Thứ Ba, tháng 3 16, 2010

Câu hỏi độc ác từ những đứa trẻ

là bài đăng trên Tuân Việt Nam.Net. Chúng ta ai chẳng so sánh mình với bọn trẻ lứa con và bây giờ lo cho lứa cháu.
Có một đặc điểm khác biệt giữa những đứa trẻ trong thế kỷ 21 này và những đứa trẻ của mấy chục năm trước. Đó là sự rời bỏ tuổi thơ của những đứa trẻ bây giờ quá nhanh. Chúng đã không sống đủ và sống hết tuổi thơ của chúng. Đấy chính là điều nguy hiểm nhất khi mà những đứa trẻ kia lớn lên thành những chủ nhân của thế giới.
Thấy vậy, lo vậy, nhưng chắc chẳng ai thoát ra được dòng chảy của xã hội. Một lối sống không chỉ ở xóm của mình, trào lưu không chỉ ở xứ của minh, mà là triết lý vận hành của cái thế giới ngày nay.
Những giá trị nhân văn đã trở thành các mục tiêu cao cả được vươn tới bằng các con đường rất gần với bản năng sống còn, như thể đuổi theo ảo ảnh.
Có phải con người ta luôn phải chọn chỗ giữa cơ hội và nguyên tắc. Cơ hội là phải thay đổi, cơ hội quá thì tới mức không ở trong cái môi sinh vốn có. Nguyên tắc là cố chấp, cố chấp sẽ không theo kịp đám đông, là bị đào thải.
Tâm lý đám đông có vẻ như một lựa chọn an toàn. Kết quả cuối cùng là tất cả đều lao đi tìm sự an toàn theo cách phải hơn người ta một tí. Trèo lên đầu nhau trong một cái giỏ đang chìm?
Cái triết lý giáo dục rõ ràng là có vấn đề, nói tới nói lui mãi chưa ra. Nhưng nhìn lại vấn đề "giáo dục người lớn" chẳng phải là không có vấn đề. Nghiêm trọng là ở đấy. Người lớn xuống một thì trẻ nhỏ xuống nhiều. Biết bao giờ mặt nước trong khi bùn dưới đáy cứ khuấy?
Chả trách người ta đi lễ chùa, lễ đền nhiều. Bỏ chút công của thời gian đi lễ dễ hơn tìm hạnh phúc trong chính sự tự biết về mình, hơn nữa làm vậy mà lại để thua thằng hàng xóm trong một thang giá trị sờ mó được của xã hội đương đại.
Bây giờ người ta thích lưu danh thiên cổ hơn là xem "thiên cổ" có gì để lại. Chả thế mà HN đang định chôn gì đó cho hậu thế nghìn năm sau lôi lên chiêm ngưỡng. Thật oai-sờ được sống ở HN với nghìn năm trước và sẽ tới nghìn năm sau. Lại có người bảo chôn gì cho nghìn năm sau. Đang lo phá những cái nghìn năm thì mong gì nghìn năm sau ai nhớ!

Lan man lộn xộn từ đọc một bài báo, nó là như thế.

9 nhận xét:

tranbachai nói...

MCQ mới cho các nhà giáo dục:
Anh/Chị hãy chọn câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi sau:
“Từ đâu ra những đứa trẻ độc ác?”
A) Vì cái giỏ chìm quá chật nên trẻ con phải trèo lên đầu người lớn
B) Vì bùn dưới đáy cứ khuấy nên trẻ con bị nhiễm độc
C) Vì có thằng đểu đứng bên trên rót bùn xuống đầu trẻ con

TranKienQuoc nói...

Nỗi đau cho những người còn có chúc lương tâm.

TQtrung nói...

Tâm hồn con trẻ như tờ giấy trắng,trong sạch và tinh khiết,tự chúng không thể bôi đen chính mình, vạch mặt chỉ tên cho đúng là chính cái xã hội này đã nhuộm đen lũ trẻ . Thượng bất chính ,hạ tất loạn.Bọn trẻ lấy cái gì làm gương? Bố mẹ ông bà cha chú suốt ngày lo kiếm tiền,lo chức quyền bổng lộc,đấu đá nhau, đạo đức băng hoại. Không hề quan tâm giáo dục con cái, nếu có nhớ đến thì ép buộc học này học kia, đỗ đạt thật cao để cha mẹ vênh mặt với đời, sức ép quá lớn nên chúng đã bắt đầu phản kháng đấy thôi.

Nặc danh nói...

Tụi trẻ bây giờ đang bị nhiễm độc từ tụi trẻ của 3 - 40 năm trước mà bậy giờ là cha mẹ chúng. Còn tụi trẻ hồi đó nhiễm độc từ đâu?

HMK6

ĐN.K7 nói...

Lại phải thở dài bác ạ.

TQtrung nói...

Các bạn xem bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Lập:

Mấy ngày nay cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng”, cô bé Nguyễn Quỳnh Anh bị đám nữ sinh cùng trường THCS Trần Nhân Tông đánh hộ đồng tại vườn hoa Pasteur (Hà Nội) gây xôn xao cư dân mạng, tràn xuống cả đời thường. Chuyện học sinh đánh nhau xưa nay là chuyện thường tình, con gái đánh nhau cũng không lạ, đánh hội đồng cũng chả lạ, thì ngay cả học sinh đánh cô thầy cũng không còn là chuyện lạ thì mấy chuyện kia có gì phải ngạc nhiên?

Mới đây thôi, một cậu ấm đòi thầy bật quạt đang khi trời lạnh, thầy không cho, lập tức chửi thầy, văng tục ngay tại lớp và doạ đánh thầy. Cậu còn rạch mặt ăn vạ, nhiều lần xông vào dùng dao doạ thầy, cuối cùng đánh thầy ngất đi. Chuyện này cũng không ghê bằng ba học sinh bị thầy hiệu trưởng gọi lên văn phòng viết bản tự kiểm điểm đã lén bỏ thuốc chuột vào ấm nước của thầy cho …bõ tức, may thầy phát hiện ra kịp.

Vậy thì vì sao cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng” lại được dư luận chú ý, bàn tán xôn xao? Xem kĩ thì thấy trong khi cô bé Tường Vi đánh cô bé Quỳnh Anh có thể nói rất dã man thì mấy cô bé khác ngồi yên xem như xem phim, mặt mày không biểu lộ một gram cảm xúc. Cạnh đó ta thấy một vài người lớn đi qua, không ai dừng chân, mặc kệ lũ trẻ muốn làm gì thì làm.

Cái sự dửng dưng kia đã làm cho mọi người quan tâm. Một khi cái ác diễn ra ngang nhiên trước mắt lũ trẻ và được lũ trẻ coi đấy là chuyện bình thường thì mối đe doạ về nhân tính đã lên đến đỉnh điểm.

Xưa học trò đánh nhau đều lén lút, giấu cha mẹ, giấu cô thầy, chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ. Bây giờ thì không. Cô bé Tường Vi đến đồn công an không để lộ chút sợ hãi “ Thi thoảng cô gái 17 tuổi này còn nói chuyện pha trò với cảnh sát.” ( theo vnexpress) Cô nói tỉnh bơ: “Em đánh thế đã ăn thua gì, vẫn nhẹ mà. Ở ngoài đời còn có những vụ đánh nhau ác liệt hơn thế”. Trong khi đó cô giáo khi biết đến việc này đã gần như phủi tay, cho là học trò đánh nhau ngoài trường học ấy là cô vô can.

Ở nước ngoài hành hạ một con vật cũng bị xã hội lên án, bị pháp luật trừng trị, trong khi đó ở ta bạo lực học đường không còn là chuyện lạ, dường như nó là chuyện vặt hằng ngày. Khi có chuyện xảy ra thì thầy cô giáo lập tức phủi trách nhiệm, bố mẹ lập tức tìm cách chạy tội cho con cái, một số kẻ nhân việc này lập tức tìm cách đục nước béo cò. Cuối cùng tất thảy đều rơi vào im lặng đáng sợ.

Sự dửng dưng trước cái ác của người lớn đã tạo cơ hội cho lũ trẻ ngang nhiên làm cái ác không chút sợ hãi. Chúng chẳng thèm giấu diếm, thậm chí cái ác đã và đang trở thành thú vui, trò tiêu khiển của học trò.

Tôi tình cờ vào một blog của một cô bé, cô đã đưa lên các clip quay bằng mobile của mình, cái vài ba giây cái năm bảy giây, với những các tit vui vẻ: Lớp 10 A táng nhau nè- Thụi nhau trong giờ chào cờ nè- Con gái cũng võ lâm tự nè…v.v Những comments bạn bè trong lớp cô bé cũng bình luận vui vẻ, coi như chuyện của ai đó, như là đang xem phim: Ui chời ra đòn dở ẹc ẹc- Con gái xoạc dữ hen, rách rồi em ơi… ặc ặc- Chưa máu lắm táng mạnh dzô…mấy nàng ơi…

Cho nên cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng” được tung lên mạng để làm trò vui đã bị công luận phản ứng gay gắt, pháp luật thậm chí đã phải ra tay không chỉ là hành vi xâm hại thân thể và nhân phẩm của lũ trẻ mà chính là căn bệnh vô cảm trước cái ác, nó chính là vius phi nhân tính làm huỷ hoại nhanh chóng phẩm tính người. Ở cái nơi trồng người lại nảy sinh loại virus phi nhân tính thì thật đáng sợ, nó báo trước một tương lai u ám của ngành giáo dục nước nhà.

HữuThành.Nguyễn nói...

"nó báo trước một tương lai u ám của ngành giáo dục nước nhà", tôi không đồng ý với anh QT.
Có nhiều điều u ám, không riêng gì giáo dục. Giáo dục chỉ là một biểu hiện, như các biểu hiện khác mà ta vẫn thấy. Tôi đã có dịp nói nhiều lần. Nếu các loại cây, con đều bệnh thì có nghĩa là ở tầng sâu hơn, ở dưới đất, đã bị ô nhiễm.
Cái lan man lộn xộn mà tôi đã trình bày khi nhìn qua cửa sổ giáo dục chính là muốn nói tới cái tầng triết lý chung của chúng ta đang bị ô nhiễm.
Kể cũng phải thôi. Chuyển đổi từ hình thức XHCN tập trung sang XHCN định hướng mà động lực lại là TBCN thì cái triết lý nó thay đổi khủng khiếp, nhưng không ai để ý. Khi mà ý thức xá hội tan rã thì ý thức cá nhân phải trỗi dậy để sống còn. Chính là bản năng.

TQtrung nói...

Trong chuyện này thực ra tôi chưa dám có ý kiến cá nhân, xã hội còn có biết bao người tài giỏi mà họ còn chưa ho he nữa là là cái thằng chân đất mắt toét như mình, có nói ra với nhau thì cũng chỉ để lắc đầu lè lưỡi rồi rụt cổ vào thôi, bài viết trên tôi tình cờ đọc được trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập, thấy được nên trích về để anh em đọc. Cách nhìn nhận của anh này đáng chú ý ở chỗ nhận ra sự vô cảm của cả trẻ con và người lớn,sự chối bỏ trách nhiệm của nhà trường, sự phi nhân tính của con người và cả sự bất lực của hệ thống giáo dục trong định hình tính cách của lớp trẻ. Tôi thì thấy cũng có cái hay, cái lũ cứng đầu này nay mai có chiến tranh với ngoại bang chắc sung ra phết:-(

Unknown nói...

QT ơi!thực ra AE mình có thấy cũng đành chịu thôi,Thầy nó nhận phong bì của phụ huynh rồi,phải lờ đi chứ!Xã hội có lên tiếng thì nó bảo ở ngoài đường, thế là phủi trách nhiệm !Do xã hội này nó thế!Thằng Thầy nó thế thì làm sao dạy được trò ,càng nghỉ càng thương mấy thầy mình ngày xưa.Trò nghịch mà Thầy phải năn nỉ , tỉ tê khuyên bảo ,thế mới có trò NVT chứ!