Thứ Sáu, tháng 3 26, 2010

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2009

Ngày 24/3, ngày mất của Phan Châu Trinh, sẽ là ngày trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hàng năm.
Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh do Hội đồng Khoa học đồng thời là Hội đồng Giải thưởng Văn hóa của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh xét tặng.
Từ năm 2009 Quỹ có bốn giải thưởng: Giáo dục, Việt Nam học, Nghiên cứu và Dịch thuật. Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nói việc năm nay mới đưa giáo dục vào hệ thống các giải thưởng là một sự chậm trễ mà Quỹ rất lấy làm tiếc vì thiếu sót này.

Bà Nguyễn Thị Bình (cháu ngoại Phan Châu Trinh), Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ, đến dự và trao giải.

Giải thưởng Giáo dục năm nay được trao cho Nhà giáo Hồ Ngọc Đại. Nhà giáo Hồ Ngọc Đại, trong diễn từ nhận giải, đã nêu rõ quan điểm của mình về sự khác biệt của nền giáo dục cũ chỉ cần cho 5% dân số so với nền giáo dục thời đại mới (kinh tế tri thức) bắt buộc phải thực hiện cho 100% dân số. Bởi vậy phải áp dụng triết lý mới để học sinh ở vị trí trung tâm của nền giáo dục tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình. Theo kinh nghiệm của tôi rõ ràng triết lý giáo dục của chúng ta có vấn đề từ hàng chục năm nay. Việc ông được Giải thưởng VHPCT chưa khẳng định rằng triết lý và việc làm giáo dục theo triết lý ấy là đúng hoàn toàn. Đó là một sự tôn vinh công sức ông bỏ ra cho sự nghiệp giáo dục. Và tôi tán đồng với ông theo cách phát biểu của mình rằng "giáo dục là dạy cho trẻ cách sáng tạo lại các giá trị đã có để rồi chúng biết cách sáng tạo ra các giá trị mới trong cuộc sống riêng của chúng".

Giải thưởng dịch thuật năm nay trao cho hai dịch giả đều có các công trình dịch thuật triết học rất đáng chú ý.

Dịch giả Phạm Vĩnh Cư, đồng thời là một nhà Nga học uyên bác, mới đây nhất đã dịch Siêu lý Tình yêu của Soloviev. Theo ông, Soloviev bị lãng quên hàng chục năm dưới thời Xôviết và gần đây đã được đọc ở Nga như một phát hiện về nguồn. Đặc biệt ông cho rằng triết lý của Soloviev rất gần gũi với Phan Châu Trinh "Đối chiếu với các tư trào ở Việt Nam ta trong nửa đầu thế kỷ XX, có thể thấy rằng trong các kiểu thức tự phê bình dân tộc mà các nhà tri thức Việt Nam yêu nước đã thực thi, kiểu tự phê bình dân tộc của Phan Châu Trinh gần với Soloviev hơn cả." Xem ra mình không có nhiều thứ để có thể tiêu hóa được những món nặng đô như thế này. Dù sao việc truyền bá được ở ta cái thế giới nhiều chiều như vậy, ở những tầng sâu như vậy là rất đáng hoan nghênh.

Dịch giả Lê Anh Minh được xem như một phát hiện đáng ngạc nhiên của giải năm nay, không những thế với cả giới học thuật lý luận. Bản dịch Lịch sử Triết học Trung Quốc (tác giả Phùng Hữu Lan, 1895-1990) của ông được nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu với Hội đồng KH để xét. Cả người giới thiệu với những người phản biện đều đánh giá cao công trình này, nhưng không một ai biết Lê Anh Minh. Cho tới ngày 19/3, khi công bố Giải thưởng tại Tp.HCM cả hội đồng xét giải mới gặp dịch giả. Đó là một người trẻ, khiêm nhường tới mức ẩn danh, là một trong số không nhiều nhà Hán học uyên thâm của Việt Nam. Lịch sử Triết học TQ của Phùng Hữu Lan được xem như tài liệu cơ bản để thế giới hiểu triết học Trung Quốc. Công trình này của Phùng Hữu Lan, ngoài bản gốc tiếng Trung Quốc, chỉ có một bản dịch tiếng Anh năm 1937. Bản dịch tiếng Việt của Lê Anh Minh có thể được xem như bản thứ ba của công trình này, với nhiều chú dẫn cổ tịch giải nghĩa những chỗ khó hiểu, những bổ sung thêm nhiều tư liệu quý.

Giải thưởng Nghiên cứu được trao cho nhà nghiên cứu Inrasara Phú Trạm. Ông là người nghiên cứu văn hóa Chăm đã công bố nhiều công trình và giành được nhiều giải thưởng. Văn hóa Chăm, theo ông, đã hiện diện sâu trong đời sống dân Việt, nhưng gần như không được ghi nhận bằng văn.
"Cái khác biệt rõ nhất giữa Chăm và Việt là ngôn ngữ. Cùng với bốn dân tộc anh em là Churu, Êđê, Giarai và Raglai, tiếng Chăm thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo, còn Kinh thuộc nhóm Việt - Mường. Tiếng Chăm góp vào kho tàng ngôn ngữ Việt Nam hiện đại không phải là ít. Nhưng cái cốt tủy làm nên sự khác biệt lớn chính là văn minh. Ngay từ những năm đầu thế kỉ đầu tiên sau Công nguyên, trong khi Chăm tiếp nhận nền văn minh Ấn Độ thì Đại Việt nhận ảnh hưởng từ Trung Hoa. Trong quá trình lịch sử, qua xung đột, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa giữa Champa và Đại Việt, người Chăm đã để lại bao nhiêu dấu tích khắp đồng bằng Bắc bộ và suốt dải đất miền Trung.
Dòng máu Chăm lưu lại ở Yên Sở, Đắc Sở đến nay vẫn chưa mất dấu. Mai Hắc Đế có cha là người Chăm, mẹ Việt. Rồi từ Thanh Hóa trải suốt tận Khánh Hòa, ai biết được bao nhiêu thế hệ người Việt mang dòng máu Chăm?
Trong triều đình nhà Lí, không ít vua quan Việt say mê điệu "Chiêm Thành âm". Điệu Nam Ai Nam Bình ở Huế, hay Hát Bội ở Bình Định hoặc đi vào trong, ca vọng cổ ở miền Tây Nam bộ,… Tất cả đều mang âm hưởng Chăm.
Lúa Chiêm từ Champa nhập vào Việt Nam từ thế kỉ thứ mười, là chuyện rõ rồi. Người Chăm còn du nhập và thuần hóa các loại cây trồng như khoai, mía, bông; đã hình thành và truyền lưu các vùng đặc sản như khoai Trà Đoá, mía Quảng Ngãi, bông Điện Bàn,...
Tháp Bảo Thiên ở Hồ Hoàn Kiếm là do tù binh Chăm xây dựng. Tượng Garuda ở chùa Châu Lâm, quận Ba Đình; Chùa Mía ở xã Đường Lâm, huyện Ba Vì hay Chùa Đinh Xá ở xã Đinh Xá, huyện Kim Bảng hoặc tượng bà chúa Liễu thấp thoáng hình bóng thần Thiên Y trong ngôi đền ở Thanh Hoá hay dấu tích ở vùng Thạch Thất, Hoài Đức phía tây Thăng Long và vùng Bắc Ninh, Bắc Giang của Bà Chúa Lẫm. Cùng bao nhiêu dấu tích khác còn chưa được khảo cổ học động cập tới!
Chúng đã được người Việt thâu thái tạo nên những biến thể độc đáo. Hòa quyện nhưng vẫn giữ được nét khác biệt.
Hôm nay, nhắc đến Chăm, đa số nhắc đến một nền kiến trúc kì vĩ, một nền điêu khắc đặc sắc, hoặc truyền thống ca-múa-nhạc dân tộc, các lễ hội dân gian, dệt thổ cẩm hay chế tác gốm,… Và, không gì khác. Nhưng, dân tộc có bia chữ Phạn, có chữ viết bản địa sớm như Chăm, lẽ nào họ không là gì cả trong văn chương? Lướt qua mấy công trình văn học sử Việt Nam, đâu là mảnh đất dành cho văn học Chăm? - Không chương nào, thậm chí không dòng nào. Đó là sự lạ. Vậy, làm sao có thể nói đến là tính toàn vẹn của văn học Việt Nam?"


Cuối cùng Giải thưởng Việt Nam học được trao cho nhà dân tộc học Georges Condominas. Ông sinh tại 1921 tại Hải Phòng, bố Pháp, mẹ 1/8 Việt (Việt, Trung Quốc, Bồ Đào Nha). Ông đã có thời gian "ba cùng" với người Mnông Gar ở Đăk Lak và Tây Nguyên. Các công trình của ông về Tây Nguyên đã trở thành kinh điển của dân tộc học hiện đại. Nay gần 90 tuổi ông vẫn có những chuyến thăm nghiên cứu về vùng cao Việt Nam. Do không tiện về VN nhận giải ông đã nhờ đồng nghiệp Viễn Đông Bác Cổ thay mặt tại buổi lễ này.

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tay Phú Trạm nó là người Chăm,nghiên cứu về văn hóa Chăm,Thế là người Chăm gốc Ấn độ,và Người Việt cùng tồn tại trên dãi đất này?Nay mai nó bảo "Trung của" là gốc Chăm?...Có chứng cứ và...sử liệu...ối giời ơi, có trời mới biết nhỉ?

HữuThành.Nguyễn nói...

Cờ Tổ quốc ở Lũng Cú diện tích 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc cơ mà.

4 SG nói...

Đối với tôi, Chăm, Kinh, Miêu v.v.. đều là Bách Việt hết!

Riêng về phần tiếp thu văn hóa Ấn hay Hán, đã có bài của Nguyên Ngọc lý giải rất hay vấn đề này!

4 SG