về, mà bằng xe đạp thể thao mới khổ.
Mãi rồi cũng có ông QT, nhà đồ họa, nhà thơ, nhà nhạc. Ông có cực nhiều tài nguyên và thành phẩm số trong cái máy bàn mà bảng mạch tự nhiên lăn đùng ra chết. Chỉ có thể bù đắp mất mát này bằng... cái máy "dở" mà tôi đang có; vậy là nên duyên. Ngật ngưỡng sau xe thể thao, trao tay vào ngày đẹp trời ở quán cà phê, "nàng" về với lão cách đây chắc 2 tháng? Vậy mà hôm qua cậu nói tới xem giúp, nó chả lên.
Mãi rồi với tay tôi nó... cũng chả lên, chỉ biết chắc một điều là pin trên mạch đã hết, cần thay nếu còn muốn dùng, trong lúc này cứ tạm thế cũng không sao.
Kết cục là: đây nhé tôi cho đĩa CD Live Ubuntu máy lên ngon lành, muốn làm gì cũng được. Cái đĩa của ông là Windows, tôi chịu.
Đến việc nhỏ cũng chả xong!

Thứ Năm, tháng 12 10, 2015

CHUYỆN XƯA-NAY



    Rời Nakhon Phanom trên đất Thái,  thăm nơi Bác Hồ đã từng hoạt động (7/1928- 11/1929) đoàn chúng tôi trở về đất Lào hiền lành , mến khách.
   Ngày mai, quốc khánh lần thứ 40 của Lào rồi, chi bằng tôi kể cho các bạn “chuyện xưa-nay” lồng  chút tình cảm riêng tư trong đó.
   Nào, chúng ta cùng tìm hiểu Ông Hoàng Đỏ của nhân dân các bộ tộc Lào. Hoàng thân Xuphanuvong sinh ra và lớn lên ở Luang Prabang, Hoàng thân là người con ưu tú của đất nước và nhân dân Lào. Bạn rất tự hào: Thật hy hữu, trên thế giới chỉ có duy nhất một ông hoàng  cộng sản(!).
    “Đầu thế kỷ 20, Lào có 3 tiểu vương, về hình thức phụ thuộc Kinh đô Viên Chăn nhưng tương đối tự chủ. 3 tiểu vương đó là : Chăm pa xắc ở Nam Lào, Viên Chăn ở Trung Bắc Lào là Chính phủ Trung ương và Luang Prabang ở Bắc Lào. Quốc vương Xisavang Vong ở Viên Chăn còn Phó vương Bun- Khoổng đóng đô ở Luang Prabang. Phó vương có 11 hoàng tử và 13 công chúa.  Hoàng thân Xuphanuvong, sinh 13-7-1909 tại lâu đài Xi-xu-văn-na-hô-khoăm; là con trai út của Phó vương. Mẹ Hoàng thân là bà thứ phi Khăm-uộn xuất thân trong gia đình bình dân”. Theo như lời của hướng dẫn viên thì do thành phần xuất thân của bà,  Phó vương sẽ không bao giờ được làm vua. Phải nói trong hoàng tộc có những quy định rất ngặt nghèo, vậy mà Ngài vẫn bất chấp để đến với tình yêu?! Thật đáng nể!
Rồi đến chính Hoàng thân XPNV và anh Chính( con ông) cũng lấy vợ Việt, kể gì chuyện môn đăng hộ đối ! Phải chăng, tư tưởng tiến bộ đã gặp  những người có tính cách mạnh?
“Phó vương Bun- khoổng là người yêu nước, chống Pháp. Năm 1920 Hoàng thân sang Hà Nội học. Tháng 10-1931, Hoàng thân sang Pháp du học, học dự bị tại Trường đại học Saint Louis và học đại học tại Trường Cầu đường Quốc gia, khoa Xây dựng các công trình dân sự. Năm 1937 Hoàng thân tốt nghiệp kỹ sư cầu đường và về làm việc tại Sở Giao thông Công chính Trung kỳ . Ngày 19-1-1938, Hoàng thân kết hôn với bà Nguyễn Thị Kỳ Nam ( 17 tuổi). Bà mang tên mới Viêng Khăm Xuphanuvong. Hoàng thân tham gia thiết kế nhiều công trình công chính ở Việt Nam. Tiêu biểu là đập Bái Thượng (Thanh Hóa, Tháp nước Phan Thiết”.
“Có một sự quan sát tiêu chuẩn của lịch sử hậu thuộc địa rằng những học giả được giáo dục kiểu phương tây sau này sẽ trở thành lãnh đạo của các phong trào chống chủ nghĩa thực dân. Những người được Pháp giáo dục như Phetxarāt, Suvannaphūmā và Suphānuvong có lẽ sẽ xác định trường hợp này ở Lào, nhưng trên thực tế tất cả họ đầu tiên đều là những quan chức Lào và sau đó mới là những trí thức có tinh thần quốc gia, thậm chí Suphānuvong cuối cùng trở thành nhà lãnh đạo tinh thần của nước Lào xã hội chủ nghĩa”. Nhận xét này đặc biệt thú vị, nó phần nào giúp tôi lý giải được “hiện tượng” nhiều nhà cách mạng chống thực dân nổi tiếng VN lại học từ các trường thuộc địa pháp ( Xem bài "Trường quốc học Huế" …bên blog Bạn trường Bé).
Trước khi đi Lào, KQ cho tôi số phôn của anh Chính:
-         A lô ! chào anh Chính, em là Minh con của…em đang ở Viên chăn đây.
-         Ủa, con chú Sáu hả, rồi, rồi…kẹt chút công việc nhưng anh sẽ đến ngay. Tiếng anh hồ hởi reo vang trong máy.  Thông tin đã được kết nối sau 60 năm xa cách. Một tín hiệu vui!...
Xin trở lại “chuyện xưa”một chút: Năm 1954, cha tôi họp Hội nghị Giơnevơ về, gia đình tôi tập kết ra Bắc và ở HN. Lúc này ông làm Phó trưởng ban Lào - Cam pu chia thuộc TW đảng lao động VN. Gia đình bác Chín ( Xuphanuvong) và gia đình tôi ở cùng nhà 105 Quan Thánh khá lâu, rất thân tình.
   Chuyện các cụ, mình không biết, nhưng tụi nhỏ vẫn chơi với nhau vui vẻ hàng ngày. Con bác Chín đông tới 10 người và đều có tên VN ( do Bác Hồ đặt). Hôm rồi gặp nhau anh Chính vẫn nhắc tới cây bàng ở nhà 105…khiến tôi rất cảm động. Năm nay anh đã 70 và từng làm đến Bộ trưởng Chủ nhiệmVăn phòng Chủ tịch nước.
   Ngày ấy, liên tục mấy năm liền (sau1954), cha tôi vẫn “hành tung bí ẩn” từ VN  qua lại các vùng căn cứ CM Lào… Rồi bác Chín cũng trở về nước, tham gia Chính phủ liên hiệp gì đó. Trước khi đi, bác không quên tặng cha tôi khẩu Cacbin M1 như kỷ niệm của “tình bạn chiến đấu thủy chung”. Công nhận  các cụ thời ấy  “máu lửa” thật. Giờ các cụ đã ra người thiên cổ, nhưng trong lòng đám con cháu vẫn đọng lại những tình cảm khó quên.
 … Tôi đang tranh thủ ra quảng trường kiếm vài pô ảnh thì từ sân bay anh Chín đã đến chờ ở khách sạn.
  Tôi vừa bước vào sân, anh Chính đã bật cửa xe lao ra ôm chầm lấy, xiết chặt, thật chặt:
-         Trời, em giống chú Sáu quá, anh nhận ra ngay.
-         Anh cũng vậy, giống bác Chín quá chừng, bộ ria mép không lẫn vào đâu được.
   Cũng lạ. Sau sáu chục năm trời, người ta nhận ra nhau chỉ nhờ hình bóng của phụ huynh !
Tôi lên xe, theo vợ chồng anh Chính về nhà. Phần “Chuyện nay” sẽ được kể tiếp bằng hình ảnh.  

Trên bàn thờ là bức ảnh chụp chung Bác và Hoàng thân với
nhiều nội dung ẩn chứa  .



  Anh em tình nghĩa

Nhìn từ "vườn" nhà anh- Hoàng hôn trên sông Mêkong, phía ấy là đất Thái

Anh Chính

Trước khải hoàn môn





Thứ Bảy, tháng 12 05, 2015

Tin buồn: mẹ vợ anh Nguyễn Mạnh Dũng mất

Cụ Lương Thị Thu, mẹ chị Nguyễn Thị Nhâm (vợ anh Nguyễn Mạnh Dũng k4), mất hồi 18h35 ngày 4/12/2015, thọ 95 tuổi.
Lễ viếng từ 9h đến 11h Thứ Hai ngày 7/12/2015 tại Nhà Tang lễ BV Bạch Mai.
Hóa thân hồi 13h tại Đài Hóa thân Hoàn Vũ, HN.
Kính báo,
Nguyễn Mạnh Dũng
---------------------------
Xin báo để các bạn biết, thăm hỏi, phúng viếng, đưa tang.
Dự kiến bạn k4 vào viếng lúc 10h.

GIAO BAN CAFE

Thân mời các Bantroi tới GB Cafe tại địa điểm :

- Đ/c:  45 Đinh Công Tráng, Q1, tp HCM (  Đối diện nhà thờ Hai Bà Trưng).
- Thời gian : Sáng chủ nhật 6
/12/ 2015.
*GC:
Có chỗ đỗ xe hơi ,bình bịch
Trung Liêm

Chủ Nhật, tháng 11 29, 2015

Tin buồn mẹ anh Phan Tiến mất

Theo tin của M Tuấn K8:


Cụ bà NGUYỄN THỊ THANH mẹ anh Phan Tiến k4/k3 đã từ trần thọ 93 tuổi.

Lễ viếng từ sáng chủ nhật 29.11.2015 tại nhà tang lễ Lê Quý Đôn Q3, di quan lúc 15h ngày 30.11.2015 án táng tại nghĩa trang Thủ Đức
Xin kính báo

Thứ Bảy, tháng 11 21, 2015

Sống khác đi

Được anh Tự Thành động viên trên FB là "có mắt nghệ thuật" nhờ trưng lên một tấm ảnh hoa cỏ, rất là xúc động đậy :-)

Tấm này hiển nhiên là khác tấm kia, nghệ sĩ không ai làm lại điều đã làm, phải lệch đi vài cen-ti-met hoặc ít ra cũng trước sau đôi chục giây đồng hồ.
Nhưng mà "nghệ thuật" có phần rất lớn của năng khiếu, điều kiện cần của tài năng. Còn cái thứ nghệ thuật mà mình khen tặng nhau đây, nếu có thật, đôi khi chỉ là từ việc "sống khác đi".
Mấy chục năm trước mùa đông lạnh giá đi giày Cô-xư-ghin bó cứng đến ngày trời ấm đi giày vải thấy như bàn chân sờ được từng hòn sỏi trên lối nhỏ; thời kinh doanh lúc sang chạy con Toyota Crown bồng bềnh đến khi chuyển sang lái con Peugoet 104 bắt nợ Ninh Hiệp thấy như trượt trên từng lồi lõm trên mặt đường; hoặc như bỏ xe máy đi xe đạp, đi xe bus, đi bộ dạo phố, đều mang những cảm nhận lại đâu đó đã quên.
Cứ thử nằm ngang mặt cỏ, con mắt của mọi người cũng đều trở nên có nghệ thuật hết :-D

Thứ Sáu, tháng 11 20, 2015

Thăm thầy Bân

Đọc bài chúc mừng Ngày Nhà Giáo của mọi người tưng bừng, tự kiểm thấy phải đi thăm thầy Bân một chuyến; đã lâu không có thăm hỏi gì, thầy bệnh cũng không biết, lại biết qua Thái C11k8 là thầy muốn có bản in danh sách CBCNV thời kỳ Trỗi.
Vậy là báo cáo ban LL, rồi hồi trưa tôi và anh Hồng Thao đến thăm thầy ở nhà mới, Sky City trên đầu đường Lê Văn Lương gần trung tâm HN.
Mừng cho thầy chuyển lên căn hộ cao tầng rộng rãi thoáng mát sinh hoạt trên một mặt sàn. Tuổi mình đã bắt đầu chán leo thang gác, chả nói gì tới thầy hơn mình suýt soát 20 năm.
Thầy bị đột quỵ tắc mạch máu não từ đúng ngày 20/11 năm ngoái, nằm viện ít ngày rồi về xoa bóp trị liệu. Nay thầy vẫn còn hơi khó vận động chứ nói chuyện thì đã bình thường.


Thầy trò nói chuyện về các hoạt động của cựu Trường, cả các thời kỳ VHQĐ với VHQĐ NVT. Chúng tôi báo cáo với thầy tình hình anh em k4 có "thương tử" nhưng vẫn thường gặp gỡ động viên nhau... từ từ xuống dốc :-).
Chúng tôi gửi lại bản danh sách và chút quà thay mặt K4 thăm nom sức khỏe Thầy, chúc Thầy hồi phục để có dịp tham gia các cuộc gặp gỡ sau này và hẹn sẽ trở lại thăm Thầy.

Thứ Ba, tháng 11 17, 2015

Thêm ảnh Măng Đen cho phong phú

Đức Mẹ sầu bi cụt cả hai tay và mang khuôn mặt người Thượng (đồng bào Ê đê, Ba na,... gọi chung là người Thượng, không có ý coi thường)
 Nhìn xuống thung lũng Kon Pring
 Đài kỷ niệm chiến thắng Măng Đen, Kon Plong, Kon Tum
 Ráng chiều trong rừng nguyên sinh, nơi các cháu Vườn Thực nghiệm
 Trăng muộn tròn sau rằm ở Măng Đen
 Chụp ảnh trên đường xuống thị trấn Dak Rve
 Khắc Việt trên một cung đường Tây Nguyên, QL 24
 Thị trấn Dak Rve cũng đèn xanh đỏ như các thị khác.

Có người quan tâm Y Việt và em(?)

Hôm nay tôi nhận được trao đổi qua email từ một người không quen ( tuấn anh dương duongtuananh85@gmail.com), xin đưa lên đây để nếu ai có thể thì giúp.

- Cháu xin chào bác Hữu Thành
Cháu tên là Dương Tuấn Anh , năm nay cháu 30 tuổi.
Cháu có theo dõi trang bantroi.blogspot.com của bác, trang rất hay nhiêu thông tin sống động.
Hiên tai cháu đang cần 1 số thông tin về 1 người có tên là: Y Việt (Y Trô), là con trai của Giáo sư, bác sỹ, Đại tá Y Tlam Kbour hay Nguyễn Sỹ Lâm (đã mất) nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên! đây là những thông tin quí báo về con cháu sau này của nhà lão thành cách mạng người đồng báo Tây Nguyên.
Cháu rất mong nhận được sự phản hồi của bác về thông tin đấy đủ: họ tên, năm sinh, công tác, hình ảnh..!

- Chào cậu Tuấn Anh,
Rất tiếc là từ ngày chia tay ở trường NVT tôi (và nhiều bạn khác) chưa gặp lại anh Y Việt. Vì vậy cũng không có tin tức gì hơn là bạn bè thủa bé, nên không giúp gì được. Vậy cậu chịu khó tìm các nguồn khác vậy.
Hữu Thành

- Vâng cháu cảm ơn bác nhiều ạ, chúc bác và giá đình nhiều sức khỏe ạ!
nếu bác có thông tin gì về 2 người con của Đại tá Y Tlam là Y Việt (k4) và Y Nam (k7) thì mong bác cho cháu thêm thông tin nhé !
cháu xin chân thành cảm ơn ạ.

Thứ Hai, tháng 11 16, 2015

Măng Đen, huyện Kon Plong, Kon Tum

Bỏ một ngày đi thăm Măng Đen; với tôi là một điểm định qua chuyến tháng 6 mà lỡ, với cậu lính em 7983 thì là thị trường xưa, với Trung Sy thì là điểm check-in càng nhiều càng tốt. Riêng với KVk7 thì là một chuyến trở lại với lời hứa "sẽ", lại trước chuyến "di dân" có nhiều cảm xúc.
Tháng 6 gặp anh Thắng bạc nhà mình tại Dak To, anh nói tôi sẽ đi Măng Đen rồi xuôi xuống biển, Quảng hoặc Bình Định. Đợt này ngồi xe hỏi anh đường xuống Quảng, anh nói ngại đường xấu mùa mưa nên quay lên quay xuống Bình Định. Thôi thì theo anh, ngày mai tôi cũng lộn về Kon Tum rồi xuôi ra Đà Nẵng cho lành.
Trở lại chuyến đi, rời Pleiku sau bữa sáng với những người bạn nhiệt tình tối qua, anh Văn Công Hùng và các bạn trẻ, chúng tôi chạy thẳng Kon Tum với khoảng cách không quá xa, sẽ ăn trưa ở đích đến Măng Đen.
Kon Tum, không biết lần thứ mấy qua đây, nhưng cảm giác không có nhiều, bởi chưa từng ở lại. Tôi biết di tích Ngục Kon Tum, biết nhà thờ gỗ, chừng đó là quá ít. Thường là đi qua. Chuyến này biết thêm Tòa Giám mục Kon Tum mà có người nhầm là tu viện, chủng viện; vẫn là check-in (đi lấy được) với vài tấm ảnh quanh đường có hai hàng cây hoa đại ấn tượng (bên phải có chụp ảnh đám cưới). Toà giám mục này ở gần như đối diện với nhà thờ gỗ trên một trục đường. Những hơi thở tinh tế của Kon Tum, đọc nhà văn Tây Nguyên tôi mới bắt đầu cảm nhận, hẹn những chuyến đi sau.
Măng Đen là một vùng núi cao chừng 1200m, người ta ví như Đà Lạt, nghe từng có ý định di dời "tỉnh phủ" về để kích phát triển thành một Đà Lạt 2 nhưng không thành. Nhìn trên bản đồ Măng Đen không nằm trên trục đường bộ chiến lược, chưa chắc có địa hình thích hợp làm sân bay lớn cỡ 3km. Hiện vẫn còn sân bay dã chiến cho máy bay vận tải quân sự quãng gần 1km(?). Vậy thì khó.
Chuyến đi này là của KV, bọn tôi là ăn theo. Mà cậu có mối quan tâm là thăm lại các cháu ở Vườn Thực nghiệm và Chuyển giao Công nghệ thuộc Sở KHCN Gia Lai. Kể rằng trong lúc chờ cơm thì cậu bắt gặp các cháu, theo về thì biết, sướng vì rau cải ngon và sạch, yêu vì tuổi trẻ ở rừng :-)
Sau bữa trưa KV vào thăm các cháu, tặng quà, mua ít rau cải, tính là tối về ăn.
Nhưng ra thị trấn, loanh quanh tham quan tượng Đức Mẹ Sầu Bi(?) duy nhất(?) trên toàn cầu vì cụt hai tay, chợt có sáng kiến rằng nhờ các cháu mua thức ăn, tối quay lại có dịp giao lưu động viên thiết thực. Vậy là chỉ về nhà nghỉ lấy thêm áo rét rồi lại vô. Cho KV chạy xe trước, từ lối rẽ vào mấy chúng tôi đi bộ, hi vọng lại nhìn thấy con sóc (thực ra là chồn) bay chuyền trên cây khi chiều, nhưng không gặp.

Dù sao nhìn ráng chiều (giờ vàng nhiếp ảnh) phủ nắng trên những tàng cây sắp tối đen, thở hơi rừng, cũng thú.
Cuộc gặp với các cháu thật vui. Chỉ có một đôi vợ chồng ở Vườn, còn lại có gia đình ở thị trấn, có các cháu trẻ mới về mãi từ thành phố Kon Tum. Các cháu trồng lan, trồng ly, trồng sâm dây củ trắng như củ cải (phùng đẳng sâm) để bán hoa, cây và cả giống cho dân quanh vùng. Mới tháng nay phòng thí nghiệm cấy mô mới đưa vào hoạt động, với đầy đủ trang thiết bị, hi vọng là sẽ phát triển dần lên. Cuộc sống ở đây vẫn còn khá gian khổ một chút về đường sá và thông tin. Nhưng chắc không lâu nữa sẽ được cải thiện, đường đang mở và cáp quang hi vọng sẽ về.

Rau ngon, siro sim (mà các cháu gái gọi là rượu) ngon, thịt heo rừng nướng ngon nhưng không hợp với răng già, các cháu vui, các chú vui. Hơn 9h tối các chú cũng phải về dù các cháu còn muốn nói chuyện nữa; hẹn ngày tái ngộ dù không phải là tất cả, chí ít cũng là cậu lính em từng và sẽ còn "chinh chiến" nơi này.
Măng Đen lạnh, may quá có áo gió và đi xe ô tô. Măng Đen vắng vì chỉ có khách vãng lai ngắm dãy biệt thự của các đại gia sẵn tiền xí chỗ mà chưa hoàn thiện. Đường sá, hạ tầng tốt cho một thị trấn nhỏ yên bình. Hi vọng Măng Đen không bị thành Đà Lạt với không gian đã bắt đầu trở nên bớt thơ mộng và môi trường đã bớt trong sạch.

Thứ Sáu, tháng 11 06, 2015

Pleiku

Năm ngoái có cuộc gặp k4 toàn quốc ở Huế, mà tôi trước đó đã đề nghị đi Pleiku không được hưởng ứng. Đơn giản là tôi có hứng và muốn chia sẻ với bạn bè về cái thú xê dịch. Riêng năm nay chuyến qua Pleiku này là thứ hai. Thôi thì không kéo được bạn đi, kể vậy, ai có thích thì xem chơi. Hồi xưa một năm tôi đi núi Tản tới 6 lần, "khoe" với bạn như một thứ mình sở hữu.
Rời Bình Ba theo ngả k33 HQ4, chúng tôi được ngó sơ từ xa xa những con tầu mới. Có những tấm ảnh do chính chỉ huy đơn vị chụp giúp làm kỉ niệm, nhin tầu đại loại cũng giống như "ảnh có tính minh họa" nhặt trên mạng đưa lên cho lành :-)

Ăn xong bữa cơm rau cá kho bình dị với anh em nhà Ba-Hòa, anh em chúng tôi chạy về Nha Trang nghỉ ngơi một buổi, cho "phây" ăn sau hơn một ngày gián đoạn.
Rời Nha Trang sớm từ Viet Sky Hotel của Lương k7 chúng tôi chạy lên Pleiku với hẹn có bữa chiều với nhà văn Văn Công Hùng. Chuyện đi đường thì có ngồi trong xe mới biết, cà kê dê ngỗng, không thích thì ngủ, quãng hơn 2 giờ chiều thì tới.
Nhà khách tỉnh đội khá bình dân do nhà văn giới thiệu đang sửa nên phải sang bên Sesan vốn của EVN. Chính là chỗ cà phê sáng của giới VIP(?) Pleiku mà chuyến tháng 6 có dịp ghé qua theo dây của QV k5. Cậu em lính nói không nghĩ qua năm tháng cái KS này lại xuống thế.
Chiều tối theo hẹn nhà văn lái xe tới dẫn đi ăn. May quá không có thịt rừng, không đặc sản cầu kỳ mà là mẹt lá. Thôi thì đủ loại kể từ lá sắn thuyền, vân vân mà cậu lính em Trung Sy cũng chả kể hết; nó chỉ bảo may quá không có lá... ngón :-)
Nhà văn VCH nhờ các cháu chạy bàn giới thiệu quấn các loại lá lại như cái sâu kèn to, đổ một ít "kem" thịt xay lên, nhấn vào đây một hạt muối thô, hạt tiêu xanh và quả ớt chỉ thiên xanh "anh yên tâm, cứ thế này mà ăn không cay đâu". Quả thật nhai kỹ cũng không thấy cay, nhưng một hồi thì hình như bụng cũng thấy ran rát. Không biết đồng bọn đánh giá thế nào, chứ tôi vốn kém nhậy vị giác nên không thấy có gì đặc biệt (kể từ nhiều thứ khác cũng vậy).
Cuộc gặp với nhà văn thêm vui nhờ tham gia của các cộng tác viên, mỗi người một nghề kế toán, giáo viên,... nhưng đều thích văn thơ, tham gia bài viết cho các ấn phẩm của Hội. Cậu Trung Sy được dịp trổ tài đàn hát. Rồi cũng phải về, đọng lại một tối vui.
Mùa này dã quỳ bắt đầu nở, dọc đường

 và ven hồ Tơ Nưng
Ráng chiều trên mặt hồ
Nắng sớm ở Cột Đồng Hồ
Bình minh qua kẽ lá
Rời Pleiku, lại rong ruổi trên đường cao nguyên đầy quyến rũ

Thứ Năm, tháng 11 05, 2015

Rời biển (Bình Ba) lên rừng (Pleiku)

Bình Ba nhỏ, đi lấy được thì một buổi, một ngày là đủ; ở đến đủ thì chắc phải lâu hơn. Một cữ cà phê sáng ở bãi Nồm trước khi rời đảo.
Buổi sáng bãi biển xinh vắng lặng, thanh bình sạch sẽ như chưa hề có cuộc ăn nhậu nào tối qua; xem ra người dân và chính quyền nơi đây rất chú ý đến môi trường, dành bãi này làm dịch vụ chứ không làm làng chài.

 Khu dịch vụ ngắm biển do người dân đầu tư khai thác
bao gồm cả việc bảo vệ vùng nước gần bờ giữ gìn san hô. Rất tiếc chúng tôi không đủ thời gian sang bên này "hưởng thụ"
Sát biển là những phòng nghỉ dịch vụ, xinh xắn và phù hợp cảnh quan, cũng lại là một dịp thử nghiệm bị bỏ qua :-)
 Giật mình mải ngắm bờ, quay lại thì mặt trời đã lên,
Du khách đón bình minh tìm vị trí
 tự sướng
Quán cà phê chúng tôi ngồi ở phía Đông, xuôi chiều bình minh nhìn sang Tây.
những du khách tắm sớm chuẩn bị lên bờ
Nghe sóng khẽ khàng vỗ
và bắt gặp một con tầu ngầm đang về cảng
Rời Bình Ba, chúng tôi lên ca nô chạy thẳng sang K33 theo lời hẹn đã được chấp thuận từ HQV4, anh Dũng Sô có thể thấy khung cảnh quen thuộc. Gần tới "lãnh hải" của HQ các máy ghi hình đều tắt :-)
Rời căn cứ chúng tôi có bữa ăn trưa đạm bạc chia tay với anh em Văn Ba, mọi người ăn như chưa bao giờ được ăn... rau. Nhờ anh em Văn Ba chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc tự nhiên với mọi người ở cả đảo lẫn căn cứ, chúng tôi rất cám ơn về điều đó.
Hóa ra bài này cũng dài rồi, Pleiku để phần 2 vậy.

Thứ Tư, tháng 11 04, 2015

Đảo Bình Ba, Cam Ranh

Được tin quyết định của TTCP "không được làm du lịch trên các đảo Bình Ba, Bình Hưng", có hiệu lực từ ngày 6/11/2015, tôi vội đề nghị mấy cậu lính em khởi đầu chuyến lượn cuối năm từ Cam Ranh ra đảo Bình Ba. Bây giờ nghĩ lại thấy hơi sai ở chỗ "tập trung vào trọng điểm" thì còn sót Bình Hưng.
Tận dụng thời gian, tôi và Trung Sy bay chuyến 6h sáng 26/10, tới Cam Ranh 8h có KV và PHD chờ sẵn. Ghé nhà Văn Ba k7 "người sở tại" đón ra cảng Cam Ranh (dân sự) rồi đi ca nô chở khách ra Bình Ba. Công an biên phòng kiểm tra CMND, chỉ người VN mới được ra đảo, các quốc tịch khác kể cả Việt kiều cũng không.

Kể ra cậu Ba k7 hơi đơn giản, nghĩ rằng Cam Ranh nói chung, đảo Bình Ba nói riêng có gì hấp dẫn đâu; bạn gặp nhau phải nhậu "sơ giao" đã rồi tính. Đâm ra chuyến ra đảo bị chậm một chút. Cập bến ổn định chỗ nghỉ đã được anh em Văn Ba lo, thì đi một chuyến ngắn ngó Bãi Nhà Cũ, từ trên cao nhìn xuống thôi vì đường xuống là lội bộ; rồi đi quá lên ngó tiếp "đá con rùa".
  Bãi Nhà Cũ
Văn Ba k7 với "con rùa"
 Không chỉ đội nhà chụp ảnh
Mà cả các cháu nữa

Buổi chiều muộn cho đỡ nắng và cũng chờ "giải cảm" sau chầu hải sản cả hội do Ba k7 dẫn đầu lên xe rùa đi một vòng hết lượt. Vừa đi nghe Ba kể chuyện thời xưa đó đi thu thuế trên đảo rất vất vả. Giờ đảo mới có con đường quốc phòng chạy vòng quanh, du khách kéo về, đồng bào có cơ hội đầu tư kiếm sống bằng dịch vụ. Nghe lệnh mới không ít lo lắng, để yên xem sao?
Từ bến tầu xe chạy thẳng ra Cửa Bé. Vịnh Cam Ranh có hai cửa: Lớn ở Nam đảo và Bé ở Bắc. Tầu hải quân thường đi cửa Lớn vì kích thước lớn. Đồng bào tiện cửa nào đi cửa ấy mà nhiều với nhiều người thì cửa Bé tiện vào khu nuôi hải sản hơn.
Đây cũng là một điểm đưa khách tới thăm, chúng tôi lẫn trong họ, phần đông là trẻ.

 Cửa Bé
Những du khách trẻ
Họ chụp nhau, mình chụp họ
rồi "có lấy ảnh không, không lấy tiền, chỉ số điện thoại thôi" (ảnh và lời: FB Trung Sy)

Và tự sướng
Rời điểm cao nhìn xuống Cửa Bé xe đưa về Bãi Chướng, ở phía Đông của đảo cái tên gắn với "gió chướng"?
 Gặp nhóm bạn trẻ, được nhờ chụp ảnh gửi về theo dây thép
 Ở đây đã có một biển đề khu du lịch gì đó nhưng chưa thấy xây cất gì, chắc dịp này "tèo"?
 Đá trên bờ biển mới là dạng ảnh ưa thích, bãi biển có gì hay đâu
Theo đường quốc phòng dốc 15% đi tiếp đến Hòn Cò. Ở đây có địa đạo dài hàng trăm mét từ lô cốt lên đỉnh núi sau lưng.
Trên đỉnh Hòn Cò là điểm cuối của các địa đạo, xưa có 4 khẩu pháo lớn. Nay các khẩu pháo và sắt thép có trong hệ thống đã bị tháo dỡ vào cái thời "ăn sắt" đôi ba chục năm trước. Đón gió du lịch người dân đã đầu tư vào đây cả trăm triệu để mong thu về từ mỗi người tham quan chục nghìn, nhưng khoản ấy giờ cũng đang rơi vào "tâm tư".
Kết thúc chuyến dạo vòng quanh, nghỉ chút lấy sức cho cữ nhậu tối.
Hải sản bãi Nồm hướng Nam đảo (gió nồm Nam)
Một điều rất lạ là bàn nhậu hải sản trên bãi cát biển xung quanh là những bao xốp thường chỉ thấy trong phòng sạch.
 Một buổi tối vui vẻ với những người bạn địa phương nhờ quan hệ của Văn Ba. Này là anh cán bộ,
kia là cô thợ may,... đều có thể quây quần bên bàn nhậu, hát karaoke cầm mic không dây, chọn bài trên máy Mac.
Ngày mai vẫn còn một cữ cà phê sáng trên đảo Bình Ba, nhưng là ngày mai có ít chuyện kể, thì để "ngày mai".