Năm ngoái dịp 30/4-1/5 tôi đi Quảng Bình, Quảng Trị. Rủ bạn xấu chả được ai; Việt Thắng có ngày nghỉ dài thì đưa bà cụ đi biển, Tương Lai đột xuất đi Philipin. Cuối cùng đi với mấy người bạn ngoài-Trỗi. Thăm các nghĩa trang LS Trường Sơn, Đường 9, thăm địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương. Và về quê tôi ăn món cháo bột Diên Sanh nổi tiếng cấp tỉnh.
Năm nay dịp 30/4-1/5 tôi tổ chức chuyến đi Hà Giang được anh Tương Lai với lão Hợp cùng cơ quan ủng hộ. Lão Hợp có lẽ lại là tay bạn xấu nhất, vì hắn sẵn sàng tổ chức và tham gia các chuyến đi như vậy.
Gọi các chuyến đi này là "mỗi năm" là vì thế.
Chúng tôi đi từ ngày 29/4, sau một đêm mưa lớn ở Hà Nội. Gió mùa lại về, trời không lạnh nhưng sũng nước. Rất may là càng đi lên phía Bắc trời càng hửng, đến Hà Giang thì không còn mưa nữa. Lịch trình của chúng tôi là 3 ngày, không chốt địa điểm để không bị thúc ép về thời gian.
Xuất phát tại HN quãng hơn 7h sáng, đến Vĩnh Yên rẽ đường 2C đi Sơn Dương rồi theo đường 37 đến Tuyên Quang. Đây là con đường đã được những tay lang thang chấm là thuận tiện nhất để lên phía Bắc. Ăn trưa tại Tuyên Quang. Theo thông lệ là vào các quán có nhiều xe ô tô, thế mà bọn tôi lại rẽ vào một quán chưa có cái xe nào, trở thành con-chim-mồi dẫn dụ bọn xe khác một chốc đến chật.
Đi tiếp lên Hà Giang. Đường 2 từ Tuyên Quang đi Hà Giang, quả thật như lời anh Thao láo nói, dễ đi hơn lên Lạng Sơn. Vì thế đoạn này cả lượt đi và về tôi để cho anh Tương Lai bổ túc tay lái, kèm theo bao nhiêu là nhắc nhở và quát mắng(!).
Đến Hà Giang thấy vẫn còn sớm, chúng tôi quyết định đi luôn đến thị trấn tiếp theo là Tam Sơn (huyện Quản Bạ). Theo bản đồ giao thông thì cổng trời Quản Bạ ở đằng sau thị trấn. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Chúng tôi đến Cổng Trời Quản Bạ vào lúc 5h chiều. Trời còn sáng, gặp một nhóm thanh niên đi "ta ba-lô", mỗi xe một nam một nữ dừng nghỉ ở đó. Nói chuyện với những người bắt gặp trên đường như vậy rất khoái, dù chỉ là vài câu thăm hỏi về chuyến đi, chia sẻ thông tin về các điểm đến. Lại còn được chúng nó gọi là "anh" :-))
Gọi là Cổng Trời là vì nó ở trên "trời", cao độ giới thiệu là 1500m/biển nhưng theo GPS của tôi thì cũng chỉ trên 1100m thôi. Điểm đặc biệt của nó là một khe hẹp độc đạo đi từ bên này sườn núi sang bên kia. "Cổng" vì nó là cửa ngõ duy nhất đi vào và còn theo nghĩa đen vì ngày xưa ở đây có cánh cổng bằng gỗ dày 15cm đóng mở theo giờ. Anh Tương Lai nói những ngày mới hoà bình sau 1954 vùng này là nơi phỉ hoạt động mạnh, những câu chuyện tiễu phỉ Cổng Trời còn ấn tượng mạnh tới bây giờ. Ảnh chụp Cổng Trời từ phía trong ra, một con đường đi qua hai vách đá dốc dựng.
Từ Cổng Trời xuống thị trấn Tam Sơn mất có ít phút. Chưa tối, chúng tôi lại đi tiếp. Thị trấn tiếp sau là Yên Minh, huyện Yên Minh. Ở đây đi lại không theo cách nghĩ thông thường được. 50km không phải là 1 giờ chạy xe trung bình mà phải là 2 giờ. Đến Yên Minh trời đã tối. Huyện lị vùng cao hàng quán không tấp nập chào mời. Cửa hàng ăn chả có ai, nhà nghỉ tối om, chỉ sáng đèn quầy lễ tân. Ăn xong, chúng tôi đến nhà nghỉ Thảo Nguyên, có lẽ là những người khách duy nhất ở đây. Phòng nghỉ tươm tất hơn cảm tưởng ban đầu. Rộng rãi, máy lạnh, nước nóng, TV, giường êm nệm ấm, chăn màn diêm dúa kiểu Tầu, ... mà có 120 nghìn đồng một tối. Mở bản đồ ra xem, kết hợp thông tin hỏi được chúng tôi quyết định ngày mai đi theo tuyến Yên Minh-Mèo Vạc-Đồng Văn-cột cờ Lũng Cú-Yên Minh-Tam Sơn-Hà Giang. Đi được đến đâu thì đi, ưu tiên tham quan, chụp ảnh.
Rời Yên Minh muộn, vì còn muốn xem phim buổi sáng. Thế nhưng ra khỏi thị trấn thì sương vẫn chưa tan. Những cây sa-mu(?) ngọn nhọn chĩa lên trời ở bên đường trong làn sương lảng bảng, anh Tương Lai nói giống ở nước ngoài. Một chốc sau sương tan nhanh, ánh nắng lại chiếu rọi khắp nơi. Càng đi vào đất Đồng Văn, Mèo Vạc, núi càng nhiều đá. Đá tai mèo lởm chởm, nhìn không thấy đất. Nhưng thấp thoáng ẩn hiện sau những mỏm đá là những người Mông đang chăm ngô ngay trong đám đất giữa những mỏm đá. Bây giờ ngô còn non, mới có bốn năm lá. Khi chúng lớn, có bắp, cảnh nhìn chắc sẽ có mầu xanh đẹp mắt hơn. Đất trong khe đá có vẻ rất tơi và có lẽ đá là một yếu tố điều hoà độ ẩm của đất, làm cho ngô có thể mọc được. Trong khi người lớn chăm ngô thì những đứa trẻ vài ba tuổi còn chưa mặc quần chơi quanh cái gùi mà cha mẹ chúng để trên đá. Còn những trẻ lớn hơn thì đã trở thành lao động rồi. Hai đứa trẻ trong ảnh đứng trước trụ hộ lan bên đường thấy chúng tôi chạy xe tới, vẫy tay chào. Tôi dừng xe, hỏi chuyện chúng. Bọn trẻ nói chuyện rất tự nhiên, hồn nhiên và mạnh bạo. Lão Hợp tranh thủ bấm máy.
Đến thị trấn Mèo Vạc, không có chợ phiên, chúng tôi đi tiếp tới thị trấn Đồng Văn.
Có một nhận xét rằng loanh quanh trong bốn huyện vùng cao này của Hà Giang chuyện leo lên cao tụt xuống thấp vài trăm mét là chuyện bình thường. Vì thế khác với vùng xuôi, ở đây không ai đặt biển tên cho đèo dốc. Chỉ có biển báo rẽ và biển báo độ dốc 10%. Mà những con đường đó, dù là quốc lộ (QL) hay đường huyện (ĐH) đều hẹp, phần nhựa chỉ khoảng 4m. Mỗi khi tránh nhau một xe đi sát gần bờ vực xe kia đi sát vách núi. Ta-luy âm và dương đều cỡ 45 độ trở lên, nhiều chỗ không có cọc tiêu, không nói gì tới dải thép hộ lan. Nguy hiểm như vậy nên nói chung các xe đều rất lịch sự, nhường nhau khi tránh vượt, thường là xe xuống dốc dừng hẳn lại. Suốt một ngày lái xe trên những con đường như vậy tôi không cài dây an toàn, với ý nghĩ lăn ra khỏi đường thì cài dây cũng chả khác gì không cài. Vực sâu thăm thẳm, sườn núi toàn đá mà chả có cây to khả dĩ ngăn cho xe không lăn xuống tận đáy. Tốt nhất là đừng có lăn!
Đường từ Mèo Vạc sang Đồng Văn đi qua dốc Mã Pì Lèng cheo leo bên sườn núi mà công nhân 16 dân tộc anh em đã mất 11 tháng đục đá làm thành. So với các con đường khác ở vùng này thì dốc không có gì đặc biệt hơn. Nhưng nó được ghi nhận là con đường được mở ở thời kì đầu sau hoà bình lập lại, cùng với thời kì tiễu phỉ, ổn định đời sống các đồng bào dân tộc vùng cao.
Thị trấn Đồng Văn có một cái chợ cổ. Gọi là cổ vì nó được xây bằng đá, lợp ngói âm dương rất đẹp, chỉ có thể là công trình thủa xưa. Tuy nhiên, xét về mặt quy mô và kiến trúc thì các chợ ở xuôi hiện đại thời nay chả phải là hơn hẳn. Thị trấn này mới đầu tuần Phú Hoà đến làm việc về dự án nước sạch. Nhờ thế hắn cũng đá thấy được vẻ hùng vĩ và khắc nghiệt nơi đây.
Hôm chúng tôi tới không có phiên chợ nên các bếp thắng cố đều nguội lạnh, chợ vắng tanh. Chúng tôi bỏ xe, đi bộ loanh quanh khu phố cổ. Buổi tối sẽ có lễ hội phố cổ. Nhưng phố chả còn được bao nhiêu nhà. Mà nhà cũng không còn hẳn là cổ. Lão Hợp chụp một cảnh tương phản: trâu và xe máy, nhà cổ với chảo vệ tinh ở trước nhà đời mới. Một vài ngôi nhà cổ, gạn lọc cắt cúp thì cũng có được những góc vừa mắt.
Không có thời gian ở lại dự đêm hội phố cổ, chúng tôi ăn trưa rồi rời Đồng Văn đi thăm cột cờ ở cực Bắc của Tổ Quốc, xã Lũng Cú.
Ra khỏi thị trấn một đoạn thì gặp di tích lịch sử Nhà Vương ở xã Sà Phìn. Đây là nhà của Vương Chính Đức, thân sinh của ông Vương Chí Thành, người đã thực hiện hoà hợp dân tộc, huy động đồng bào dân tộc Mông sát cánh cùng các dân tộc Việt khác chống thực dân Pháp. Ông được Cụ Hồ phong tặng danh hiệu "Tận trung báo Quốc - Bất thụ nô lệ". Khu nhà nay được công nhận là di tích lịch sử, do dòng họ quản lí. Khi chúng tôi đến thì khu nhà khoá cửa, bên trên có dòng chữ "liên hệ ông Vàng Chá Sèo". Lão Hợp liên hệ theo hướng dẫn, hai đứa cháu nhỏ xách chìa khoá mở cửa cho chúng tôi vào. Di tích này không thu lệ phí tham quan. Khi lão Hợp thay mặt anh em tôi góp chút tiền để tu bổ di tích thì ông Vàng Chá Sèo nhất quyết không nhận. Nói mãi là để tu bổ di tích, mong cho di tích còn mãi cho con cháu đời sau, thì ông mới nhận. Thực lòng chúng tôi không muốn di tích này thành phế tích mai sau.
Hai cháu nhỏ rất ngoan, chúng tôi hỏi chuyện cháu, được nghe trả lời bằng tiếng Kinh thật ngọt ngào, khác cách mà các cháu Kinh trả lời người lớn. Chúng tôi chụp một tấm ảnh với hai cháu và chắc sẽ gửi ảnh lên cho gia đình của chúng làm kỉ niệm.
Đích đến cuối cùng của chuyến đi, vốn là mục tiêu ban đầu, là cột cờ Lũng Cú ở xã cực Bắc của đất Việt Nam. Chúng tôi đến vào buổi chiều, khi nhiều đoàn khách khác (đã gặp đi ngược chiều) đến thăm. Cùng lúc chúng tôi đến, còn có nhiều khách khác nữa. Đọc thông tin trên mạng về đến thăm cột cờ Lũng Cú, có những đoàn khách ghé Đồn Biên phòng Lũng Cú thăm và hỏi về việc đó thì được phổ biến không mang máy ảnh và các thiết bị chuyên dụng lên đó. Là vì họ nghĩ cột cờ là cột mốc biên giới cực Bắc nên mới cẩn thận như thế. Thực ra đất Việt còn ở cách xa cột cờ. Đây chỉ là cột cờ ở Uỷ ban ND xã Lũng Cú, xã cực Bắc của đất Việt. Với vị trí đó, xã được nhà nước dựng cho một cột cờ "hoành tráng", ở độ cao chân cột trên 1400m/biển, chứ không phải là điểm dấu biên giới Việt - Trung. Rời cột cờ cực Bắc, chúng tôi lại leo lên leo xuống hàng trăm mét cho chuyến về nghỉ đêm ở Tam Sơn, thị trấn của huyện Quản Bạ.
Ngày cuối cùng của chuyến đi, leo nốt một lần dốc Cổng Trời là về lại với đường bằng của vùng xuôi. Đã thấy nhớ cái khắc nghiệt của con đường suốt ngày đi lên đi xuống, của những vùng đá nhiều hơn đất, của lối người Mông sống trên cao tất tần tật trông vào sức người, của núi non hùng vĩ mà hoang vu. Một lần đi mới thấy và cảm nhận được. (Xem thêm ảnh ở đây)
Chủ Nhật, tháng 5 06, 2007
Mỗi năm một chuyến đi: 30/4-1/5 đến địa đầu Tổ Quốc
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Chủ Nhật, tháng 5 06, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
3 nhận xét:
Các anh ngoài nớ đi chơi đã quá. Tôi chưa lên Mèo vạc, nhưng được biết hồi xưa chỉ có đường ngựa thồ, 1 người 1 súng cũng đủ chặn cả đoàn quân. Sau cụ Hồ làm đường cái quan, nhưng đi rất gian nan. Nghe nói đoạn đi Mèo vạc vực sâu hút, nhìn là rùng mình. Đường gập gềnh, rộng vừa đủ 1 xe Gát 69. Giao lưu với miền xuôi gần bằng không, hèn chi ông Vương Chí Sình cát cứ yên ổn. Hồi đó đưa ô.VCSình về xuôi bằng khiêng cáng. Nay có đảng chính phủ đem cái đường hiện đại lên cho đồng bào, nên các anh mới có dịp lên chơi. Hỏi anh 1 chút: vậy cái đoạn đường (qua Mã phí lèng) có vực sâu hun hút nay ở đâu rồi (hay nó giống như đường Tây bắc: tách đèo 46, tách chỗ anh Cù Chính Lan đánh xe tăng ra khỏi đường 6 mới chăng). Chắc bây giờ trên đó cây cối sạch trơn, khỏi đi lấy củi, xài bếp ga. Cho biết cảm tưởng của anh khi vào dinh thự của Vương Chí.
HCQuang
Anh Chí Quang, giống anh T.Lai, cũng có nhiều ấn tượng với những câu chuyện về vùng này nhỉ. Tôi thì chả nhớ được chuyện gì cả.
Đúng là vùng này đi lại rất khó khăn. Con đường cụ Hồ mở, gọi là đường Hạnh Phúc, vẫn là đường chúng tôi đi. Vực sâu hun hút là đúng. Bọn tôi có chụp ảnh nhưng xem lại chả thấy có cảm giác như thật nên chưa cho lên. Để tôi xem cái nào khả dĩ nhất sẽ cho vào mục "xem thêm" để các anh xem.
Không biết cây cối ngày xưa có không, bây giờ thấy sạch trơn thật, kể cả những nơi miệng vực. Đến nỗi tôi cho là vốn không có cây.
Bây giờ phải đi viếng tang mẹ vợ Hà Văn Hiếu, lát nữa về hầu chuyện tiếp.
H.Thành
Tôi đã cho thêm mấy cái ảnh: bia kỉ niệm đường Hạnh phúc nối Hà Giang-Đồng Văn-Mèo Vạc (QL 4C). Như thế là từ thị xã Hà Giang, qua Cổng Trời, qua nhà cụ Vương Chính Đức (cha của Vương Chí Sình (Thành)) , qua Đồng Văn, rồi mới đi Mèo Vạc. Dốc Mã Pì Lèng là đoạn nối Đồng Văn và Mèo Vạc. Ảnh dưới vực sâu có con đường đi đâu đó. Và ảnh bản đồ tuyến đi.
Nhà cụ Vương Chí Sình có tường đá bao quanh, có nhiều lỗ châu mai. Cấu trúc nhà giống trong các phim TQ thời xưa. Có một ảnh nhìn qua cửa sổ thấy các mái nhà , liên tưởng phim "Mùa quýt chín". Hậu dinh có hai lô cốt hai bên toàn bằng đá với các lỗ châu mai. Tuy thế phần mái vẫn là gỗ và ngói. Như vậy lô cốt này chỉ chống được súng kíp và đạn bắn thẳng nhỏ thôi. Cũng phải, nhà được xây từ thế kỉ 19 chứ không muộn hơn. Bây giờ mà được một cơ ngơi như thế thì vẫn là quá tuyệt với mọi người. Hệ thống thoát nước qua cống ngầm bằng đá, hệ thống hứng và trữ nước mưa vào bể to vật vã (xem ảnh) cho thấy sự tinh tế và khoa học khi người ta làm cái nhà này.
Đăng nhận xét