Thứ Ba, tháng 6 28, 2011

Lịch sử Trung Quốc gọi Biển Đông là Giao Chỉ Dương


LTS: Bao năm qua, một luồng quan điểm lớn ở Trung Quốc đã cố tình gây ra sự hiểu nhầm khi lợi dụng tên gọi biển Nam Trung Hoa (do người phương Tây gọi) để phán rằng biển của Trung Quốc bao chiếm gần như toàn bộ biển Đông.

Danh xưng và sự ngộ nhận chủ quyền

Thế nhưng sự thật khoa học cho thấy danh xưng biển Nam Trung Hoa (chỉ biển Đông) mà Trung Quốc lợi dụng để gây ra sự hiểu nhầm ấy chưa thấy xuất hiện ở những bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ từ hàng trăm năm trước. Sau đây là bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về vấn đề trên.
(Xem tiếp)


Từ điển Bách khoa Việt Nam giải thích: Giao Chỉ là tên gọi do các triều đại phong kiến Trung Quốc dùng chỉ người và nước Việt Nam xưa. Thời Hùng Vương, Giao Chỉ là một trong 15 bộ của nước Văn Lang… Các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này nhiều khi vẫn dùng tên Giao chỉ cũng như tên An Nam để chỉ quốc gia và nhân dân Đại Việt. Trong nhiều văn bản và bi ký, tên Giao Chỉ vẫn còn chỉ nước ta tới hết thế kỷ XIX.

Người Trung Quốc không gọi biển Đông là biển Nam Trung Hoa

Trên hai trang 11b và 12a trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ dương tới Phi Châu) có vẽ nước ta tuy đơn giản nhưng cũng rõ ràng: Nước Giao Chỉ bắc giáp Khâm Châu Trung Quốc, nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu của Trung Hoa khắc vẽ về nước ta và biển cả thuộc về nước ta từ thế kỷ XV.

Năm 1842, tác giả người Trung Hoa - Ngụy Nguyên xuất bản sách Hải quốc đồ chí mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới và toàn thể năm châu bốn bể, theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩ tuyến. Trong sách này, Ngụy Nguyên đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam. Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần (Việt Nam Đông đô và Việt Nam Tây đô). Ở ngoài khơi phía đông hai phần Việt Nam, Ngụy Nguyên ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức biển Đông rất lớn.

Cũng trong tác phẩm Hải quốc đồ chí, Ngụy Nguyên còn khắc vẽ bản đồ An Nam quốc với đường nét đúng kinh tuyến và vĩ tuyến rất rộng lớn. Ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải, tức là biển Đông Nam.

Rõ ràng, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương hay Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải, đều có nghĩa là biển của Giao chỉ (tức Việt Nam) hay đơn giản là biển Đông (của Việt Nam).

Việt Nam thực thi liên tục chủ quyền của mình

Như chúng ta biết, ít nhất từ đầu thế kỷ XVII Việt Nam đã thi hành chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa biển Đông một cách chính thức, liên tục và không hề thấy một quốc gia hay dân tộc nào đến khiếu nại hay tranh giành. Từ khi chiếm nước ta làm thuộc địa, Pháp đã nhân danh Việt Nam thi hành chủ quyền ấy đúng công pháp quốc tế. Pháp đã xây dựng hai trạm khí tượng theo hệ thống quốc tế trên đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa.

Năm 1947, chính phủ Trung Hoa dân quốc đưa ra yêu sách về chủ quyền biển Đông theo “đường lưỡi bò gồm 11 khúc đứt đoạn”. Năm 1949, chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng yêu cầu tương tự nhưng không quyết liệt, quốc tế coi như làm ngơ. Ngày 14-10-1950, tại Hội nghị ký hòa ước San Francisco (Liên Hiệp Quốc), Thủ tướng Trần Văn Hữu của chính quyền Bảo Đại do Pháp bảo trợ đã tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”…

Những bước leo thang trên biển Đông

Ngày 15-1-1974, Trung Quốc đem quân đến đánh chiếm các đảo Hoàng Sa. Dưới thời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trung Quốc đem thủy quân hùng hậu đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam (năm 1988).

Ngày 21-2-1992, Trung Quốc ra quy định biển Đông thuộc lãnh hải tỉnh Hải Nam, theo bản đồ với những “đường cắt khúc chín đoạn” chiếm hầu hết biển Đông, thâu tóm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã chính thức trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ “đường lưỡi bò” vào năm 2009. Việt Nam và các nước liên quan đã phản đối sự phi lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế của “đường lưỡi bò” này.

Mấy tháng gần đầy, Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh cá trên biển Đông, xâm phạm vào cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Gần đây nhất, Trung Quốc có hành động ngang ngược là gây hấn với các tàu thăm dò dầu khí hay các chương trình nghiên cứu khác về biển. Những hành vi gây hấn này được Trung Quốc tiến hành trong phạm vi “đường lưỡi bò”, mặc dù đường ranh giới này vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Phải khẳng định rằng những hành vi của Trung Quốc là sai trái, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm trắng trợn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc gọi tên biển Nam Trung Hoa không có nghĩa đó là biển của Trung Quốc và Trung Quốc có quyền thực thi chủ quyền xâm phạm cả vào vùng biển của các nước khác được xác lập theo đúng Công ước quốc tế về luật biển 1982.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU/Pháp luật TPHCM

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Rõ ràng đến như thế mà vẫn còn " nhận " lấy được phần của mình . Đúng là thằng hàng xóm tham lam xấu tính . K6LS

Thắng k5 nói...

TQ "Đúng là thằng hàng xóm tham lam xấu tính"
Anh K6LS nói chán bỏ mệ đi.
Đúng ra phải là:
Thằng bạn láng giềnh cực kỳ khốn nạn,độc ác và tham lam, bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả vô học, vô nhân tâm.

TQtrung nói...

Rất tiếc rằng những tư liệu lịch sử này người TQ thường lờ đi, họ đã có âm mưu từ quá lâu rồi nên có thời gian nhồi vào đầu dân họ quan niệm vùng biển Đông là của Trung quốc, người TQ bây giờ bày tỏ lòng yêu nước mù quáng, không cần suy xét, họ không bao giờ tự hỏi tại sao vùng chủ quyền mà họ tuyên bố lại vào sát đất cuả người khác.
Bây giờ mà có người khác nói với họ sự thật đó nhưng bằng tiếng nước khác, không phải tiếng Tầu thì nó cũng éo thèm nghe.

Q.MF nói...

@Tr.trung: Ngày hôm qua muội đưa đoàn GS kiến trúc sư Italy đi thăm thành cổ Quảng Trị và Cửa Việt, khi đi dạo dọc bờ biển Cửa Việt, ông GS trưởng đoàn, phó GĐ Đại học Bách Khoa Marche, một người rất năng động và vui tính, nói rổn rảng: "Vietnam beach is belong to China sea!" (bờ biển Việt Nam thuộc biển Trung Quốc!) rồi ông cười hê hê một cách khoái trá, trong lúc trước đó không ai nói gì về chuyện này (chú thích là ông cũng có nhiều chương trình hợp tác với TQ). Kẻ tham lam kia mà nghe lời chế giễu này cũng nuốt ... sủi cảo không xuống, đại ca ha?

Thắng k5 nói...

Hê hê! bờ hồ Gươm của HN,VN cũng là một phần hồ của TQ.
(Đó chỉ là nằm mơ)
May quá, khi xưa CP cắm mốc biên giới, chỉ có Cao Bằng mất đi một nửa thác Bản Giốc thôi, chừa lại hồ núi Cốc tận TN xa quá TQ không thèm ngó tới, nếu không T7 này bọn tớ chả có cá mà ăn.

Phú Hòa nói...

@Thắng K.5 : thật ra thì nửa còn lại của thác Bản Giốc cũng gần như là của Tầu khựa rồi, cứ như lầ bọn nó nhờ mình trông hộ thôi vì phía mình định làm đường, làm cầu ... nhưng khi Tầu khựa phản đối là mấy dự án đó đã bị tịt ngòi ngay. Hồi tôi đến Cao Bằng làm việc thì đã tranh thủ mò lên Bản Giốc chơi, nhìn cảnh trái ngược giữa hai bờ Bản Giốc mà ức lộn ruột. Ai chưa lên Bản Giốc thì xem mấy tấm hình của Anh Minh K.6 chụp vừa rồi cũng có thể hình dung ra được.

TQtrung nói...

Quế MF@
Nếu thực sự vị giáo sư nọ khi nói câu đó có ý chế giễu sự tham lam của TQ thì đó là một tín hiệu tốt, nó chứng tỏ quốc tế không dễ bị lường gạt, và họ tin vào chúng ta. điều đáng buồn là ngay trong người Việt không phải ai cũng bức xúc vì câu chuyện biển đảo này, do hiểu biết nông cạn và cũng do cái chất Chí Phèo mà ra cả. Tiếp xúc với vài bạn Âu Mỹ thấy họ rất tốt, họ hiểu vấn đề hơn rất nhiều người Việt nam, như những kẻ đang xây phố cho người Tầu ở chẳng hạn, thật đáng buồn.

Q.MF nói...

@Tr.trung: Dạ, những cái đầu thứ thiệt của thế giới này họ biết hết!