Chủ Nhật, tháng 3 07, 2010

Ảnh chuyến đi Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Anh QT đã đưa một số ảnh chuyến đi này. Học tập THD soi NTN, lão Tt này soi tôi rất kỹ, lần này ngủ còn bị chụp. Ấy mà lão chụp tôi ngủ ghế, khi tôi dậy còn thấy lão nằm thẳng cẳng trên bàn cơ.

Rừng Quốc gia Xuân Sơn thuộc xã Xuân Sơn huyện Tân Sơn (tách ra từ Thanh Sơn, Phú Thọ). Tôi quên không mang theo máy thu GPS nên không xác định rõ nó ở đâu trên bản đồ.
Bao nhiêu hécta, loài cây, loài thú,... bò vào tai này lại ra tai kia. Chuyến này chỉ có đi đến xem và về. Nhưng cũng nhớ được cư dân có hai dân tộc chính trong này là Dao và Mường.
Tt nói sai giờ đến Vườn, đúng ra là 11h thì tới. Quyết định chỉ đi hai cái hang dễ đi rồi về ăn trưa xong là kết thúc chuyến đi.
Cái hang đầu tiên đang được công ty Xuân Trường chuẩn bị khai thác du lịch. Đường vào khu du lịch đang được làm. Những ngôi nhà sàn dịch vụ cũng đang được dựng. Hỏi cậu thanh niên ở Ban Qlý Vườn thì Xuân Trường này chính là cái công ty xây dựng chùa Bái Đính. Thế thì tiềm lực quá sá rồi.
Trèo lên hang, theo họ nói thì 300 mét nữa. Đi xong thì thấy là 300m dài. Chứ 300m cao thì bằng gần 1/3 chiều cao lên đỉnh Yên Tử, khối anh có mà đi bằng mắt. Đường lên hang còn một đoạn ngắn, cửa hang nhỏ nhưng hơi ra mát lạnh.
Vào hang chưa có đèn chưa có đường, cả hội đi bằng 3 cái đèn soi thuê của công nhân ở đấy. Thám hiểm hang động mà không có mũ bảo hiểm là rất nguy hiểm. Leo trèo một hồi, cái hấp dẫn nhất theo mô tả của cậu dẫn đường còn ở trong nữa. Nhưng mà thôi, chụp đại vài ba tấm rồi rút.
Lên xe sang cái hang thứ hai. Nghe mô tả thì rất hấp dẫn, rằng trong hang có nước chảy, tắm được. Nó ở sau một cái bản nhỏ chắc có lẽ của người Dao. Bây giờ thì họ lợp phibro xi măng cho cả nhà cũ và nhà mới. Ở đây trông vậy nhưng khá văn minh. Ở chỗ người ta trữ nước sạch trên các bể đâu đó gần nguồn và dẫn về theo mô hình hước máy công cộng Hà Nội những năm xưa. Xa xa trong ảnh có hai người phụ nữ đứng bên cái vòi nước ngoài trời. Ít nhất thấy có hai cái như vậy rải rác trong bản.
Chỉ có cái chòi để lúa là có vè nguyên bản. Bốn cái cột mỗi cái có một tấm chống trèo ở bên trên. Với các tấm này thì rắn, chuột đều không có lối vào chòi. Để chòi riêng ra như thế này vừa dễ cách li các loài ăn hại. Mà nếu lỡ có cháy nhà thì lương thực vẫn còn, không đói là còn gây dựng lại được.
Đi xuyên qua bản thì vào hang. Đi chơi hang động ngoài việc trơn ngã còn có các mối nguy khác như thọt chân xuống kẽ đá có thể gãy chân, húc đầu vào tảng đá phía trên nếu không để ý.  Ngay cửa cái hang này có mấy lỗ "nước rơi đá thủng" có hình tròn như bị khoan bằng máy. Thử tưởng tượng nước rơi trong bao lâu để đá mòn đi như vậy?
Cái hang này có lẽ không vào sâu được. Vì đi một đoạn là trần thấp xuống, có bãi cát thoải xuống nước. Nước trong, nhưng không chảy. Tắm ở đây không phải là sáng kiến hay.
Vài người lần mò chụp ảnh trong hang. Phần đông còn lại ngồi ở cửa hang nói chuyện, nghỉ mát. Kể ra cũng mệt rồi. Trước khi ra về mời yên vị để chúng tôi chụp một cái tập thể. Chụp không đèn, để độ nhậy cao cho ánh sáng tự nhiên, hơi mờ.
Trên đường ra mới để ý một cái cần bẫy. Lạ là cái bẫy này thả dây xuống nước. Như thế thì đầu dây chắc không phải cái thòng lọng thường bẫy thú. Mà có thể nó là cái lưỡi câu? Cơ cấu "cò" của bẫy gắn trên tảng đá. Có thể đoán cái "cò" này sẽ được tác động bởi dây câu bị kéo căng.
Người ta nói rằng dưới này có con cá suối cỡ chục cân mà chưa ai lôi được nó lên. Cá to lại già thì chắc ăn ngon. Nhưng lại bâng khuâng một nỗi nó là dấu ấn thời gian. Ăn mất nó đi cũng giống như diệt đi một chứng tích. Khi đó huyền thoại về lão cá già còn kể thêm mấy câu là nó bị ăn mất bởi ai đó sau khi bẫy thành công vào lúc nào đó.
Ai có cái vinh hạnh được ăn con cá suối lâu năm như món cá kho tương trên đĩa buổi trưa ăn tại Ban Quản lý Vườn? Gốc tọa độ là món thịt lợn lửng. Cứ google "lợn lửng" chắc sẽ ra món lợn nuôi thả rừng của dân Phú Thọ. Da giòn, mỡ mỏng. Tiếp theo chiều kim đồng hồ là cá kho tương với riềng giã, thịt vịt hoa chuối rừng nhồi ống bương nướng, rau muống xào lòng, thịt lợn nướng và gà. Còn thiếu món măng xào lòng và rau ngót luộc. Có một mùi thơm mà ít người biết, là mùi hạt cây gỗ dổi. Người dân tộc ở rừng dùng hạt dổi nướng giã nhỏ cho vào món chấm (muối, nước mắm, kho cá, ướp thịt,...) như ta dùng hạt tiêu.
Sau khi chén những thức ăn rất ngon này, mà thực tế tôi hầu như không ăn lợn, chắc chắn không ăn gà, mọi người nghỉ một tí để còn về HN cho sớm.

16 nhận xét:

AK7 nói...

Thà các pác cứ nói là đi ăn đặc sản rừng quốc gia cho nhanh,chứ thăm thú gì!He he.

OngNgai nói...

ăn chay của TQ đấy , chỉ có thế thôi với một chai nước Ngô Thanh Vân vừa nồng vừa say

Minh Thu Le nói...

HH lần này khá quá,leo được tất cả các hang động,lại đươc hưởng các món đặc sản của người rừng quá đã.sao không không thấy chủ tịch huyện,xã đóng vai người rừng nhỉ,chắc là chưa mua được bộ đồ lông nào a...

ĐN.K7 nói...

Ở ngoài Bắc có nhiều nơi đi được quá, đi về trong ngày.
Nhà em bắt chước kiểu soi của THD, các bác tới xóm người ta, toàn nhà lá nứa tranh tre lại đùa vui lỡ cháy nhà vẫn còn lúa (!), giống kiểu em đến nhà bố vợ, nhà bố mà cháy tre nứa nổ lốp đốp vui tai phết. He...

ĐN.K7 nói...

Có bà chị nhà quê nào ở hình 1 ới nhở: "Cái cổng chào này là cây thiệt hay giả vậy ta". Lâu quá chẳng thấy bà chị neo nốc.

HữuThành.Nguyễn nói...

Câu hỏi của ĐN giống y chị VTM. Sau khi nhìn ngó, "sờ vào hiện vật" thì kết luận "giả y như thật".

HữuThành.Nguyễn nói...

@KV: có nước ngô men lá của đồng bào địa phương. Nhưng anh em không dám dùng, vì bây giờ khả năng đồng hóa kém. Đành dùng chai Smirnoff xanh, 50 độ cồn vậy.

Unknown nói...

TQ ơi.Lần sau tôi ra Bắc ông nhớ cho tôi đi một chuyến nhé, cứ ở nhà hoài buồn như chó cắn!Đỗ Nghĩa ơi,Chị VTM mà không có mặt là chú phải bay ra Bắc ngay ,hoặc phôn ra vì sao chị ấy vắng mặt? còn cái gốc cây ấy nó là thật đấy ,thằng làm ra nó nói thế mà! Lâm tặc chặt hết các cây to rồi,không làm gốc cây này thì làm sao lừa được mấy anh chị ở xuôi lên...

HữuThành.Nguyễn nói...

Thủy bều làm gì có thời gian? Mỗi lần ra Bắc lại một lần hai vợ chồng Tb lao vút qua bầu trời HN như... sao băng :-)

TQtrung nói...

TQ đừng có đổ tội cho tôi nhé:-)
nó soi nhau để tìm cái không tốt, mình "soi" nhau để tìm niềm vui,chủ yếu để ca ngợi tác dụng của chiếc khăn rằn,che đầu trời nắng, quấn cổ trời lạnh, mũ bảo hiểm chui hang, quấn lại làm gối nghỉ trưa và chắc còn nhiều tác dụng nữa, hôm nào phải xin một cái phòng thân mới dược.

HữuThành.Nguyễn nói...

Chắc có lẽ hôm nào mở hội thảo Vườn Treo về tính năng tác dụng của khăn rằn?

Nặc danh nói...

TQ ơi,cái khăn rằn là của Nam Bộ và Ông Khơ Me ,ngoài tác dụng mà QT đã nêu còn có tác dụng buộc vào cổ chân để kéo xác khi đánh nhau chết,và đặt dưới bùn để uống nước tại mấy vũng trâu bò đầm khi vào mùa khô ở Campuchia!

Unknown nói...

À,quên mất,ở Phú Thọ có một loại hạt gọi là hạt "sẻn",nó như hạt cây ngò,hoặc cây thì là thơm như mùi tiêu ,cũng cay thường làm gia vị đấy.Đi thêm một nơi ,biết thêm một tí.chẳng ai rỗi hơi mà đi xa thế để ăn đạc sản cả.Riêng TQ chờ đấy ,lần sau tôi ra là ông phải đưa đi thăm trang trại,rồi ghé nhà Hà tr.và T Bình dể thưởng thức món gà nướng đặc sản của Năm Tống ở Bãi Dại do tôi làm đầu bếp nhé.

HT nói...

Tưởng gì chứ đi mà có ăn ngon thì quá dễ.

Nặc danh nói...

Tại sao mấy lần tôi ra mà lão TQ lại giấu cái "địa chỉ đỏ" này nhỉ?
TM

HữuThành.Nguyễn nói...

Địa chỉ này là của TN. Mà hắn cũng còn đi lạc. Đi rồi thấy cũng bình thường thôi.