***
Thăm thú danh lam thắng cảnh của đất nước là thú vui của rất nhiều người. Việt nam ta sơn hà gấm vóc, non xanh nước biếc, cảnh đẹp quyến rũ lòng người không đâu là không có. Cả một đời làm việc vất vả, có lẽ thời điểm này chính là khoảng thời gian hợp lý với chúng ta để nghỉ ngơi và tận hưởng thú vui trời đất và cảnh đẹp cha ông đã ban cho chúng ta. Hãy đi và cảm nhận vẻ đẹp của đất nước nếu sức khỏe của bạn còn cho phép, hãy đi để tránh xa bụi bặm chốn phồn hoa, hãy đi để bớt bức xúc về những điều xấu xa còn tồn tại trong xã hội. Chuyện tham ô, chuyện hối lộ, chuyện chém giết, chuyện biển đảo, chuyện Mỹ chuyện Tầu đều gây nhức đầu cả, bức xúc kêu toáng lên chẳng giải quyết được gì, vậy thì hãy lên xe đi bạn, xe dép, xe hơi, xe đạp đều được, đi đi kẻo cái già xồng xộc đến, chân yếu tay mềm rồi đi không được lại tiếc.
Có ai vào Nam ra Bắc tiện thì ghé qua chỗ này mà xem, đây gọi là suối cá thần. Để đến khu du lịch sinh thái suối cá thần Cẩm Lương, có thể đi trên quốc lộ 217, nối từ Đò Lèn, cạnh quốc lộ 1A về cầu treo Cẩm Lương; hoặc đi theo đường Hồ Chí Minh, đến thị trấn Cẩm Thủy rồi rẽ lên quốc lộ 217. Bạn yêu thích sông nước thì sẽ có dịp đi đường thủy dọc sông Mã, từ cầu Hàm Rồng lịch sử (TP Thanh Hóa) lên địa danh Cửa Hà- Cẩm Thủy nên thơ, hùng vĩ, rồi lên suối cá thần Cẩm Lương. Gìa rồi thì cứ thủng thẳng mà đi, mệt đâu nghỉ đấy, ngắm nhìn dòng sông Mã như thế này có sướng không?
Nhất là cho xe bò qua chiếc cầu treo chênh vênh này thì cũng tạo ra một cảm giác khác lạ.
Và ta hãy nghe giới thiệu về sự tích khu du lịch suối cá thần này.“…Ngày xửa ngày xưa, tức là đã lâu lắm rồi. Có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con đi làm đồng vô tình nhặt được một quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nước, nhưng lạ thay, khi nhấc tay lên người ấy lại thấy quả trứng vẫn đang trên tay mình. Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến tối con rắn lại về ở với gia đình này. Sau đó họ đã để con rắn ở lại sinh sống với mọi người. Lạ thay, từ đó đồng ruộng của bản đủ nước cày cấy, đồng bào sống trong no ấm, hạnh phúc. Chàng rắn ấy trở thành vị cứu tinh của bản nên được mọi người hết lòng tôn kính. Rồi một hôm định mệnh, trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng. Sau cơn giông, dân bản thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc.
Với tấm lòng thương tiếc chàng rắn, dân bản chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Trong một buổi tế lễ, đồng bào bản Ngọc được thần báo mộng chàng rắn chết là do quyết chiến với thủy quái để bảo vệ dân bản. Sau này chàng rắn được phong thần gọi là: Tứ Phủ Long Vương. Từ đó, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần hàng nghìn con luôn quây quần chầu trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn. Suối cá thần Cẩm Lương có từ đó.”
Một sự tích đượm mầu huyền thoại và khá mộc mạc để lý giải vì sao lại có một con suối chảy ra từ lòng núi với một đàn cá hàng ngàn con . Tài liệu của các nhà ngư loại học trong nước đã chứng minh, đàn cá hàng nghìn con lớn, nhỏ ở suối cá thần Cẩm Lương gồm các loài: Cá dốc (có tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus- thuộc bộ cá chép, có tên trong sách đỏ Việt Nam); cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng... Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc trông thật vui mắt, ấn tượng. Đặc biệt, đàn cá thần rất thân thiện với con người. Hàng ngày, đàn cá thần tung tăng bơi lội dưới dòng suối, nhảy lên khỏi mặt nước vui đùa cùng du khách. Đến tối, đàn cá này lại bơi vào hang trú ẩn. Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20- 40cm, nước trong vắt, du khách có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần to như bắp chân, bắp tay.
Đừng nghĩ đến chuyện đưa nó lên chảo, ngay cả trong ý nghĩ cũng đã vi phạm phong tục tập quán của dân chúng quanh vùng, trước hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên bỗng dưng ta cũng có cảm giác gì đó thật thiêng liêng.
Khu vực này đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thanh hóa, với bản sắc độc đáo của dân tộc Mường, ta có thể gặp ở đây những con người thật thà chất phác, những quầy lưu niệm bán đặc sản địa phương, tai chua nấu canh cực ngon, phong lan, chuột hột ngâm rượu giúp quý ông cải thiện phong độ, thuốc Nam chữa ghẻ, ngứa. Qúy vị nào vẫn còn di chứng từ thời An mỹ hẳn là còn cần đến nó. Rất nhiều dao rừng , kiếm cung và đặc biệt ai chơi thuốc lào thì có sẵn cái điếu này. Hút tha hồ phê!
Đến thăm vùng này bạn đừng quên thưởng thức bữa cơm lam nhét trong ống tre, chú ý lời tôi nói bởi vì trông rất giống cơm lam nhưng không phải, có lẽ người ta nhét xôi vào ống nứa và bán như là một đặc sản. Thịt gà đồi, lợn Mường không mỡ (nhưng toàn da) và măng muối, các loại cá địa phương nhưng chắc là bắt từ sông Mã, không phải từ suối cá thần này để khép lại chuyến đi theo tôi là rất thú vị.
Thứ Bảy, tháng 11 13, 2010
Suối cá thần Cẩm thủy
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Bảy, tháng 11 13, 2010
Nhãn: Du lịch
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
@QT:Đã có nhiều giai thoại về "Mó cá thần"ở Cẩm Thủy,nhưng không ai dám xơi cá cả,vì nó ăn hơặc nuốt hạt MÃ TIỀN,nếu ai nhờ ăn nó là có nguy cơ bị cấp cứu do bị ngộ độc MÃ TIỀN đấy !Cho nên cá lớn mà không ai dám ăn cả./TBK4
Tb@ Ông nghe ở đâu nói cá ăn hạt mã tiền vậy? có lẽ là đồn đại thôi, từ hang đá cá chỉ ra ăn một đoạn chừng mấy chục mét rồi quay vào, chúng tôi không thấy cây mã tiền nào xung quanh đó cả, người ta không ăn vì quan niệm tâm linh thôi, lão Đại Cương còn dọa tôi sờ vào cá cũng bị ốm đấy, sợ phát khiếp! :-)
Đăng nhận xét