Thứ Ba, tháng 11 23, 2010

Chuẩn thông dụng và chuẩn pháp lý

Hôm qua đúng vào ngày VietnamNet bị tin tặc đánh hỏng thì diễn đàn thư công nghệ thông tin có một chủ đề sôi động. Ấy là tranh luận về việc trên mạng xuất hiện một "Đơn tố cáo về việc vi phạm bản quyền lên đến hàng chục triệu USD tại Báo VietnamNet".
Dường như thống nhất với nhau rằng vi phạm bản quyền ở VN là chuyện không cần chứng minh hay bàn cãi, mọi người tranh luận về việc người tố cáo, có công khai nhân thân, hành động như vậy là đúng hay sai.
Một luồng dư luận cho việc này là đáng lên án. Một nhân viên không thể đứng ra "vạch áo (cơ quan) cho người xem lưng". Thậm chí có ý kiến pháp luật cần bổ sung loại tội phạm này. Những người trong luồng ngày thường là giới quản lý doanh nghiệp và dậy học; là người quản lý họ sợ bị hở lưng; là người dậy học họ sợ mang tiếng có học trò phản phúc, có lẽ vậy.
Một luồng dư luận khác đối nghịch, mang ý kiến của giới trẻ và người làm công, cho rằng xét về mặt lợi ích xã hội thì đó là việc làm đúng, cần được khuyến khích và bảo vệ.
Ý kiến của tôi là "những người lên án hành động này có thể trừng trị người tố cáo trong hạn mức thẩm quyền mà họ có chứ không thể vi phạm quyền công dân của người đó trong đó có quyền tố cáo. Cái đó giống như quan hệ của chuẩn thông dụng và chuẩn pháp lý".

Chuẩn thông dụng và chuẩn pháp lý là cách nói chữ của "lệ làng" và "phép vua" trong dân gian. Phép vua anh minh và nghiêm minh thì lệ làng tiến bộ, xã hội phát triển tự do hạnh phúc. Khi "lệ làng" hủ lậu tiếm quyền thì xã hội tụt lùi về thời dã man, các "nhóm lợi ích" xung đột và phần thắng thuộc về kẻ nắm "phép vua".

1 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Tin mới nhất từ diễn đàn thư "Tuy nhiên, trả lời Tuổi Trẻ, ông Dương Hải Phong cho biết ông không hề có bất kỳ lá đơn tố cáo nào và lá đơn trên là mạo danh." (Nhịp sống Số, Tuổi Trẻ)
Tuy nhiên cuộc tranh cãi vẫn có giá trị bộc lộ quan điểm về các loại "chuẩn" đã nêu.